Makét 02

Tiêu Chí Nào Để Ảnh Được Chọn Đăng Trên Tạp Chí Heritage?

Dòng chảy mới của báo chí hiện đại tận dụng và kích thích nhiều hơn cảm nhận của người đọc bằng các giác quan, đặc biệt là thị giác. Đằng sau những phóng sự xuất sắc chúng ta thường trầm trồ mỗi khi nhìn thấy trên National Geographic hay GEO là đội ngũ sản xuất hùng hậu trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những biên tập viên đầy kinh nghiệm trong đó có biên tập viên hình ảnh. Biên tập viên hình ảnh là những người hiểu về ngôn ngữ thị giác, định hướng bao quát hình ảnh của ấn phẩm, kết nối với đội ngũ nhiếp ảnh gia, hỗ trợ và thúc ép họ từ xa đồng thời lựa chọn hình ảnh minh hoạ cho mỗi bài viết với một góc nhìn tỉnh táo hơn. Trong nhiều trường hợp, các biên tập viên hình ảnh trở thành tiếng nói mà nhiếp ảnh gia tin tưởng để soi chiếu, từ đó phát triển sự nghiệp cá nhân. Nếu nhiếp ảnh gia là những người thợ ‘săn’ kim cương thô tại những nơi heo hút nhất thì biên tập viên hình ảnh chính là người thợ kim hoàn cần mẫn tạo nên những viên kim cương đẹp nhất, toả sáng nhất.

Tuy vậy, công việc biên tập ảnh ít nhiều chưa được hiểu và đánh giá đúng bản chất trong môi trường báo chí địa phương. Éo le hơn, ở nhiều toà soạn việc quyết định sử dụng hình ảnh thường thuộc về người thiết kế và thuật ngữ “biên tập ảnh” thường xuyên bị nhầm lẫn với việc chỉnh sửa hậu kỳ. Matca đã có dịp trò chuyện với Đinh Cẩm Ly, biên tập viên ảnh hiếm hoi từ tạp chí Heritage để nghe cô kể về đặc thù công việc, cách cô xem ảnh và những chia sẻ về cuộc thi ảnh Hành Trình Di Sản đang được tạp chí phát động.

Portrait of Dinh Cam Ly.

Trong môi trường báo chí tại Việt Nam có rất ít người đảm nhiệm vai trò biên tập ảnh với danh xưng rõ ràng như Ly và không mấy ai hiểu chính xác về công việc này. Ly nghĩ gì về vai trò của mình trong tạp chí Heritage?
Mình rất hiếm khi được gặp ai làm cùng công việc nên chắc số lượng cũng ít thật (cười). Trước đây tạp chí không có biên tập viên mảng ảnh nên ảnh được phóng viên hoặc nhiếp ảnh gia gửi thẳng đến Ban biên tập. Sau này mình đảm nhận vị trí biên tập, làm công việc thu thập ảnh cho bài viết, chọn lọc những tấm phù hợp, tìm bổ sung nếu thiếu ảnh minh họa, hay đi tìm bộ ảnh thay thế nếu ảnh nhận được không đủ chất lượng. Mình là “bộ lọc” kiểm định ảnh trước khi làm việc với bộ phận thiết kế.

Người biên tập ảnh thường sẽ định hướng ấn phẩm đi theo những tiêu chí chung của tạp chí. Bên cạnh đó công việc này cũng mang tính thẩm mỹ cá nhân khá cao. Tất nhiên bên cạnh mình, người thiết kế chính của ấn phẩm cũng là một người có mắt thẩm mĩ tuyệt vời giúp tạo nên sự thành công của Heritage.

Một vài tiêu chí cơ bản cho hình ảnh mà tạp chí Heritage có thể sử dụng là gì?
Heritage tuy không phải là tạp chí nhiếp ảnh nhưng hình ảnh chiếm một vai trò rất quan trọng. Đây là tạp chí trên máy bay, được đọc trong điều kiện rung lắc và ánh sáng yếu, nên việc đọc chữ sẽ rất khó.

Vì vậy Heritage luôn ưu tiên sử dụng nhiều ảnh đẹp để minh họa cho bài. Với mục đích minh họa, bộ ảnh phải có lượng thông tin nhiều và góc máy đa dạng, có tấm góc rộng bao quát, có tấm đi vào chi tiết thì thiết kế mới đẹp được. Một bài thiết kế chỉ toàn ảnh góc rộng nhìn sẽ rất nhàm. Đó là những yêu cầu cơ bản.

Hình ảnh của tạp chí cũng phải đồng bộ với nhau. Trước đây khi chưa có máy số, Heritage dùng toàn bộ ảnh film, nhưng khi công nghệ ảnh số phát triển thì hầu như mình không dùng ảnh film bên cạnh ảnh số chất lượng cao nữa. Chỉ có trường hợp ngoại lệ của bài viết về lịch sử, di sản thì có thể sử dụng hình ảnh tư liệu, ảnh đen trắng từ xưa.

Do không có sẵn nhiếp ảnh gia tại toà soạn, Ly đã tìm kiếm nguồn ảnh cho tạp chí Heritage như thế nào? Làm thế nào để một nhiếp ảnh gia có thể cộng tác với tạp chí Heritage?
Ngày trước mình cứ phải tìm kiếm trên internet và đi hỏi bạn bè xung quanh, khá vất vả vì nhiều khi không tìm được ảnh ưng ý hoặc không đủ chất lượng, nhưng sau những năm làm việc tại đây mình đã xây dựng được một đội ngũ nhiếp ảnh gia có thể cộng tác được trên toàn quốc. Tạp chí một năm có 12 số với các chủ đề có sẵn, ví dụ như tháng 2 thường sẽ là về Tết, tháng 5 là miền Bắc, tháng 6 là biển… Cứ chạy từ miền Bắc xuống miền Nam, đồng bằng lên cao nguyên. Ở mỗi vùng sẽ có những nhiếp ảnh gia chuyên về ảnh vùng đó.

Còn làm thế nào để cộng tác với Heritage thì hoàn toàn có thể liên hệ với mình qua email, Facebook… (cười). Ban đầu thường mình sẽ trao đổi với các tác giả về nội dung ảnh họ thường chụp, sau đó sẽ lưu contact để khi có bài viết cần ảnh sẽ liên lạc lại. Cuộc thi ảnh Hành Trình Di Sản hàng năm là một kênh để tìm kiếm ảnh đẹp, nhưng cũng chính là nhằm mở rộng mạng lưới cộng tác viên. Vì nhiều người cũng muốn cộng tác với Heritage nhưng họ không biết mình mà mình cũng không biết họ, nên đây cũng là một sân chơi, một cơ hội để gặp gỡ nhau.

Cuộc thi ảnh Hành Trình Di Sản đã diễn ra đến năm thứ 6. Với tư cách nhà tổ chức và giám khảo, không biết Ly có tìm kiếm, mong chờ điều gì đột phá, mới lạ hơn không?
Sự đột phá, mới lạ thực ra là do cách chọn lọc ảnh của người dự thi. Mình hi vọng mọi người sẽ đầu tư hơn vào việc biên tập, chọn lọc ảnh để có bộ ảnh dự thi chất lượng hơn, sát với chủ đề và những yêu cầu mà BTC đề ra trong thể lệ. Không nên cố đưa tất cả ảnh vào một bộ mà nên chia ra thành các chủ đề khác nhau, ảnh có đầy đủ các góc độ để kể được một câu chuyện qua bộ ảnh.

Năm nay không có giải cho từng tháng, nhưng giải thưởng cuối rất lớn. Mỗi tháng Ban giám khảo sẽ chọn ra 3 bộ ảnh và 3 ảnh bìa xuất sắc nhất để chọn vào chung kết. Ngoài ra trên fanpage của cuộc thi sẽ tổ chức những mini game hỏi đáp về nhiếp ảnh với những món quà nho nhỏ kỉ niệm. Năm nay, với sự góp mặt của Leica Vietnam, mình hi vọng cuộc thi này sẽ hấp dẫn, sôi động hơn và có thể thành một sân chơi lâu dài cho giới nhiếp ảnh.

Ảnh bìa của tạp chí Heritage có luôn phải là ảnh phong cảnh? Vậy phải chăng chụp phong cảnh sẽ dễ có cơ hội đạt giải ở hạng mục ảnh bìa hơn?
Ảnh bìa của Heritage không nhất thiết nhưng thường là ảnh phong cảnh, vì dạng ảnh này luôn hấp dẫn với du khách. Ảnh chụp cho bìa mà tối tăm thì khó thu hút người đọc. Hơn nữa do trên máy bay thường đọc trong điều kiện ánh sáng yếu, nên ảnh bìa cần phải tươi sáng, nhìn là phải muốn mở ra xem ngay.

Mình để ý mọi người hay chụp ảnh phong cảnh ngang nên rất khó để cắt dọc cho vào bìa. Thế nên có nhiều người bảo, từ khi làm việc với mình, đi đâu ngoài ảnh ngang họ cũng phải chụp thêm một cái ảnh dọc nữa. Khi trực tiếp làm mới dần có ý tưởng là phải chụp gì cho mục đích gì, còn trước đó đa số hầu hết là chơi ảnh, đi chụp là thú vui nên chưa định hình được ảnh sử dụng làm gì.

Heritage tìm kiếm điều gì trong một bộ ảnh, cả về nội dung và kỹ thuật?
Mình vẫn luôn tìm kiếm những bộ ảnh hay và mang một câu chuyện. Tạp chí dành cho hành khách máy bay nên mình cũng phải ưu tiên những tiêu chí của Hãng đầu tiên. Nội dung không gói gọn trong một chủ đề nhất định, nhưng tựu chung là để quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam, một là về phong cảnh, hai là con người, ba là các hoạt động đời sống như lễ hội, phong tục tập quán.

Ly đã đảm nhiệm vai trò này được 6 năm – một khoản thời gian không ngắn. Cuối cùng, Ly có suy nghĩ gì muốn chia sẻ về công việc không?
Vì công việc biên tập ảnh mang tính cá nhân như vậy nên đôi lúc mình cũng băn khoăn, không biết làm lâu quá rồi thì có bị đi vào lối mòn không, chọn ảnh có nhàm chán hay không. Vì vậy mình thường chia sẻ, hỏi ý kiến mọi người xung quanh và những người có chuyên môn, may mắn là đã nhận được những góp ý rất chân thành và có tính xây dựng để mình có những điều chỉnh. Nói chung, để vượt qua được chính mình là cả một thử thách lớn.

Tạp chí mang tên “Di sản” nên mình vẫn phải gìn giữ những di sản của tạp chí thôi (cười). Nhưng mình luôn cố gắng “làm mới” tạp chí bằng cách đi tìm những người trẻ với phong cách chụp mới mẻ. Như trước đây có bộ ảnh Bảo Zoãn chụp Sài Gòn với một góc nhìn rất khác đã được đăng trong mục Photo essay. Heritage cũng hay giới thiệu các hoạt động văn hóa nghệ thuật, phong cách sống, hơi thở cuộc sống của một Việt Nam hiện đại. Ví dụ như sắp tới sẽ có bài viết về dự án Họa Sắc Việt kết hợp chất liệu tranh Hàng Trống với ngành đồ họa, vừa mang màu sắc truyền thống lại vừa có nét riêng của những người trẻ.

Đinh Cẩm Ly đã có kinh nghiệm 6 năm làm content & photo editor cho tạp chí Heritage, tạp chí chính thức của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Ly đã đồng tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh Hành Trình Di Sản từ 2012 và đảm nhận vị trí giám khảo năm nay. Với tư cách người biên tập ảnh, Ly tìm kiếm những hình ảnh minh họa được cho nội dung của bài viết trên tạp chí, vừa phải đảm bảo yếu tố mỹ thuật – kỹ thuật và truyền tải được vẻ đẹp của Việt Nam – đất nước – con người tới bạn bè quốc tế, theo những cánh bay của Vietnam Airlines.

Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage Hành trình di sản 2018
Thời gian nhận tác phẩm: 01/03 – 31/08/2018
Giải thưởng do tạp chí Heritage tổ chức với sự tài trợ độc quyền từ Leica Việt Nam. Đây là năm thứ 6 giải thưởng được tổ chức, nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, cuộc sống con người Việt Nam, đặc biệt là các di sản của Việt Nam đã được quốc tế công nhận.
Chi tiết về giải thưởng tham khảo thêm tại website.