Makét 02
Toàn bộ ảnh trong bài: Kenji Mercado.

Bàn Về Portfolio #2: Ứng Dụng Trong Công Việc

Khi đã dành thời gian, công sức xây dựng nên một portfolio khá ‘ưng ý’ (Bàn Về Portfolio #1) thì bước tiếp theo là đưa portfolio này vào ứng dụng thực tế. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu về cách sử dụng portfolio trong công việc như một công cụ giúp người nghệ sĩ được biết đến trong môi trường chuyên nghiệp. Việc áp dụng portfolio như cách để lưu trữ tư liệu cá nhân sẽ được bàn tới trong những bài viết sau.

Khái niệm portfolio review*.
Việc giới thiệu trực tiếp portfolio của bạn tới khách hàng, nhà tuyển dụng hoặc đồng nghiệp là cơ hội để bạn nhận được những đánh giá, góp ý chuyên môn từ những người trong ngành đồng thời mở rộng mối quan hệ cũng như những cơ hội làm việc sau này. Toàn bộ quá trình này được gọi bằng thuật ngữ “portfolio review”. Hình thức portfolio review phổ biến nhất là dạng đối thoại trực tiếp 1-1 và kéo dài khoảng 20’. Trong khoảng thời gian này, người nghệ sĩ có cơ hội giới thiệu khoảng 2 dự án với số lượng khoảng 20 tới 40 tấm hình. Cũng như một cuộc hẹn hò chớp nhoáng, đây là khoảng thời gian ngắn ngủi mà người nghệ sĩ phải tận dụng nhằm để lại ấn tượng tốt cho ‘đối phương’ và để làm được điều này cần có sự chuẩn bị kĩ càng. Hiểu ở góc nhìn của ngành nghề khác, portfolio review đôi khi chính là cuộc phỏng vấn xin việc.

Một buổi portfolio review tại Angkor Photo Festival.

Thời gian đầu loay hoay bước vào ngành ảnh báo chí, tôi đã từng gửi đi thông tin cá nhân kèm online portfolio tới HÀNG TRĂM địa chỉ email của các biên tập viên báo mà tôi ‘mò’ được trên net. Tất cả nhận lại là một vài hồi âm mang tính từ chối lịch sự, số còn lại đều rơi vào hư vô. Sau này có dịp trao đổi trực tiếp qua portfolio review với một vài biên tập viên tôi đã từng email tới, lúc đó họ mới thực sự dành thời gian xem sản phẩm và công việc từ đó mới bắt đầu hình thành. Chắc chắn một điều là khách hàng luôn tìm lựa chọn an toàn bằng cách sử dụng các nhiếp ảnh gia mà họ đã biết và các buổi portfolio review chính là một cách tuyệt vời để củng cố các mối quan hệ như vậy.

Ngoài việc thực hành một cách hoàn hảo phương thức nhiếp ảnh mình đã lựa chọn, để thành công trong portfolio review, người nghệ sĩ còn phải thể hiện được tầm nhìn cá nhân và sự ‘cam kết cống hiến’ về lâu về dài. Qua portfolio review, không chỉ ảnh của bạn được nhìn nhận / đánh giá mà chính cá nhân con người bạn cũng sẽ bị ‘soi’ qua tác phong, cách giao tiếp và thái độ của bạn tới sản phẩm của mình và tới người đang đối thoại cùng. Việc đưa một iPad với màn hình được lau sạch, bên trong là các folder và hình ảnh được biên tập cẩn thận tốt hơn rất nhiều việc đưa ra một tập hình được in ấn cẩu thả và sắp xếp không có trình tự.

Một số trường hợp ứng dụng của portfolio review trong công việc.
Mục tiêu cho portfolio review thường rơi vào hai dạng cơ bản: nhận được sự phê bình chuyên môn hoặc các cơ hội hợp tác / việc làm. Xác định được rõ mục tiêu này sẽ giúp bạn lựa chọn và có sự chuẩn bị phù hợp hơn khi gặp đối tác. Ví như biên tập viên báo chí sẽ không bao giờ quan tâm tới bộ ảnh bạn chụp xoá phông cô bồ hay giám tuyển của gallery cũng không mặn mà gì khi xem bộ ảnh bạn chụp tắc đường giờ cao điểm.

Một buổi portfolio review tại Angkor Photo Festival.

Xin được đưa ra một vài trường hợp portfolio review cụ thể và cách xây dựng / đưa ra portfolio cho phù hợp:

Trường Hợp 1: Trong Cuộc Phỏng Vấn Với Tổng Biên Tập Một Tờ Báo (Photo Editor)
Kì Vọng: Được Tuyển Dụng Làm Phóng Viên Ảnh

Việc trình bày ở đây không cần cầu kì về mặt hình thức, bạn có thể mở website cá nhân hoặc một pdf đã chuẩn bị trước trên iPad hoặc laptop. Portfolio bao gồm khoảng 3 đến 5 bộ ảnh (photo essays) với nội dung rõ ràng cho từng bộ và một bộ ảnh đơn. Với ảnh báo chí, một bức ảnh tốt đã kể được phần lớn câu chuyện nên tránh chọn các ảnh có nội dung giống nhau, không rõ ràng và biên tập bộ ảnh càng ngắn càng tốt. Việc giới thiệu các bộ ảnh ở những môi trường khác nhau cũng quan trọng không kém, tổng biên tập muốn thấy bạn chụp trận giao hữu giữa Thể Công – MU hay không kém gì chụp người dân thấp thỏm đợi lũ về Quảng Bình.

Trường Hợp 2: Gửi Tác Phẩm Tới Nhà Xuất Bản (Publisher)
Kì Vọng: Xuất Bản Một Cuốn Sách Ảnh

Các nhà xuất bản lại thường muốn xem một bản mẫu (dummy) của cuốn sách mà bạn đang giới thiệu. Cuốn sách mẫu này thường được thực hiện thủ công tại nhà. Hình ảnh chọn lựa cũng như tiêu chí của portfolio thông thường, cần phải nhất quán về mặt thị giác. Tác giả cũng phải chuẩn bị sẵn tựa đề cùng lời (giới thiệu và dẫn sách). Ngoài ra điều quan trọng nhất khi trình bày book dummy là một cốt truyện mạch lạc và ý tưởng layout rõ ràng để dẫn dắt cũng như cuốn hút người đọc.

Trường Hợp 3: Giới Thiệu Tác Phẩm Tới Giám Tuyển Của Một Gallery (Gallery Curator)
Kì Vọng: Mở Triển Lãm Cá Nhân

Ở đây, 90% bạn phải đem tới 1 portfolio khổ lớn được in ấn tốt. Những ảnh được chọn phải có nội dung phù hợp với phong cách của gallery mà bạn đang giới thiệu. Nên chọn những bức ảnh tốt nhất trong dự án, sắp xếp và trình bày theo trình tự nhất định nhằm thu hút reviewer về mặt thị giác, đồng thời giúp bạn dễ dàng giải thích ý nghĩa cũng như quy trình sáng tạo. Những người làm ở gallery / bảo tàng còn kỳ vọng thấy được sự hiểu biết của bạn về quy trình in ấn và làm việc với giấy ảnh vì với những người này chất lượng của một bản in tốt cũng không kém quan trọng so với một bức ảnh tốt.

Một buổi portfolio review tại Angkor Photo Festival.

Sau mỗi buổi portfolio review, ngoài name card các nghệ sĩ nước ngoài thường tặng thêm một cuốn sách, một ít postcard giới thiệu hoặc tài liệu quảng cáo cá nhân cho khách hàng giúp họ ghi nhớ hơn về mình.

Ở thời điểm người người nhà nhà đều là ‘nhiếp ảnh gia’, những người có hơi hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn cần hiểu rằng hoàn thành một bộ ảnh tốt mới chỉ là xuất phát điểm, để đưa được sản phẩm đó vào ứng dụng thực tế cần nhiều bước dài phía sau đó. Tiếp sau việc xây dựng một portfolio cá nhân tốt, việc tham gia portfolio review là mắt xích quan trọng tiếp theo cần có trong quy trình làm việc của người làm nghề để tiếp cận gần hơn thị trường nghệ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

*Trong chuỗi bài viết, để bảo toàn ý nghĩa của từ vựng, xin phép không chuyển ngữ các từ chuyên ngành như “portfolio” và “portfolio review”.