Makét 02

Bàn Về Portfolio #1: Vì Sao Lại Quan Trọng?

Xây dựng portfolio*, được hiểu đơn giản như một bộ hồ sơ năng lực cá nhân, là một phần không thể thiếu trong quy trình làm việc của rất nhiều lĩnh vực từ tài chính, đầu tư cho tới nghệ thuật và nhiếp ảnh cũng không phải ngoại lệ. Do sự đa dạng về cách tiếp cận, cách thực hiện và nhu cầu ứng dụng của portfolio, trong bài viết đầu tiên này xin được giới thiệu sơ lược về khái niệm portfolio trong nhiếp ảnh.

Vậy portfolio trong nhiếp ảnh là gì?
Cũng như các môn nghệ thuật khác, portfolio nhiếp ảnh đơn giản là một bộ sưu tập cô đọng các tác phẩm mà người nghệ sĩ tự hào và muốn ‘khoe’ tới người xem nhất. Ngoài mục đích giới thiệu tới công chúng và nhà tuyển dụng, portfolio nhiếp ảnh đôi khi chỉ là một bộ sưu tập cá nhân ghi nhận lại quá trình làm việc vừa qua. Nếu bạn đã làm quen và thực hành nhiếp ảnh được hơn một năm, việc xây dựng portfolio là thực sự cần thiết để làm tư liệu phản ánh, từ đó rút ra được kinh nghiệm hoặc vạch định được hướng đi sắp tới.

Một hộp carton tối màu đựng bộ portfolio in. Ảnh: Mai Nguyên Anh.

‘In’ hay ‘số’?
Trước đây, một hộp carton cứng tối màu đựng 20 tới 30 tấm hình kích cỡ 11×14″ được in ấn và sắp xếp cẩn thận thường là cách hiệu quả và trân trọng nhất để giới thiệu tác phẩm tới nhà tuyển dụng. Portfolio in hoặc một cuốn sách cho người xem cảm giác được ‘thực’ chạm và ‘mân mê’ bức ảnh, thêm vào cảm xúc lý trí sẵn có của hình ảnh một tầng cảm xúc vật lý đưa trải nghiệm xem ảnh đáng nhớ hơn. Mặt khác, portfolio in còn thể hiện rằng bạn nắm rõ các quy trình thực hành nhiếp ảnh qua việc chọn đúng kích cỡ, độ dầy giấy in, chất liệu in, cân bằng màu sắc… phù hợp với nhu cầu. Đó là lý do vì sao những nhiếp ảnh gia tên tuổi nhất vẫn chọn cách thực hiện in portfolio như một phần của công việc.

Mặc dù vậy, do sự phát triển của công nghệ và các biến thể mới hơn của nhiếp ảnh như kết hợp với video và âm thanh (multimedia), màn hình laptop hoặc tablet đã thực sự tối ưu hóa được trải nghiệm của người xem ảnh. Tính nhân bản cũng như phạm vi truyền bá của portfolio điện tử thực quá vượt trội nhưng cũng chính vì thế mà sản phẩm của bạn rất dễ bị ‘quên’ trong ma trận hình ảnh trên internet. Portfolio điện tử quả thiên biến vạn hoá, nó có thể là một website, một file PDF, một slideshow trên Youtube hay đơn giản là một tài khoản Instagram có ‘định hướng’.

Một trang trích từ portfolio dạng PDF của Bình Đặng.

Tính đồng nhất trong portfolio nhiếp ảnh.
Dù bạn chọn bất kì phương thức thể hiện nào, các tác phẩm trong portfolio phải được tuyển chọn và biên tập kỹ càng nhằm tạo cảm xúc nhất định (theo ý đồ của người chụp) cho người xem. Hơn nữa, porfolio phải là một tập hợp của những bức ảnh có sự thống nhất chặt chẽ về mặt ý tưởng, phong cách hình ảnh hoặc phương pháp thực hành nhưng không bị trùng lặp. Điều này đối ngược với CV xin việc khi bạn cố chứng minh được càng nhiều kĩ năng càng tốt, với portfolio nhiếp ảnh bạn cần thể hiện tính nhất quán và tư duy xuyên suốt trong quá trình làm việc của mình. ‘Một nghề cho chín còn hơn chín nghề’. Ví dụ như bạn không thể cho một bức ảnh đen trắng vào portfolio toàn ảnh màu chỉ vì nó ‘đẹp’ mà không đóng góp bất kì ý đồ nào cho bộ ảnh. Đây cũng là bí quyết đưa nhiều ảnh đơn thành ảnh bộ sẽ được bàn trong các bài sau.

Ảnh: Mai Nguyên Anh.
Ảnh: Mai Nguyên Anh.

Gần đây tôi có thực hiện một dự án kết hợp giữa ảnh dàn dựng và ảnh tư liệu truyền thống, tôi đã chọn chụp các ảnh được dàn dựng bằng film màu, ảnh tự nhiên thì chụp đen trắng. Việc thay đổi màu sắc ở đây nhằm thể hiện ý đồ về ranh giới giữa thực tại và huyễn hoặc.

Một ví dụ khác cho việc khéo léo đưa tài khoản Instagram cá nhân trở thành portfolio có thể thấy ở feed của Linh Phạm và dự án Days Of Japan của Hải Thanh. Với nội dung, cách chỉnh màu, cách tiếp cận nhân vật xuyên suốt, hàng trăm bức ảnh của hai feed này đều cho cảm giác chúng ‘thuộc về nhau’ và có thể đứng chung trong một bộ sưu tập.

Instagram cá nhân của Linh Phạm.
Instagram dự án Days of Japan của Hải Thanh.

Không thể phủ nhận rằng việc xây dựng portfolio nhiếp ảnh đòi hỏi thời gian, công sức và nỗ lực bản thân lớn nhưng bù lại, đó là sự ghi nhận và trân trọng quá trình làm việc vừa qua giúp bản thân người nghệ sĩ và công chúng có một hệ quy chiếu để soi vào, nhìn nhận và đánh giá. Hãy khởi đầu với một ý tưởng thông suốt và bắt tay vào xây dựng một portfolio cho riêng mình ngay hôm nay.

*Trong chuỗi bài viết, để bảo toàn ý nghĩa của từ vựng, xin phép không chuyển ngữ các từ chuyên nghành như “portfolio” và “portfolio review”.

Mai Nguyên Anh là một nhiếp ảnh gia tập trung vào các vấn đề đương đại bằng hơi hướng nghệ thuật hiện đang làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp International Center of Photography tại New York năm 2016.
Kết nối với Nguyên Anh tại FacebookInstagram.