Makét 02

10 Bài Viết Tiêu Biểu Từ Matca Năm 2017

Năm 2017 đánh dấu sự chuyển mình mang tính tiền đề cho Matca. Nếu những ngày cuối 2016 ban biên tập mới chỉ ấp ủ một dự án nhỏ xinh, thì 2017 là thời điểm những ý tưởng dường như mông lung đó được lan toả và hình thành. Từ những tác phẩm, câu chuyện còn hạn chế của cá nhân những thành viên đầu tiên, chỉ một năm sau, Matca đã trở thành diễn đàn mở được hỗ trợ và đóng góp bởi hàng chục cây bút, nhiếp ảnh gia trên toàn quốc, thu hút trên dưới 10000 độc giả. Xuyên suốt những nội dung đa dạng này vẫn là tinh thần chia sẻ, cầu thị và mong muốn được kết nối với cộng đồng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, mở rộng thêm định nghĩa nhiếp ảnh. Để đánh dấu cho năm 2017 đáng nhớ này, ban biên tập đã tổng hợp 10 bài viết tiêu biểu nhận được nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng dưới đây. Có những nghiên cứu lịch sử sơ khai, có phê bình mang tính xây dựng, có phản hồi cá nhân cho các vấn đề đương thời hay đơn giản chỉ là những chia sẻ thuần khiết nhất về tình yêu dành cho thứ nghệ thuật thị giác này.

Quá trình thực hiện Matca khiến chúng tôi phải nhìn rộng hơn, sâu hơn vào một cộng đồng tưởng chừng như nhỏ hẹp. Chứng kiến sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam trong năm vừa qua, Matca hạnh phúc khi đang ghi chép lại câu chuyện của những con người hằng ngày xây dựng một danh tính cho nhiếp ảnh đương đại tại Việt Nam, và việc này là bất khả thi nếu thiếu đi sự đóng góp từ chính các bạn. Năm 2018 đã tới, Matca không hết phần hào hứng về những kế hoạch mới đang dần thành hình.

Từ series “Migrations” của Sebastiao Salgado.

Có Nên Lãng Mạn Hoá Đau Thương?
Tác phẩm của hai tượng đài của ảnh báo chí Sebastiao Salgado và James Nachtwey thường khiến người xem choáng ngợp trước những khung cảnh điêu tàn và hơn hết là giá trị thẩm mỹ của chúng. Nhưng liệu những bức ảnh về thảm họa nhân loại có nên được lãng mạn hoá hay không? Mâu thuẫn giữa cái đẹp và sự đau thương là một chủ đề đã tốn nhiều giấy mực nhiều năm nay, và dù không thể có một lời giải đáp chung, đây vẫn là một câu hỏi quan trọng mà mỗi phóng viên ảnh nên đào sâu để tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

© Maika Elan, from the series "Inside Hanoi".

Phỏng Vấn: Maika Elan Chụp Những Điều Thân Thuộc
Với những dự án dài hạn về vấn đề xã hội đương đại, Maika Elan là một trong số những nhiếp ảnh gia tư liệu thành công nhất tại Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng vào ngày mới bén duyên với nhiếp ảnh, Maika cũng chỉ là một cô sinh viên cầm chiếc máy film đi chụp các ngõ ngách thành phố Hà Nội của mình. Dự án đầu tay nho nhỏ ấy đã khiến Maika trân trọng những điều bình dị mà thường ngày dễ bỏ qua, và hình thành quá trình kết nối với nhân vật mà cô luôn theo đuổi trong sự nghiệp sau này.

© Vuong Kien

Vương Kiên: Làm Quen
Hành trình thực hiện dự án ảnh, hay chính xác hơn là hành trình làm quen lại với ông bà của nhiếp ảnh gia tuổi đời còn rất trẻ Vương Kiên. Cứ mỗi buổi chiều đi học về, Kiên lại quẩn quanh chụp lại những khoảnh khắc đời thường của ông bà, nhặt nhạnh những câu chuyện gia đình mà ông bà có lẽ chỉ kể cho mình anh, dần dần kéo gần lại khoảng cách giữa hai thế hệ.

© Chu Viet Ha

Phỏng Vấn: Cuộc Sống Trên Phố Qua Con Mắt Chu Việt Hà
Cái tên Chu Việt Hà với những bức ảnh gây tò mò nổi lên trong cộng đồng ảnh đường phố online như một hiện tượng. Cũng như nhiều người, anh coi ảnh đường phố như một cuộc chơi, nhưng chơi  chưa chán mà còn tiếp tục dùng nó để thể hiện cái tôi của mình. Trong bài phỏng vấn với Matca, Chu Việt Hà thẳng thắn nêu quan điểm về định nghĩa ảnh đường phố, chụp cho mình hay chụp cho khán giả mạng xã hội, và tầm quan trọng của việc biên tập ảnh.

© Richard Billingham, from the series "Ray’s A Laugh".

Bàn Về Ảnh ‘Xấu’
Ở thời kỳ mà ảnh “đẹp” có mặt ở mọi nơi và dần trở nên đồng nhất, những tấm ảnh lệch chuẩn có khả năng khám phá, tái tạo một thực tế mới. Thay vì tuân theo quy luật để phục vụ mục đích ghi chép sự thật, hình thức ‘xấu’ có khả năng thách thức khái niệm đúng-sai, hình dung được những điều phi thị giác hay khoác lên một tầng nghĩa mới cho nội dung. Trong thế giới hình ảnh bão hoà và phi lý trí, ảnh xấu hướng nghệ sĩ đến việc sáng tác và đưa ra quan điểm.

© Boris Zuliani
© Boris Zuliani
© Boris Zuliani

Boris Zuliani: Người Tình Long Biên
Những tấm chân dung của cặp đôi tình tứ bên cầu Long Biên được Boris Zuliani thực hiện bằng film polaroid hết hạn từ năm 2009 – đây chỉ là một phần rất nhỏ trong 121 kg film polaroid của nhiếp ảnh gia kiệm lời này. Boris không nói gì nhiều về giá trị xã hội hay nghệ thuật trong nhiếp ảnh, mà chỉ tận hưởng quá trình giao tiếp với mọi người và tái tạo lại thế giới theo cách riêng của anh bằng thứ film được tuyên bố là đã hết thời.

Self-portrait of photographer Quynh Anh. © Quynh Anh

5 Nữ Nhiếp Ảnh Gia Việt Chọn Nhiếp Ảnh Làm Sự Nghiệp
Dù số lượng phụ nữ làm việc trong ngành nhiếp ảnh tại Việt Nam ngày một tăng, sự xuất hiện của họ trên truyền thông vẫn khá hiếm hoi. Cây viết Hà Đào đã mời 5 nữ nhiếp ảnh gia người Việt chia sẻ về chuyện làm nghề trong môi trường nam giới chiếm đa số. Những chủ đề và thực hành khác nhau họ theo đuổi phần nào đã phản ánh tiếng nói đa dạng mà những người phụ nữ này đóng góp cho nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.

© Nguyen-Anh Mai

Hảo, Cô Gái Đằng Sau Mỗi Tấm Film
Câu chuyện đầy tình cảm về Hảo, người đã gắn bó với nghề tráng film và bao thăng trầm của cộng đồng nhiếp ảnh film Hà Nội suốt 10 năm nay. Tuy thầm lặng nhưng ít ai trong cộng đồng film không biết và cảm mến cô gái đã cần mẫn mỗi ngày để mỗi cuộn film của khách hàng đều được xử lý chỉn chu. Mai Nguyên Anh, người bạn cũng như khách hàng thân thiết của Hảo đã viết về cô như một lời tri ân, trước khi Hảo nghỉ việc vì ảnh hưởng của hoá chất đến sức khoẻ.

© Ha Dao

Đi Tìm Nghệ Nhân Chấm Sửa Ảnh Cuối Cùng Của Miền Bắc
Trong chuỗi bài về những người con của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cây viết Hà Trang đã có cơ hội tìm gặp ông Phạm Đăng Hưng, nghệ nhân chấm sửa ảnh cuối cùng của miền Bắc. Trong chính căn phòng nơi ông đã tô vẽ làm đẹp cho hàng ngàn tấm ảnh, người thợ ở tuổi 80 này trầm ngâm kể lại những kỷ niệm vui thời các tiệm ảnh truyền thống còn cực thịnh rồi khoe các hoạ cụ, tác phẩm của mình trong nhiều thập kỷ cống hiến.

Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham

Thấy Gì Sau Những “Nụ Cười Ẩn Giấu” Của Réhahn?
Cây viết Hà Đào đặt câu hỏi cho những sản phẩm hình ảnh ăn nên làm ra của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn: Thế giới quan đằng sau những chân dung chuẩn mực chụp những người dân tộc thiểu số là gì? Chủ đề này đã được theo đuổi bởi rất nhiều nhiếp ảnh gia trong nước lẫn nước ngoài, và qua trường hợp gây tranh cãi của Réhahn, những người cầm máy được yêu cầu suy xét lại trách nhiệm của mình trước khi tiếp cận cộng đồng thiểu số vốn bị gắn với nhiều định kiến.