Makét 02

Thấy Gì Sau Những “Nụ Cười Ẩn Giấu” Của Réhahn?

Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham

Dạo quanh Di sản Văn hoá Hội An, chắc hẳn bạn cũng đã ghé ngang một Di Sản Vô Giá khác nằm trong khuôn viên phố cổ xinh xắn này, ấy là phòng tranh cá nhân của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn. Không gian này là trải nghiệm toàn diện của những nụ cười, bắt đầu ngay từ cô lễ tân luôn chực nở nụ cười đón khách. Sâu trong đây là vô vàn nụ cười nữa: trên tường, trên bàn, trên giá là hình ảnh của rất nhiều cụ già, trẻ nhỏ “vùng sâu vùng xa” lúc thì mắc cỡ che miệng cười tủm tỉm, khi thì cười to sảng khoái với niềm vui lấp lánh nơi khoé mắt khi đối diện với anh chàng nhiếp ảnh gia ngoại quốc. Những tấm chân dung này đều nhìn trực diện và tha hồ tăng “clarity” để làm hằn sâu thêm những nếp nhăn của năm tháng.

Lật giở qua bộ sưu tập “chân dung Việt Nam” từ cuốn sách ảnh Việt Nam – Những Mảnh Ghép Tương Phản của Réhahn, ngoài những nụ cười là hàng loạt hình ảnh những đứa trẻ mặt nhem nhuốc ngước đôi mắt tròn hay háy lên ống kính của NAG. Quần áo tay chân chúng đều lấm lem cả, không tên tuổi, không câu chuyện, chỉ có một dòng chú thích về tộc người. Có lẽ điều tác giả kiếm tìm và nhấn mạnh ở đây gói gọn trong ánh mắt thơ dại của những đứa trẻ này.

Ai mà chẳng choáng ngợp trước sự khác biệt trong ngoại hình và văn hoá của những dân tộc thiểu số này chứ, đặc biệt lại là một người nước ngoài? Xin nhắc lại, Réhahn đã sống tại Việt Nam gần một thập kỷ, đi gần hết mảnh đất hình chữ S và chắc chắn đã tiếp xúc với quá nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tìm kiếm sự khác biệt này hoàn toàn có chủ ý. Đây chính là yếu tố giúp Réhahn xây dựng một sự nghiệp vẻ vang tại Việt Nam.

Spread from a Réhahn's book. © Linh Pham
Spread from a Réhahn's book. © Linh Pham
Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham
Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham

Và Réhahn thực sự thành công về mặt thương mại, vượt trên tất cả các NAG từ Tây lẫn Ta từng hoạt động trên đất này. Tới đây, anh sẽ có 4 phòng tranh rải khắp 3 miền: 2 tại Hội An, 1 tại Sài Gòn và 1 đang xây dựng tại Hà Nội. Tấm ảnh Bạn Thân được bán với giá $17.000, đạt kỉ lục cho bức ảnh đắt nhất từng được bán tại Việt Nam. Anh có nửa triệu người theo dõi trên Facebook; báo giới địa phương mê tít câu chuyện về chàng nhiếp ảnh gia người Pháp với hành trình “7 năm đi khắp Việt Nam” săn tìm vẻ đẹp đất nước, con người chốn này. Với cách thực hành xuyên suốt, những tấm chân dung trực diện chụp người dân tộc thiểu số – chủ đề được hàng trăm nghệ sĩ nhiếp ảnh theo đuổi bao năm nay, Réhahn là minh chứng sống cho việc làm thoả mãn nhu cầu số đông bằng những tác phẩm an toàn, nghèo nàn về nội dung và cách thực hiện. Ánh hào quang đáng lẽ đã được trọn vẹn nếu ta bỏ qua cái thế giới quan được bộc lộ rõ nét từ portfolio đã được anh xây dựng và biên tập cẩn thận qua nhiều năm.

Có gì đáng phê bình trong những tấm ảnh bố cục, kỹ thuật chỉn chu và màu sắc rực rỡ của Réhahn? Anh không phải nhiếp ảnh gia phương Tây đầu tiên làm dự án về những vùng đất xa xôi và con người kì lạ. Nội trong các NAG Việt Nam ta, việc lãng mạn hoá văn hoá vùng cao đã có một lịch sử dài, từ thẩm mỹ mang tính định hướng của những Nghệ sĩ Nhiếp ảnh tới ngành ảnh du lịch phát triển song song với trào lưu đi phượt những năm qua. Nhưng xét về quy mô cũng như sự xuyên suốt của tác phẩm, chưa thấy ai qua mặt được Réhahn. Ảnh của Réhahn cho người viết cảm giác được lên cỗ máy thời gian để chu du về Việt Nam thời mông muội khi chưa chạm ngưỡng cửa hiện đại. Những sự vật, sự việc điển hình nhất, lâu đời nhất buộc phải có mặt: người Việt phải có nón lá áo dài, người M’Nong phải thuần dưỡng voi, người H’Mong phải làm ruộng bậc thang. Anh yêu cầu nhân vật mặc lại quần áo truyền thống để chụp ảnh và sau đó bộc lộ sự tiếc nuối khi những trang phục ấy ngày càng ít được sử dụng trong những bài phỏng vấn. Sau khi bay cả ngàn cây số từ Pháp sang đây, Réhahn quyết tâm bay tiếp về một Việt Nam trong quá khứ không có xe máy, không điện thoại di động, không hoạt động sinh kế bên cạnh nông nghiệp.

Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham
Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham

Người hâm mộ biện minh rằng đây chỉ là góc nhìn hoài cổ của Réhahn. Đúng, những con người và khung cảnh này chưa hoàn toàn biến mất, nhưng góc máy của Réhahn lại cố tình chĩa vào những điều dị biệt nhất thay vì phản ánh lại cuộc sống chân phương như nó đang diễn ra, mô tả họ theo cách mà Réhahn nghĩ rằng dân tộc họ nên được đại diện. Qua nhiều năm với rất nhiều dự án, Réhahn vẫn lựa chọn loại bỏ những gì thuộc về “ngày nay” ra khỏi ảnh. Việc lãng mạn hoá, theo đuổi sự nguyên sơ và mô tả vùng đất châu Á theo ống kính của quá khứ làm tôi khó mà không liên tưởng đến tư tưởng Đông phương học (Orientalism) của Edward Said, nhất là khi cân nhắc vị trí của tác giả – một người đàn ông Pháp da trắng. Trên gương mặt những phụ nữ già và trẻ nhỏ vùng cao – những người không mảy may hoài nghi mục đích chụp ảnh của một anh Tây, Réhahn phản chiếu lên họ ảo tưởng thực dân của mình. Ảo tưởng đó, khi được chính truyền thông lẫn khán giả trong nước tung hô, sẽ càng làm khắc sâu nhận thức sai lệch và định kiến về cả người dân tộc và hình ảnh Việt Nam.

Réhahn không phải nhiếp ảnh gia duy nhất ghi lại chân dung người bản địa vì lo lắng làn sóng hiện đại sẽ cuốn trôi đi phong tục tập quán của họ. Có thể kể đến những người đi trước anh như Edward Curtis với dự án chụp thổ dân da đỏ Mỹ, Steve McCurry với Ấn Độ hay Jimmy Nelson tìm kiếm những bộ lạc trên thế giới trước khi họ “tuyệt chủng”. Giống như những NAG kia, Réhahn tiếc nuối một nền văn hoá không thuộc về mình. Nhưng trong khi họ đã hứng chịu những tiếng nói đối lập từ chính cộng đồng địa phương hay những nhà phê bình nghệ thuật, tất cả những gì Réhahn nhận được đến nay hoàn toàn là những lời khen ngợi cho tác phẩm và niềm đam mê cái đẹp của anh – bởi hơn hết, ngành du lịch của Việt Nam đang cần những hình ảnh mang tính biểu tượng cao có thể in lên bưu thiếp, mà sự công nhận từ một người ngoại quốc chẳng phải đáng tin cậy hơn sao?

Scene at Couleurs d'Asie Gallery by Réhahn. © Linh Pham

Khi tham gia một dự án đồng sáng tác với cộng đồng dân tộc thiểu số của tổ chức iSEE, tôi được biết tới cuốn sách ảnh “Văn Hoá Của Mình” tổng hợp lại những hình ảnh, mẩu chuyện bởi chính đồng bảo thuộc các dân tộc thiểu số trong chương trình photovoice thực hiện. Chụp với chiếc máy ảnh du lịch nhỏ bởi những người mà rất có thể mới học sử dụng nó lần đầu, những tấm hình này hiển nhiên không hoàn hảo về mặt thị giác, đôi lúc ngô nghê, nhưng lại thể hiện được góc nhìn đa dạng, không toan tính và cũng không có những lời tuyên bố cao xa. Người dân tộc thiểu số trong những bức ảnh này được bao quanh bởi khung cảnh đời sống làm việc của họ, lúc sửa máy cày, khi cắt tóc, đoạn khác là cảnh các em thiếu nhi được người lớn dạy đánh cồng chiêng ngay trong sân trường, trang phục xen lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Nhưng hơn hết, khác biệt tuyệt vời nhất giữa loạt ảnh này và ảnh của Réhahn là sự tự chủ của người đứng trước ống kính.

Photos from "My Culture" project by ISEE. © Ha Dao
Photos from "My Culture" project by ISEE. © Ha Dao

Có lẽ Réhahn thực lòng đau đáu về sự mai một văn hoá – không chỉ chụp và bán ảnh, anh còn dành tầng hai của phòng tranh để làm bảo tàng lưu trữ trang phục truyền thống của nhiều dân tộc, như phiên bản giản lược của Bảo tàng Dân tộc học. Gần đây, anh đưa 35 người dân tộc Cơ Tu về biểu diễn ở Hội An, tin rằng “cách hữu ích nhất để bảo tồn văn hoá dân tộc là tôn vinh nó bên ngoài cộng đồng, để gây dựng niềm tự hào về di sản và những phong tục lâu đời của họ”. Anh cũng thổ lộ mong một ngày có thể mang 54 dân tộc Việt Nam về phố cổ Hội An. Lần này thì tôi phải rùng mình khi nghĩ đến cảnh ấy. Xin anh đừng. Hình thức sân khấu hoá di sản, di dời những giá trị văn hoá đến địa điểm khác để phục vụ khách du lịch cũng giống như một lời khai tử của những tập tục này ở nơi chúng sinh ra. Và anh cũng đừng mời cô bé An Phước về đứng cạnh chân dung anh chụp để khách tham quan vào bế bồng chụp ảnh lưu niệm nữa. Hoạt động này đã vật hoá (objectify) người dân tộc thiểu số một cách thản nhiên đến nỗi khó tưởng tượng nổi. Anh cũng rất tích cực quảng bá cho chương trình Giving Back (tạm dịch: Trao Trả) của mình như một lá chắn bảo vệ trước những sự chất vấn về đạo đức nghề nghiệp; tuy nhiên, mối quan hệ quyền lực giữa nhiếp ảnh gia và nhân vật đâu chỉ dừng lại ở chuyện chia chác lợi nhuận.

Scene at Precious Heritage by Réhahn. © Réhahn
A visitor takes photo with An Phuoc, the girl with blue eyes on Réhahn's photo, at an exhibition in Nha Trang. © Thanh Duong Nguyen

Với một công cụ có khả năng định danh, tuyên truyền lớn như nhiếp ảnh, quá trình làm việc cần đi xa hơn là sắp xếp các yếu tố thị giác đơn thuần hay “kết bạn” bằng vài câu chuyện phiếm với nhân vật như Réhahn đã làm. Trước khi bấm máy, mỗi nhiếp ảnh gia đều có trách nhiệm cân nhắc ranh giới mỏng manh giữa sự trân trọng và cái nhìn dị biệt, nhất là khi tiếp cận cộng đồng thiểu số đã luôn bị gắn với những diễn ngôn về sự lạc hậu, cổ hủ và thụ động. Với tư cách khán giả, chúng ta cũng nên tự hỏi có bao nhiêu bức ảnh đèm đẹp mang tính tôn vinh mà ta cần xem, hay đằng sau sự đèm đẹp đó là ý đồ gì.

Tôi không nghi ngờ gì khả năng chụp ảnh của Réhahn, sự thật là anh được công chúng đón nhận và sống dư dả bằng nghề – một điều hiếm có với người theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật như anh miêu tả bản thân. Nhưng nếu Réhahn hiểu rằng văn hoá là một thực thể luôn biến đổi cùng với sự vận động của xã hội và nó không chỉ dừng lại ở những dấu hiệu bề mặt như trang phục, thì có lẽ anh đã chụp được những tấm ảnh hay và đúng. Còn giờ với anh, Việt Nam là mảnh đất ngập tràn bình yên và niềm vui, không có xung đột giữa sự ồ ạt của cuộc sống hiện đại với lối làm ăn truyền thống. Chỉ còn những “nụ cười ẩn giấu” hồn nhiên, những lời ca ngợi, những con người đơn giản sống hạnh phúc dù thiếu thốn vật chất. Đây là chủ đích hay điểm mù trong nhận thức của anh? Dù ý đồ của Réhahn có là gì đi chăng nữa, những bức chân dung này sẽ luôn luôn nói nhiều hơn về tác giả hơn là nhân vật.