Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ứng dụng gọi điện Zoom đã trở thành một phần không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày, và tọa đàm Vai trò của công cụ trực tuyến trong nhiếp ảnh cũng không ngoại lệ. Với sự tham gia của hai diễn giả nắm giữ vị trí đặc thù, cuộc trò chuyện đi từ địa phương tới quốc tế, từ cá nhân đến tổ chức. Diễn giả đầu tiên, Sanne Schim van der Loeff – Trưởng ban giám tuyển từ Ảnh Báo Chí Thế giới thuyết trình về những thay đổi trong việc thực hiện triển lãm và các hoạt động giáo dục để thích ứng với tình trạng hạn chế di chuyển. Diễn giả thứ hai, Phương Hoàng – Biên tập ảnh báo điện tử VnExpress chia sẻ kinh nghiệm điều phối đội ngũ phóng viên ảnh tại Việt Nam từ Berlin, Đức.
Sanne bắt đầu tọa đàm bằng những xáo trộn đại dịch gây ra. Tháng Ba năm nay khi COVID-19 bắt đầu lây lan tới Hà Lan – trụ sở chính của tổ chức, cũng là thời điểm cuộc thi Ảnh Báo Chí Thế Giới 2020 chuẩn bị công bố kết quả. Đối diện với tình hình đó, lễ trao giải đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Thay vì bước lên sân khấu để được tôn vinh như mọi năm, hàng trăm nhiếp ảnh gia đoạt giải đã tham dự một cuộc gọi nhóm.
Nhiều triển lãm đã được chuẩn bị bắt buộc phải hủy hoặc hoãn. Điều này tạo nên áp lực tài chính rất lớn bởi chi phí cho thuê triển lãm chiếm đa phần ngân sách hoạt động của Tổ chức. Thay vì có mặt tại hơn 100 địa điểm trên toàn cầu, năm 2020, số lượng triển lãm giảm chỉ còn khoảng một nửa.
Tuy vậy, nhìn vào mặt tích cực, triển lãm thực hữu đã chứng minh được giá trị khó thay thế của nó, thể hiện ở chỗ nhiều đối tác đã nhanh chóng tìm phương án trưng bày được tác phẩm mà đáp ứng quy định giãn cách xã hội ở từng địa phương. Triển lãm có chỉ dẫn rõ ràng để đảm bảo người xem giữ khoảng cách an toàn, hoặc được tổ chức tại không gian công cộng thay vì không gian kín nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Dù vẫn có thể điều phối từ xa, Sanne chia sẻ rằng trên thực tế, cô học hỏi rất nhiều qua quá trình có mặt tại địa điểm và tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng địa phương. Đó là một phần quan trọng bị thiếu hụt trong bối cảnh hạn chế di chuyển năm nay.
Bên cạnh tạp chí trực tuyến Witness chia sẻ những đối thoại xoay quanh ảnh báo chí và cơ hội cho nhiếp ảnh gia đang hoạt động những năm gần đây, những hoạt động giáo dục thiết yếu của tổ chức đã bắt đầu tận dụng không gian mạng. Một ví dụ điển hình là lớp học nhằm tìm kiếm và phát triển tài năng Joop Swart Masterclass. Nếu như trước đây học viên và giảng viên gặp mặt trực tiếp tại Hà Lan trong vòng một tuần, thì năm nay, họ trao đổi qua những cuộc gọi nhóm trong vòng bốn tháng.
Lớp học trực tuyến cho phép nhân đôi số lượng học viên từ 12 đến 24, tiến gần hơn đến mục tiêu thúc đẩy sự đa dạng. Chủ đề Reset (tạm dịch: Tái thiết lập) cũng là cơ hội để học viên thể hiện những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của đại dịch đến cộng đồng hay cá nhân họ. Bất chấp khoảng cách địa lý, mô hình mới của lớp học đã cho phép các thành viên theo dõi sâu sát hơn quá trình sáng tạo và phát triển dự án của nhau.
Sanne nhìn nhận những quy định hạn chế di chuyển nhằm thích nghi tạm thời với hoàn cảnh, nhưng có khả năng sẽ tạo ảnh hưởng lâu dài đến nền công nghiệp báo ảnh nói chung. Khi không thể cử phóng viên ảnh có tên tuổi đến khu vực cần đưa tin, các hãng thông tấn quốc tế sẽ giao phần việc này cho những người đang hành nghề tại địa phương. Nhiếp ảnh gia cũng sẽ chủ động tìm đề tài ngay trong cuộc sống quanh họ thay vì ở đâu xa. Kết thúc bài trình bày, Sanne đưa ra câu hỏi đáng suy ngẫm rằng tính thời sự của COVID-19 liệu có đang lấn át những câu chuyện không kém phần quan trọng khác.
Phương Hoàng đưa ra câu trả lời dựa trên trải nghiệm sinh sống ở Berlin và làm việc cho một trang báo mạng Việt Nam. Vào thời điểm tháng Ba đến tháng Sáu, trong khi khi châu Âu chưa chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch, thì báo chí Việt Nam đã liên tiếp đưa tin về COVID-19. Khi tình hình ở Việt Nam dần được kiểm soát và các tòa soạn trở lại với việc cập nhật tin tức thường ngày, báo chí châu Âu mới bắt đầu sốt sắng. Có thể thấy báo chí luôn phản ứng với nhu cầu thông tin của phần đông độc giả, và những mối quan tâm hàng đầu sẽ luôn chiếm vị trí ưu tiên.
Phương bắt đầu đảm nhận vai trò biên tập và cố vấn hình ảnh cho VnExpress từ đầu năm 2019, sau hơn 10 năm cộng tác dưới vai trò phóng viên. Chị chia sẻ đây là một sự “đặc cách” rất lớn của tòa soạn khi lần đầu có biên tập ảnh, lại là vị trí làm việc từ xa. Vốn có kinh nghiệm sử dụng những nền tảng trực tuyến, với Phương, bản chất công việc trước và sau đại dịch không mấy thay đổi. Bên cạnh áp lực khi làm việc cho một trang báo lớn, những khó khăn chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật, như chênh lệch múi giờ và đôi khi là chất lượng đường truyền Internet.
Công việc biên tập ảnh của Phương bao gồm một số nhiệm vụ như giám sát chất lượng hình ảnh, tìm kiếm và xây dựng đội ngũ phóng viên ảnh, định hình một bộ quy tắc để phóng viên có thể tham chiếu, và khuyến khích sử dụng các phương pháp kể chuyện bằng ảnh phù hợp với từng đề tài. Chị cũng từng bước giải quyết những vấn đề còn tồn đọng như tránh đăng tải hình ảnh gây sốc về mặt thị giác, hay thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin nhân vật, đặc biệt là những người thuộc nhóm yếu thế, trong bối cảnh thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ quá nhanh.
Phương nêu ví dụ về quá trình trao đổi với phóng viên qua bộ ảnh làm nổi bật khó khăn của người lao động mất việc do COVID-19. Thay vì cho thấy khung cảnh vắng vẻ của chợ Long Biên vào thời điểm đó, để đưa tới góc nhìn tập trung vào con người, phóng viên ảnh đã thực hiện chuỗi chân dung môi trường chụp nhân vật bên cạnh công cụ kiếm sống của họ. Hay với đợt lũ lịch sử tại miền Trung tháng 11/2020, tòa soạn đã cử hai phóng viên từ TP HCM cũng như điều phối nhiều phóng viên địa phương tới đưa tin, để có thể khai thác sự kiện qua nhiều khía cạnh, như khung cảnh tan hoang do thiên tai và tình cảm con người trong bão lũ.
Kết thúc tọa đàm, Sanne đưa ra những cơ hội mới trong nhiếp ảnh, trong đó có kể chuyện đa phương tiện. Vào năm 2017, cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới giới thiệu hạng mục Digital storytelling (tạm dịch: Kể chuyện số) nhằm công nhận và khuyến khích thực hành tích hợp đa phương tiện của báo mạng, như ứng dụng điện thoại, thực tế ảo, hay thiết kế bài viết tương tác. Những công cụ số đã được sử dụng trước đại dịch, giờ sẽ phát huy mạnh mẽ khi việc tiếp cận câu chuyện từ xa ngày càng trở nên cần thiết, và kỹ năng cũng như tư duy của phóng viên ngày càng hoàn thiện. Là một trong số những trang báo mạng lớn nhất Việt Nam, VnExpress cũng không nằm ngoài xu hướng ấy.
Đại dịch đã đảo lộn hệ thống sẵn có của nhiều tổ chức và ngành nghề. Tuy vậy, đây cũng là hoàn cảnh thúc đẩy chúng ta phải suy xét và tái thiết các cấu trúc quen thuộc nhưng có lẽ đã lạc hậu trong thế giới nhiều biến động ngày nay. Kinh nghiệm thích ứng với trạng thái bình thường mới của hai diễn giả Sanne và Phương cho thấy dù có sử dụng hình thức nào, khả năng giao tiếp tập trung vào con người vẫn là yếu tố tiên quyết.
Sự kiện thuộc chuỗi chương trình trong khuôn khổ Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới: Những bức ảnh xuất sắc 2018 – 2020 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20 – 29/11/2020, do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam bảo trợ.
Sanne Schim van der Loeff là Trưởng ban giám tuyển tại Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới. Bên cạnh việc thiết kế triển lãm tại nhiều địa điểm trên toàn cầu, cô đảm nhiệm những triển lãm với nội dung đặc biệt, ví dụ như triển lãm chủ chốt tại Amsterdam, triển lãm tác phẩm từ Chương trình Tài năng Toàn cầu 6×6 và triển lãm tổng hợp tác phẩm nổi bật từng đoạt giải Ảnh Báo chí Thế giới.
Phương Hoàng sử dụng nhiếp ảnh cùng tổ hợp đa phương tiện để kể các câu chuyện xoay quanh những vấn đề xã hội, tập trung vào nhóm người yếu thế. Áp dụng kỹ thuật phỏng vấn và phân tích dữ liệu từ 14 năm thực hành nghề báo, cô khám phá các vấn đề với tư duy phản biện và góc nhìn hài hước. Một số dự án cô đang thực hiện xoay quanh các vấn đề về bạo lực gia đình, ô nhiễm rác nhựa, hay cuốn sách ảnh về nơi trú ẩn cho thanh thiếu niên khiếm thính ở miền Trung Việt Nam.