*Dự án đang thực hiện.
40 năm trước, hai con tàu mang tên Thống Nhất cùng xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên nối liền hai miền Nam – Bắc trong niềm hân hoan của nhân dân sau nhiều năm chia cắt. Những năm sau đó, đoàn tàu này đã trở thành phương tiện chủ lực, giúp lưu chuyển người và hàng hoá ngược xuôi khắp ba miền dọc đất nước theo đúng sứ mệnh mang trong tên mình.
Nhiếp ảnh gia Tấn Ngọc bắt đầu chuyến tàu đầu tiên của mình vào năm 2013 cũng chỉ vì xe máy hỏng chưa kịp sửa, dần dà thành nghiện, mà đã nghiện thì khó lòng tìm được lý do. Ngọc cứ mải miết đi tàu và những hành trình của cậu cũng cứ thế mà dài thêm. Khởi đầu từ những chuyến tàu đêm ngắn từ Tam Kỳ tới Đà Nẵng, dài nhất là hành trình Bắc – Nam hơn 30h mà giá vé còn đắt hơn cả 2h máy bay. Trong những khoảng xê dịch ấy, Ngọc bị thu hút bởi những câu chuyện được chia sẻ từ những con người thuộc nhiều tầng lớp, vùng miền, văn hoá qua hàng ghế cứng được sắp xếp đối diện và xin xít nhau. Cái hàng ghế này như một chất xúc tác khiến người ta đến gần với nhau hơn, vì đã ngồi mặt đối mặt hàng mười mấy tiếng, chẳng nhẽ lại không nói với nhau đôi ba câu chuyện. Xuôi miền nóng thì phe phẩy quạt nan ‘cả nhà cùng mát’, ngược miền lạnh thì ngồi san sát lại chia hơi ấm chung. Cái khoảng không gian eo hẹp, thiếu thốn này đã một cách tự nhiên, trở thành nơi mà người mọi miền Bắc – Trung – Nam chia sẻ những điều riêng tư nhất trên những vòng quay chuyển động không ngừng.
Chứng kiến một xã hội thu nhỏ trên các chuyến tàu, Ngọc quyết định ghi lại sự kết nối đó bằng nhiếp ảnh và đặt bản thân mình trở thành một phần xúc tác của câu chuyện dài về những chuyến tàu. Do nhu cầu ngày một cao về sự tiện nghi và không gian riêng tư, các ghế ngồi cứng dần bị thay thế bởi ghế mềm đơn hoặc các khu giường nằm riêng biệt hơn, những hình ảnh mà Ngọc đang chụp rồi đây sẽ chỉ còn là kí ức hiếm hoi của cá nhân cậu, cũng như kí ức đã qua của từng đoàn người đi từ Bắc vào Nam năm 1976.
Ấn tượng khó quên nhất trong những lần đi tàu của Ngọc là lần ngồi chung với đôi vợ chồng mù, họ chỉ có nhau và cái đài nhỏ làm bạn. Họ cứ thế nghe đài liên tục suốt hành trình dài, khi tiếng tàu lớn lại phải áp sát tai vào đài hơn, dường như họ cùng nhau tận hưởng những giây phút riêng tư ngay trong không gian chung này và cái xã hội đang lao vun vút ngoài cửa sổ.
Tôi không nhớ lần đầu tiên gặp Ngọc vào năm 2013, 2014 hay muộn hơn thời điểm đó. Ấn tượng không nhiều, chỉ nhớ mang máng Ngọc thuộc thế hệ đầu của 9x, sống ở Tam Kỳ, học Kiến trúc và làm việc chủ yếu ở Đà Nẵng. Mãi sau này khi có dịp gặp gỡ trong các cuộc giao lưu giữa anh em bạn bè cùng đam mê thể loại tư liệu đời sống, tôi mới dần hiểu nhiều hơn về con người và cách nhìn cuộc sống của Ngọc qua những góc ảnh. Giống với vẻ bề ngoài hiền lành nhưng tình cảm, ảnh của Ngọc phát triển dần theo cảm nhận cá nhân về cuộc sống, qua những chuyến đi độc hành không có nhiều mục tiêu quá rõ ràng nhưng giúp thế giới quan của cậu phát triển dần lên.
Không quá cầu toàn, không quá mạnh mẽ, không quá gay gắt, không quá kế hoạch, Ngọc chủ động học cách quan sát và ẩn mình trong môi trường, trước những chủ thể của khung hình một cách tự nhiên. Ngọc chụp nhiều thứ lắm nhưng nhẹ nhàng và cảm xúc , nhất là những bộ ảnh thực hiện qua những lần xê dịch của tuổi trẻ. Trong hai năm gần đây , những chủ đề của Ngọc bắt đầu có chiều sâu và mang khuynh hướng dài hơi, kể đến các dự án như Chuyện Trên Tàu, Bến Vinh Hiền, Người H’mong Ở Vùng Núi Phía Bắc đều tập trung vào sự thay đổi văn hóa và con người dưới tác động của thời gian và xã hội, những nhóm cộng đồng mà sau này việc cưỡng bức dịch chuyển là không thể tránh khỏi. Những hình ảnh Ngọc đang cần mẫn ghi lại qua thời gian sẽ trở thành tư liệu quan trọng phản ánh sự thay đổi trong đời sống đương thời tại nhiều miền.