“Cacher* là một cuốn nhật ký bằng hình ảnh dò lại chặng đường của một mối quan hệ tình cảm, mà trong đó gương mặt của người bạn gái cũ của của tôi bị giấu đi. Chuỗi ảnh này ghi lại khoảng cách địa lý và tinh thần giữa tôi với cô.
“Cacher trong tiếng Pháp có nghĩa là che giấu. Tôi đồng cảm với tác phẩm A lover’s Discourse của nhà thơ Roland Barthes bởi cũng đang mắc kẹt với sự mâu thuẫn trong nỗi si mê như ông miêu tả, như bất thành với việc nói thành lời những cảm xúc của mình. Tôi cố giấu diếm cảm xúc với người yêu, nhưng quá trình thường xuyên chụp ảnh cuộc sống đời thường và không gian riêng tư của chúng tôi, cơ thể cô và cả của tôi nữa, cũng là quá trình tôi để bản thân mình được yếu mềm; tôi đã kìm nén nhiều nỗi niềm nhưng ảnh đã giải phóng chúng. Trong khi cố gắng che đậy tình yêu còn đong đầy của mình, tôi đã học cách chấp nhận điểm chung giữa nỗi đau và niềm vui, giữa lòng ham muốn và sự chối bỏ mà tồn tại trong mọi mối quan hệ con người. Cho dù chủ thể của chuỗi hình này là người bạn gái cũ, bản thân tôi cũng hiện diện trong chúng rõ ràng như cô ấy. Sự kết nối giữa không gian cá nhân và những giây phút thoáng qua của mối quan hệ này, và sự căng thẳng giữa cảm giác gần gũi với xa lạ đã phơi bày tấm chân dung của cả hai chúng tôi.” – Thy Trần
Được biết đến trước đó với loạt ảnh thể hiện sự cô đơn, dự án Cacher của Thy Trần cũng mang đậm dấu ấn nghệ sĩ với ảnh khoả thân, film 35mm tông màu nhẹ nhàng và cảm giác cô lập. Thy đã tìm cách lưu trữ lại cảm giác mâu thuẫn nội tại trong nỗi si mê với người cũ, tạo nên một không gian tĩnh lặng nhưng gợi cảm của mối tình đã qua. Đây là một câu chuyện tình vừa ngọt vừa đắng, mơ mộng và phảng phất nỗi u buồn. Tôi tôn trọng sức nặng của mối quan hệ này lẫn sự riêng tư và thành thực của Thy khi thực hiện một bộ ảnh không lấy gì làm nhẹ nhàng.
Thy chia sẻ rằng hành động chụp ảnh ở đây mang đầy mâu thuẫn. Tại sao cô lại chụp ảnh để che giấu những gì rất đỗi thầm kín? Người xem không thể tìm được nhiều thông tin về nhân vật lẫn mối quan hệ giữa họ qua ảnh. Qua hết ảnh này đến ảnh khác, nhân vật luôn giấu mặt. Như vậy, tác phẩm chỉ tập trung vào “những giây phút thoáng qua” và hình tượng hoá sự căng thẳng giữa hai người. Cô không muốn lột trần mọi thứ, nhưng lại thường xuyên ghi lại cuộc sống đời thường, không gian riêng tư, cơ thể của người kia và cả của cô nữa. Đây là hành động mở lòng hơn với sự yếu lòng của mình và đối mặt với những cảm xúc bị kìm nén bấy lâu.
Bên cạnh việc chụp những bức chân dung không mặt, Thy cũng cố tình tẩy xoá và che giấu trong ảnh mình. Như tấm mà nửa trên đen kịt, nửa dưới hé lộ một giây phút riêng tư. Là người xem, có lẽ tôi được khuyến khích tưởng tượng về bối cảnh và câu chuyện đằng sau nó. Có phải là nhân vật đang xem phim hay đọc gì đó từ màn hình laptop? Có phải tấm ảnh gợi lại điều gì về người yêu cũ mà Thy muốn nhớ về, muốn quên đi, hay muốn tưởng tượng?
Ngôn ngữ hình thể trong ảnh mở ra những khoảng cách giữa sự thân mật và xa lạ, ẩn ý về những gì đang xảy ra giữa hai người qua những tấm chụp cơ thể xen lẫn với ảnh tĩnh vật. Những thân thể đa phần trần trụi được xếp vào các tư thế kì dị hay chỉ xuất hiện một phần hoặc rời rạc, như thể bị tách ra khỏi thực tế cuộc sống thường nhật của họ. Chúng ta thấy một thân thể ngập trong nước nhưng chưa chắc người đó đang tắm. Liệu người ngồi trên ghế, trên giường có đang thực sự nghỉ ngơi? Cục sạc điện thoại cắm vào ổ điện trong phòng khách sạn có thể gợi lên điều gì? Người xem được quyền nhìn ngắm, nhưng đồng thời lại không được tiết lộ gì nhiều về những kí ức riêng của Thy.
Tình yêu đã, đang và sẽ luôn luôn là nàng thơ của mọi nghệ sĩ. Mỗi người hiểu và nhìn nhận tình yêu một cách khác nhau, nhưng ta đều có thể đồng cảm với một câu chuyện tình được thành thực chia sẻ. Mà chuyện tình thì muôn hình vạn trạng với bao sự đa đoan. Ở đây, Thy cảm thấy mình phải ghi lại mối tình này, những cảm xúc mâu thuẫn phức tạp này, giữ lại kí ức cho bằng được dù người thì không còn đây, để làm nên “một tấm chân dung của cả hai”. Nhưng cô cũng đã khéo léo tạo nên những hình ảnh không tiết lộ danh tính, để khoảng riêng tư không bị xâm nhập và không gian trống cho sự diễn giải của người xem.
*Dự án Cacher của Thy Trần đã được xuất bản thành sách bởi nhà xuất bản độc lập NB tháng 11 này. Xem thêm thông tin về cuốn sách và bài phỏng vấn với Trâm Nguyễn, người đồng sáng lập NB Books.