Phong Nguyễn là một nhiếp ảnh gia đường phố. Ngược với vẻ ngoài hầm hố ‘xăm kín tay’, chỉ qua đôi ba câu chuyện đã thấy Phong thân thiện, thật thà y như cái thành phố cổ xinh đẹp Hội An nơi anh đang sinh sống. Ngoài công việc hàng ngày là chăm sóc hơn 60 chú mèo tại trung tâm cứu trợ tại gia, anh còn nổi lên trong cộng đồng mạng với vai trò là quản trị viên của group ảnh Vietnam Hardcore Street Photography và số lượng sách ảnh đáng kể sưu tầm được. Dưới đây là phần chia sẻ của Phong về việc sưu tập sách và những cuốn sách anh yêu vào thời điểm này.
Về chuyện sưu tầm sách.
Hồi mới chụp ảnh mình bảo thủ ghê lắm, có đứa em ở Úc về giới thiệu cho một vài tên tuổi nhiếp ảnh lớn mình lại từ chối tiếp thu, tự cho rằng mình có thể phát triển phong cách riêng chẳng phải ảnh hưởng từ ai. Thời gian sau chán ảnh postcard rồi mình bắt đầu lên mạng tìm tòi thêm, lần đầu tiên xem ảnh Magnum mình biết ngay đây chính là tiêu chuẩn thế giới và là một một tiêu chuẩn hoàn toàn mới cho cá nhân mình. Thế giới quan của mình dần thay đổi từ đó, rồi càng xem càng thấy mình nhỏ lại. Nghiên cứu thêm mới thấy sách chính là nền tảng tối ưu và ‘vĩnh cửu’ nhất cho việc trưng bày hình ảnh. Mình bắt đầu sưu tầm sách vào cuối năm 2015, nay đã có khoảng 30 đầu sách và chủ yếu nhờ bạn bè người thân xách về. Vì chuyện mua sách mà thỉnh thoảng cũng bất hoà với vợ nhưng cuối cùng sách vẫn cứ đầy nhà. Hiện mình sưu tầm sách theo hai hướng, trước tiên là các tay máy tư liệu với phong cách cổ điển như các thành viên Magnum thời kì đầu, hướng còn lại là sách của các tay máy ảnh đường phố hiện đại với cái nhìn ‘tinh quái’ và ít ‘lề thói’ hơn. Điều này phản ánh cách chơi và nhìn nhận về nhiếp ảnh tại thời điểm hiện tại.
Henri Cartier-Bresson, Photographe, Delpire, 2016.
Mình hiện đang thử sức với ảnh đường phố (street photography) nên đương nhiên Henri Cartier-Bresson (HCB) là cái tên phải tìm kiếm đầu tiên. Xứng đáng là người kiến tạo nhiếp ảnh hiện đại, khung cảnh đời thường qua ảnh HCB tự nhiên nhưng nên thơ và lãng mạn kiểu tài tử chốn phố thị. Hơn nữa ông xử lý góc nhìn 50mm thật thoáng và trọn vẹn, không bị gó bó.
Mình thích khoảnh khắc riêng tư giữa chốn công cộng trong ảnh dưới, ngoài chủ thể là người đàn ông suy tư HCB còn khéo léo đưa vào các lớp (layer) nhân vật tạo thêm phần ‘kịch tính’ cho bức ảnh. Bức ảnh cũng thể hiện rõ con mắt đầy tính mỹ thuật được đào tạo lâu năm của HCB, khung hình chặt chẽ, không thừa, không thiếu một chút nào (HCB không bao giờ crop ảnh).
Magnum Stories, Chris Boot, Phaidon, 2014.
Cuốn sách này vợ mình tặng, cuốn sách thể hiện quá trình thực hiện các dự án ảnh từ giai đoạn ý tưởng tới sản phẩm hoàn thiện và các câu chuyện hậu trường, những điều dẫn dắt người nghệ sĩ trong quá trình thực hiện. Mình đã ‘mở mắt’ và trả lời phần nào câu hỏi “Tại sao họ làm được vậy?” qua ấn phẩm này. Cuốn sách cũng cho mình biết thêm khái niệm ảnh tư liệu (documentary), thứ ảnh đang rất thu hút mình và sẽ cố gắng thử sức trong tương lai gần.
Alex Webb ảnh hưởng tới mình rất nhiều trong việc chơi màu sắc. Để thực hiện được một bức ảnh phức tạp, nhiều lớp mà màu sắc của mỗi chủ thể đều nổi bật và tách biệt đã khó, ở đây ông còn làm cho cái màu sắc xuyên suốt trong nhiều năm trở thành ‘thương hiệu’ của riêng Alex Webb. Mình đang chờ xem cuốn sách mới Alex Webb chụp Mexico trong 30 năm để xem có sự thay đổi nào trong ngôn ngữ hình ảnh của ông trong cả một chặng đường dài như vậy không.
Alex Majoli còn rất trẻ nhưng mình nể góc nhìn của anh về cuộc chiến. Cũng là chiến trường Afghanistan đó thôi nhưng không trực diện, tính thông tin cao và nặng nề như mô típ ảnh báo chí thường thấy, Ngược lại ảnh của Alex Majoli lại đầy chất thơ và lãng mạn bằng tinh thần nghệ sĩ hơn ngay giữa nơi điểm nóng xung đột.
Magnum Contact Sheets, Kristen Lubben, Thames & Hudson, 2011.
Do đặc thù của việc chụp film nên trước đây mình cứ nghĩ một khung cảnh chỉ cần chụp đến 3 tấm là đủ để thể hiện. Cuốn sách này đã phá bỏ tư tưởng đó trong mình. Thà đốt một cuộn film 36 tấm để chọn được một kiểu ưng ý còn hơn là chụp 3 tấm rồi về tiếc hùi hụi!
Mình nhìn nhận Trent Parke như một nghệ sĩ thị giác nhiều hơn là một người làm ảnh tư liệu. Tất cả hình ảnh của ông đều được tạo ra từ nhu cầu cá nhân và tự ông cũng không muốn định nghĩa ảnh của mình thuộc phong cách nào. Qua phần thông tin mình cũng được biết những tấm hình dưới nước của ông chẳng yêu cầu kỹ thuật gì cầu kì, film iso 400, tốc độ 1/125s. Ông cũng có một giai thoại về việc chụp 100 cuộn film trong 6 tháng chỉ để có được một frame hình ưng ý.
Jonas Bendiksen là một tay quái kiệt, ngay từ khi còn rất trẻ hắn đã lang thang khắp các điểm cực ‘lạnh’ của thế giới. Ý mình là những vùng đất xa xôi, heo hút nhất của hành tinh thường bị lãng quên, nơi mà dường như ‘chẳng có chuyện gì để kể’. Như tấm hình siêu thực này hắn chụp tại một ‘bãi rác vệ tinh’ rất ít người tìm tới thuộc vùng Altai, một điểm cực Nam của Nga.
The Last Resort, Martin Parr & Gerry Badger, Dewi Lewis Publishing, 2010.
Mình rất nể cách tiếp cận chủ thể ở cự ly siêu gần của Martin. Độ chai mặt của ông cũng ngang cỡ Bruce Gilden (ông này chuyên đánh flash vào giữa mặt người đi trên phố) nhưng khuôn hình của Martin Parr lại nhiều ý đồ hơn, tinh quái và có sự hóm hỉnh đặc biệt kiểu Anh. Cuốn sách đồng thời thể hiện phong cách ảnh mà mình đang hướng tới tại thời điểm hiện tại đó là mô tả sự thiếu thốn cùng cực và cuộc sống ngột ngạt ngay trong thời đại vật chất.
Street Photography Now, Stephen McLaren & Sophie Howarth, Thames & Hudson, 2010.
Mình chủ ý mua cuốn này khi bắt đầu nghiên cứu về ảnh đường phố. Phong cách ảnh này quả vui và nhiều thách thức cá nhân hơn so với ảnh du lịch mình thường chụp trước đây. Cuốn sách này là một bộ sưu tập của các tay máy hiện đại, nhiều trong số đó là thành viên iN-PUBLIC cho thấy góc nhìn tinh quái và khéo léo trong việc phá việc phá vỡ các quy tắc điển hình của nhiếp ảnh.
Đặc biệt trong cuốn sách này mình rất thích trang nói về Narelle Autio, vợ của Trent Parke. Tấm hình này vẫn đang ám ảnh mình, một khung cảnh dung dị nhưng nó quá đẹp đầy tính điện ảnh y như một phân cảnh trong phim Vương Gia Vệ và việc chủ thể hơi nhoè tạo cảm xúc lớn. Nó cho mình thấy rằng thực hành nhiếp ảnh còn nhiều thứ để quan tâm hơn việc tạo được một bức ảnh đúng chuẩn. Narelle Autio cũng là cái tên mình muốn giới thiệu tới bạn bè chụp ảnh, tuy cô cùng chồng đã sản xuất rất nhiều dự án ảnh nhưng lại khá kín tiếng, chủ yếu là các buổi triển lãm ở phạm vi cá nhân.