Qua cửa kính xe khách, một người đàn ông bất giác nhìn vào ống kính, con gà chọi không hiểu ở đâu ra lại thò đầu rướn cổ nhìn về hướng đó. Ở bức ảnh khác, ba người đàn ông thích thú đưa ống nhòm lên quan sát điều gì đó bên ngoài khung hình mà người xem không hay biết. Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều khoảnh khắc gây tò mò đã và đang được Chu Việt Hà ghi lại bằng một góc nhìn rất địa phương, gợi những cảm giác cụ thể về nơi chốn, tạo nên cái chất ‘Việt Nam’ không lẫn vào đâu được. Có lẽ điều đó giải thích sự ưu ái đặc biệt của cộng đồng nhiếp ảnh đường phố cho Chu Việt Hà.
Chu Việt Hà có coi bản thân là nhiếp ảnh gia (NAG) đường phố không?
Chuyện kể rằng NAG kì cựu Garry Winogrand vốn rất ghét bị gọi là ‘nhiếp ảnh gia đường phố’, với ông, danh xưng này vốn không nói lên điều gì. Ông chụp rất nhiều ảnh tại sở thú, ‘vì lẽ đó chẳng lẽ gọi tôi là NAG sở thú’ – Winogrand đặt lại câu hỏi cho người xem. Mình cũng không thích bị gán là nhiếp ảnh gia đường phố đâu. Ngay việc gọi mình là nhiếp ảnh gia đã là không phải rồi vì mình cũng chỉ là người mua máy chụp chơi, chỉ chơi thôi chứ không đi theo con đường chuyên nghiệp. Nhiếp ảnh đường phố sẽ luôn là cuộc chơi với mình.
Vậy ở những khung cảnh khác Chu Việt Hà có chụp không?
Có chứ! Ảnh đường phố không nhất thiết phải diễn ra ở đường phố, bối cảnh có thể là ở bãi biển, nông thôn, thậm chí trong siêu thị… Điều quan trọng nhất trong ảnh đường phố là thể hiện được cá tính của người chụp. Ảnh đường phố giúp làm nổi bật lên góc nhìn riêng biệt của người chụp với không gian xung quanh, khi đó chính không gian xung quanh sẽ bị lu mờ bởi cái tôi của người chụp. Ví dụ trong ảnh dưới, bản thân mình xuất hiện và trở thành một phần của bức ảnh. Khi đối diện với khung cảnh ông cụ đang tập thể dục, mình nghĩ ngay đến việc tạo một hành động đối xứng để bức ảnh thú vị hơn, và thế là cái bóng của mình xuất hiện trong ảnh. Nói thẳng ra, mình thích thì mình làm thôi!
Ảnh đường phố chỉ để phục vụ bản thân mình. Mình ra ngoài phố, đi dạo, đi chơi, không nghĩ điều gì khác ngoài thể hiện cái tôi của mình. Nó khác với ảnh tư liệu ở chỗ với ảnh tư liệu thì sự tôn trọng nhân vật và sự kiện luôn là trên nhất. Luật lệ trong ảnh đường phố là không có luật lệ. Mình cũng nghĩ là không cần áp đặt gì trong ảnh đường phố. Cũng giống như chơi bóng đá đường phố với bóng đá chuyên nghiệp ấy. Bóng đá đường phố không có luật, chỉ thể hiện cá tôi của người cầm bóng.
Điều gì làm nên một Chu Việt Hà khác biệt và nhận được cảm tình từ cộng đồng cả trong và ngoài nước trước một rừng NAG đường phố hiện nay?
Có thể là do may mắn thôi. Vào thời điểm mình bắt đầu chơi ảnh đường phố, số lượng người theo đuổi con đường này chưa nhiều. Mình tham gia nhiều cộng đồng nhiếp ảnh nước ngoài, coi như là do may mắn mà ảnh của mình hợp mắt người ta nên hay được chọn đăng. Mình đã và đang kiên định theo con đường này chứ không muốn chạy theo xu hướng.
Khi coi nhiếp ảnh là cuộc chơi thì hãy chụp cho bản thân mình, đừng chụp phục vụ người khác. Nếu một tấm ảnh của bạn được 1000 người thích, được đà bạn sẽ tiếp tục chụp chỉ để phục vụ 1000 khán giả này và niềm vui sẽ xảy ra trong phút chốc hiện tại. Nhưng đã là xu hướng thì kiểu gì cũng cả thèm chóng chán, và khi bạn dựa vào khán giả để định hình phong cách của mình thì bạn sẽ chẳng còn biết bản thân mình là ai khi khán giả chạy theo một thần tượng khác.
Chu Việt Hà đã khi nào chán cuộc chơi này?
Mình chơi cũng được ba năm rồi nhưng vẫn chưa chán. Cá nhân mình không sống bằng ảnh nên nhiếp ảnh là một cách để mình cân bằng cuộc sống, giải toả sau những bận rộn. Dù không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, mình vẫn luôn đặt mục tiêu cao hơn để phấn đấu vượt qua bản thân của ngày hôm nay. Như NAG Imogen Cunningham đã từng nói một câu mà mình tâm đắc: “Nếu được hỏi bức ảnh nào là bức ảnh tôi thích nhất, câu trả lời của tôi sẽ là bức tôi chụp vào ngày mai”.
Nguồn cảm hứng và động lực để tiếp tục cuộc chơi này có thể đến từ rất nhiều phía. Trước đây mình hay tham gia các cuộc thi từ các nhóm ảnh đường phố trên flickr, facebook, cũng do phần hiếu thắng, nhưng chủ yếu mình được cọ sát, biết được ảnh của mình đang ở đâu trong trong hàng triệu bức ảnh phố trên mạng. Hiện mình đang làm biên tập cho tạp chí APF, việc thường xuyên xem tác phẩm của nhiều NAG khác nhau với phong cách rất đa dạng chính là một cách học hỏi rất tốt.
Mình nghĩ điều tối quan trọng đối với người thực hành nhiếp ảnh là phải xem ảnh thật nhiều.
Gần đây thấy tác phẩm của Hà ít xuất hiện trên trang cá nhân hơn, có lý do nào không?
Năm ngoái mình chụp nhiều, thứ nhất là vì có nhiều thời gian. Nói vui một chút, hồi còn trẻ mình luôn muốn khẳng định bản thân, muốn có nhiều ảnh đăng lên các tạp chí, diễn đàn và trang cá nhân. Bây giờ mình vẫn chụp đều nhưng có sự chọn lọc hơn khi đăng. Trước tự đặt mục tiêu đăng ba ảnh một tuần, giờ một đến hai tuần mình mới đăng một tấm, vừa để kéo giãn ra có thêm thời gian chiêm nghiệm, vừa để dành cho triển lãm sau này nếu có. Làm như vậy thì sản phẩm sẽ có chọn lọc và thu hút khán giả hơn.
Mình tự ép bản thân vào quy trình như vậy vì khi chụp ảnh kiểu gì cũng bị cảm xúc chi phối. Trước mình bị cái tật cứ chụp xong thấy đẹp là chạy về nhà đăng luôn, ba hôm sau xem lại đã thấy hơi chán, một tuần một tháng sau nhìn lại còn chán nữa. Đấy là lí do vì sao gần đây mình ít đăng ảnh, mình dành thời gian chờ cảm xúc nhất thời lắng xuống để đánh giá ảnh một cách khách quan, lý trí hơn. Khi biên tập ảnh, phải đặt tâm lí như người ngoài khi xem ảnh của mình. Có lần, Eric Kim bảo mình rằng chỉ một bức ảnh xấu có thể đập tan ngay tên tuổi đã mất công gây dựng. Càng ngẫm lại mình càng thấy đúng.
Chu Việt Hà đã đi từ khẳng định bản thân sang… thể hiện bản thân qua nhiếp ảnh, như dòng tự sự trên mạng? Hà muốn bản thân mình được nhìn nhận như thế nào qua ảnh?
(Cười) Ai cũng bảo mình nhìn hiền lắm. Vẻ ngoài thì thế thôi chứ bên trong mình khá mạnh mẽ và cá tính đấy, mình nghe nhạc Rock! Khi đi làm phải ‘gọi dạ bảo vâng’ với sếp. Trong nhiếp ảnh, mình được thể hiện bản thân thoải mái mà không sợ ai đánh giá.
Chu Việt Hà có thể chia sẻ thêm về dự án dài hạn cá nhân?
Thời điểm hiện tại, mình đã có định hướng khá rõ ràng cho nhiếp ảnh cá nhân và đang thử nghiệm với một dự án sâu hơn, dài hơn, có nhiều giá trị hơn. Cụ thể là mình đang tập trung chụp chợ Đồng Xuân. Lý do thì đơn giản thôi: mình vào đấy quá nhiều, chụp quá nhiều và thấy là mình có cảm xúc ở đấy thật, dần dà phát triển các mối quan hệ thân thiết với những người trong chợ.
Thế lúc đó Chu Việt Hà đang chụp ảnh đường phố hay ảnh tư liệu?
Nó vẫn là ảnh đường phố nhưng mình lựa chọn sẽ tập trung vào một không gian nhất định, ở đây là khu chợ Đồng Xuân. Trong ảnh nhiều lúc không nói thì không ai biết là chợ Đồng Xuân đâu. Ảnh trong dự án này sẽ chỉ thể hiện cái nhìn, cuộc dạo chơi của mình, không phản ánh vấn đề hay câu chuyện cụ thể gì về khu chợ này.
Nhân dịp workshop về nhiếp ảnh đường phố sắp tới của Hà cùng với NAG Vineet Vohra và Nguyễn Việt Thanh, Hà nghĩ việc tham gia workshop giúp ích như thế nào với người muốn thực hành nhiếp ảnh?
Trước đây ba năm mình có học workshop của Eric Kim, thời điểm đó mình còn chưa biết gì về nhiếp ảnh. Sau này trải nghiệm và va vấp nhiều hơn trong cả cuộc sống và nhiếp ảnh, mình bắt đầu thấy được giá trị thực qua những bài học đó. Khi tham gia workshop, mọi người sẽ có định hướng rõ ràng hơn về những gì mình muốn theo đuổi. Tuyệt vời hơn nữa là mình được giao lưu học hỏi với giảng viên dày dạn kinh nghiệm, họ sẽ giúp mình trong quá trình biên tập để tìm tiếng nói riêng, cái đó rất quan trọng. Mình được mở mang tầm mắt rất nhiều khi được ở bên cạnh những người giỏi hơn mình. Đi học không phải để giảng viên nói gì nghe đấy mà mình sẽ quan sát cách làm việc của họ và nghiền ngẫm những gì họ truyền đạt.
Chu Việt Hà là một nhiếp ảnh gia đường phố hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Ảnh của Chu Việt Hà đã được chọn đăng trên các trang, tạp chí về nhiếp ảnh như Invisible Photographer Asia, Streethunters, Eric Kim blog… Ngoài công việc chính về kiến trúc, anh tham gia biên tập cho tạp chí nhiếp ảnh APF (Art Photo Feature).
Kết nối với Chu Việt Hà tại Facebook và Instagram.