Như nhiều thành phố châu Á đang trên đà phát triển, Hà Nội đã được lên ảnh quá nhiều. Vô số những nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước đang khắc hoạ lại quá trình chuyển mình từng ngày của thành phố này. Từ nét xưa cũ bình yên còn sót lại nơi ngõ nhỏ phố nhỏ tới đô thị tấp nập, từ những mảnh đời lam lũ ngoài vỉa hè tới những không gian sáng choang sang trọng, mọi mảng miếng đều đã từng xuất hiện trên ảnh.
Những hình ảnh về Hà Nội thường làm ta rung động, nhưng hiếm khi làm ta bất ngờ. Nhưng Adam Birkan dường như đã mở ra một góc nhìn khác: Hà Nội được phủ một lớp màu nửa ảm đạm nửa mơ màng, xen lẫn hơi thở siêu thực tương lai trong lòng thành phố có rất nhiều dấu ấn lịch sử, những khung cảnh quen thuộc bỗng trở nên xa lạ và những biểu tượng đối lập được đặt cạnh nhau đầy ẩn ý.
Adam Birkan gửi dự án của mình đến Matca với lời chia sẻ rằng bộ ảnh là cách anh chiêm nghiệm về Hà Nội, nơi lịch sử và văn hoá kéo dài 1007 năm đang chống chọi trước sự thay đổi của xã hội và từng cá nhân trong thời kỳ tăng trưởng mãnh liệt không ngừng.
Tại sao anh lại chụp ảnh Hà Nội và anh ở đây bao lâu để thực hiện dự án này?
Ban đầu tôi quan tâm đến Hà Nội vì một lí do hoàn toàn thực tế. Tôi đang sống tại Bangkok, nên đôi khi tôi phải bay khỏi Thái để làm mới visa. Điểm đến đã là Hà Nội vì nó ở ngay gần và tôi cũng chưa tới đây bao giờ. Sau chuyến đi đầu tiên, mối quan tâm tới thành phố này đã trở nên mạnh mẽ hơn và tôi quyết định thực hiện một dự án dài hạn ở đây. Hà Nội là một thành phố của những điều đối lập cùng cực trong văn hoá, xã hội và cả thị giác nữa. Ta có thể dễ dàng nhìn thấy lịch sử lâu đời ngoài bộ mặt của thành phố cổ kính này, nhưng cũng có thể khám phá những gì nằm dưới bề mặt ấy. Tôi đã tới đây khoảng 10 lần, mỗi lần từ 3-5 ngày trong vòng 3 năm nay để chụp ảnh.
Anh có hình dung về thành phố này trước, trong và sau những chuyến đi tới đây không? Dự án này liệu có thay đổi hình dung về Hà Nội của anh?
Tôi không tiên đoán trước tác phẩm trước khi thực hiện. Tôi nghĩ rằng hạn chế định kiến tới mức ít nhất có thể về một địa điểm là cách tốt nhất để chụp ảnh một cách chân thành, bỏ qua ảnh hưởng từ những nguồn tin bên ngoài. Tôi không có một kế hoạch cụ thể khi chụp, mà chỉ lang thang đi bộ quanh phố và mong đợi may mắn sẽ mỉm cười với mình. Tôi chụp rất nhiều, và với phương pháp thực hiện đó, phần hậu kỳ là quan trọng nhất. Khi biên tập ảnh, tôi cố gắng tìm những tấm hình mà có sự kết nối với nhau mạnh mẽ nhất. Sau một thời gian, chuỗi ảnh và ý nghĩa của chúng tự nhiên được hình thành. Về cơ bản thì tôi sáng tác trước khi có một ý tưởng cụ thể. Và khi tôi đã tìm được ý tưởng trong quá trình chụp, bộ ảnh này sẽ có định hướng phát triển rõ ràng hơn rất nhiều.
Sự lồng ghép những hình tượng đối lập xem ra là một phần quan trọng trong thực hành của anh. Tại sao anh lại tìm kiếm những cảnh trái nghịch, đặc biệt là trong bộ ảnh Hà Nội?
Tất cả là về bối cảnh, hoặc đôi khi sự thiếu vắng bối cảnh. Trong dự án Hà Nội, ảnh cần phải có bối cảnh. Ý tưởng của dự án là miêu tả một thành phố đang chuyển mình. Nhưng ta cho thấy sự biến chuyển như thế nào với một công cụ tĩnh như nhiếp ảnh?
Bởi ảnh không thể di chuyển, tôi sử dụng hình tượng đối lập để làm lay động tâm trí người xem. Ví dụ như cho thấy một toà nhà cũ bên cạnh một toà nhà mới. Nhưng hình tượng đối lập không chỉ được hiểu trực diện như vậy. Có những hình tượng cần bản năng cảm nhận như màu sắc hay ngôn ngữ hình thể, lại có hình tượng cần được học mới hiểu, như ngôn ngữ và biểu tượng học. Mỗi hình tượng lại có những cách hiểu khách nhau dựa trên cách thể hiện, người sáng tác và người xem. Mỗi góc nhìn của từng cá nhân đều có giá trị.
Trong ảnh có những hình tượng đại diện cho sự giàu sang, nghèo khó, tầng lớp lao động, tuổi tác, môi trường, toàn cầu hoá, công nghiệp hoá,… Và cả những hình tượng đại diện cho xúc cảm như màu sắc. Với tư cách là người ghi lại tư liệu, việc của tôi là tìm kiếm những hình tượng này và sắp xếp chúng vào một tấm hay một bộ ảnh, để kể một câu chuyện rộng hơn là khoảnh khắc được chụp ngay lúc đó.
Trong chú thích của bộ ảnh, anh có ghi rằng: “Đây cũng là một nỗ lực để phá vỡ quan điểm sáo mòn về Đông phương được tạo ra bởi nhãn quan phương Tây”. Anh có thể giải thích thêm về câu trên và cách anh định “phá vỡ quan điểm sáo mòn” như thế nào không?
Có nhiều cách để đập bỏ định kiến. Nhưng trước hết, bạn cần phải nhận ra có những định kiến nào về nơi này. Tôi là một người nước ngoài nên điều đó không có gì khó. Trước khi tới đây, tôi chỉ biết tới Việt Nam qua báo chí đưa tin hay National Geographic. Khi đã đến Việt Nam, tôi cố gắng để tránh chụp bất cứ thứ gì na ná như họ. Đó là bước đầu tiên để phá vỡ định kiến: phải biết cái gì là định kiến mà tránh. Nếu ảnh của tôi giống ảnh của National Geographic, tôi biết rằng mình đang không chụp một cách thành thực. Tất cả mọi thứ trong một địa điểm đều xứng đáng được chụp ảnh. Như nhiếp ảnh gia William Eggleston đã nói: “Tôi có quan điểm mà tôi cho là một cách quan sát dân chủ, rằng không có thứ gì kém hay quan trọng hơn”. Tôi chụp ảnh với suy nghĩ như vậy. Khi bạn chụp ảnh mọi thứ bình đẳng nhau, những định kiến sẽ không tồn tại được. Nói một cách ẩn dụ thì định kiến tồn tại trong một khoảng chân không, trống vắng ý tưởng hay nội dung để vô hiệu hoá những định kiến đó. Kẻ thù của định kiến là thời gian và kinh nghiệm, nên khi ta tạo ra ý tưởng và nội dung, chúng sẽ biến mất.
Bộ ảnh có một không khí trầm lắng và có phần bí ẩn. Anh có thể chia sẻ về quá trình mình biên tập cũng như chỉnh sửa ảnh không?
Như đã nói trước đó, cách lựa chọn ảnh của tôi khá tự nhiên. Những tấm có kết nối với những tấm khác được chọn còn những tấm không có kết nối bị loại – cũng là một cách để tránh định kiến vì định kiến thường không bao giờ liên quan đến những ý tưởng khác. Tôi phát triển ý tưởng dựa trên những ảnh được chọn và cùng thời điểm đó nghĩ đến cách sắp xếp. Cách tôi chỉnh sửa ảnh thì đơn giản hơn là mọi người nghĩ. Tôi cắt ảnh vuông vì thích sự đồng điệu, và cố gắng có thật ít sự tương phản và vùng tối trong ảnh. Tất cả đều được chiếu sáng, không gì được giấu trong bóng tối. Nếu có gì tối trong ảnh của tôi, thì bóng tối đó thường mang tính bí ẩn. Tôi cũng tránh chụp màu sắc rực rỡ, trừ khi chính màu sắc ấy là mục đích của bức ảnh, nếu không nó sẽ làm phân tán người xem khỏi nội dung của ảnh. Sự thống nhất trong tông màu quan trọng bởi nó giúp người xem hiểu rằng dự án này phải được xem xét toàn thể.
Anh có dự định gì cho đầu ra của bộ ảnh không?
Tôi đã có một triển lãm nhỏ tại Bangkok năm ngoái, nhưng cũng muốn có một triển lãm lớn hơn sau khi hoàn thành dự án, có thể ở Hà Nội hay đâu đó tại Việt Nam. Tôi cũng muốn xuất bản sách, nhưng khi dự án chưa xong thì cũng khó nói được gì. Tôi nghĩ đến năm 2018 mọi thứ sẽ dần hoàn thiện, nhưng cũng không nói trước được vì tác phẩm này là về Hà Nội, mà Hà Nội thì luôn luôn thay đổi.
Adam Birkan là một nhiếp ảnh gia tự do sinh ra tại Jerusalem. Anh từng được chọn vào danh sách 30 Under 30 của Magnum Photos và tham gia khoá học Eddie Adams thứ 28. Hiện Adam đang làm việc tại Bangkok và tập trung vào những dự án ảnh ngắn và dài hạn với góc nhìn bao quát về những vấn đề kinh tế xã hội.
Kết nối với Adam tại Instagram.