Makét 02

Kevin WY Lee: “Chỉ Chụp Ảnh Thôi Là Chưa Đủ”

Một thập kỷ trước, Kevin WY Lee sáng lập trang Invisible Photographer Asia (IPA) nhằm góp phần khoả lấp khoảng trống trong thông tin về nhiếp ảnh đương đại tại châu Á. Địa chỉ trực tuyến này nhanh chóng trở thành nền tảng hàng đầu giới thiệu những tài năng “vô hình” ít ai biết tới, song hành cùng sự chuyển mình của nền nhiếp ảnh trong khu vực. Bối cảnh thay đổi đồng nghĩa với vai trò, cơ hội và thách thức của người thực hành nhiếp ảnh ngày nay cũng cần được nhìn nhận lại. Trò chuyện với Matca, Kevin đã trao đổi thẳng thắn về tính khả thi của việc theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh và đưa ra những lời khuyên có phần khắc nghiệt nhưng đáng lưu tâm, đúc kết từ nhiều năm hoạt động trong ngành nghệ thuật và sáng tạo.

© Kevin WY Lee

Hãy bắt đầu với chuỗi biên tập ảnh trực tuyến cho nhiếp ảnh gia châu Á mà anh thực hiện gần đây. Ý tưởng cho chuỗi video này đến từ đâu? Anh nghĩ gì về những dự án gửi đến sau lời kêu gọi nộp tác phẩm? 

Trong thời điểm Singapore đang phong tỏa, tôi tìm cách lấp đầy thời gian rảnh bằng việc làm video hướng dẫn biên tập ảnh và nấu ăn hàng tuần. Đây vốn là công việc tôi yêu thích, quan sát, trao đổi với nhiếp ảnh gia và đưa ra nhận định của mình về dự án họ đang thực hiện. Sau tám tuần, tôi đã biên tập bộ ảnh đến từ Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Singapore. 

Những dự án nhận được có chất lượng không đồng đều. Tôi lựa chọn biên tập những bộ ảnh mà đã triển khai được một thời gian, nhưng số còn lại khá mới, chỉ có khoảng 20 tới 30 tấm. Tôi từng chia sẻ rằng nếu số lượng ảnh không đủ, khả năng khai thác sẽ hạn chế và những lựa chọn để xây dựng câu chuyện vì thế cũng ít hơn. Khi đăng tải video lên diễn đàn công cộng, tôi cố gắng đưa ra những góp ý mang tính xây dựng và mong là chúng sẽ có ích cho cả tác giả lẫn người xem.

© Rajat Dey
© Aji Susanto Anom

IPA và Matca đều có trọng tâm giới thiệu dự án cá nhân mang tính tự khởi xướng; tuy nhiên, đầu ra cho những tác phẩm dạng này thật bấp bênh và việc duy trì thực hành vẫn luôn là thách thức lớn cho nhiếp ảnh gia. Anh có suy nghĩ gì? 

Câu hỏi này xuất hiện thường xuyên. Thẳng thắn mà nói, với sự phát triển rộng rãi của nhiếp ảnh ngày nay và đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19, việc nắm trong tay nhiều kỹ năng càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Có lẽ nhiều người sẽ ghét tôi khi nói ra, nhưng tôi thực sự tin rằng chỉ chụp ảnh thôi là chưa đủ. 

Sự thật là số lượng nhiếp ảnh gia sống được bằng việc thực hiện dự án cá nhân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bạn có thể tin rằng mình thuộc về nhóm thiểu số có lẽ chỉ chiếm hai phần trăm đó, nhưng đây hẳn là một canh bạc rất lớn.

Nếu kỹ năng chụp ảnh được coi là một công cụ – từ thông dụng bây giờ là “gig” – cần có ít nhất một món khác trong bộ đồ nghề, để cái này có thể hỗ trợ cái kia. Tôi cho rằng mấu chốt ở đây là xây dựng chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể và sử dụng nhiếp ảnh để thể hiện điều đó.

Nhiều nhiếp ảnh gia trẻ hỏi tôi làm thế nào để pitch (đề xuất để được xuất bản) dự án cá nhân tới biên tập viên ảnh. Lời khuyên thật lòng của tôi là hãy từ bỏ giấc mơ ấy. Họ có những ưu tiên riêng và hầu hết chỉ quan tâm tới những vấn đề hết sức thời sự, hôm nay là câu chuyện liên quan đến COVID, ngày mai có thể là câu chuyện hoàn toàn khác, nên khả năng bộ ảnh của bạn được để mắt tới là rất thấp. 

Thay vì chạy theo thuyết phục biên tập viên, hãy gắn bó với chủ đề mà bạn thực sự quan tâm và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ấy. Giả sử bạn dành mười năm theo đuổi một câu chuyện và tích luỹ được kho ảnh trải dài qua thời gian; đến một ngày chuyên môn ấy sẽ được trọng dụng bởi giá trị thực sự nằm ở chỗ đó.

© Kevin WY Lee

Anh có thể chia sẻ về hành trình của IPA, từ khởi điểm là blog chia sẻ tác phẩm cho tới một nền tảng với trọng tâm giáo dục như bây giờ? 

Mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên và có phần bốc đồng vì cơ bản chỉ có mình tôi (cười). Tôi chỉ ứng biến theo hoàn cảnh. IPA bắt đầu với website giới thiệu tác phẩm của nhiếp ảnh gia châu Á, và khi số lượng khán giả theo dõi trực tuyến tăng lên, tôi nghĩ rằng mình có thể mở rộng tới những hoạt động tại không gian thực. Tôi từng chạy một không gian nhỏ ở Singapore dành cho các buổi tọa đàm và triển lãm, đồng thời tổ chức những khoá học nhiếp ảnh ngắn ngày tại nhiều thành phố trong khu vực, bao gồm ở Hà Nội cùng Maika Elan và Hải Thanh. 

© Kevin WY Lee

© Kevin WY Lee

Trọng tâm hiện tại của IPA là chương trình cố vấn trực tuyến với thời lượng kéo dài vài tháng, cho phép học viên có sự tham gia sâu sắc hơn. Đây cũng là trải nghiệm ý nghĩa với cá nhân tôi và có những dự án phát triển trong khoá học đã tiến tới được triển lãm tại festival hay xuất bản thành sách. 

Đã gắn bó với bối cảnh nhiếp ảnh châu Á trong một thập kỷ vừa qua, anh nhận thấy những thay đổi lớn nào? 

IPA được thành lập đơn giản vì có rất ít nền tảng dành cho nhiếp ảnh tại châu Á vào thời điểm ấy. Giờ đây xuất hiện rất nhiều dự án không chỉ dành cho cộng đồng địa phương mà còn kết nối với khán giả ngoài biên giới. Có nỗ lực rõ rệt hơn để khuếch đại tiếng nói từ những cộng đồng cụ thể, như của nhiếp ảnh gia nữ và da màu. 

Những cuộc thi và giải thưởng nhiếp ảnh bùng nổ khoảng bốn, năm năm trước nhưng giờ đã thoái trào. Giáo dục nhiếp ảnh cũng trải qua nhiều giai đoạn, từ có rất ít khoá học cho tới đột nhiên rất nhiều khóa học và giờ lại thưa thớt dần. Tôi cho rằng mô hình giáo dục đang được đánh giá lại, tương tự như câu hỏi bạn vừa nêu ra: đầu ra sau khóa học thực sự là gì?

Liệu anh có câu trả lời cho câu hỏi đó hay không? 

Vài năm trước tôi có gặp Oscar Motuloh, người điều hành Antara Gallery of Photojournalism, ngôi trường kết hợp gallery mà đã đào tạo nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia Indonesia. Lúc đó họ đang chuẩn bị triển lãm tốt nghiệp cho khoảng 100 sinh viên. Khi được hỏi có bao nhiêu trong số ấy cuối cùng sẽ theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh, Oscar trả lời rằng chỉ một phần vô cùng nhỏ, khoảng năm hoặc sáu người. Nhưng tiếp đó ông nói một điều mà tôi vẫn nhớ tới giờ. Không có vấn đề gì nếu bạn theo học hoặc đầu tư vào nhiếp ảnh mà sau đó không thực hành chuyên nghiệp. Nhiếp ảnh dạy chúng ta về sự đồng cảm và hoàn cảnh con người, khả năng lớn là những gì học được sẽ khiến ta trở thành người tử tế hơn. Ta cần những cá nhân có năng lực đọc hiểu hình ảnh tham gia lực lượng lao động, áp dụng kiến thức đó vào những lĩnh vực khác nhau như bảo vệ quyền dân sự, đấu tranh chống đói nghèo, v.v. Tôi cho rằng đó là một cách nhìn nhận tình hình đúng đắn. 

© Kevin WY Lee

Theo anh, người thực hành nhiếp ảnh nên bổ sung thêm kỹ năng nào để có thể phát triển trong bối cảnh hiện nay?  

Trước hết, họ phải nắm vững kỹ năng cơ bản, đơn cử như thể hiện ý tưởng bằng hình ảnh, vượt lên những khuôn sáo cũ. Hầu hết tất cả mọi chủ đề trên đời đều đã được khai thác rồi, nên họ phải tự suy xét xem liệu mình có thể mang tới góc nhìn gì mới mẻ. Câu hỏi này không hề dễ dàng và mỗi nhiếp ảnh gia ở những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sẽ có câu trả lời riêng. 

Một kỹ năng khác là rèn luyện sự quyết tâm và kiên nhẫn. Xã hội đương đại khuyến khích thói quen tiêu dùng nhanh, đi chụp về là đăng tải hình ảnh ngay để đạt được cảm giác thoả mãn tức thì. Tôi cho rằng không ham muốn chuyện đó là một kỹ năng thực sự mà sẽ giúp bạn theo đuổi mục tiêu đến cùng. 

© Kevin WY Lee

Kevin WY Lee là nhiếp ảnh gia và giám đốc sáng tạo người Singapore với 20 năm kinh nghiệm trong ngành sáng tạo tại châu Á và Úc. Năm 2010, anh sáng lập Invisible Photographer Asia (IPA), và qua đó tích cực tham gia vào bối cảnh nhiếp ảnh và nghệ thuật trong khu vực với tư cách người thực hành, giám tuyển và giáo dục.