Dễ nhận thấy rằng tôi không phải cựu học viên duy nhất ghé thăm Angkor Photo Festival 2018. Sau 14 năm, Angkor Photo Festival đã trở thành sự kiện nhiếp ảnh thường niên lâu đời nhất trong khu vực Đông Nam Á và được coi là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ ảnh gia trẻ, nhiều người trong số đó đã trở lại làm tình nguyện viên cho festival, thành viên ban tổ chức và cả giảng viên cho khoá học.
Sau sự kiện thu nhỏ năm 2017, phiên bản 2018 tiếp tục giới thiệu chương trình triển lãm và trình chiếu ảnh công cộng, cũng như khởi động lại các hoạt động chuyên ngành như portfolio review và các buổi toạ đàm chuyên sâu. Khoá học – giá trị cốt lõi của festival – được bảy nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới tham gia giảng dạy và luôn miễn phí cho 30 học viên đến từ khắp châu Á. Vào ngày cuối cùng của festival khi lịch trình bận rộn đã hạ nhiệt, tôi mới kịp ngồi lại cùng Jessica Lim, người đã điều phối sự kiện từ 2010 và mới được bổ nhiệm chức Giám đốc điều hành trong năm 2018 này. Chị thảo luận về những thay đổi theo thời gian của festival, giữ bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục, và sự quan trọng của cộng đồng cựu học viên trong việc phát triển sự kiện nhiếp ảnh này được bền vững.
Chúc mừng chị với vị trí Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm sau nhiều năm gắn bó với Angkor Photo Festival. Mọi việc bắt đầu như thế nào vậy?
Năm 2017 tôi tạm nghỉ để tập trung xây dựng One Eleven Gallery. Vào thời điểm đó, Giám đốc điều hành Jean-Yves Navel đã từ chức. Các thành viên cốt lõi của Ban tổ chức đã chủ động họp và có một cuộc thảo luận rất quan trọng. Vào cuối buổi họp, họ hỏi liệu tôi có sẵn sàng đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành hay không. Việc này cũng không dễ dàng gì với tôi. Ban tổ chức đã hỗ trợ rất nhiều để tôi có thể tiếp nhận vai trò mới này, và toàn bộ định hướng mới mà ta đang nhìn thấy đây là sáng kiến của họ.
Angkor Photo Festival năm 2018 này đánh dấu lần đầu tiên Ban tổ chức có tỷ lệ người châu Á chiếm đa số. Vì sao điều này lại quan trọng?
Khía cạnh nhóm điều hành người châu Á được nhấn mạnh vì chúng tôi muốn làm nổi bật đội ngũ mới đang dẫn dắt sự kiện theo định hướng này. Cho dù nhiều người trong số họ đã làm việc và đóng góp vào sự kiện này trong nhiều năm, đây là lần đầu Ban tổ chức định danh và nhấn mạnh về yếu tố châu Á này. Cũng đã đến thời điểm cộng đồng bên ngoài được hiểu rõ hơn về những cá nhân chủ chốt mà trước đó ít khi lộ diện.
Hiện nay ở môi trường quốc tế, có rất nhiều làn sóng kêu gọi và đề cao sự đa dạng, sự bao hàm, đạo đức của tiếng nói đại diện, hay các điểm nhìn từ những nơi khác nhau trên thế giới. Nhưng nếu bạn để ý, các sự kiện như Chobi Mela, Photo Kathmandu và chính Angkor Photo Festival đã làm điều này từ rất lâu theo cách của riêng mình. Dù có trụ sở tại Siam Reap, Campuchia và thành phần tham gia chủ yếu là các nhiếp ảnh gia trong khu vực nhưng tôi vẫn nhìn nhận đây là sự kiện quốc tế. Bản thân nhiếp ảnh là một ngôn ngữ quốc tế và tôi không thấy việc áp đặt các ranh giới địa lý cho những gì ta quan sát là cần thiết.
Theo chị, điều gì vẫn còn tồn tại và đã đổi thay đối với Angkor Photo Festival?
Thay đổi lớn nhất là sự phát triển trong phong cách nhiếp ảnh cũng như những chủ đề mà nhiếp ảnh gia quan tâm, điều này song hành cùng thời gian. Khi mới bắt đầu, chúng tôi tập trung nhiều vào ảnh tư liệu và phóng sự. Những năm qua cho thấy sự phát triển đa dạng một cách rõ rệt, phần bởi người hướng dẫn luôn khuyến khích học viên theo đuổi những gì có ý nghĩa với cá nhân họ. Đây không phải một khoá học mang tính định hướng, nên tác phẩm cuối phản ánh trung thực những gì học viên quan tâm và có nhu cầu thể hiện. Có thể nói, những tác phẩm được thực hiện trong khuôn khổ khoá học suốt 14 năm vừa qua phản ánh sự thay đổi của nhiếp ảnh trong khu vực, về chủ đề, phong cách và cách tiếp cận vấn đề.
Trong những năm qua, cộng đồng đã phát triển lớn hơn và gần gũi hơn vì đó là tác dụng của thời gian. Cộng đồng này là điều giá trị nhất mà không thể tạo nên bằng tiền hay những điều giả tạo. Một trong những mục tiêu lâu dài của chúng tôi là để sự kiện này tự phát triển bền vững, có nghĩa là thu hút mọi người quay trở lại để đóng góp, sau đó bước lên và tiếp quản, để luôn có những ý tưởng và quan điểm mới. Điều này sẽ bất khả thi nếu không có cựu học viên quay trở lại. Bây giờ, hơn nửa ban tổ chức là cựu học viên.
Về những điều vẫn tồn tại, khoá học và học viên châu Á luôn là nhiệm vụ cốt lõi. Công chúng và khách tham quan có thể không thấy rõ nên chúng tôi đang tìm cách để quảng bá nhiều hơn vì các học viên đã làm việc rất chăm chỉ suốt khoá học.
Khoá học Angkor Photo Workshop luôn miễn phí cho dù có nhiều nhiếp ảnh gia hàng đầu đứng lớp. Chị cũng từng nói về việc mô hình thương mại hoá giáo dục đang ngày càng trở nên phổ biến và khoá học vẫn luôn cố gắng duy trì để mọi nhiếp ảnh gia châu Á có thể tham gia. Chị có thể giải thích thêm không?
Bất bình đẳng kinh tế là một vấn đề nghiêm trọng ở khu vực và thế giới. Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải cố gắng loại bỏ những trở ngại tài chính cho các nhiếp ảnh gia mới vào nghề, nhất là khi bản thân nhiếp ảnh đã là một ngành nghề đắt đỏ.
Nói một cách đơn giản, khoá học tại châu Á nghiễm nhiên sẽ có giá phải chăng vì chi phí đi lại rẻ hơn cho nhiếp ảnh gia trong khu vực. Chi phí sinh hoạt thấp tại Campuchia sẽ khiến nhiếp ảnh gia trẻ đỡ ngại ngần hơn khi đến và sống một tuần ở đây.
Nhưng bên cạnh đó, việc này cũng liên quan đến tái trình hiện (representation) – ai đại diện ai, ai được đại diện. Chúng tôi đã nói về phản ứng hậu thuộc địa, chủ yếu là về sự tái trình hiện của châu Á trong lịch sử do các cấu trúc chính trị toàn cầu tạo điều kiện.
Nhưng khi bỏ qua sự phân chia Đông – Tây và những phân định rạch ròi các quốc tịch và nền văn hóa. Câu hỏi ai có quyền nhìn và ai được / bị nhìn cũng tồn tại trong chính cộng đồng của riêng chúng ta khi có sự bất bình đẳng kinh tế. Đây cũng là một lý do đằng sau nỗ lực duy trì khoá học miễn phí, vì chúng tôi tuân thủ nguyên tắc rằng cơ hội tiếp cận giáo dục nên miễn phí với tất cả mọi người. Đây không phải là một giải pháp hoàn hảo nhưng chúng tôi đang làm những gì mình có thể.
Có một điều mà không phải ai cũng biết, đó là giảng viên và tình nguyện viên đều không nhận khoản thù lao nào cho việc giảng dạy. Điều này chắc chắn đã giúp chúng tôi cắt giảm chi phí đáng kể. Thật sự phải cảm ơn những người sáng lập bởi đây là một giá trị rất quan trọng họ đề ra khi tổ chức khoá học đầu tiên từ năm 2005. Họ đã thỏa thuận rằng khoá học sẽ luôn phi lợi nhuận và mô hình đó ngày nay vẫn rất quan trọng. Tôi ý thức rõ về sự hy sinh của người hướng dẫn vì họ đã bỏ ra gần hai tuần làm việc. Nhưng chưa ai than phiền cả (cười). Tôi rất biết ơn.
Chị có thể chia sẻ về phân khúc học viên trong những năm vừa qua?
Nếu ta quan sát các quốc gia châu Á, có những nơi với dân số và môi trường nhiếp ảnh nhỉnh hơn ví dụ như Ấn Độ, Bangladesh hay Philippines. Đa số đơn đăng ký thường đến từ ba quốc gia này. Có ít đơn đăng ký từ những nước có môi trường nhiếp ảnh ít phát triển hơn như Lào hay Sri Lanka. Đây thuần tuý chỉ liên quan đến thống kê dân số.
Thông thường, có ít đơn đăng ký hơn từ nữ giới nhưng tôi nhận thấy rằng xu hướng này không phải lúc nào nhất quán. Có một năm mà số lượng ứng viên nữ cao hơn nam giới, nhưng năm sau đó thì ngược lại. Chúng tôi nhận được trung bình khoảng 40% đơn đăng ký từ phụ nữ, điều này làm tôi rất vui nhưng đương nhiên con số này luôn có thể cao hơn!
Về phía tổ chức, tôi cho rằng hoàn toàn có thể làm nhiều hơn để tăng tiếp cận. Trước đây có khá ít đơn đăng ký từ Trung Quốc. Rồi người cựu học viên Yan Yancong đã viết một bài báo tuyệt vời về khoá học và năm sau đó số lượng đơn đăng ký từ Trung Quốc tăng đột biến, đơn giản chỉ vì một cá nhân đã lên tiếng. Một điều rất nhỏ có thể có sức ảnh hưởng rất lớn.
Cuối cùng, chị hy vọng và e ngại điều gì?
Tôi hy vọng có thể tìm được nguồn kinh phí ổn định hơn vì giờ chúng tôi có quá nhiều ý tưởng và kế hoạch. Chúng tôi thấy rất nhiều tiềm năng trong việc tạo ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực, cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho nhiếp ảnh gia và thực hiện các sáng kiến giáo dục có ảnh hưởng sâu rộng hơn. Nhưng tất cả phụ thuộc vào việc có thể đảm bảo kinh phí để phát triển đội ngũ hay không. Đó là hy vọng và cũng là nỗi sợ của tôi. Tôi sợ rằng mình biết có thể làm gì nhưng lại bất lực chỉ vì không thể có thêm nhân lực. Niềm hy vọng và nỗi sợ này chỉ về vấn đề hành chính nhưng nó trực tiếp liên quan đến mọi thứ.
Chúng tôi cũng đã thảo luận rất nhiều về thực trạng mà nhiếp ảnh gia trong khu vực đang đối mặt. Nhà báo, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ đã luôn bị các nhân vật và tổ chức có thẩm quyền tấn công. Tuy vậy, tôi cảm thấy rằng tình hình đã trở nên đáng sợ hơn cho tất cả. Sự căng thẳng này là có thật và chúng tôi đều lo lắng cho sự an toàn của những người luôn đứng nơi chiến tuyến để nói lên sự thật với bên quyền lực.
Jessica Lim tham gia điều phối Angkor Photo Festival & Workshops từ năm 2010 và trở thành giám đốc điều hành từ 2018. Cô xuất phát là nhà báo và nhiếp ảnh gia tại Singapore, sau đó làm biên tập viên tại Drik (Dhaka, Bangladesh) và người điều phối cho agency Majority World với mục tiêu tìm kiếm cơ hội bình đẳng cho các nhiếp ảnh gia tại các nước đang phát triển. Cô hiện là đối tác quản lý của One Eleven Gallery trưng bày nghệ thuật thị giác đương đại tại Siem Reap, Campuchia.