Chiều Chủ nhật ngày 24/3 vừa qua tại Thông tấn xã Việt Nam đã diễn ra buổi toạ đàm với chủ đề “Góc nhìn, Tiếp cận và xây dựng Ảnh bộ cùng Max Pinckers” do Leica Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của đông đảo các phóng viên ảnh và khán giả quan tâm đến nhiếp ảnh báo chí – tư liệu. Diễn giả chính của buổi nói chuyện là nghệ sĩ hình ảnh người Bỉ Max Pinckers, chủ nhân của giải thưởng Leica Oskar Barnack Award 2018, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Trường nghệ thuật KASK, Đại học Gent, Vương quốc Bỉ.
Mở đầu buổi nói chuyện, nhiếp ảnh gia Max Pinckers giới thiệu ba dự án ảnh anh đã thực hiện ở ba đất nước Thái Lan, Ấn Độ và Triều Tiên. Trong dự án đầu tay Lotus chụp cộng đồng người Thái chuyển giới (ladyboy), anh đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi: liệu ảnh tư liệu có cần phải đẹp như tranh, và ảnh tư liệu có thể chân thực tới đâu? Anh và bạn đồng nghiệp Quinten De Bruyn sử dụng đèn nhân tạo và làm việc với nhân vật để sắp đặt các tình huống, thách thức thể loại ảnh tư liệu truyền thống vốn đề cao sự khách quan trong cả hình thức lẫn nội dung. Những nhân vật trong bộ ảnh được sử dụng máy ảnh để chụp tự do, và những hình ảnh này được trưng bày xen kẽ hình ảnh tư liệu của tác giả trong cuốn sách thành phẩm. Max cũng đặt ra cho người xem nghi vấn góc nhìn nào mang tính tư liệu nhiều hơn, ống kính nghiệp dư, không toan tính của nhân vật hay tác phẩm chỉn chu của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, đồng thời cũng là người ngoài cuộc.
Max tiếp tục đi sâu khám phá các tính chất của nhiếp ảnh tư liệu khi thực hiện dự án The Fourth Wall về sự ảnh hưởng của ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood trong xã hội Ấn Độ hiện đại. Vẫn sử dụng ánh sáng nhân tạo đặc thù, anh đặt thiết bị tại những góc phố có tính điện ảnh và để những nhân vật ngẫu nhiên diễn xuất trước ống kính như những ngôi sao. Khi đặt những bức ảnh này cạnh ảnh tư liệu chụp bối cảnh phim trường, người xem khó lòng phát hiện đâu là phim, đâu là thực. Về quyết định sử dụng ánh sáng từ flash, anh chia sẻ bản thân luôn tìm kiếm sự cộng tác giữa nhiếp ảnh gia và nhân vật để thể hiện rõ hơn bản thể và tiếng nói của nhân vật, thay vì để quyền lực của người chụp ảnh chiếm ưu thế.
Khác với hai dự án cá nhân trên, bộ ảnh Red Ink được Max thực hiện cho tạp chí The New Yorker và đã mang về cho anh giải thưởng Leica Oskar Barnack 2018. Dưới sự giám sát chặt chẽ của quan chức chính phủ, anh không thể đi chệch khỏi lịch trình bốn ngày định sẵn, vậy nên cách tiếp cận báo chí thông thường sẽ không hiệu quả trong tình huống này. Anh sử dụng đèn flash tròn chỉ chụp chủ yếu những chi tiết nhìn bề ngoài có vẻ nhỏ nhặt, như vợt bóng bàn, đồ ăn vặt hay mô hình khủng long, với ẩn ý rằng mọi hình ảnh về Triều Tiên đều được che đậy và thao túng. Nói cách khác, sự thật duy nhất trong dự án này chính là bộ ảnh là một lời nói dối.
Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi với sự tham gia của cây viết tự do Hà Đào, phóng viên ảnh Nguyễn Việt Thanh từ Thông tấn xã Việt Nam và các khán giả có mặt. Trả lời câu hỏi của Hà Đào rằng liệu nhiếp ảnh báo chí có đang cởi mở với các cách tiếp cận mới, Max cho rằng cách tiếp cận báo chí truyền thống chưa chắc có hiệu quả trong một số trường hợp cụ thể, điển hình như khi tác nghiệp tại Triều Tiên hay tại chiến trường. Vì vậy, tuỳ vào bối cảnh mà nhiếp ảnh gia có thể lựa chọn cách xử lý thị giác khác nhau.
Phóng viên Việt Thanh quan tâm tới vấn đề kỹ thuật khi đặt câu hỏi về khả năng Max tiếp tục sử dụng đèn flash trong tương lai. Max không khẳng định sẽ trung thành với thiết bị này suốt sự nghiệp, bởi quyết định sử dụng đèn flash và ánh sáng nhân tạo phụ thuộc vào ý tưởng và chủ đề của dự án. Anh cũng chia sẻ bản thân đang khám phá những hướng đi mới như video và film tư liệu song song với nhiếp ảnh.
Cuối buổi toạ đàm, khi được hỏi liệu rằng sau các dự án ở nước ngoài, anh có dự định quay trở lại Bỉ để chụp một bộ ảnh tại quê nhà không, Max chia sẻ rằng mong muốn này không dễ thực hiện do anh đang làm nhiều công việc tại đây bao gồm giảng dạy và nghiên cứu nên khó lòng tập trung làm dự án. Với tuổi thơ lớn lên tại Thái Lan, Singapore và Indonesia, anh cho rằng bản thân quen thuộc với văn hoá Á châu và là một gạch nối giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, bởi vậy anh chọn châu Á làm nơi khởi đầu như một cách tri ân tuổi thơ tại nơi đây.