Trước hết xin phép giới thiệu một chút lý do cá nhân đằng sau quyết định review cuốn sách này.
Mình đã bắt đầu nhiếp ảnh bằng việc theo đuổi những “khoảnh khắc quyết định” và thủ pháp thị giác của ảnh đường phố. Sau một thời gian, thực hành chụp của mình dần chuyển sang hướng dự án cá nhân mang tính tư liệu; điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen sưu tầm sách ảnh. Mình cũng ấp ủ cho bản thân một dự án, nhưng cũng như các tay máy mới làm quen với ảnh bộ, (mình nghĩ một cách võ đoán) đã mắc sai lầm ngay ở bước chọn đề tài: thường bị thu hút bởi những chủ đề quá rộng, “hầm hố”, có tính thay đổi thế giới mà đến khi bắt tay vào thực hiện mới thấy không đủ sức. Sự bế tắc trong tìm kiếm đề tài kéo dài mãi, cho đến khi mình vô tình xem được một video giới thiệu cuốn The Day-To-Day Life of Albert Hastings của nữ nhiếp ảnh gia Kaylynn Deveney chụp cuộc sống đơn thân của một người đàn ông cao tuổi.
Bất ngờ thay, những tấm ảnh với cách chụp quá đơn giản và chủ đề rất thường nhật lại khơi gợi trong mình thật nhiều xúc động và phấn khích. Sau khi tìm hiểu thêm về tác giả cũng như quá trình thực hiện dự án này của cô, mình đã quyết tâm phải có cuốn sách nhỏ mà đầy tình cảm này này trên giá.
Kaylynn và chồng rời New Mexico (Mỹ) dọn đến sống ở miền nam Xứ Wales vào năm 2001. Tại đây, cô đã gặp và kết bạn với người hàng xóm tên Albert Hastings, một kỹ sư hưu trí sống một mình trong căn hộ thuê. Theo lời tựa, trái với sự dè dặt ban đầu của chính tác giả, Albert đã nồng hậu chào đón cô và mở cánh cửa để cô bước vào cuộc đời mình. Dần dần, qua những câu chuyện phiếm và từng ngày quan sát cách Albert dành thời gian trong căn nhà nhỏ, chân dung của người đàn ông tuổi xế chiều thành hình. Tác giả trở lại Mỹ một năm sau đó, nhưng vẫn tiếp tục chụp Albert mỗi khi có dịp quay lại Xứ Wales. Từ hai người lạ thuộc hai thế hệ với quốc tịch và nền văn hoá khác nhau, quá trình thực hiện dự án này đã vun vén cho một tình bạn thân thiết bất ngờ. Mối quan hệ bằng hữu này kéo dài cho đến khi Albert qua đời năm 2007, thời điểm Kaylynn đang hoàn tất giai đoạn cuối cho việc xuất bản sách. Điều này thực sự đáng tiếc vì Albert không thể tận mắt thấy một tác phẩm mà ông góp phần không hề nhỏ trong việc định hình nó.
Đây là cuốn sách nhỏ với độ dày 116 trang, chỉ lớn hơn cuốn tập học sinh một chút. Trang đầu tiên trích dẫn câu nói của Albert: “I prefer baking my own cake, tart, plum pies, etc,. I know what I’m eating then” – tạm dịch: “Tôi thích tự làm bánh cho mình, bánh tart, bánh mận, vân vân. Khi đó tôi sẽ biết mình được ăn gì”. Nghe ngẫu hứng, nhưng theo mình câu nói có hàm ý rất thú vị. Nó mang tinh thần tự trào của một người đàn ông hưu trí vì Albert sống một mình, không tự làm bánh cho mình thì còn ai mà chăm sóc ông? Ngoài ra, nó còn thể hiện sự bướng bỉnh, cố kiến và độc lập thường thấy ở người tuổi xế chiều.
Câu chuyện bắt đầu với một tấm ảnh nhỏ khổ vuông nằm đối diện với trang đề từ của tác giả, chụp Albert quay lưng lại và tiến vào vòm cây lớn trong ánh nắng cắt ngang người. Chỉ duy nhất tấm thumbnail này là ảnh đen trắng, như một lời tri ân của tác giả đối với người đã khuất. Tấm ảnh gợi nhớ đến tác phẩm kinh điển A Walk To Paradise Garden mà W. Eugene Smith chụp hai đứa con thơ bước vào khu vườn ngập ánh sáng. Cả hai đều mang đến cho mình cảm giác thời gian đã mất, hoài niệm nhưng cũng tràn đầy yêu thương.
Điểm đặc sắc nhất của cuốn sách này là chính nhân vật Albert Hastings đã tự tay viết lời chú thích cho từng tấm ảnh và cả tựa cuốn sách ở bìa. Các tấm ảnh khổ vuông cùng với dòng chữ của Albert bên dưới được thiết kế như tấm ảnh polaroid chụp lấy liền với những lời chú thích viết tay vội vàng. Lật qua từng trang của The Day-To-Day Life of Albert Hastings, mình không có cảm giác như đang xem một dự án của một nhiếp ảnh gia, mà như đang lật từng trang nhật ký thất lạc của một người lạ. Với mình, cách làm này đã tăng thêm tính tương tác cho bộ ảnh và làm giảm đi nhiều cái nhìn nhận chủ quan không tránh khỏi của nhiếp ảnh gia. Những dòng chữ thân mật ấy đã cho thấy một khía cạnh của nhân vật mà bản thân những tấm ảnh không thể nói lên: cách Albert nghĩ về chính mình.
Phương pháp tiếp cận của tác giả cũng đầy nữ tính, phần nào phản ánh sự rụt rè khi mới làm quen mà cô chia sẻ: nhẹ nhàng, tình cảm, có thái độ tôn trọng tuyệt đối với nhân vật và mọi thứ thuộc về/ tạo nên tích cách của nhân vật. Nhiều tiểu tiết trong cuộc sống hàng ngày của Albert được Kaylynn dành cho một sự quan sát tinh tế và cẩn trọng, như một cành thuỷ tiên vàng bị gãy được Albert cố định bằng sợi chun hay hình ảnh cốc trà lặp đi lặp lại. Đây là các tiểu tiết rất dễ bị bỏ qua nhưng lại góp phần làm cho người xem thấu được cuộc sống của một người cô độc đang đi về phía bên kia cuộc đời. Tác giả cũng đã ghi lại rất nhiều trang giấy Albert làm thơ, bản vẽ kỹ thuật các món linh tinh ông thiết kế theo thói quen của một kỹ sư, các mảnh báo cắt rời cùng các ghi chép giờ phát sóng chương trình truyền hình yêu thích – một chi tiết đắt giá tiêu biểu cho tính cách của người già sống trong thời đại tiền Internet.
Như đã đề cập ở phần mở đầu bài viết, The Day-To-Day Life of Albert Hastings là cuốn sách nhỏ, đơn giản về cả chủ đề lẫn phong cách thị giác nhưng lại rất tinh tế, có sức nặng và đột phá trong phương pháp trình bày. Để làm một dự án ảnh về một cuộc đời hầu như không có điểm gì mang tính “giật gân” để khai thác trong một khoảng thời gian đủ dài để làm nản lòng như Kaylynn Deveney thì thật sự người chụp phải có một cái tâm nhạy cảm. Bản thân người viết rất tâm đắc khi được biết, được xem và được giữ cuốn sách này trên giá sách của mình.
Hy vọng The Day-To-Day Life of Albert Hastings sẽ đem lại một góc nhìn tươi mới tới các bạn trẻ muốn làm ảnh bộ. Xin mượn tựa của một phim tài liệu về huyền thoại nhiếp ảnh Garry Winogrand để kết: “All things are photographable” – Ta có thể chụp được mọi điều.