Độc giả Matca thân mến,
Tháng 7 này, Matca rất vui được bắt đầu chuyên mục điểm sách nhằm giới thiệu tới bạn đọc gần xa những tác phẩm sách ảnh đáng chú ý. Người đứng sau chuỗi bài review này không ai khác chính là Phong Nguyễn – nhiếp ảnh gia đường phố, chủ trạm cứu hộ mèo và người sưu tầm sách ảnh hiện đang sống tại Hội An. Hãy lắng nghe đôi lời giới thiệu về chuyện sưu tầm sách trước khi bắt đầu với bài viết đầu tiên về cuốn And Then There Was Silence của phóng viên ảnh Jan Grarup:
“Mình đến với nhiếp ảnh như một sự cố tình cờ từ năm 2013, và bắt đầu tự học bằng cách tìm kiếm tài liệu về nhiếp ảnh trên Internet. Trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây khi quan điểm về nhiếp ảnh của mình thay đổi, mình mới bắt đầu dựng nên một tủ sách ảnh (photobooks/monographs) khiêm tốn nhằm thoả mãn việc được xem ảnh in trên giấy đồng thời chia sẻ sở thích với các bạn bè đồng sàng nhưng không dị mộng.
Tại sao lại là sách ảnh? Với mình, đặc biệt là khi ở Việt Nam, các nguồn tài liệu về những gì đã và đang diễn ra trong thế giới nhiếp ảnh trên thế giới rất khan hiếm. Mạng Internet tuy đóng vai trò quan trọng trong việc tìm và xem ảnh, nhưng quả thực việc được lật từ trang sách ảnh của một cuốn sách vật lý hoàn toàn khác hẳn trải nghiệm ảnh trên không gian số. Sách ảnh, ngoài việc mang lại sự thích thú vật lý “xem, chạm, ngửi” thì nó còn mang lại cho chúng ta cách thức tác giả cuốn sách trình bày ảnh như một tư tưởng (sequencing) và qua đó ta cũng có thể học hỏi được đôi điều về cách biên tập và trình bày ảnh theo chuỗi. Bản thân mình là người mê đọc, tôn vinh tinh thần Gutenberg, nên nếu phải chọn giữa sách giấy và những cú click chuột, mình chọn sách giấy dù việc sưu tầm, vận chuyển lẫn bảo quản sách ở Việt Nam là một cực hình.
Chuyên mục Điểm sách nhằm giới thiệu những cuốn sách ảnh trong tủ sách của mình đến bạn đọc. Đây hoàn toàn là quan điểm và tình cảm cá nhân của mình đối với những cuốn sách mình chọn. Bạn đọc có thể có ý kiến phản biện, hoặc có thể tạo sự tương tác lẫn nhau trong việc tìm và giới thiệu sách ảnh hay đến rộng rãi bạn đọc, việc này càng làm cho việc xem sách thêm phần hứng thú và bổ ích.
Trân trọng.”
[Phong Nguyễn] Xin mở đầu mục điểm sách cho Matca và các bạn bằng cuốn And Then There Was Slilence (ATTWS) của nhiếp ảnh gia chiến trường Jan Grarup người Đan Mạch, được xuất bản vào tháng 9 năm 2017. Lý do mình chọn cuốn này đầu tiên hoàn toàn cá nhân. Ngay khi sách ra mắt ở Đan Mạch vào tháng 9/2017, một người bạn đã mua ngay và còn cất công đợi được Jan Grarup ký đề tặng cho mình (rất tiếc là ông đã đi Đức để quảng bá cuốn sách), rồi còn mang cuốn sách rất cồng kềnh này từ Copenhagen về đến Hội An trao tận tay. Việc chọn và điểm sách này là lời cảm ơn muộn đến người bạn của mình.
ATTWS là cuốn sách ảnh báo chí tổng hợp các tác phẩm của Jan Grarup về các điểm nóng chiến tranh và xung đột trên thế giới trong khoảng 25 năm qua. Tác giả Jan Grarup là một tay máy chiến tranh nổi tiếng; ngoài việc giành được hàng loạt giải thưởng bao gồm 5 giải World Press Photo, ông còn là đồng sáng lập hãng ảnh Noor Agency. Mới đây, ATTWS đã lọt vào vòng chung khảo giải Best Photography Book (2017) do giải thưởng Pictures of the Year International thực hiện.
Cuốn sách ATTWS gây sự chú ý với mình do tiếng tăm của tác giả và sức nặng của nó cả về kích thước, trọng lượng lẫn nội dung (sách khổ 28x38cm, nặng 5kg, dày 496 trang). Với kích cỡ đó, rõ ràng ATTWS không phải là cuốn sách mà bạn mang theo người để đọc mà nó thuộc vào loại coffee table book. Một điều cần nhấn mạnh ở đây là dù có kích cỡ khủng, chất lượng in và đóng sách tốt như vậy nhưng giá bán của cuốn sách chỉ là US$56 (chưa tính chi phí vận chuyển), hầu như là giá sàn đối với sách ảnh phổ thông có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn rất nhiều. Giải thích về việc này, Jan Grarup mong muốn mức giá này sẽ giúp cho việc ATTWS đến được tay độc giả nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của sách.
Sự xuất hiện của ATTWS rõ ràng có sức hút đối với truyền thông và độc giả. Nó cho thấy đề tài về chiến tranh, xung đột và nạn đói không bao giờ là cũ. Đức Đạt Lai Lạt Ma viết lời mở đầu cho cuốn sách, cũng như những xung đột đã và đang không ngừng sục sôi: “Những vấn đề ngày nay, xung đột bạo lực, đói nghèo, vân vân, đều là những vấn đề do con người gây ra và đều có thể được hoá giải nhờ vào nỗ lực của con người.”
Mình khá ấn tượng khi cầm ATTWS trên tay. Sách được đóng bìa chỉn chu, tối giản, chất lượng giấy và in tốt. Tất cả ảnh trong sách đều là ảnh đen trắng. Với giá US$56 thì cuốn sách này là một đề xuất không thể tốt hơn của mình đến các bạn mê sách ảnh. Tuy nhiên, một điểm cực kỳ thú vị là dù vô tình hay hữu ý Jan Grarup đã chọn kích cỡ, độ dày, hình thức đóng sách, chất liệu trang bìa lẫn cách trình bày sách hầu như 95% tương đồng với cuốn sách kinh điển Inferno của phóng viên chiến trường James Natchwey. Điều này vô hình trung làm cho mình, dù muốn dù không, đã xem ATTWS với tâm lý so sánh cuốn sách với Inferno.
Tất nhiên, với vị thế và tầm vóc của Jan Grarup, mình không dám và không đủ năng lực để bình ảnh, có chăng chỉ là sự thán phục trước tác phẩm của ATTWS. Cách tiếp cận, phong cách ảnh của Jan có phần nhẹ nhàng, ít trực diện và bạo liệt như Inferno của James Natchwey, và điều đó khiến người xem có thể lật đến trang cuối cùng của ATTWS mà không có cảm giác bị ngộp và nhờn nhợn như khi xem Inferno. Nếu cần phải dùng từ ngữ để diễn tả ảnh của Jan trong cuốn sách này thì ta có thể mượn lời của Mai Nguyên Anh là “lãng mạn hoá đau thương”. Nhiều ảnh trong cuốn sách được thể hiện rất thơ, chúng điều hoà, tiết chế phần bạo lực, chết chóc trong cuốn sách. Lật từng trang sách của ATTWS làm mình liên tưởng đến tác phẩm điện ảnh animation Waltz with Bashir của đạo diễn Ari Folman. Cả hai tác phẩm ATTWS và Waltz with Bashir đều lột tả vấn đề chiến sự với một góc nhìn khá thơ, như một điệu Waltz: 3 bước tới bạo liệt, 3 bước lùi nhẹ nhàng.
Nói vậy không có nghĩa phủ nhận độ tàn khốc của chiến tranh và xung đột trong ATTWS. Thế nhưng, dù có thể hình thức và trọng lượng của hai cuốn sách là như nhau, rõ ràng Inferno của James Natchwey “nặng ký” hơn, nếu không muốn nói là hơn rất nhiều so với ATTWS (cũng qua đây chúng ta có thể thấy tầm vóc khổng lồ của James Natchwey và các chuẩn mực về ảnh chiến tranh mà nhiếp ảnh gia người Mỹ đã để lại đối với các nhiếp ảnh gia cùng thời hoặc hậu bối).
Cuối cùng, có lẽ nên bàn về sự khác biệt trong chủ đích của Jan Grarup và James Natchwey khi chọn khổ sách lớn. James Natchwey đã từng trả lời phỏng vấn rằng rằng ông muốn Inferno phải có sức nặng vật lý để có thể đi đôi với nội dung sách: độc giả sẽ bị tác động bởi cả chất liệu vật lý (độ nặng của sách) lẫn tinh thần (mức độ trực diện, bạo liệt của ảnh), bởi vậy, những tấm ảnh trong Inferno được in lớn đến mức có thể gây cảm giác choáng ngợp. Trong khi đó, với cùng kích cỡ và trọng lượng, ảnh trong ATTWS khá nhỏ, chỉ được in 1/2, 1/3 hoặc đôi khi 1/4 trang giấy, thỉnh thoảng mới có ảnh nguyên trang hoặc ảnh to dạng gấp 4 trang. Điều này làm mình không khỏi thắc mắc với cách chọn khổ sách của Jan Grarup , bởi rõ ràng nó không giúp được gì nhiều về mặt thể hiện nội dung, ngược lại còn gây tốn kém chi phí trong việc xuất bản và tệ hơn nữa là nó làm cho ta buộc phải so sánh hai quyển sách.
Chốt lại, ATTWS của Jan Grarup vẫn là một cuốn sách nổi bật trong năm 2017 và đáng để chúng ta thêm vào giá sách của mình. Hơi tiếc một điều là, nói theo phong cách truyện Tàu thì “đã sinh Silence sao còn sinh Inferno!”
P/S: Cảm ơn anh Hải Thanh đã cho mượn sách Inferno.