Khi tôi giới thiệu Sebastiao Salgado hay James Nachtwey đến bất kỳ một ai, họ đều lập tức bị thu hút bởi những hình ảnh đầy tính biểu tượng cho một phần lịch sử hiện đại chụp bởi hai nhiếp ảnh gia (NAG) kì cựu này. Sức hút của những bức ảnh không chỉ đến từ tính thông tin qua khung cảnh điêu tàn, gương mặt khắc khổ hay những biểu cảm quá độ khiến người xem choáng ngợp mà còn đến từ chính giá trị thẩm mỹ của chúng: khung hình người phụ nữ Afghanistan quỳ gục trước ngôi mộ người thân hay ánh nhìn đầy sợ hãi của cậu bé tị nạn Ethiopia là những khoảnh khắc kỳ diệu của ánh sáng với bố cục kinh điển không khác gì một bức tranh của các bậc thầy hội họa hay một cảnh cao trào được dàn dựng tỉ mỉ trên sân khấu kịch nói.
Trải qua hai cuộc chiến kéo dài gần hết thế kỷ 20, nền nhiếp ảnh Việt Nam được định hình bởi hình ảnh về cuộc chiến tàn khốc từ các hãng thông tấn nước ngoài và các toà báo lớn. Những hình ảnh này, một phần là ký ức đau thương của lịch sử hiện đại, nhưng đồng thời cũng là tư liệu quý giá, góp phần thay đổi dư luận thế giới về bản chất cuộc chiến và hơn thế nữa thay đổi hoàn toàn nền nhiếp ảnh báo chí đương đại. Mãi sau này, khi đất nước đã thống nhất cùng sự thay đổi lớn về đời sống và kinh tế, nhiếp ảnh nghệ thuật bắt đầu len lỏi vào đời sống và nhận thức của người Việt, khi đó chúng ta mới bắt đầu tự hỏi: Liệu những bức ảnh về thảm họa của nhân loại có nên được lãng mạn hoá? Trong bài phân tích dưới đây, tôi xin chia sẻ góc nhìn về các tác phẩm của Sebastiao Salgado và James Nachtwey, hai tượng đài lớn của nhiếp ảnh phóng sự đương đại, và đưa ra cách tiếp cận khác để ghi chép lại thực tại không mấy đẹp đẽ của con người.
Là chứng nhân trực tiếp của tất cả các biến động thế giới, thảm họa càng lớn, khát vọng nghệ thuật của phóng viên ảnh càng cao. Trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ lăn lộn với bom đạn của Nachtwey hay nơi rừng thiêng nước độc của Salgado tồn tại một nghịch lý: tên tuổi và những hào quang họ có được đều khai thác từ những số phận bị lãng quên. Sự nghịch lý đó càng được thể hiện rõ nét hơn qua các tác phẩm về nỗi đau thương được kịch tính và lãng mạn hoá của họ.
Hơn 2000 năm phát triển của nghệ thuật Thiên Chúa Giáo (Christian art) được xây dựng trên nền tảng cái đẹp của những bi kịch và không khó để nhận ra sự ảnh hưởng của trào lưu này tới ảnh của Salgado hay Nachtwey. Tuy nhiên khác với những nhân vật phần nào được hư cấu trong thánh kinh, những mảnh đời trong ảnh lại là những con người thực với danh tính và cuộc đời riêng. Về mặt thị giác và thẩm mỹ, những tác phẩm này tương đồng khi cùng mô tả nỗi bi ai của loài người nhưng về bản chất nội dung lại đối nghịch: một bên là những sự kiện và nhân vật trong huyền thoại, một bên là cái chết và nỗi đau có thật. Tôi vẫn luôn tự hỏi liệu việc theo đuổi cái đẹp và sự hoàn hảo trong khuôn hình có thực sự phù hợp khi chủ thể là những nạn nhân đang chìm đắm trong nỗi đau?
Không ai có thể phủ nhận sự hi sinh to lớn cũng như giá trị của những tác phẩm mà Salgado hay Nachtwey tạo ra. Họ chấp nhận nguy hiểm tính mạng, sang chấn tâm lý và hy sinh cuộc sống cá nhân để ghi lại những tàn khốc, để hướng sự chú ý của thế giới đến những vấn đề cần được giải quyết. Những người theo xu hướng ủng hộ Salgado và Nachtwey thường lập luận rằng một bức ảnh đẹp về hình hoạ sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của dư luận hơn, mặt khác, chúng làm tăng phẩm giá của những nhân vật không may mắn qua bức ảnh. Nhưng khi ta xem một loạt ảnh với nội dung nặng về con người đối diện với nỗi đau, câu hỏi về việc lợi dụng khai thác chủ thể khó mà tránh khỏi.
Vào năm 1993, khi Salgado có một buổi triển lãm tại International Center of Photography, những tranh luận về phương thức tiếp cận và truyền đạt bi kịch của con người lại được dấy lên. Liệu còn cách nào để diễn tả những bi kịch ấy, ngoài việc sử dụng những bức ảnh quá trực diện và chân thực về bạo lực và khổ đau để khơi dậy lòng trắc ẩn của người xem?
Tại thời điểm đó, nhà phê bình Ingrid Sischy của New Yorker đã so sánh Salgado với Walker Evans. Bà cho rằng ảnh của Salgado không có tác động tới người xem như ảnh của Evans do sự áp đặt nội dung một cách giáo điều, kiểu cách hình tượng hoá sự vật sự việc đôi khi có phần nhẫn tâm. Ngược lại, những bức ảnh chân dung của Walker Evans được coi là đại diện cho cuộc Đại suy thoái lịch sử (The Great Depression) tại Mỹ từ năm 1929 đến 1939 lại được thể hiện hài hước, châm chọc và gần gũi hơn với đa số người xem. Theo nhà phê bình Lionel Trilling, hầu hết những nhân vật trong các bức ảnh của Evans đều nhìn trực diện ngang tầm mắt với người chụp hoặc người xem, khuôn mặt biểu lộ cảm xúc khó hiểu và đầy sự phản kháng, như tìm cách từ chối trở thành một biểu tượng của một “vấn đề xã hội” đương thời và lịch sử. Ảnh của Evans là ví dụ điển hình cho sự mơ hồ (ambiguity) trong nghệ thuật, sự mơ hồ gợi mở cho phép người xem diễn giải, suy luận những tấm ảnh đa ý nghĩa và tìm cách hiểu cho riêng mình. Tính gợi mở này cũng là một trong những đặc tính tuyệt vời của nghệ thuật.
Trong khi Nachtwey và Salgado tạo nên những tác phẩm mang tính phóng sự và tuyên truyền, Evans giữ vững sự trung lập tới mức dửng dưng với nhân vật của mình, thì Roy DeCarava lại chọn cách kể chuyện bằng cả trái tim. Bản thân là một nghệ sĩ da màu, ông hoạt động tích cực trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền bình đằng của Martin Luther King Jr. Tuy vậy, DeCarava không ghi lại sự bất công đối với người da màu hay sự khống chế tàn bạo của cảnh sát dẫu đó là những sự thật bất biến. Thay vào đó DeCarava lại tìm kiếm những khoảnh khắc yêu thương, những cảm xúc ‘con người’ nhất trong chính cộng đồng da màu của mình. Những tấm ảnh như một lời tuyên ngôn thể hiện rằng DeCarava và những người dân da màu cũng biết yêu thương, cũng biết ước mơ và có quyền được đối xử bình đẳng như mọi giống người khác ở nước Mỹ và trên cả thế giới này. Không tìm đến những miền đất xa xôi hay những chiến trường khốc liệt, DeCarava chỉ loanh quanh chụp ảnh bạn bè, làng giềng thân thích tại New York, nơi phố xá thân thuộc ông sinh ra và lớn lên. Chính điều này là bí quyết giúp ông chụp được những bức ảnh gần gũi với sự thấu hiểu sâu sắc về nhân vật mà không người ngoài cuộc nào có thể thể hiện được.
Tuy có nhiều khác biệt trong phương thức thực hiện và mục đích sử dụng nhưng những tác phẩm kể trên của Sebastiao Salgado, James Nachtwey, Walker Evans hay Roy DeCarava đều là những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc, là những bằng chứng lịch sử góp phần không nhỏ trong việc giúp kết nối con người bằng cách nhìn vào cuộc sống thực tại của người khác để hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Nói cách khác, mỗi tác phẩm ở đây đều có vai trò như những nghiên cứu xã hội học giúp con người mở rộng thêm chính hiểu biết về con người.
Thật khó để hiểu lý do tại sao James Nachtwey vẫn tiếp tục công việc của mình khi đã gần 70 tuổi. Tôi tự vấn, liệu người phóng viên ảnh này có đang quá mải miết với ước mộng anh hùng qua việc làm chứng nhân cho những tội ác của nhân loại mà quên mất chủ thể đứng trước mình cũng là những con người với cuộc sống trước và sau cái bi kịch mà người chụp hình đang chứng kiến? Như Salgado từng chia sẻ, ông bị ám ảnh bởi chính những bức ảnh của mình đến mức phải tạm từ bỏ sự nghiệp khi đang ở đỉnh cao để đi tìm sự bình yên. Tuy vậy, ngay tại giờ phút này Nachtwey và Salgado vẫn đang theo đuổi lý tưởng theo suốt họ hàng chục năm qua nên tôi chắc họ đã tự tìm cho mình lời giải cho những mâu thuẫn bên trong mỗi cá nhân.
Cuối cùng, Salgado và Nachtwey vẫn luôn là những tượng đài lớn đã truyền cảm hứng cho tôi và nhiều thế hệ NAG tại Việt Nam giúp tạo nên những bức ảnh không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn mang những giá trị lớn hơn với những ảnh hưởng nhất định tới xã hội. “Liệu sự đau thương có nên được lãng mạn hoá?” là một câu hỏi quan trọng mà theo tôi mỗi NAG hay phóng viên ảnh trẻ nên tự đặt ra và tìm câu trả lời phù hợp cho riêng mình. Còn với cá nhân tôi, có lẽ những NAG như Walker Evans hay Roy Decavara mới là người giải quyết được mâu thuẫn giữa sự đau thương và cái đẹp.