Makét 02

Có Nên Chụp Film Hết Hạn?

Bên cạnh các loại film còn hạn phổ biến, nhiều lab film tại Hà Nội vẫn nhập nhiều lô film hết hạn (outdated) về và thường bán hết sạch chỉ sau vài ngày. Giá thành rẻ hơn hiển nhiên là một điểm cộng hấp dẫn, tuy nhiên mặt hàng này lại thường không được giới chơi ảnh lâu năm đánh giá cao bởi “tiền nào của nấy”. Vậy có nên chụp film hết hạn hay không, ưu và nhược điểm của nó là gì?

Chụp film là một thú chơi rèn luyện tính chấp nhận rủi ro, việc sử dụng film hết hạn lại càng tăng yếu tố bất ngờ hơn nữa. Dưới đây là một vài đặc điểm cơ bản của film còn hạn – hết hạn tôi tự rút ra sau một thời gian thử nghiệm với cả hai, và lý do tại sao tôi lại mê xài thứ đồ hết đát bất chấp những hạn chế dễ thấy.

Fujifilm Superia Xtra 400, hết hạn 2 năm. © Thang Dinh

Film còn hạn: Đáng đồng tiền bát gạo.
Hiểu đơn giản, đây là film vẫn còn trong hạn sử dụng của hãng sản xuất. Khác với film hết hạn, bạn không phải tính toán việc thêm/bớt stop mà chỉ cần chụp theo máy đo sáng thì ảnh sẽ đủ sáng, màu như ý muốn và thường thì ít hạt nhiễu. Nếu chụp đúng kĩ thuật với cuộn film được bảo quản tốt, film còn hạn sẽ cho ra những tấm ảnh màu tươi mịn màng trong vắt.

Nhược điểm duy nhất là một số dòng film còn hạn khá đắt tiền.
– Film màu KODAK Portra 800 Color, 36 exp film 135mm có giá 250.000 đồng tại Croplap cộng thêm tráng rửa nữa là lên tới 280.000 đồng.
– Film đen trắng rẻ nhất hiện nay trên thị trường là ILFORD PAN 100 (BW, 36 exp) giá 110.000 đồng, Xlab tại Hà Nội đang đưa ra giá 80.000 đồng cho một lần tráng và scan. Tổng thiệt hại khoảng gần 200.000 đồng.
– Còn với film FUJI Provia 100F (slide) đang được Crop Lab bán với giá 180.000 đồng Crop Lab, giá tráng một cuộn slide lên tới 170.000 đồng, tổng thiệt hại khoảng 350.000 đồng.

Khoảng thời gian đầu mới chụp, tôi còn máu me chơi nhiều loại film còn hạn để thử xem ảnh khác nhau như thế nào. Còn hiện tại, chỉ khi công việc yêu cầu tôi mới dùng film còn hạn bởi đã ưu ái thứ đồ hết hạn kia.

Kodak Ektar 100, hết hạn từ 2011. © Ku Tit
Fuji HD 100, hết hạn năm 2001. © Ku Tit

Film hết hạn: Món quà tuyệt vời cho những thử nghiệm.
Thường film sẽ hết hạn sau 2 năm tới 4 năm cho từng loại film kể từ ngày sản xuất, bởi sau đó lớp muối bạc trên film sẽ bị oxy hoá theo thời gian. Khi ấy độ nhạy sáng và độ phân giải màu sẽ giảm đi, khiến ảnh ra sẽ tối hơn, nhiều hạt nhiễu và màu sắc có phần nhạt, kém tươi hơn so với cuộn film còn hạn cùng loại.

Đa số trên thị trường lưu hành film hết hạn 1-3 năm được bán với giá rất phải chăng, chỉ khoảng 40.000 – 80.000/cuộn. Ví dụ, bạn có thể mua Fuji Superia X-tra 800, 24exp hết hạn với giá khoảng 45.000 đồng trong khi cuộn còn hạn sẽ . khoảng 75.000 đồng.

Cũng có xuất hiện những loại film hiếm đã quá đát cả chục năm. Thường những loại hết hạn quá lâu thì sẽ khó có thuốc tráng đúng với tiêu chuẩn, nên thỉnh thoảng tôi mới mua về với mục đích sưu tầm hơn là để chụp. Ngày nay có nhiều film như Agfa Vista và Fuji C200 còn hạn cũng có giá chỉ 50.000 – 55.000 đồng mỗi cuộn, nhưng những loại film này thì rất phổ biến rồi. Với tôi, thú chơi film còn nằm ở việc chụp thử một loại film lạ và có một vỏ film mới cho vào bộ sưu tập của mình.

Kodak Plus X-Pan 125 hết hạn hơn 20 năm. © Linh DN

Để film hết hạn không thành thảm hoạ.
Người đam mê, người thậm ghét thẩm mỹ màu bết và nhiều hạt nhiễu. Nhưng không nhất thiết là film hết hạn sẽ luôn luôn cho ra kết quả như vậy. Dưới đây là vài mẹo nhỏ để bạn có thể tận dụng tối đa cuộn film của mình.

– Luôn đặt ISO về thấp hơn: với film ISO 800 thì tôi khuyên bạn set về 400 hoặc có khi là 200 nếu ngày hết hạn đã lâu.
– Để an toàn, luôn chụp thừa sáng một chút. Chụp trong điều kiện ánh sang lý tưởng như ngày nắng đẹp và mở khẩu, giảm tốc. Khi mua film hết hạn về, khó có thể biết người bán có bảo quản tốt trong kho lạnh hay không nên ta bắt buộc phải sử dụng biện pháp này.
– Film dù hết hạn hay còn hạn đều nên được bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát, kể cả khi bạn mua hôm nay và ngày mai mang đi chụp. Nhiệt độ và độ ẩm là kẻ thù số một của film, nên môi trường khí hậu nhiệt đới của Việt Nam thì làm quá trình rã màu thường xảy ra rất nhanh. Việc bảo quản lạnh dù không làm ngăn chặn hoàn toàn sự rã màu nhưng sẽ khiến nó chậm lại kha khá. Và trước khi chụp thì hãy nhớ bỏ cuộn film ra khỏi tủ lạnh khoảng 1 giờ trước mới lắp vào máy nhé.

Chúng ta cùng xem qua hai ảnh đen trắng được sử dụng hai cuộn một cuộn còn và hết hạn:

Ilford Pan 50 hết hạn chụp ở ISO 25. © Huy Pham
Rollei 100 còn hạn. © Huy Pham

Đây là ảnh chụp bằng film Ilford Pan Plus 50 hết hạn đã lâu mua ở Croplab, và film Rollei ISO 100 BnW film còn hạn mua ở LeicaStore. Trong ảnh với Ilford Pan Plus, các vùng chuyển màu bệt hơn hẳn so với Rollei, điều đó là dễ hiểu vì film đã cũ. Nhưng tôi vẫn thích ảnh của film Ilford hơn vì một lý do nào đấy.

“Not everyday is a “indate” day”, là câu nói tôi thường tự nhủ mình mỗi khi lắp vào máy một cuộn film hết hạn. Với tôi, film hết hạn đưa đến những thử nghiệm thật bất ngờ. Tôi sẽ đứng ngồi không yên chờ xem rốt cuộc ảnh của mình ra sẽ như thế nào, có đủ sáng hay không, màu ra sẽ nhợt nhạt hay dị như chụp lomo. Có khi cuộn film hết hạn được bảo quản rất tốt trước đó, khi được chụp ở vào ngày nắng đẹp cho ra ảnh y như một cuộn film còn hạn. Có những tấm dù được chụp dưới cái nắng gay gắt tháng 7 mà ảnh lại có màu ánh sáng yếu ớt mơ màng và căng tràn hạt.

Kodak Pro 400 hết hạn, được bảo quản tốt nên màu gần giống như film còn hạn. © Huy Pham
Fuji Superia Xtra 400 hết hạn 2 năm. © Thang Dinh

Đó là mấy lý do vì sao tôi thường ưu ái film hết hạn khi chụp ảnh cho riêng mình. Vừa có thể sưu tầm được những loại vỏ film lạ, vừa hồi hộp đợi ảnh của mình tráng ra sẽ “dị” cỡ nào hoặc đẹp bất ngờ tới đâu. Lại vừa tiết kiệm được chi phí cho niềm đam mê hay được gọi là xuống hố sâu không đường thoát này. Còn bạn thì sao, bạn ưa dùng đồ còn hạn hay hết hạn? Hãy chia sẻ với tôi nhé!