Makét 02

Roots & Worlds – Rừng Ngập Mặn, Một Dạng Lưu Trữ

Rừng đước thuộc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Photo © Duong Gia Hieu for Matca

BÀI VIẾT THUỘC KHUÔN KHỔ UK/VIET NAM SEASON 2023 DO HỘI ĐỒNG ANH TÀI TRỢ

Cây đước (Rhizophora) cư ngụ ở không gian chuyển tiếp, nơi dòng sông hòa vào những ngọn sóng đại dương. Khi triều xuống, ta thường bắt gặp hàng chùm lỉa chỉa ngoi lên từ bùn nâu, đó chính là rễ khí sinh, thứ rễ lơ lửng trong không trung giúp cây hô hấp ngay cả khi ngập nước. Ta cũng có thể nghe thấy tiếng lạo xạo của lũ cua biển vội vã đào hang rồi biến mất trong nháy mắt. Chính lúc ấy, khi triều hạ, ta mới quan sát được mạng lưới phức tạp của bộ rễ chống giữ cho cây trụ vững trên nền đất ngập triều, rễ đan xe rễ, dày đặc đến nỗi không thể phân tách điểm bắt đầu và kết thúc. Hệ thống rễ này tạo thành một cơ chế tinh vi giúp cây nổi trên mặt nước khi thủy triều lên xuống. Đây cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài động thực vật, cùng những bí mật và những lịch sử.

~

Tôi đặt chân tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ khi triều rút. Bên dưới cây cầu dẫn vào con đường mòn xuyên rừng, mặt đất hầu như khô cong, như thể nước đã bị hút cạn dưới lớp bùn mịn óng ánh. Khi tôi bước vào cánh rừng ngập mặn sau khi đi qua một nhà hàng trống trơn và một lối đi nhỏ phủ bê tông, bầu không khí lập tức mang mùi ẩm ướt đặc trưng của vùng đầm lầy. Tí. Tách. Theo bản năng, tôi ngoái lại nhưng chỉ thấy con đường vắng không một bóng người. Thế nhưng, chùm rễ lộ ra tạo hiệu ứng khiến lối đi như thu hẹp lại, còn muôn vàn chiếc rễ chằng chịt như đang cựa quậy và dần khép chặt vòng vây quanh tôi. Cây đước kỳ lạ, phòng thủ và có phần hiềm khích.

Rừng đước thuộc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Photo © Duong Gia Hieu for Matca

Trải nghiệm trên gợi nhớ tới những mô tả tương tự về rừng ngập mặn trong văn học. Nhà văn Ấn Độ Amitav Ghosh từng viết về khu rừng ngập mặn Sundarban trải dọc bờ biển phía đông Ấn Độ và Bangladesh trong tiểu thuyết The Hungry Tide (tạm dịch: Thủy Triều Đói),

Tầm nhìn ngắn, không khí tĩnh mịch và hôi hám. Không có chút nghi ngờ gì, địa thế nơi đây tỏ rõ thái độ thù địch trước hiện diện của loài người, nó khôn khéo và có tài xoay xở, nó quyết tâm hủy diệt và loại trừ con người. Hằng năm, có hàng chục người thiệt mạng vì hổ, rắn và cá sấu trú nấp trong vòng tay của tán rừng rậm rạp này… Ở đây không có gì tươi đẹp để mời gọi người khách lạ: vậy mà quần đảo này lại được thế gian biết đến dưới cái tên Sundarbans, nghĩa là “khu rừng tươi đẹp”. Một số người cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ tên một loài đước phổ biến – cây sundari, Heritera minor (cui biển).1

Khi viết về quần đảo quê hương Guadeloupe, một lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp trong tiểu thuyết Crossing the Mangroves (Băng qua rừng ngập mặn), nhà văn người Caribe Maryse Condé cũng khai thác mô típ tương tự, “Ta không băng qua được rừng ngập mặn. Ta sẽ đâm mình vào những bộ rễ đước. Ta sẽ bị bãi bùn lợ chôn chân và làm chết ngạt.”2

Có lẽ đó không chỉ là ảo giác; rừng ngập mặn quả thực trở nên cảnh giác khi tiếp xúc với con người. Bản tính thận trọng và dè chừng này cũng giống như cách con người đối phó với hoàn cảnh mới hoặc khi gặp người lạ. Cũng như chúng ta, cây biết rằng không nên vồn vã đón chào kẻ Khác, mà trước hết phải quan sát. Cây vẫy gọi ta đến gần và lộ diện một cách thật chậm rãi, nhưng một khi đã mở lòng, cây cho đi không ngần ngại.

Vì cớ gì mà hình ảnh rừng ngập mặn từ ba địa điểm thật khác nhau – ngoài khơi vịnh Bengal, trong quần đảo Caribe, và ven vùng sông nước Cửu Long – đều không sẵn lòng hiếu khách? Phải chăng có một lịch sử tương đồng ẩn chứa trong mỗi khu rừng, chỉ hé lộ với những ai đủ hiếu kỳ và kiên nhẫn để khám phá những câu chuyện rừng sẽ kể theo điều kiện của mình. Điều kiện đó phụ thuộc vào các sức mạnh vượt ngoài tầm kiểm soát của con người, như lực hấp dẫn của Mặt Trời và Mặt Trăng trong những ngọn thủy triều dâng lên hạ xuống. Vào các thời điểm không báo trước trong ngày, triều rút để phơi ra hệ thống thân rễ rừng ngập mặn cũng những câu chuyện từ quá khứ. Chỉ khi ấy, ta mới có cơ hội nhìn thấu những điều vốn ẩn giấu dưới làn nước. Quá khứ đó là gì, gắn liền với môi trường địa lý xung quanh ra sao, và có tác động nào đến cách hiểu về tính liên đới (relationality) ngày nay?

Rừng đước thuộc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Photo © Duong Gia Hieu for Matca

Chỉ riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, quá khứ này đã chồng chất biết bao lớp lang. Vùng châu thổ đã chứng kiến sự thịnh suy của nhiều nền văn minh, bắt đầu với sự hiện diện của người Khmer và người Chăm cho đến thế kỷ 19, xen lẫn với các giai đoạn mà học giả đương thời gọi là “Nam tiến” hay công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Người Việt định cư chưa được bao lâu thì người Pháp tới vào những năm 1860. Viên toàn quyền Pháp Pierre Pasquier mô tả mạng lưới đường thuỷ ở đây vào năm 1930 như sau: “nay thành ruộng dãy như bàn cờ, từng ô từng khoảnh, ngắm nhìn ruộng lúa sắc vàng màu biếc, giải mãi tận xa khơi”3. Đương nhiên, không cần đến một người ngoại quốc như Pasquier để nhận ra tiềm năng nông nghiệp và thương mại ở vùng châu thổ sông Mê Kông. Về sau, dù người Mỹ không chính thức định cư tại đây, tàn tích của những gì họ gây ra còn lưu lại rất lâu. Bom mìn và chất diệt cỏ đã hủy diệt hầu như toàn bộ hệ thực vật và động vật hoang dã vào thập niên 1970, và chúng còn thấm sâu vào đất đến tận ngày nay.

Ký ức về các đế quốc đã khắc sâu vào đất đai cây cỏ vùng châu thổ. Có thể nói, chính bề dày của những trầm tích lịch sử này đã nuôi dưỡng và tái sinh rừng ngập mặn sau cuộc chiến. Trên đỉnh tháp quan sát ở Cần Giờ, bao quanh bởi cánh rừng xanh tươi bạt ngàn, tôi ngạc nhiên khi biết cây đước sinh trưởng tại khu dự trữ sinh quyển còn ít tuổi, phần lớn mới được trồng trong khoảng một đến hai thập niên trở lại đây. Sở dĩ là do vào năm 1978, Sở Lâm nghiệp TP.HCM đã đề xướng một chiến dịch nhằm khôi phục rừng sau thiệt hại do chất diệt cỏ và bom Mỹ. Chiến dịch phục hồi này ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng và chất đốt cho công cuộc tái thiết đất nước. Năm 1991, việc quản lý tài nguyên rừng ở Việt Nam chuyển hướng từ phát triển kinh tế sang bảo tồn. Hoạt động tỉa thưa rừng và khai thác gỗ trái phép bị cấm hoàn toàn vào năm 19994.

Rừng đước thuộc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Photo © Duong Gia Hieu for Matca

Sự đồng nhất về giống và tuổi đời của cây là thế mạnh, đồng thời cũng là điểm yếu của cánh rừng. Đặc điểm này đã khiến rừng bị huỷ diệt một cách hàng loạt dưới tác động của thuốc diệt cỏ, nhưng cũng giúp cho quá trình khôi phục, trồng mới dễ dàng và nhanh chóng. Không như các loại rừng khác, rừng ngập mặn có thể phục hồi chỉ trong vòng 10 đến 20 năm.

Ở những nơi khác, rừng ngập mặn cũng đóng vai trò lưu giữ lịch sử về các đế quốc. Tại tiểu lục địa Ấn Độ, Anh quốc không phải thực dân châu Âu duy nhất đặt chân đến. Ngoài giai đoạn cai trị của người Anh (1757-1937), khu vực quanh Sundarbans và Kolkata từng là nơi đặt bốt quân sự của Hà Lan và Đan Mạch, nhà máy của Bồ Đào Nha và khu định cư thuộc địa của người Pháp.

Tại quần đảo Caribe, còn được biết đến như là quần đảo Tây Ấn, các biến thể của tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp Creole5 là bằng chứng trong ngôn ngữ thể hiện sự giao thoa giữa châu Âu với châu Phi và châu Á. Các tiếng creole không có một nguồn gốc từ nguyên duy nhất. Được sử dụng chủ yếu trong giao tiếp, tiếng creole có nhiều phiên bản và không ngừng biến đổi qua mỗi thế hệ. Thay vì xây dựng lý thuyết về cội nguồn của ngôn ngữ và danh tính dựa trên ý tưởng về gốc rễ – vốn ưu tiên việc truy tìm một nguồn gốc độc nhất, các nhà tư tưởng người Caribe như Patrick Chamoiseau đề xuất hình ảnh rừng ngập mặn. Thay vì đặt trọng tâm vào bản chất và sự thuần khiết, sự thay đổi về nhận thức luận khiến ta chú ý đến tính hỗn dung (hybridity) và liên đới khi xem xét những thành tố đa dạng tạo nên chính chúng ta.

Rừng đước thuộc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Photo © Duong Gia Hieu for Matca

Sự giao thoa giữa sông với biển tại các vùng rừng ngập mặn hẳn đều chỉ đến một lịch sử thuộc địa chung, hay đến sự cạnh tranh giữa các nền văn hóa cũng như giữa thiên nhiên và xã hội loài người. Thế nhưng, tương tự như đặc tính chung của rừng ngập mặn vừa là điểm mạnh và cũng là điểm yếu, liệu ta có thể tái hình dung những câu chuyện phức tạp về lịch sử đế quốc và đấu tranh như một mô hình về sự liên kết lẫn nhau? Có điều gì vượt trên quá khứ thuộc địa chung để gắn bó chúng ta? Liệu có thể mượn hình ảnh mà tác giả Chamoiseau và cộng sự gọi là một “rừng ngập mặn của những khả thể”6?

Ví dụ về rừng ngập mặn cũng thôi thúc ta thay đổi nhận thức luận, hay quá trình tạo ra tri thức. Ta có thể phát triển nhờ sự tương đồng, nhưng sức mạnh thực sự nằm ở khả năng ghi nhớ và tư duy sinh thái, tư duy toàn cầu. Đề xuất rừng ngập mặn như một dạng lưu trữ là ám chỉ tới kho lịch sử ẩn chứa trong đó, và cả tới phương thức tồn tại vượt ngoài mỗi cá thể và lịch sử cá nhân.

Đây là điều mà những cây đước thì thầm với tôi khi tôi đang ngồi lặng lẽ chờ đợi, đâu đó sâu trong lòng khu dự trữ sinh quyển, sự hào phóng của rừng bỗng ập đến không gì cản nổi.


1. Amitav Ghosh, The Hungry Tide, New York: Mariner Books, 2005, p.7.
2. Maryse Condé. Crossing the Mangrove. Trans. Richard Philcox. New York: Doubleday, 1995, p.158.
3. Quoted in Biggs, David. “Problematic Progress: Reading Environmental and Social Change in the Mekong Delta.” Journal of Southeast Asian Studies 34, no. 1 (2003): 77–96.
4. Pamela McElwee. Forests are gold: Trees, People, and Environmental Rule in Vietnam. Seattle: University of Washington Press, 2016.
5. Ngôn ngữ Creole: ngôn ngữ ra đời và phát triển từ sự tiếp xúc của hai hay nhiều ngôn ngữ khác (ND).
6. Jean Bernabé, Patrick Chamoiseau, Raphaël Confiant. Éloge de la créolité. Paris: Gallimard, 1989, p.28.