Makét 02

Từ Vụ Souvid Datta Ngẫm Lại Việc Chụp Ảnh Có Tâm

Nhiếp ảnh gia (NAG) trẻ tuổi đầy tài năng Souvid Datta dường như có cả thể giới trong tay, cho đến khi cơn giận dữ đầu tiên của thế giới mạng nổ ra vì tấm ảnh anh chụp một cô gái mới 16 tuổi hành nghề mại dâm bị cưỡng hiếp được Lensculture sử dụng làm tư liệu quảng cáo cho một cuộc thi ảnh. Theo lẽ tất yếu, cả bộ ảnh về phố đèn đỏ của anh ở Kolkata, Ấn Độ sau đó bị mang ra mổ xẻ. Dư luận xung quanh scandal đầu tiên chưa kịp dịu đi, tấm ảnh cắt ghép lộ liễu bị phát hiện như đổ thêm dầu vào lửa, và cả sự nghiệp của anh trong tích tắc tan thành mây khói. Từ một portfolio ấn tượng trên các tạp chí nhiếp ảnh danh tiếng, giờ đây kết quả tìm kiếm của Souvid Datta chỉ xoay quanh scandal “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Tóm gọn lại vụ lùm xùm này, nhiều nhà phê bình vừa chê trách Datta, vừa bày tỏ sự cảm thông với anh như một nạn nhân của ngành công nghiệp nhiếp ảnh đương đại. Trong khi cả thế giới ảnh báo chí tự nhìn lại mình, tôi với tư cách người cầm máy cũng băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để chụp ảnh có tâm trong thời đại này, khi việc sản xuất ra ảnh đẹp cũng chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả quy trình làm việc của mỗi NAG.

Ảnh gây sốc: nhu cầu có thực.
Nhiếp ảnh từ lâu đã được sử dụng để miêu tả tình trạng con người. Trong khoảng thời gian phát triển chưa đầy một thế kỷ, nhiếp ảnh đã trở thành một công cụ thiết yếu để ghi lại và cung cấp sự hiểu biết về thị giác cho những vấn nạn trên toàn cầu. Vậy nên, tôi không đồng tình với nhiều bài báo than trách rằng ngành công nghiệp đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi bằng việc tìm kiếm và phát tán ảnh gây sốc. Từ những ngày đầu, giới truyền thông đã luôn thiên vị những hình ảnh trần trụi, gây kích động. Trước khi có bộ quy tắc hành nghề như ngày nay, nhiếp ảnh đã có một quá trình dài thử nghiệm với nhiều quyết định gây tranh cãi. Ảnh Em Bé Napalm của Nick Út, Kền Kền Chờ Đợi của Kevin Carter hay Vụ Hành Quyết Sài Gòn của Eddie Adams là những ví dụ điển hình nhất của ảnh báo chí thể hiện trực diện sự tàn khốc, với mục đích khơi gợi cảm xúc cực đoan từ khán giả.

"Vụ hành quyết Sài Gòn". © Eddie Adams

Từ trước đến nay, nhiếp ảnh báo chí vẫn luôn như vậy. Nó được xây dựng bởi những NAG, nhà biên tập và chính khán giả với niềm tin vào sự cần thiết của hình ảnh trực diện. Những hình ảnh này đã cho ta thấy một hiện thực khác, khơi gợi tình thương, nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và đôi khi gián tiếp thay đổi hiện trạng bằng cách tạo áp lực lên chính quyền.

Khi tấm ảnh của Souvid được LensCulture sử dụng để quảng cáo cho một cuộc thi, hàng loạt khán giả đã thể hiện sự phẫn nộ khi danh tính của cô gái chưa đủ tuổi được tiết lộ hoàn toàn. Vậy nhưng một tấm hình gần như y hệt chụp bởi Marry Ellen Mark 39 năm trước lại được đón nhận với thái độ cảm thông hơn rất nhiều. Tôi đã tìm hiểu và phỏng đoán rằng có lẽ khán giả không tức giận vì những gì họ thấy, mà vì những gì họ hiểu được từ hình ảnh. Khi đặt hai dự án của Datta và MEM ở cạnh nhau, ta có thể nhận ra dù có các yếu tố thị giác tương đồng nhưng cách thực hiện và kể câu chuyện của hai người lại hoàn toàn đối lập. Một mặt Marry Ellen Mark dành 10 năm để làm quen và tìm cách thâm nhập vào đời sống của nhân vật dù bị từ chối phũ phàng, để rồi từ sự cứng đầu của bà, những tình bạn gần như không tưởng đâm chồi. Ngược lại, phóng viên ảnh Datta tích cực điều tra vấn đề buôn bán người và đưa ra quá nhiều thông tin, vô hình trung đã tước đi phẩm giá nhân vật của mình. Tuy vậy, nhiều khả năng nếu Falkland Road của Marry Ellen Mark được xuất bản ngày nay thì cũng sẽ chịu phản ứng dữ dội tương tự.

(Giấu tên), 16 tuổi, với một khách say. Đàn ông lui tới Sonagachi thường uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích với những cô gái hành nghề mại dâm, làm tăng rõ rệt khả năng bị bạo hành của họ.
Kamla: "Khi tôi ở với khách, tôi thường giữ thẳng chân, anh ta còn chẳng đi vào được. Dù gì, cơ thể này vẫn là của tôi." © Mary Ellen Mark

Tương tự với Nick Út và tấm ảnh lịch sử Em Bé Napalm. Cho dù trung tâm là một cô bé hoàn toàn khoả thân, tấm ảnh nguyên gốc vẫn được xuất bản, nhận được sự phản hồi vô cùng mạnh mẽ từ người dân Mỹ yêu hoà bình và gián tiếp đặt áp lực lên chính phủ để chấm dứt cuộc chiến đã gây ra quá nhiều thương vong. Nhưng Kevin Carter với một tấm ảnh huyền thoại không kém lại phải đối mặt với phản ứng giận dữ gay gắt từ độc giả, dẫn đến kết cục buồn của chính NAG. Sự khác biệt này khiến tôi nghĩ rằng, khi một tấm ảnh ghi lại bi kịch được phát tán, khán giả sẽ luôn quan tâm đến hành động của người cầm máy trong hoàn cảnh ấy. Trong khi Nick Út mang đứa trẻ đến bệnh viện và làm mọi cách để bảo toàn mạng sống của cô, Kevin đã phải đưa ra một quyết định khó khăn là không can thiệp vào hiện trường và làm lơ trước đứa bé đang chờ chết.

Tháng 3/1993, Kevin Carter tới Nam Sudan cùng tổ chức Liên Hiệp Quốc để làm phóng sự về nạn đói. Trong hành trình của mình, anh gặp một cô bé da bọc xương đang dùng hết sức để bò về phía trung tâm cung cấp thức ăn của Liên Hiệp Quốc nhưng phải dừng giữa đường lấy sức. Khi đó, một con kền kền đậu xuống mặt đất đằng sau cô bé. Để lấy được nét cho ảnh và không làm con kền kền sợ hãi mà bay đi, Kevin đã chờ 20 phút. Tuy vậy, con kền kền mãi vẫn không tung cánh, và sau khi chụp được khung cảnh này ở cự li 10 mét, Kevin đã đuổi con chim đi. Kevin không giúp đỡ đứa trẻ vì cánh phóng viên ảnh đã được cảnh báo rằng không được chạm vào nạn nhân của nạn đói để phòng tránh lan toả dịch bệnh. © Kevin Carter

Sản phẩm cuối cùng của NAG là những bức ảnh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều mối quan tâm hơn tới những việc mà họ làm trước và sau khi bấm máy, đặc biệt là những bức ảnh xoay quanh tình trạng con người và vùng đất đượm màu đau thương. Liệu việc giữ ‘khoảng cách báo chí’ có còn là thước đo cho một phóng viên ảnh có tâm? Suy cho cùng, chúng ta với tư cách là khán giả, không ở trong hoàn cảnh và sức ép nặng nề đó nên mọi đánh giá đều thiển cận. Dù vậy khi sống trong một thế giới ngày càng ngập tràn hình ảnh, cả người chụp lẫn người xem nên tự vấn bản thân trước khuynh hướng thu nạp tin tức nhanh chóng thông qua những tấm ảnh nhạy cảm.

Khao khát được biết đến.
Tên tuổi của NAG thường được đánh giá dựa trên những giải thưởng, triển lãm và các mối quan hệ với dân nhà nghề mà họ có được. Cũng như bao nghề nghiệp có tính sáng tạo khác, thường xuyên sản xuất ra những bức ảnh tốt chưa bao giờ là đủ để thành công trong ngành nhiếp ảnh. Và với trường hợp chỉnh sửa ảnh gần đây của Souvid Datta, nhiều nhà phê bình mới lên tiếng chỉ trích rằng ngành công nghiệp ảnh đương thời đang tạo nên một hệ thống với nội dung rập khuôn và năng lực thị giác thấp. Tôi có cảm xúc lẫn lộn về quan điểm này.

Bức ảnh đã được chỉnh sửa của Souvid Datta. © Souvid Datta
Bức ảnh nguyên bản của Mary Ellen Mark. © Mary Ellen Mark

Một mặt, tôi nghĩ rằng những cộng đồng như LensCulture là một trong số những điều tuyệt vời nhất của nhiếp ảnh tư liệu hiện đại. Họ vừa cung cấp tư liệu tham khảo về kiến thức thị giác, vừa là một nguồn cảm hứng lớn đối với những người làm nghề. Nếu thiếu những cộng đồng như vậy, chúng ta sẽ không thể nào biết tới các tác phẩm tốt từ những NAG trẻ, biết đến các vấn đề xã hội trên toàn thế giới và tham gia tranh luận về cách thực hành nhiếp ảnh để rồi từ đó được tạo cảm hứng và tìm ra những chân trời cho riêng mình.

Mặt khác, khó có thể phủ nhận những gì giới phê bình đang chỉ trích. Giải thưởng và nhà tài trợ đặt ra những quy chuẩn cụ thể về cả mỹ học lẫn nội dung của sản phẩm, bó hẹp không gian cho sự thử nghiệm. Vì lẽ đó, nhiều NAG đã đang tiếp tục sản xuất ra những tác phẩm tương đồng chỉ để thoả mãn tiêu chuẩn chung, vì mục đích có cơ hội được quảng bá tác phẩm và nhận hỗ trợ tài chính. Tuy vậy, nhiếp ảnh ngoài nhiệm vụ cung cấp thông tin còn là một công cụ để thể hiện những quan điểm cá nhân. Đây là một vấn đề lớn khi những quy chuẩn này được nghĩ là cái khung định sẵn cho các phương thức kể chuyện. Như đã thấy, ngày càng có nhiều trường hợp NAG lạm dụng Photoshop nặng nề để đạt được những tiêu chuẩn thẩm mỹ chung.

Khi mọi người đều sở hữu máy ảnh, thực hành ảnh báo chí và phóng sự dần trở nên phổ biến hơn, tôi thấy sự thử nghiệm trong nhiếp ảnh là vô cùng cần thiết. Trải qua một thời kỳ phát triển với những tấm ảnh đã đi vào lịch sử, thời thế hiện nay đòi hỏi người cầm máy đào sâu sáng tạo hơn nữa để tránh lối mòn và tạo được dấu ấn riêng.

Giữa một biển những tác phẩm giống hệt nhau về chủ đề bóc lột phụ nữ và trẻ em, vẫn có một vài câu chuyện chạm được tới khán giả thông qua phương thức kể chuyện hoàn toàn khác biệt. Hai NAG Nina Berman và Cristina De Middle thay vì tập trung vào nạn nhân, đã hướng ống kính tới những nhân vật thường bị bỏ qua – thủ phạm. Cả hai dự án khám phá suy nghĩ của những kẻ phạm tội thông qua ảnh chân dung và ảnh tĩnh vật. Bằng cách tiếp cận mới lạ, họ có thể kể lại câu chuyện mà không kéo dài thêm nỗi đau của những nạn nhân vốn đã bị tổn thương rất nhiều.

Bằng việc đi sâu vào suy nghĩ của hung thủ thay vì tập trung khắc hoạ thân thể của nạn nhân như những câu chuyện tương tự khác, Nina Berman mong muốn kể câu chuyện về bạo hành và buôn bán phụ nữ mà không áp đặt những ánh nhìn soi mói lên những nạn nhân vốn đã bị tổn thương rất nhiều. © Nina Berman
Cristina De Middle trả tiền cho những người từng sử dụng dịch vụ gái mại dâm để họ tạo dáng trước ống kính. Mục đích của bộ ảnh là phản biện lại những suy nghĩ thường có về phóng sự chủ đề mại dâm vốn chỉ tập trung vào những hình ảnh phụ nữ khoả thân trong những nhà nghỉ tồi tàn. Tuy nhiên, câu chuyện này bị rất nhiều những nhà xuất bản lớn từ chối với lý do "không đủ phù hợp với công chúng". © Cristina De Middle

Vài năm trước, tôi cũng đã thực hiện một dự án ảnh về gái mại dâm dưới tuổi vị thành niên ở Hà Nội và mang nó tới một vài buổi phê bình portfolio. Đa phần những phản hồi mà tôi nhận được đều xoay quanh hai vấn đề “Tại sao bạn lại quyết định giấu mặt nhân vật?” hoặc “Bạn sẽ cần thêm nhiều ảnh của cô ấy đang ‘trao đổi’ với khách hàng để thể hiện câu chuyện rõ hơn tới độc giả của chúng tôi”. Vì lẽ đó, tôi đã dành khá nhiều thời gian cân nhắc lại những quyết định và cách thực hành nhiếp ảnh của bản thân, liệu chúng có là những quyết định không thoả đáng. Đến tận ngay lúc này câu hỏi đó vẫn đang xoay quanh trong đầu tôi. Lựa chọn giữ cách kể chuyện truyền thống thông qua những tấm ảnh gây sốc hay tìm cách tiếp cận mới lạ và truyền đạt câu chuyện ẩn ý hơn sẽ luôn là một quyết định khó khăn đối với mọi NAG. Đôi khi sự lựa chọn mang lại tác động mạnh mẽ nhất có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhân vật của bạn. Do đó, khả năng cân bằng giữa lợi và hại là cần thiết, nhất là khi bạn đi kể một câu chuyện về người khác.

B thường bật TV về để điện nhà tắm sáng khi ngủ. "Em phải nghe một thứ gì đó để có thể ngủ được, việc đi ngủ khó lắm vì mai dậy mọi thứ như hôm nay lại lặp lại." © Mai Nguyên Anh

Sâu trong trái tim, tôi vẫn luôn giữ một góc đặc biệt cho phương pháp thực hành ảnh phóng sự và báo chí truyền thống. Ở ngoài kia, vẫn có rất nhiều những phóng viên ảnh làm việc không ngừng nghỉ dựa trên những nguyên tắc được xây dựng chặt chẽ từ lâu. Do vậy thay vì tuyên bố rằng ảnh báo chí truyền thống đã lụi tàn chỉ vì một vài lỗi lầm cá nhân, chúng ta nên tự hỏi tại sao bản thân vẫn mong chờ ảnh báo chí và phóng sự hoạt động dựa trên những luật lệ đã già cỗi trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, công nghệ và giao tiếp giữa con người.

Ngày nay, ‘sự thật’ bị thử thách nhiều và thường xuyên hơn. Khán giả không còn tin tưởng tuyệt đối vào những cơ quan báo chí chính thống. Một lượng thông tin khổng lồ đa chiều có thể dễ dàng được tiếp cận thông qua vài cú kích chuột. Xét cho cùng, chúng ta với tư cách là NAG không có khả năng gì nhiều ngoài việc thiết lập những mối liên hệ và chia sẻ một thực tế khác đang diễn ra. Trong nỗ lực để thấu hiểu người khác và gửi tới họ sự tôn trọng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng học được rất nhiều điều về bản thân. Đó có lẽ là một điều tuyệt vời trong nhiếp ảnh. Bởi vậy, việc tốt nhất chúng ta có thể làm là đảm bảo được phẩm giá cho những nhân vật của mình và kể câu chuyện theo cách gần với trái tim nhất.

Trong một buổi học với Fred Ritchin, thầy đã nói hai câu mà có lẽ là thích hợp nhất để kết thúc bài viết này. “Một tấm ảnh đẹp là sự bắt chước của một tấm ảnh đẹp khác” và “Ai cũng xuất bản những tấm ảnh về sự tàn ác nhưng họ lại không cho chúng ta thấy tại sao sự tàn ác đó diễn ra”. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm một cách nhìn nhận nhiếp ảnh khác và tính toán nhiều hơn trước mỗi quyết định bấm máy của mình.