Makét 02

Bảo Tàng Nhiếp Ảnh Lai Xá: Không Chỉ Là Câu Chuyện Quá Khứ

Chúng tôi tìm đến bảo tàng vào một ngày thứ Tư mưa bão. Sau mấy lượt hỏi han, vòng vèo qua đường làng ngõ xóm đậm mùi Bắc Bộ nhỏ hẹp, chúng tôi cuối cùng cũng tìm được đến bảo tàng với cánh cửa đóng kín, trên đính mảnh giấy ghi “Bảo tàng mở cửa thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần.” Lặn lội quay về, nhưng mưa gió càng làm thổi bùng lên sự hiếu kỳ sẵn có. Quay lại bảo tàng vào một ngày Chủ Nhật, vẫn là cảnh cửa đóng kín; sau 15’ tìm cách liên lạc với người mở cửa chúng tôi cũng đã vào được bên trong. Matca là nhóm khách duy nhất của buổi chiều hôm ấy.

Hỏi ra mới biết, vẫn là câu chuyện chuyện thiếu kinh phí hoạt động muôn thuở. Bảo tàng chỉ có thể mở cửa cuối tuần do người dân trong làng tự nguyện dành ngày nghỉ để phục vụ và vẫn còn tầng ba để trống bởi “muốn lắm nhưng lực bất tòng tâm” – cố vấn bảo tàng đồng thời cũng là một người con Lai Xá, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy bộc bạch. Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là bảo tàng tư nhân cấp thôn về nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam, với tất cả nguồn vốn và hơn 150 hiện vật được huy động từ dân làng và những người gốc gác Lai Xá. Tất cả các công đoạn từ lên ý tưởng, thu thập dữ liệu tới thi công chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng hai năm bởi người dân quá nóng lòng muốn được tận mắt chứng kiến thành quả do mình góp công hoàn thiện.

© Van Tuyen / Hanoi TV

Tuy nhiên, thiếu kinh phí với nhiều cái ‘đầu tiên’ không đồng nghĩa với một công trình sơ sài cập rập. Mặc dù đã tham khảo trước nhiều bài báo và hình ảnh về bảo tàng, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi thiết kế hiện đại, đẹp mắt với bố cục gãy gọn của hai tầng triển lãm. Cách sắp xếp khoa học đưa tới cho người xem một hành trình tìm hiểu về làng nhiếp ảnh địa phương đồng thời phản ánh một phần xã hội Việt Nam thế kỷ 20 với nhiều biến động về lịch sử và văn hoá. Mỗi căn phòng được chia bởi một tấm rèm nhung, với cửa sổ kính tròn hình lá khẩu để ánh sáng tự nhiên tràn vào và để người xem phóng tầm mắt ra những lớp gạch ngói đỏ của mái đình làng Lai Xá.

© Huy Pham / Infonet
© Linh Pham

Đi ngược chiều kim đồng hồ, triển lãm kể một câu chuyện bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, với cụ tổ nghề ảnh Lai Xá Nguyễn Đình Khánh. Từ một hiệu ảnh Khánh Ký trên Hàng Da, những người con Lai Xá đã toả đi khắp nẻo đất nước để xây dựng thương hiệu ảnh của riêng mình. Nếu như ở miền Bắc có Central Photo ở Hà Nội, Phúc Lai ảnh viện ở Hải Phòng hay Minh Tân ở Nam Định thì Sài Gòn có Mỹ Lai, Thiên Nhiên ảnh viện và Viễn Kính ảnh viện.

Thậm chí, trong những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, cụ Nguyễn Văn Chành đã tạo nên thương hiệu Luminor Photo với 4 chi nhánh tại Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng và Hà Nội. Đặc biệt, khách hàng có thể nhận ảnh đã chụp ở bất kỳ tiệm nào trong bốn tiệm. Chất lượng hình ảnh nổi trội do sử dụng hoàn toàn máy khổ lớn Lumière nhập từ Pháp, dịch vụ ‘chăm sóc khách hàng’ kèm phong cách in bao bì, hoá đơn thống nhất tại thời điểm ấy đã khiến Luminor Photo đặc biệt hút khách.

© Linh Pham
© Linh Pham
© Linh Pham

Bên cạnh hình ảnh và chú thích, những hiện vật do bà con Lai Xá thu thập được phần nào thể hiện được quy trình làm ảnh thủ công tiêu biểu cho thế kỷ 19, 20: một căn buồng sơn tường đỏ đặt chai lọ hoá chất tráng film và chiếc máy rọi thời xưa bên cạnh tấm chân dung khổ lớn của “vua buồng tối” – thợ ảnh lừng danh một thời Phạm Thành. Tủ kính bên ngoài trưng bày bộ sưu tập máy cổ như Canon QL, Exa, Praktica…và cả những tấm phim ướt (wet plate) đã phai màu theo thời gian.

Nhưng thú vị hơn cả là những kiến thức về truyền thống của nhiếp ảnh nước nhà, thứ mà chúng tôi, thế hệ chỉ biết đến nghệ thuật qua lịch sử phương Tây, lần đầu tiên có cơ hội được tiếp xúc. Ai ngờ trong thời điểm vật chất thiếu thốn của chiến tranh, thứ xa xỉ như nhiếp ảnh studio lại trở nên đắt khách. Song song với ảnh phóng sự thời chiến, ảnh studio nổi lên với nhu cầu chụp ảnh chân dung tăng cao, vừa là trào lưu, vừa là mong muốn thiết thực của những người lính trước khi ra mặt trận để ghi lại hình ảnh của mình một thời trai trẻ.

© Linh Pham
© Linh Pham

Trong khi đó tại Sài Gòn những năm 60, nhiếp ảnh nghệ thuật cũng nở rộ trong giới minh tinh nghệ sỹ mà nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu là cái tên được ưa thích. Những nhân vật đã đứng trước ống kính của ông có thể kể tới như ca sĩ Chí Linh, hoa hậu Thẩm Thuý Hằng, diễn viên múa Thu Thuỷ… Nhiều tấm ảnh còn táo bạo với người mẫu nữ mặc áo tắm hay váy trễ vai, tóc đánh rối và mắt kẻ đậm.

Ở một góc trưng bày khác, người xem có thể quan sát sự ra đời của nghề chấm sửa ảnh đen trắng với nghệ nhân Phạm Đăng Hưng ngoài Bắc và Nguyễn Hữu Quý trong Nam, hay sự thay đổi từ cách dùng bài vị đề tên tuổi sang di ảnh chụp người đã khuất trong văn hoá thờ tự của người Việt. Đây là những điều ngày nay ta thường coi như lẽ dĩ nhiên, nhưng chúng mang trong mình những chuyển động của một thời đại nhiều biến cố.

© Linh Pham
© Linh Pham
© Linh Pham
© Linh Pham

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, dù quy mô nhỏ và nỗ lực của phó giáo sư còn đơn lẻ, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn trở thành một địa điểm văn hoá cho thủ đô vốn thiếu chỗ chơi mà càng hiếm không gian nghệ thuật. Hơn thế nữa, bảo tàng còn đóng vai trò lưu giữ một giai đoạn lịch sử mà trong đó nghề ảnh nói riêng và nền kinh tế nói chung đặc biệt phát triển rực rỡ.

“Các cụ (thế hệ trước) đã yếu lắm rồi, nên tất cả (dự án) đều mang tính chất cứu nguy để thế hệ tương lai hiểu về những người đi trước. Nếu không có Bảo tàng Lai Xá thì chẳng ai hiểu họ vĩ đại thế nào. Chính những người dân Lai Xá đã góp phần vào văn hoá nhiếp ảnh Việt Nam.”

Chúng tôi ra về với nhiều suy tư. Về sự dừng lại đột ngột của những hiệu ảnh một thời thịnh vượng, về nhịp sống quá nhanh khiến người trẻ hoang mang về gốc rễ của mình, và về bài toán bảo tồn văn hoá lịch sử. Thiết nghĩ, những dự án văn hoá tâm huyết như thế này cần có sự quan tâm đầu tư đúng mực hơn và cả sự tham gia nhiệt tình hơn từ người trẻ. Khởi đầu với bài phỏng vấn cụ Phạm Đăng Hưng – nghệ nhân chấm sửa ảnh, chúng tôi đang khẩn trương tìm kiếm những con người đi trước để ghi lại những mảnh ghép lịch sử mà chỉ qua một cơn gió lạnh thôi có thể sẽ mất đi mãi mãi.

© Linh Pham

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá
Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội
Mở cửa: 9:00 – 16:30 Thứ 7 và Chủ Nhật, ngày thường xin liên hệ trước khi đến.
Điện thoại liên lạc: Bác Nguyễn Văn Thắng – 0912.991.795 hoặc bác Nguyễn Văn Xuân 0164.960.7922