Những người quan tâm tới nhiếp ảnh tại tp. Hồ Chí Minh chắc không còn xa lạ gì với cái tên Tiệm Cà phê Sài Gòn Hẻm. Cái tiệm xinh xinh, xanh mát nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai vừa mới kỷ niệm tuổi hồng đầu tiên, nhưng đã trở thành một phần quan trọng trong sinh hoạt nhiếp ảnh Sài Gòn. Sự nhiệt huyết và cởi mở có lẽ chính là chìa khoá tạo nên thành công của Hẻm, như một đốm lửa tuy nhỏ nhưng đã được thắp lên và chỉ đường cho một thế hệ những nhiếp ảnh gia trẻ của tương lai. Và một trong những người thành lập đang vun vén cho ngọn lửa này chính là Cương Trần, dân IT kiêm nhiếp ảnh gia đường phố.
Anh Cương đến với nhiếp ảnh như thế nào? Tại sao đã có gia đình và một công việc cố định nhưng anh vẫn có thời gian lẫn động lực để đi chụp thường xuyên như thế?
Mình là dân IT, 10 năm trở lại đây làm với hãng HP nên cơ hội được đi đây đi đó cũng nhiều. Những lúc rảnh trong chuyến đi chẳng biết làm gì nên mình bắt đầu tìm tòi chụp ảnh, trước nhất là để lưu lại kỷ niệm. Chụp hoa cỏ, phong cảnh chán rồi thì mình chuyển sang chụp đường phố, rồi sau là ảnh tư liệu. Còn về tại sao vẫn có thời gian đi chụp thì mình cho rằng mỗi người ngoài việc kiếm sống, nên có những đóng góp để xã hội tốt đẹp hơn. Có người làm từ thiện, tham gia công tác xã hội, cá nhân mình chọn cách phản ánh các vấn đề xã hội qua ảnh.
Cái tên Cương Trần được biết tới rộng rãi từ bộ ảnh ghi lại quá trình đô thị hoá tại Quận 2. Anh có muốn chia sẻ thêm?
Bộ ảnh này đến tự nhiên lắm, mình sống bên Quận 2 thành ra ngày nào cũng đi qua đường Lương Định Của ít nhất là bốn vòng, tức tám lượt. Tận mắt chứng kiến sự đô thị hoá rất nhanh trong hơn 3 năm qua, từ lúc còn chợ Bình Khánh nay đã giải toả, con phà cũ cũng đã kéo đi đâu, đường hầm xuyên sông Sài Gòn hình thành,… sẵn có máy ảnh trong tay, mình không bỏ lỡ cơ hội ghi chép lại. Sau những vụn vặt vô thưởng vô phạt đó, mình bắt đầu tiếp cận sâu hơn vào những khu công trường, xóm lao động, khu dân cư… nhằm chụp lại câu chuyện đời sống của những con người bằng cách này hay cách khác vẫn bám quanh mảnh đất bên sông. Có bà bác cỡ tuổi mẹ mình nhà trong khu nước ngập, mỗi khi mùa mưa tới là bì bõm trong nhà nhưng quyết không chuyển đi do vẫn bức xúc chuyện đền bù. Ở xóm khác lại có cô bé tầm 5-6 tuổi cứ tò mò đi theo mỗi lần mình tới chụp, sắp tới mình định tặng cô một chiếc máy compact để tự ghi lại câu chuyện trong xóm. Các nhóm lao động thì khác, xong công trình này họ lại chuyển đi công trình mới gần đó.
Bộ ảnh chụp Quận 2 có phải là bước ngoặt đưa anh từ một NAG đường phố lấn sân sang tìm tòi về với ảnh tư liệu?
Không hẳn vì bộ ảnh này đâu. Mình cũng bắt đầu chán ảnh phố rồi, nó là thứ để chơi, mà chơi trò gì mãi rồi cũng chán. Ra phố mãi rồi thuộc từng ngóc ngách, con người nên cũng thấy ít thú vị đi. Giờ nhiều lúc chỉ thích đơn thuần là lang thang ra ngắm phố phường thôi, không chủ đích kiếm tìm hình ảnh. Ảnh đường phố bắt đầu bão hoà, các thủ pháp cứ được lặp đi lặp lại. Cũng có thể do tính phổ thông và sự lan toả mạnh của các diễn đàn ảnh phố cùng sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng mà nhiều bạn giờ đặt việc chụp ảnh cho người khác xem cao hơn việc chụp cho bản thân mình. Nói vậy thôi, chứ riêng về chuyện chụp ảnh đường phố, mình may mắn được tiếp cận với một số bạn trẻ chụp rất tốt và hiện đại hơn, ngay khái niệm ảnh đường phố là gì cũng được đưa ra thách thức, họ đưa ra những tư duy mới nhiều cảm xúc, câu chuyện và ít hoàn hảo hơn.
Về sau này mình quan tâm tới ảnh tư liệu hơn vì nó truyền tải được nội dung câu chuyện rõ ràng. Chất liệu của thể loại này cũng luôn luôn biến đổi theo sự vận động của xã hội nên nó luôn có thể mới, còn các thủ thuật tạo hình cũng ít đi. Thêm nữa, câu cửa miệng “nhiếp ảnh thể hiện con người” theo mình là chưa đúng khi áp dụng cho nhiều thể loại nhiếp ảnh, nhưng đặc biệt đúng với ảnh tư liệu. Dĩ nhiên ảnh tư liệu phải thể hiện đúng sự việc diễn ra, nhưng thể loại này cho phép mình đưa cái tôi của bản thân vào ảnh nhiều hơn, chính kiến xã hội của mình thể hiện ở ngay đề tài chụp. Với mình, bức ảnh tốt là thứ mà 5-10 năm sau bạn xem lại mà vẫn không muốn vứt đi, là thứ mà giá trị được tăng theo thời gian.
Vậy tới thời điểm này, nhiếp ảnh đối với anh là gì?
Nhiếp ảnh đối với mình vẫn là cuộc chơi thôi, là cách mình xả stress. Mình vẫn giữ thói quen giữ trong người một chiếc máy compact, chụp mọi lúc nơi, từ sáng đón con đi học đến chiều ra phố xem biểu tình.
Mình vẫn ấp ủ chụp một dự án về văn hoá ăn nhậu tại Việt Nam. Dân ta nhậu nhất nhì thế giới, riêng năm 2015 người Việt đã chi 3 tỷ USD cho việc uống bia, chưa nói đến rượu hay tiền mồi. Nhậu thì đương nhiên là vui đấy nhưng cũng kéo theo nhiều hệ luỵ. Mình là dân làm ăn cũng phải tiếp khách nhiều, xỉn rồi chỉ có về ngủ (chưa nói đến quậy) chẳng làm được gì nữa. *cười
Nhiếp ảnh với anh là cuộc chơi thì hẳn phải có bạn chơi cùng chứ?
Chuyện chụp ảnh cũng đem lại cho mình những tình bạn vô tư, những tình bạn hay lắm. Mình quý bạn ảnh mà số này thì rất đa dạng, từ bạn bè cùng lứa đến những bạn trẻ nhỏ hơn mình những 20 tuổi. Muốn chơi được với nhau lâu dài và vui vẻ, thứ mình đặt ra trước nhất là phải sự bình đẳng. Có nghĩa là phải coi trọng ý kiến và lắng nghe lẫn nhau, không chỉ vì ông lớn tuổi mà phản bác và không tiếp thu ý kiến của những người trẻ tuổi hơn một cách vô căn cứ. Ở đây là sự trao đổi hai chiều, mình cũng tự thấy học hỏi được rất nhiều từ các bạn trẻ.
Những tình bạn từ nhiếp ảnh đó có phải là lí do Tiệm cafe Tiệm cà phê Sài Gòn Hẻm được mở không?
Trước khi mở Hẻm, bọn mình đã sinh hoạt với nhau thành đội mười mấy người, hàng ngày hết đi chụp hình lại tụ tập cà phê. Lý do trước tiên chỉ là mở quán riêng thì anh em đỡ phải đi uống ngoài, mình (Cương Trần), Diệp Bảo Tân, Dương Thái Tân và Nguyễn Ngọc Hải đã cùng xây dựng quán. Sau khi Sài Gòn Hẻm vận hành đã ổn, bọn mình bắt đầu tổ chức các hoạt động liên quan tới nhiếp ảnh như treo ảnh, trưng bày sách, các buổi nói chuyện dân dã hơn, các workshop ‘vỉa hè’… làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho anh em. Sài Gòn Hẻm đã có những buổi treo ảnh của Nguyễn Khánh, Chu Việt Hà, Nhóm phóng viên ảnh Sài Gòn, Khang Dương Đà Lạt, nhóm Life@Vietnam,… nhằm giới thiệu các tác phẩm đặc sắc, các tác giả mới cho không chỉ những anh em chụp hình mà còn cho các khách hàng cà phê của Hẻm.
Mình thấy vui vì đến nay Hẻm dần trở thành nơi để vui chơi và kết nối một nhóm các anh em chụp ảnh với nhau. Như gần đây mình biết 1 nhóm bản trẻ tầm 20 người, gọi vui là “Mầm non Sài Gòn Hẻm”, rất đam mê và chịu khó tìm tòi, thử sức với ảnh đường phố hay ảnh tư liệu và Sài Gòn Hẻm trở thành địa điểm để các bạn ấy tụ họp, tranh luận, khoe ảnh mới, chia sẻ thông tin và khuyến khích nhau làm các dự án cho riêng mình.
Cá nhân mình và nhóm Vietnam Hardcore Street Photography cũng vừa có một vài buổi nói chuyện chia sẻ với cộng đồng lớn hơn ở tinhte. Các bậc đàn anh, một vài nghệ sĩ nhiếp ảnh VAPA cũng bắt đầu sang Hẻm giao lưu và thấy rất thích. Ngoài việc chơi cho riêng mình, còn phải chơi với các bạn và để các bạn chơi cùng nữa chứ 🙂