Makét 02

Ảnh Đường Phố, Ảnh Tư Liệu: Tuy Gần Mà Xa

Luôn có một sự mơ hồ tồn tại trong việc định nghĩa các thể loại nhiếp ảnh, ảnh đường phố (street photography) và ảnh tư liệu (documentary) cũng không nằm ngoài vòng luẩn quẩn đó. Ranh giới phân định ngày càng mờ nhoè do sự phát triển đa dạng không ngừng về cách tư duy và thể hiện ngay trong mỗi thể loại, thách thức các định nghĩa căn bản. Chính điều này dấy lên những tranh cãi không ngớt về việc định danh hai thể loại có nhiều điểm tương đồng này.

Ảnh đường phố và ảnh tư liệu thực rất đồng điệu về mặt thị giác, bản thân mỗi bức ảnh đường phố cũng mang trong mình những giá trị tư liệu nhất định được bồi đắp qua năm tháng. Khi ấy, bức ảnh đường phố với giá trị nội dung không nhiều vào thời điểm được chụp lại trở thành một tư liệu quý, mở ra một cánh cửa cho những người đương thời đi vào thế giới xưa cũ. Như những hình ảnh Hà Nội xưa của NAG Harrison Forman dưới đây, có thể thấy ảnh được chụp với góc nhìn khá chân phương nặng tính mô tả nhưng lại cho thấy sự ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân Pháp tại miền Bắc giai đoạn những năm 40.

© Harrison Forman
© Harrison Forman

Trào lưu ảnh đường phố được biết đến và thực hành rộng rãi khi Henri Cartier-Bresson đưa ra định nghĩa về ‘khoảnh khắc quyết định’ hay ‘decisive moment’. Theo định nghĩa này, ông săn tìm những khoảnh khắc ngẫu nhiên, không dàn dựng nhưng lại giúp truyển tải đầy đủ nội dung cần thiết qua một cú bấm máy. Đối với ông, nhiếp ảnh nghĩa là hình dung ra được khoảnh khắc trước khi nó xảy ra để rồi chờ đợi tíc tắc bấm máy này khi góc nhìn, tâm trí và trái tim ông hoà cùng một nhịp đập. Mặc dù vậy, Bresson phủ nhận danh xưng NAG đường phố, cũng hờ hững trong việc ghi lại tư liệu lịch sử. Nhưng những bức ảnh như một cách thể hiện cái tôi nghệ sĩ của ông qua thời gian đã trở thành kinh điển, làm kim chỉ nam cho biết bao thế hệ NAG đường phố trong suốt nửa thế kỷ qua.

“Tôi hiểu nhiếp ảnh như một bức vẽ – một bản phác thảo bằng trực giác mà không cách nào sửa được. Nếu muốn sửa, bạn sẽ phải vẽ bức khác. Nhưng cuộc sống này thiên biến vạn hóa – thế đấy, đôi khi bức hình biến mất mà ta chẳng thể làm gì. Mãi mãi, cuộc sống này chỉ diễn ra một lần.” – Henri Cartier-Bresson

The Decisive Moment. © Henri Cartier-Bresson

Cái Tôi & Sự Thật.
“Ảnh đường phố phục vụ bản thân mình thôi. Mình ra ngoài đường phố, đi dạo chơi, không nghĩ điều gì khác ngoài thể hiện cái tôi của mình.” – NAG Chu Việt Hà chia sẻ. Có thể nói, ảnh đường phố là cách mà người chụp ảnh thể hiện quan điểm và phản ứng cá nhân tới sự vật, sự việc xung quanh. Cái tôi này cho phép NAG đường phố tạo nên những hình ảnh mang nhiều tính ẩn dụ, có thể hướng người xem tới cách nhìn nhận khác hơn so với bản chất sự việc. Nói cách khác, ảnh đường phố đề cao sự ngẫu nhiên và những yếu tố thị giác, chứ không cần tuyệt đối tôn trọng sự thật. Chính vì thế, việc chụp ảnh đường phố có tính sáng tác nhiều hơn là tường thuật, tấm ảnh đường phố tốt thường gây tò mò cho người xem, gợi nên ý tưởng, cảm xúc hay sự diễn giải từ khán giả như một tác phẩm nghệ thuật. Như nhà phê bình nhiếp ảnh A.D. Coleman từng chia sẻ, “ngày càng nhiều NAG lấy đường phố làm bối cảnh sáng tác nhưng không phải dưới góc nhìn của một nhà báo, mà gần hơn với cách tiếp cận của những nhà văn, nhà thơ – họ kiếm tìm sự tương phản mạnh mẽ, các phép ẩn dụ phong phú và những khung cảnh kịch tính cho từng bức ảnh”. Ở trường hợp này, đường phố chính là tấm canvas cho người nghệ sĩ tha hồ sáng tạo, tô vẽ.

© Phong Nguyen
NAG đường phố tạo nên những hỉnh ảnh mang nhiều tính ẩn dụ, có thể hướng người xem tới cách nhìn nhận khác hơn so với bản chất sự việc. © Phong Nguyen

Ngược lại, ảnh tư liệu lại bao hàm các tính chất của báo chí, tôn trọng, cố gắng theo đuổi sự thật và tìm cách trả lời câu hỏi bằng hình ảnh. Ảnh tư liệu được sinh ra để phản ánh, ghi chép lại các bối cảnh và sự kiện cụ thể có tác động hoặc liên quan đến lịch sử hay các vấn đề thuộc đời sống. Điểm mấu chốt trong một bộ ảnh tư liệu thường không nằm ở những khoảnh khắc ngẫu nhiên mà ở những tấm hình phản ánh một hiện thực ít ai được chứng kiến, là kết quả của cả quá trình dài tìm tòi theo đuổi chủ đề. Tuy vậy, chúng ta bắt đầu được tiếp xúc với những trào lưu ảnh tư liệu mới mang hơi hướng thể nghiệm hơn, theo đuổi các cốt truyện hư cấu, mang tính cá nhân cao nhưng vẫn bắt nguồn từ một câu chuyện hay thực trạng xã hội, nhằm mục đích tiếp cận vấn đề. Có thể kể đến dự án Love Me or Kill Me của NAG người Bangladesh Sarker Protick với những tấm ảnh trên trường quay vừa thực vừa mơ vỡ tung với màu sắc, sương khói và ánh sáng, khắc họa lại quá trình thực hiện những bộ phim tại địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ Bollywood.

© Sarker Protick, from the series "Love Me or Kill Me".
© Sarker Protick, from the series "Love Me or Kill Me".

Cách Thực Hiện.
Thứ duy nhất xoay quanh ảnh đường phố là con người, cụ thể hơn là những người qua đường hoàn toàn xa lạ. Người chụp có thể tương tác với nhân vật hoặc không. “Luật lệ trong ảnh đường phố là không có luật lệ” – Chu Việt Hà khẳng định. Mặt khác, ‘khoảnh khắc quyết định’ hay ‘decisive moment’ là thứ mà các NAG đường phố đặt lên hàng đầu. Con người trong ảnh đường phố có thể không danh tính rõ ràng, chỉ là một phần của khung cảnh xung quanh, một yếu tố thị giác trong bố cục. Các tác phẩm ảnh đường phố thường được sáng tạo một cách đơn lẻ, mỗi một bức ảnh đã mang đủ ý nghĩa và giá trị riêng. Vì thế mà các NAG đường phố chỉ quan tâm tới những gì đang diễn ra trước ống kính để tìm được thời điểm bấm máy tạo nên những kịch bản tốt, họ ít quan tâm tới sự tác động của hình ảnh mình tạo ra.

Trong khi đó chủ đề của ảnh tư liệu lại rất bao quát và có thể không bao hàm con người. Các NAG tư liệu đặc biệt quan tâm tới nhân vật và thường phát triển một sự kết nối nhất định với sự vật, sự việc mà họ theo đuổi. Khác với những khoảng khắc nhất thời của ảnh đường phố, các dự án ảnh tư liệu được nghiên cứu kỹ lưỡng và có kế hoạch chi tiết kéo dài hàng tháng, hàng năm hoặc thậm chí nhiều năm trời. Theo lời Walker Evans, ảnh tư liệu là những bức ảnh được sáng tác phục vụ một mục tiêu cụ thể.

NAG Mary Ellen Mark cùng dự án Tiny: Streetwise Revisited là một trong số những ví dụ điển hình nhất về ảnh tài liệu trường kỳ. Mary Ellen Mark gặp cô gái điếm 13 tuổi mang biệt danh Tiny khi đang làm một phóng sự ảnh về trẻ vị thành niên vô gia cư cho tạp chí LIFE, và bà đã tiếp tục đi theo ghi lại cuộc đời của Tiny tới khi cô trở thành một bà mẹ trung niên với mười người con. Không còn là công việc tòa soạn giao, Mark tiếp tục dự án riêng của cuộc đời bà suốt hơn 30 năm vì quan tâm đến nhân vật của mình và những vấn đề xã hội bà đã chứng kiến. Những tấm chân dung gần gũi và nhiều cảm xúc của Tiny đã trở thành chứng nhân cho sự phức tạp trong xã hội Mỹ và mối quan hệ đặc biệt hiếm thấy giữa nghệ sĩ và nhân vật.

© Mary Ellen Mark, from the series "Tiny: Streetwise Revisited".
© Mary Ellen Mark, from the series "Tiny: Streetwise Revisited".
© Mary Ellen Mark, from the series "Tiny: Streetwise Revisited".
© Mary Ellen Mark, from the series "Tiny: Streetwise Revisited".

Dù chúng ta thường coi hình ảnh là những bằng chứng ‘xác thực’ nhất, quá trình sản xuất hình ảnh vốn rất chủ quan và có thể bẻ cong hoàn toàn sự thật. Chính vì vậy, các NAG theo đuổi ảnh tư liệu luôn tìm cách để giảm thiểu tối đa tính chủ quan này bằng cách dành thật nhiều thời gian với nhân vật để họ không còn cảm thấy bất an với sự hiện diện của chiếc máy ảnh. Những NAG thành công với thể loại ảnh tư liệu là những người đạt được niềm tin của khán giả qua một quá trình làm việc kiên trì và nghiêm túc. Về cách thể hiện, các dự án ảnh tư liệu được giới thiệu như một bộ ảnh với nhiều hình ảnh hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau nhằm đưa lên một ý tưởng xuyên suốt, một câu chuyện mạch lạc. Khi bị tách lẻ, những hình ảnh trong bộ thường khó có thể truyền tải được hết thông tin.

Một cái kết mở.
Dù ảnh đường phố mang rất nhiều tính tư liệu và bản thân ảnh tư liệu cũng rất hay lấy bối cảnh trên đường phố, vẫn có những khác biệt nhất định về cách thực hành và mục tiêu riêng cho từng thể loại ảnh. Nói một cách ngắn gọn, NAG đường phố ra đường dạo chơi, đầu óc thảnh thơi và chờ đợi những khoảnh khắc ngẫu nhiên xảy ra trước mặt trong khi NAG tư liệu chỉ bắt đầu chụp khi có mục tiêu nhất định. NAG đường phố tìm cách ẩn nấp trong khung cảnh để bắt được khoảnh khắc, NAG tư liệu lại tìm cách hoà nhập và trở thành một phần của khung cảnh. Cảm xúc, thành kiến và quan điểm cá nhân là điều không thể tránh khỏi với bất kì ai khi bấm máy, điều này đặt các NAG tư liệu vào thách thức phải giữ lập trường trung lập nhất có thể còn các NAG đường phố thoải mái áp đặt tính cá nhân vào ảnh.

Việc hiểu rõ bản chất của từng thể loại sẽ giúp người thực hành nhiếp ảnh có định hướng rõ ràng hơn và có cơ sở để tự đánh giá bản thân. Mặc dù vậy, các định nghĩa và luật lệ được sinh ra để phá vỡ. Người cầm máy cũng chẳng nên ép mình vào bất kỳ thể loại nào mà từ bỏ việc theo đuổi những vấn đề đang quan tâm hay phong cách thị giác của cá nhân.

*Một số quan điểm của bài viết được tham khảo tại Why Street Photography is not Documentary Photography bởi Evangelo Costadimas.

Linh Phạm là một phóng viên ảnh độc lập hiện đang làm việc tại Hà Nội. Tác phẩm của anh chủ yếu miêu tả tình trạng con người và các vấn đề liên quan đến cộng đồng.
Kết nối với Linh tại FacebookInstagram.