Makét 02

Đối Thoại Với Réhahn Sau Bài Phê Bình Trên Matca

Vào ngày 10/10/2017, Matca đã đăng tải ý kiến của tác giả Hà Đào về các tác phẩm của nhiếp ảnh gia (NAG) người Pháp Réhahn qua bài viết Thấy Gì Sau Những “Nụ Cười Ẩn Giấu” Của Réhahn?. Ngay sau đó, Réhahn đã trực tiếp liên lạc tới Matca ngỏ ý muốn gặp mặt thảo luận và phản biện lại những luận điểm trong bài viết của Hà Đào. Matca trân trọng lời đề nghị của Réhahn đồng thời hai đại diện tại Đà Nẵng, Đạt Vũ và Dorothy Lutz, đã sắp xếp một buổi phỏng vấn trực tiếp với Réhahn tại Bảo tàng Di Sản Vô Giá của anh vào sáng Chủ Nhật, 15/10/2017. Để buổi phỏng vấn diễn ra minh bạch, Matca đã gửi trước bộ khung câu hỏi tới Réhahn vào ngày 13/10/2017. Dù bài viết tập trung vào cách Réhahn miêu tả cộng đồng dân tộc thiểu số, Matca muốn nhân cơ hội này hỏi thêm Réhahn về quá trình thực hiện tấm ảnh Bạn Thân sau khi được độc giả cung cấp thêm một vài nguồn tin mâu thuẫn đáng nghi ngại.

Tưởng như buổi đối thoại sẽ diễn ra suôn sẻ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hai phía, tuy nhiên vào 21:00 ngày thứ 7, 14/10/2017, tối trước ngày gặp mặt, người trợ lý Đình Giang của Réhahn thay mặt anh huỷ cuộc hẹn và gửi câu trả lời của Réhahn sau khi đã được luật sư duyệt. Dưới đây là nội dung câu trả lời kèm theo những nhận xét, câu hỏi tiếp theo của Matca bởi đây đáng lẽ đã là một cuộc đối thoại hai chiều.

Scene at Precious Heritage by Réhahn. © Dat Vu

[Matca] Trong bài phỏng vấn với trang Escapology, anh đã giới thiệu tấm ảnh Bạn Thân của mình rằng: “Trên đường về, một cách tình cờ, tôi đi ngang qua khung cảnh nơi đã được ghi lại trong tấm hình được yêu thích nhất của tôi. Một con voi khổng lồ đang được dẫn đi bởi cô bé Kim Luân người dân tộc M’Nong. Tôi đã tiếp cận rất từ từ và bắt đầu chụp ảnh. Ánh sáng vào thời điểm đó không thực sự tốt, tôi đã rất khẩn trương, nhưng khung cảnh ấy thật tuyệt diệu. Người dân tộc M’Nong hiện nay hiếm khi mặc trang phục truyền thống nhưng Kim đã mặc [đồ truyền thống] vào ngày hôm đó, khiến bức ảnh này càng đặc biệt hơn…”

Anh có thể tường thuật lại bức ảnh này đã được chụp như thế nào không?

[Réhahn] Tôi gặp cô bé và con voi này khi đang chụp ảnh hồ Lak ở Tây Nguyên và thấy rằng đây là cơ hội để chụp một khoảnh khắc miêu tả sự quan trọng của voi trong văn hoá người M’Nong. Tôi biết mình không thể tự ý chụp tấm hình khi chưa xin phép, tôi cùng với người bạn Việt Nam của mình đã tới xin phép bố mẹ của cô bé. Họ đồng ý và tôi chụp ảnh dưới sự quan sát của một quản tượng. Tấm ảnh này được chụp để thể hiện sự tôn trọng giữa người M’Nong và voi ở Đắk Lắk.

Photo titled "Best Friends" by Réhahn.

[Matca] Một bài viết có tên Đi Tìm Nữ Chúa Rừng Xanh trên báo Lao Động đã thách thức câu chuyện đằng sau việc dàn dựng tấm ảnh Bạn Thân. Nhà báo Nguyễn Huy Minh tới huyện Lắk tại tỉnh Đắk Lắk và đã đưa ra những luận điểm sau:

1. Huỳnh Trung Luân, giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk nói rằng anh không biết đứa trẻ nào tên “Kim Luân” vì thường người M’Nong không đặt tên con bằng tiếng Kinh như vậy. Nhà báo đã tìm đến gia đình của cô bé và nói rằng bố mẹ cô cũng không hiểu vì sao con gái mình có cái tên “Kim Luân”. Bố mẹ cô, nhà Ma Vượt, nói tên con gái là Y Cúc.

2. Nhà báo viết rằng anh đã phỏng vấn những người dân làng đã chứng kiến anh chụp ảnh. Họ cũng khẳng định rằng tấm ảnh này là dàn dựng. Điều này mâu thuẫn với chú thích “một cách tình cờ, tôi đi ngang qua khung cảnh này” của anh.

3. Nhà báo cũng viết rằng anh đã trực tiếp nói chuyện với Y Cúc và bố mẹ. Anh viết trong bài rằng: “Y Cúc về, gầy gò bé nhỏ, ăn mặc xộc xệch, gương mặt đầy nhút nhát. Tôi hỏi: “Con có yêu voi không?”. Trả lời: “Con có”. “Con có sợ voi không?”. Trả lời: “Con có”. Tôi nén tiếng thở dài, sợ thì làm sao dám đến gần voi được? Anh Đức trò chuyện kỹ với vợ chồng Ma Vượt và trao đổi lại rằng, người ta mượn trang phục cổ truyền của người M’Nông cho nó mặc, cho đứng gần voi nhà để chụp ảnh, có quản tượng kè kè bên cạnh, để làm hình ảnh quảng bá cho du lịch.”

Phóng viên Nguyễn Huy Minh gợi ý rằng tấm ảnh Bạn Thân đã được dàn dựng, trái ngược với chú thích ảnh của anh. Anh có thể giải thích được không?

[Réhahn]

1. Tôi không thể đưa ra bình luận gì về việc người M’Nong đặt tên con như thế nào. Tôi chỉ biết rằng cô bé đã được giới thiệu với tôi là Kim Luân và tôi luôn gọi cô như vậy. 3 năm sau khi chụp, tôi mới biết cô tên thật là H’Cúc Teh chứ không phải Y Cúc theo như nguồn tin kia. Nếu tôi đã biết tên M’Nong thật của cô, tôi đã dùng tên đó, thực ra thì nó đã xuất hiện trong cuốn sách The Collection mới của tôi.

Bố mẹ cô tên là Y’Mik Buon Krong (cha) và H’Bem Teh (mẹ). Tôi không biết nhà báo đó có nói chuyện với đúng gia đình không.

2. Tôi không thể giải thích luận điểm này. Tôi chắc rằng ngoài cô bé và quản tượng ra, không có người dân nào ở đó cả. Họ chỉ có thể nhìn thấy tôi trước đó khi tôi đến xin phép cha mẹ H’Cúc Teh.

3. Tôi không thể bình luận về luận điểm này, tôi chỉ biết rằng khi tôi gặp H’Cúc Teh và con voi, cô không thể hiện ra là mình sợ hãi. Khi tôi xin phép chụp ảnh, mẹ cô đã cho cô mặc váy truyền thống. Tất nhiên là tôi rất vui về điều này vì tôi muốn ghi lại vẻ đẹp của trang phục người M’Nong.

Tôi nhận ra rằng trong bài phỏng vấn với Escapology, tôi đã gợi ý rằng tôi chụp tấm ảnh này ngay lập tức. Tôi mong bạn hiểu rằng tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi và đôi lúc tôi không nói chính xác những gì mình muốn. Khung cảnh này là thật, tôi có nhìn thấy H’Cúc Teh và con voi khi đang chụp ảnh tại Tây Nguyên, nhưng đương nhiên là tấm ảnh bán chạy nhất được chụp khi tôi đã xin phép, nói chuyện với quản tượng và H Cúc Teh đã mặc váy truyền thống.

[Phản hồi từ Matca] Bên cạnh bài phỏng vấn của Escapology, bức ảnh này vẫn được bán trên website của Réhahn với chú thích khác về câu chuyện đằng sau nó: “Khi Kim Luân, cô bé M’Nong 6 tuổi nhìn thấy Réhahn, cô đến gần con voi để giấu mình”.

Tấm ảnh này được chụp tháng 10/2014 và theo lời Réhahn thì anh biết tên thật của cô sau hai năm. Vậy tại sao đến ngày 15/10/2017, tất cả chú thích tại phòng tranh của anh đều giới thiệu nhân vật là Kim Luân?

Screen shot from Réhahn's website.

[Matca] Triết lý của anh là lưu giữ và phát huy văn hoá cộng đồng người dân tộc thiểu số mà “có thể sẽ mất đi mãi mãi”. Anh lấy thông tin ở đâu để khẳng định rằng văn hoá của những cộng đồng này có thể bị “mất đi mãi mãi”? Anh có làm việc với các chuyên gia như nhà nhân học hay nhà xã hội học để tìm hiểu thêm vấn đề không?

[Réhahn] Tôi đã đi du lịch khắp Việt Nam trong 6 năm chụp thiên nhiên, ánh sáng và con người. Con người là điều tôi thấy thú vị nhất. Tôi may mắn có một người bạn Việt Nam đã đồng hành cùng tôi trong các chuyến đi và giúp tôi trò chuyện với những dân tộc người thiểu số. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã tự chứng kiến những cộng đồng đó mất đi văn hoá. Tôi đã xây dựng mối quan hệ tốt với những người mẫu của mình và coi họ như bạn thân. Khi tôi quay lại ngôi làng để thăm họ sau một hoặc hai năm, rất nhiều thứ đã thay đổi. Đôi khi người làng vẫn còn mặc đồ truyền thống nhưng hai năm sau họ đã bán hết đồ truyền thống đi và mặc quần áo hiện đại hơn. Tôi thích hỏi trực tiếp họ cuộc sống đang thay đổi như thế nào. Hiển nhiên tôi không phải nhà nhân học hay xã hội học, nhưng phần lớn tôi muốn lấy thông tin trực tiếp từ người mẫu vì ý kiến của họ là quan trọng nhất với tôi. Tôi hỏi họ về quần áo, âm nhạc và cuộc sống, tôi có hơn 12 video phỏng vấn họ. Tôi không giả vờ rằng mình là chuyên gia văn hoá dân tộc thiểu số Việt Nam, mà tôi chỉ là một NAG đã yêu đất nước này và cống hiến sự nghiệp đời mình cho việc lưu lại hình ảnh của con người nơi chốn đã truyền cảm hứng cho tôi.

[Phản hồi từ Matca] Ngay lối vào Bảo tàng Di Sản Vô Giá là tấm bảng có đề: “Cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các nhóm dân tộc là cho họ thấy được sự trân trọng từ bên ngoài cộng đồng, khiến họ cảm thấy tự hào về những di sản và phong tục cổ xưa của mình”.

Dẫn chứng trên cho thấy Bảo tàng Di Sản Văn Hoá còn có mụch đích bảo tồn văn hoá, song song với việc kinh doanh ảnh thương mại. Những chú thích, tài liệu trong cả phòng tranh và bảo tàng đều nói về ảnh Réhahn mang tính tư liệu (documentating) và nêu lên những nghiên cứu (research) của anh về văn hoá bản địa. Liệu trong trường hợp này vị trí của Réhahn có còn “chỉ là một NAG”?

Scene at Precious Heritage by Réhahn. © Dat Vu
Scene at Precious Heritage by Réhahn. © Dat Vu

[Matca] Trong cuốn Vietnam: Mosaic of Contrasts VOL II, đa phần các nhân vật của anh là phụ nữ và trẻ em từ những khu vực vùng sâu, vùng xa. Anh xây dựng mối quan hệ với cộng đồng này như thế nào? Sách cũng viết rằng “Những đứa trẻ với khuôn mặt trong sáng ngây thơ, người già với khuôn mặt nhiều nếp nhăn và bàn tay gồ ghề là những gì Réhahn muốn mọi người thấy rằng góc nhìn của anh về Việt Nam khác biệt với những NAG khác như thế nào”. Anh nghĩ gì về cách miêu tả của những NAG khác, và cụ thể là anh đang nói đến ai?

[Réhahn] Tôi xây dựng mối quan hệ bằng cách trò chuyện, đùa cợt, uống trà với họ và lắng nghe câu chuyện của họ. Tôi đi xe máy đến gặp họ. Tôi xây dựng mối quan hệ con người bình thường với những nhóm này. Đôi lúc ngôn ngữ là trở ngại nhưng tôi may mắn có một đội ngũ người Việt làm việc cùng để khiến việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn.

Tôi không muốn chỉ trích công khai những NAG khác. Tôi sẽ để những nhà phê bình nghệ thuật làm việc đó.

[Matca] Anh có được sự chấp thuận từ nhân vật để đảm bảo đạo đức nghề nghiệp như thế nào, đặc biệt là từ trẻ em (*)?

[Réhahn] Tôi luôn xin phép khi có thể. Tôi luôn chia sẻ ảnh đã chụp với người mẫu và thường được phản hồi tích cực. Thường thì mọi người thấy hãnh diện khi được chụp ảnh. Tôi luôn muốn tìm được bố mẹ trước khi chụp một đứa trẻ, việc đó làm tôi, bố mẹ và chúng thoải mái hơn và giúp tôi chụp ảnh tốt hơn.

[Matca] Website của anh giải thích dự án Giving Back theo quy luật nhân quả. “Vòng tròn nhân quả” như sau: anh chụp ảnh nhân vật, bán ảnh, và sau đó quay về giúp đỡ nhân vật về mặt vật chất. “Vòng tròn” sẽ được “mở ra” rồi “đóng vào”. Nhưng sau khi giúp đỡ nhân vật, anh vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc bán ảnh. Vậy khi nào thì vòng tròn “đóng lại” trong trường hợp này?

[Réhahn] Dự án Giving Back của tôi là một cách để giúp đỡ và đóng góp cho sự phát triển tiêu chuẩn sống của người mẫu. Vòng tròn là một ẩn dụ. Khi chụp ảnh một người và trực tiếp trông thấy sự nghèo khó, tôi cảm thấy muốn giúp đỡ họ. Tôi sử dụng một phần lợi nhuận từ công việc để tạo ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của họ. Tôi đã trả học phí, phí đi lại, mua bò, thuyền và trả chi phí cho một đám tang. Tôi thích hỏi người mẫu họ cần gì và tặng họ cái đó. Bạn sẽ thấy những thứ này đem lại lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, Bảo tàng Di Sản Vô Giá miễn vé vào cửa nên ai cũng có thể xem những trang phục và vật dụng những nhóm dân tộc thiểu số này tặng tôi. Bằng việc bán ảnh, tôi có thể tiếp tục dự án Giving Back và để mọi người vào bảo tàng miễn phí.

Scene at Precious Heritage by Réhahn. © Dat Vu

[Matca] Trong bài viết, tác giả Hà Đào có nhắc tới việc tổ chức iSEE đã sử dụng nhiếp ảnh để “trao trả” lại những người dân tộc thiểu số bằng cách để họ tự kể câu chuyện của mình. Anh nghĩ gì về cách bảo tồn văn hoá này? Anh nghĩ gì khi so sánh cách làm của iSEE mà trong đó chính cộng đồng dân cư quyết định với cách làm của anh hiện giờ – để một người ngoài nói lên câu chuyện?

[Réhahn] Có nhiều cách để giúp đỡ. Tôi trân trọng mọi tổ chức cố gắng giúp đỡ người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tôi không khẳng định rằng cách làm của tôi hoàn hảo nhưng tôi đã làm những gì có thể. Thực ra tôi đã lên kế hoạch để quyên góp máy ảnh tặng một trại trẻ mồ côi ở Buôn Ma Thuột, đó là một ý kiến hay. Cám ơn vì đã giới thiệu dự án của iSEE với tôi.

[Matca] Bài viết của tác giả Hà Đào có nhắc tới lời phê bình tới ảnh Steve McCurry. Trong một bài viết trên New York Times có tên A Too Perfect Picture, nhà phê bình Teju Cole viết: “Làm sao chúng ta biết được một NAG thực sự quan tâm đến cuộc sống thay vì bám vào một định kiến có sẵn? Một gợi ý là khi bức ảnh tránh khỏi bố cục sáo rỗng. Nhưng bên cạnh đó là câu hỏi mục đích của bức ảnh là gì, nó đóng vai trò ra sao trong quá trình lưu hành thương mại”. Anh nghĩ ảnh của mình đứng ở đâu trong quá trình lưu hành thương mại của ảnh về Việt Nam?

[Réhahn] Tôi không quen thuộc với khái niệm “quá trình lưu hành thương mại của ảnh” hay bất kì lý thuyết kinh tế nào. Tôi chỉ muốn kết thúc bằng việc nói rằng Việt Nam có nhiều mặt. Nhiếp ảnh thì vô vàn và chủ quan, nó là nghệ thuật và bạn có thể diễn giải nghệ thuật của tôi theo cách bạn thấy phù hợp. Điều này không có nghĩa là cách diễn giải của bạn trùng với của tôi.

Tôi cũng muốn cám ơn bạn trực tiếp vì cơ hội được trả lời lại bài viết. Tôi cũng bị ảnh hưởng khi nhìn thấy văn hoá của những người tôi đã gặp biến mất. Tôi chỉ là một NAG yêu đất nước này và muốn khám phá, ghi lại và giúp đỡ.

(*) Đạo đức nghề nghiệp khi làm việc với trẻ em theo bộ quy tắc của UNICEF.
Bài viết đã được biên tập và rút gọn.

**Bài viết đồng tác giả bởi Đạt Vũ & Dorothy Lutz.