Uống nước nhớ nguồn: Tục ngữ nhắc ta nhớ về nguồn cội và thể hiện lòng biết ơn, trân trọng với những gì đã nuôi dưỡng chúng ta.
Tôi là người dân tộc Nùng, sinh ra trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Lâm Đồng. Năm lên tám, tôi cùng gia đình di cư sang Úc.
Bộ ảnh Nhớ Nguồn được thực hiện trong hai lần về nước. Chuyến đi thứ nhất là lần đầu tiên tôi trở lại kể từ ngày rời đi. Đây cũng là lần đầu người vợ và con trai đầu lòng của tôi tới Việt Nam. Chuyến đi kết hợp nghỉ dưỡng và ghé thăm quê nhà, điều mà đáng lẽ tôi phải làm từ lâu.
Tôi đem theo máy ảnh và chụp những gì bắt mắt, không theo ý tưởng hay đề tài cụ thể vào thời điểm ấy. Tôi chỉ mong muốn ghi lại ngôi làng thời thơ ấu và những người họ hàng giờ đã tuổi xế chiều. Toàn bộ thân bằng quyến thuộc nhà tôi đã di cư sang Úc và Mỹ nên chỉ còn những người bà con xa ở lại làng. Mẹ tôi vẫn giữ liên lạc với họ, và qua những cuộc trò chuyện, tôi thường nghe rằng người này hay người kia đã mất. Cả ông bà ngoại tôi đã qua đời vào đầu năm 2000 trước khi tôi có cơ hội quay về. Những sự kiện này ảnh hưởng sâu sắc đến tôi.
Tôi muốn lưu giữ những gì còn lại của khung cảnh đồng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên. Gia đình tôi từng trồng lúa, cà phê và các loại rau cỏ. Tôi nhớ ngày xưa mình thường chơi trên đồng cùng anh em họ, bày trò bôi nhựa mít vào gậy để bắt chuồn chuồn. Bọn tôi bắt cá, bắt lươn, và chạy chân đất khắp nơi.
Giờ thì chẳng còn mấy người làm nông. Nhiều gia đình đã bỏ làng lên thành phố. Vài anh em họ đang học tiếng Hàn Quốc ở Đà Lạt với dự định tìm việc trong ngành du lịch, những người khác thì muốn chuyển tới Sài Gòn. Lúc này, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến thu hút du khách nước ngoài, và tôi nhận ra quá nhiều điều đã và sẽ đổi thay. Phong cảnh đô thị ở Sài Gòn có gì đó xa lạ và thoáng buồn. Những mảng bê tông xám bao bọc trong rêu và cây cối. Thời gian ở đây như trôi dồn dập hơn.
Bốn năm sau, tôi quay lại Việt Nam cùng mẹ, vợ, con trai và bé gái mới sinh. Chuyến đi lần này để bốc mộ ông. Ngoài việc chụp lại nghi thức, tôi cũng đã sắp xếp hình ảnh từ chuyến đi trước và hình dung những gì cần bổ sung để hoàn thiện dự án. Từ này không hẳn chính xác – chuỗi ảnh sẽ chẳng bao giờ có thể “hoàn thiện” được. Nhưng tôi muốn mở rộng nó, tiếp tục tạo nên những hình ảnh phản ánh tâm tư, ký ức của mình và khơi gợi những suy tưởng tĩnh lặng.
Không rõ vì sao mà tôi vốn đồng cảm với những gì man mác buồn hay có âm hưởng của một thời kỳ khác. Có lẽ khái niệm “saudade” trong tiếng Bồ Đào Nha khái quát được điều tôi muốn nói trong lòng. Không thể dịch sang ngôn ngữ khác, từ này mô tả niềm hoài nhớ, mong ngóng day dứt cái gì hay ai đó mà sẽ không trở lại. Với tôi, đó là khao khát níu giữ, chở che một vật thể, một con người, một nơi chốn hay một khoảng thời gian, với nhận thức không chỉ về quá khứ mà còn về hiện tại và tương lai. Đôi khi tôi tự hỏi liệu từ “sầu” trong tiếng Việt có liên hệ gì với “saudade” không.
Thụy Vy di cư tới Úc cùng gia đình năm 1987. Khi còn học cấp ba, trái lời ba mẹ, anh thường trốn tiết Hoá để theo đuổi đam mê nhiếp ảnh trong phòng tối. Thụy hoàn thành bằng Cử nhân ngành Nhiếp ảnh tại Đại học RMIT năm 1999. Sau một thời gian làm trợ lý cho các nhiếp ảnh gia thời trang và thương mại tại Sydney, anh quay về Melbourne để thực hiện dự án cá nhân, triển lãm và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực điện ảnh. Hiện anh đang làm đạo diễn và nhiếp ảnh gia tại Melbourne.