Makét 02

Tại Sao Cần Viết Về Nhiếp Ảnh?

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Trong khuôn khổ Quỹ tài trợ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh, Matca cùng C4 Journal cùng cộng tác để thực hiện chuỗi bài viết về nhiếp ảnh trong bối cảnh Việt Nam và Vương quốc Anh. Xuất phát điểm từ tạp chí trực tuyến năm 2016, Matca đã mở rộng hoạt động ở không gian thực hữu và ấn phẩm in; còn trang C4 Journal được thành lập năm 2020 để chia sẻ bài viết về nhiếp ảnh và văn hoá sách ảnh. Dù ở hai nửa địa cầu, chúng tôi có chung mục tiêu làm phong phú thêm nhận thức về loại hình này và lan toả những tác phẩm giá trị, tập trung nâng đỡ những nhân tố mới. 

Để khởi động chương trình, ba biên tập viên Hà Đào, Eugenie Shinkle và Callum Beaney đã trao đổi về câu hỏi tưởng chừng đơn giản: Tại sao cần viết về nhiếp ảnh?

Fragments of online exchange ??‍??‍?

Những bài viết về nhiếp ảnh với nội dung sắc sảo, được nghiên cứu kỹ lưỡng không nên chỉ nhắm đến nhóm đối tượng nhỏ biết thuật ngữ chuyên môn.

– Eugenie Shinkle

[mục đích viết]

Eugenie Shinkle: Nhiếp ảnh là một công cụ xã hội, chính trị và thẩm mỹ đầy quyền năng. Công nghệ nhiếp ảnh cũng thay đổi cách chúng ta phản ánh thế giới, tương tác với thế giới và với con người. Điều này vô cùng thú vị, tôi viết để chia sẻ niềm thích thú đó. 

Hà Đào: Matca sinh ra nhằm góp phần khoả lấp khoảng trống trong nhiếp ảnh Việt Nam. Khoảng trống ấy khiến tôi chạnh lòng nhưng cũng khơi gợi nhiều hy vọng. Người đồng sáng lập dự án Linh Phạm là phóng viên ảnh từng làm nghề thiết kế, còn tôi lúc đó mới mày mò chụp ảnh khi đã có chút kinh nghiệm viết lách. Đều không qua đào tạo chính quy, chúng tôi tự học từ Internet và cộng đồng quanh mình. Thông tin về những bậc thầy nhiếp ảnh phương Tây thì đâu đâu cũng thấy, nhưng rất khó để biết nhiếp ảnh gia Việt hiện đang làm gì, ở đâu nếu không nhờ bạn bè giới thiệu và theo dõi Facebook cá nhân. Động cơ đằng sau việc viết và đăng tải trực tuyến rất đơn giản: để xây dựng một nền tảng tập trung, cởi mở, luôn cập nhật cho những vận động của bối cảnh nhiếp ảnh địa phương.

Callum Beaney: Tôi bắt đầu viết vì thấy khó tiếp cận thế giới nghệ thuật, đồng thời không hài lòng với những tài liệu hiện có. Tôi khao khát cảm giác cộng đồng. Chẳng mấy ai ưa công tác phê bình, còn giới nghệ thuật phương Tây vốn mang tiếng là hợm hĩnh và phân biệt giai cấp. Các bài viết thường khó hiểu, nhằm mục đích xếp hạng hay tán tụng hết lời. Chính vì thế mà khán giả yêu nhiếp ảnh lại không coi trọng việc đọc về nhiếp ảnh, họ cũng thấy những kinh viện nghệ thuật kia quá xa vời. Tôi mong những gì mình tạo nên sẽ thân thiện hơn, qua đó tụ hợp lại những người cùng chung mối quan tâm. Giống như bạn, việc tìm kiếm nhau qua mạng xã hội đóng vai trò rất lớn.

Khi đăng tải tác phẩm thuộc mọi “thể loại”, Matca chủ đích gạt bỏ sự phân rẽ giữa cái gọi là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tạo hình, nhiếp ảnh thuần tuý và nhiếp ảnh nghệ thuật, giữa truyền thống và đương đại, hay kể cả thái độ chăm chăm bảo vệ chỗ đứng của nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật.

– Hà Đào

[thực hành viết song hành cùng sáng tác]

Eugenie Shinkle: Tôi rất thích câu nói của nhà văn người Mỹ Joan Didion: “Tôi viết chỉ để biết được những gì mình đang nghĩ, đang nhìn, đang thấy và ý nghĩa đằng sau chúng. Những gì tôi khao khát và những gì tôi sợ hãi.” Tôi hiếm khi biết trước cảm nhận của mình về một tác phẩm cho đến khi đặt bút, và thường thì thành phẩm cũng khiến chính tôi bất ngờ. Bản thân cũng là một nhiếp ảnh gia, việc viết về tác phẩm của người khác góp phần giúp tôi soi chiếu lại tác phẩm của mình.

Callum Beaney: Tôi viết nhằm làm rõ những gì mình “cảm” được trên phương diện thị giác nhưng chưa thể diễn đạt thành lời. Tôi muốn nắm bắt logic hay cấu trúc xuyên suốt của bộ ảnh, nhận thức được cách mình quan sát, diễn giải sự vật sự việc. Khi xem lại những bài bình luận sách ảnh đã thực hiện, tôi nhận thấy nhiều trong số đó có liên hệ trực tiếp đến tác phẩm của tôi, thậm chí còn có dự án tương đồng rõ rệt. Đây là điều đáng quý. Tôi tìm kiếm những gì khiến mình đồng cảm và từ đó có thể học hỏi được; viết là cách để tôi chia sẻ với mọi người.

Hà Đào: ​​Trái lại, tôi thấy cần tiếp xúc với những lối chụp khác biệt hay thậm chí là đối nghịch với mình, nhờ đó mới hiểu thêm về nhu cầu sáng tác của bản thân và rộng hơn là bối cảnh văn hoá thị giác. Khi đăng tải tác phẩm thuộc mọi “thể loại”, Matca chủ đích gạt bỏ sự phân rẽ giữa cái gọi là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tạo hình, nhiếp ảnh thuần tuý và nhiếp ảnh nghệ thuật, giữa truyền thống và đương đại, hay kể cả thái độ chăm chăm bảo vệ chỗ đứng của nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật. Ví dụ, cuốn sách đầu tay Makét 01: Có Một Làng Nghề Nhiếp Ảnh khai thác các kho lưu trữ ảnh gia đình và lần theo sự phát triển của nghề ảnh studio đan xen cùng sự kiện lịch sử của thế kỷ 20. Còn dự án Vì Các Lẽ Trên của tôi lại lấy cảm hứng từ ảnh chụp hiện trường vụ án.

Tôi đặc biệt yêu thích những văn bản mạch lạc mà cũng có phần thách thức độc giả, đặc biệt là về chủ đề mới lạ hoặc phân tích chuyên sâu không thể đơn giản hoá. Với tôi, ngôn ngữ không đơn thuần là công cụ – bài viết nên bao hàm giá trị văn học, khuyến khích độc giả tích cực diễn giải thay vì chỉ xem lướt qua.

– Callum Beaney

[những cách tiếp cận]

Eugenie Shinkle: Cách thức viết quan trọng không kém lý do viết. Là giảng viên đại học, tôi không lạ gì lối diễn đạt hàn lâm xa cách độc giả quần chúng. Tạp chí học thuật chuyên ngành nêu lên những ý tưởng vô cùng thú vị nhưng lại sử dụng ngôn ngữ rắc rối quá đà, còn hình ảnh đẹp thì nằm lẫn lộn trong tầng lớp lý thuyết. Những bài viết về nhiếp ảnh với nội dung sắc sảo, được nghiên cứu kỹ lưỡng không nên chỉ nhắm đến nhóm đối tượng nhỏ biết thuật ngữ chuyên môn. Trên thực tế, tôi cho rằng bài kiểm tra thực lực cho người viết là khả năng truyền tải những ý tưởng phức tạp theo cách mà ai cũng có thể hiểu được.

Callum Beaney: Sự rành mạch hẳn rất quan trọng; nhưng việc đọc không chỉ là trải nghiệm thụ động. Tôi đặc biệt yêu thích những văn bản mạch lạc mà cũng có phần thách thức độc giả, đặc biệt là về chủ đề mới lạ hoặc phân tích chuyên sâu không thể đơn giản hoá. Với tôi, ngôn ngữ không đơn thuần là công cụ – bài viết nên bao hàm giá trị văn học, khuyến khích độc giả tích cực diễn giải thay vì chỉ xem lướt qua.

Hà Đào: Tôi cũng ưu tiên cách hành văn đơn giản mà không sơ sài, dễ tiếp cận mà không giản lược đề tài. Có lẽ đây là động thái phản bác lại lối viết rối rắm có chủ đích trong ngành nghệ thuật, tiếng Anh hay thứ tiếng nào cũng vậy. Mặt khác, tôi cũng nhận thức rõ rằng có rất ít bài viết thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng trong nhiếp ảnh đương đại ở địa phương. Truyền thông thường quảng bá những bức ảnh đèm đẹp về quê hương đất nước con người, nội dung lấy trực tiếp từ thông cáo báo chí, chủ yếu là những lời khen ngợi chung chung.

Issues of Ánh sáng đẹp (“Beautiful light”) and Nhiếp ảnh (“Photography”) magazines.

[‘giải thuộc địa’ trong phê bình nhiếp ảnh]

Hà Đào: Phê bình nhiếp ảnh lại có thực trạng khác. Tài liệu được gọi vui là “hiến pháp” của C4 có ghi: “các khung lý thuyết phê bình phổ biến trong học viện và kinh viện nghệ thuật phương Tây không phải lúc nào cũng thích hợp để áp dụng vào những tác phẩm với bối cảnh sáng tác khác biệt”. Tôi hoàn toàn đồng thuận với quan điểm này. Bởi đa phần dự án cá nhân đều bắt nguồn từ chính câu chuyện hay môi trường sống của nhiếp ảnh gia, có lẽ ta nên lắng nghe họ chia sẻ động lực và quy trình thực hiện trước khi đánh giá các yếu tố thẩm mỹ theo thang điểm nào đó. Một nhà phê bình nổi tiếng từng lên tiếng rằng “trường nghệ thuật chỉ dạy nghệ thuật kiểu-trường-nghệ-thuật”. Có vô vàn những cách thức sáng tác không theo quy phạm trường lớp và việc viết cũng nên phản ánh thực tế này.

Eugenie Shinkle: Những năm gần đây, vấn đề giải thuộc địa trong ngành ảnh đã được dấy lên nhiều, ví dụ như đấu tranh cho những góc nhìn, câu chuyện đa dạng mà đã phải đứng bên lề của tác giả da màu hay thuộc cộng đồng LGBTQ. Trong môi trường học thuật, nhu cầu giải thuộc địa chương trình giảng dạy đang ngày càng trở nên cấp bách. Thế nhưng chưa có nhiều thảo luận về giải thuộc địa trong phê bình nghệ thuật.

Callum Beaney: Đặc biệt trong dự án có tính trao đổi văn hoá như thế này, những cây viết phải có trách nhiệm giữ nguyên bối cảnh khi giới thiệu những yếu tố thuộc văn hoá khác, để hai bên nỗ lực tiến lại gần nhau. Đã có nhiều trường hợp văn hoá nước ngoài bị áp đặt tiêu chuẩn của văn hoá nội địa trong khi rõ ràng hai hệ thống không hề tương thích. Tôi hay tưởng tượng rằng sau này một sử gia sẽ đọc bài viết của mình và tự hỏi rằng liệu nó có thể tạo nên ảnh hưởng gì.

Hà Đào: Châu Á thường nhìn về phương Tây để tìm khung lý thuyết phê bình được quốc tế chấp nhận và coi là chuẩn mực. Sau khi đọc các bài viết về nhiếp ảnh từ khu vực Đông Nam Á trong khoá học của nhà nghiên cứu Zhuang Wubin, tôi có thêm động lực tham khảo những nguồn khác như một nỗ lực thoát khỏi cái bóng của quá khứ thực dân. Tình cờ, tôi vừa được tặng loạt tạp chí thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP HCM xuất bản những năm 90 – những ấn phẩm đã hình thành nên lịch sử chính thống của nhiếp ảnh nước nhà. Bất chấp khoảng cách lớn giữa tuổi tác, thực hành và nền tảng giáo dục, chúng tôi chia sẻ mối quan tâm giống nhau đến lạ kỳ: cũng có những bài phê bình thẳng thắn, bày tỏ quan ngại về chỗ đứng của nhiếp ảnh Việt Nam trên bình diện thế giới, và cả ảnh khoả thân, đề tài đã và vẫn đang gây tranh cãi. Tò mò xen lẫn hoang mang, nhưng hơn hết vẫn là cảm giác vui sướng khi bắt gặp một kho tư liệu có khả năng kết nối những đứt gãy.

Eugenie Shinkle: Trong bài phỏng vấn triết gia Michel Foucault trên nhật báo Le Monde của Pháp năm 19801, có ý này đã định hình tư tưởng của tôi khi viết về nhiếp ảnh: ‘Tôi không thể ngừng mơ tưởng về dạng thức phê bình không để đánh giá, mà làm sống dậy một tác phẩm, một cuốn sách, một câu văn, một ý tưởng; […] Phê bình kiểu câu tiếp nối câu chỉ nhằm ru ngủ; tôi muốn phê bình như những bước nhảy vọt của trí tưởng tượng.” Ở đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của những văn bản trao quyền tự chủ cho người đọc, mở ra những khả năng giải nghĩa mới cho tác phẩm – chúng xuất phát từ văn bản, nhưng không dừng lại ở đó. 


Hà Đào thực hành nhiếp ảnh qua việc viết, giám tuyển và thực hiện các dự án cá nhân. Ngoài nhiệm vụ biên tập nội dung và điều phối chương trình của Matca, Hà còn thường xuyên phải làm MC bất đắc dĩ.

Callum Beaney là nhiếp ảnh gia và cây viết người Anh. Anh có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực di sản văn hoá với trọng tâm là nhiếp ảnh khu vực Đông Á.

Eugénie Shinkle giảng dạy nhiếp ảnh tại Đại học Westminster, Anh. Cô viết sách và đã cộng tác cùng nhiều tạp chí như Aperture, American Suburb X, Foam và Source. Tác phẩm nhiếp ảnh của cô khảo sát mối quan hệ chính trị, thẩm mỹ và vật chất giữa thị giác máy (vision machine) và không gian.

1. Michel Foucault, The Masked Philosopher, The Essential Works of Foucault 1954-1984, Volume 1, New Press, 1997 (1994)

Minh hoạ trang bìa thực hiện bởi Nguyễn Vân Nhi.