Tôi bắt đầu chụp ảnh như một cách để tới gần hơn với mọi người. Do bản tính nhút nhát, tôi tò mò nhiều nhưng lại ít khi dám mở miệng hỏi ai bao giờ.
Tôi vẫn nhớ cái ngày đi chụp ảnh với anh bạn trên đường tàu đoạn qua phố Phùng Hưng, mải mê chụp thế nào mà quay ra tàu đã tới sát nút. Hai thằng chạy thục mạng, khi hoàn hồn, anh bạn mới bảo: “Mày còn ông bà thì chụp đi, kẻo sau lại tiếc!”. Sau lần thừa sống thiếu chết ấy, tôi nghĩ nhiều về câu nói này. 18 tuổi, suýt chết một lần và chán ngấy với cuộc sống hiện tại, tôi bắt đầu lui về căn nhà rộng thênh thang với hai chiếc bóng thui thủi hằng ngày. Cùng với chiếc máy ảnh film nhỏ nhất tôi có thể mua được bằng tiền ăn sáng; tôi bắt đầu chụp.
Ấn tượng tuổi thơ của tôi về ông nội thực rất đáng sợ, toàn là những giây phút ông giận dữ quát mắng bố, chỉ có vài khoảnh khắc dịu dàng hiếm hoi những khi tôi được gửi nhà ông bà lúc bố mẹ đi vắng. Chỉ từ sau khi bắt đầu dự án này, được tiếp xúc nhiều hơn với ông bà, hình dung về họ trong tôi mới dần rõ nét qua những câu chuyện nhỏ không đầu không đuôi: hồi bé tôi hay khóc ăn vạ ra sao, ông yêu con chó cũ nhà tôi tên Bốp như thế nào, những chuyện ngày xửa ngày xưa của ông bà. Có nhiều sự trùng hợp đến một cách ngẫu nhiên giữa tôi và ông mà mãi sau này tôi mới được biết. Năm 20 tuổi, ông đã chặn đường bà khi đi chợ về để tán tỉnh, khoảng tuổi đó, tôi cũng chặn đường bạn nữ mình thích mong được làm quen. Tôi cũng rất yêu Đen, con chó cũ của nhà dù nó rất béo và chẳng làm gì ngoài chạy đi nhặt sỏi.
Tôi chụp không có mục đích nào hơn ngoài việc thu nhặt những khoảnh khắc thật thà nhất về ông, về bà. Hằng ngày, cứ sau giờ học tôi lại về nhà ông bà với chiếc áo đồng phục trắng tinh khôi mà cả ông lẫn bà vẫn tấm tắc khen. Mỗi tấm hình chụp xong cũng luôn kèm theo dăm ba câu hỏi. Bởi cuối cùng, tôi chỉ muốn biết rõ hơn về ông bà mình, ông thật sự có phải là người vẫn quát mắng bố tôi không biết điều, hay là người sẵn sàng đi tù vì một tấm banner viết sai chính tả*? Và từ những buổi chiều ấy, tôi nhặt nhạnh được cho riêng mình hàng loạt những câu chuyện gia đình mà ông bà có lẽ chỉ kể cho mình tôi.
Ngày trước tôi coi các nhiếp ảnh gia (NAG) tư liệu như những vị thần chớp được những khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử. Tôi khác họ, cuộc sống nhỏ bé của tôi mang đến những khoảnh khắc gần gũi, có phần kém quan trọng hơn. Bây giờ, tôi phát hiện ra rằng bản thân mỗi người đều là một NAG tư liệu. Tôi may mắn có cơ hội ghi lại cuộc sống bình dị, xa con cháu của ông bà khi tuổi già, một cuộc sống mà càng chứng kiến, tôi càng cảm thấy có nhiều những sự liên kết không tả được bằng lời.
*Năm ấy ông tôi phụ trách kẻ một cái banner tuyên truyền cho Cách Mạng, nội dung nhấn mạnh vào đoạn “… Quang Vinh Muôn Năm”. Theo ông kể có tay ‘thư kí’ này không hay chữ bằng ông tôi, khăng khăng phải viết là ‘Muôn Lăm’ mới đúng. Hai bên có xảy ra cãi cọ, ông tôi bị bắt.
Vương Kiên hiện đang là sinh viên năm nhất nghành Quản trị du lịch tại tp.HCM. Kiên chụp ảnh như một thú vui những khi rảnh rỗi với các tác phẩm xoay quanh cuộc sống cá nhân.
Kết nối với Kiên tại Facebook và Instagram.