Makét 02

Thực Hành Đạo Đức Trong Nhiếp Ảnh: Dễ Nói Khó Làm

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Hoàng Long, một nhiếp ảnh gia theo đuổi thực hành báo chí, bắt đầu con đường thực hành tư liệu của mình bằng một bài học đắt giá. Trong dự án cá nhân thực hiện năm 2014, Long đồng hành và ghi lại cuộc sống của một em nhỏ lang thang kiếm sống trên đường phố Hà Nội suốt sáu tháng – một cơ hội anh cho là hiếm có để hiểu hoàn cảnh khác biệt của những con người sống chung thành phố với mình. Có điều, Long lúc này đang làm công tác xã hội tại một tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ trẻ em đường phố. Việc ghi hình nhân vật do Long đơn phương thực hiện, không được thông báo đến tổ chức. 

Nếu quy chiếu bộ quy tắc chặt chẽ trong tổ chức này, anh không chỉ vi phạm một mà là nhiều lỗi lớn, trong đó có việc thiếu giấy đồng thuận (consent form) và ghi hình nhân vật trong tình thế dễ bị tổn thương. Long nhận được quyết định cho thôi việc sau khi lãnh đạo biết chuyện, còn dự án vẫn còn để ngỏ cho tới nay.

Từ dự án Khoảnh khắc tự do (2015) bởi Hoàng Long

Câu chuyện của Long gợi nhắc về vai trò của nhiếp ảnh trong giới NGO – điều tôi nhận thấy trong khoảng thời gian ngắn học việc truyền thông ở các tổ chức này. Những hình ảnh hướng về người yếu thế, đối tượng hưởng lợi của đa phần các dự án, là công cụ được các tổ chức NGO tin dùng để kêu gọi sự quan tâm của công chúng cũng như hành động của các mạnh thường quân, có lẽ bởi vẻ ngoài khách quan và khả năng truyền tải thông tin lẫn khơi gợi cảm xúc gần như tức thì. Nhìn rộng hơn, đã có một vài trường hợp ảnh chụp nạn nhân trong thảm cảnh xoay chuyển được dư luận để tạo ra thay đổi tích cực: Nhờ có Em bé Napalm hay cậu bé người Syria Alan Kurdi trên bờ biển, dư luận toàn cầu đã được hiệu triệu, dẫn đến các quyết định chính sách mau lẹ – vốn khó lòng đạt được theo tiến trình thông thường. 

Thế nhưng những ví dụ về sức ảnh hưởng lan rộng ấy lại là ngoại lệ hiếm gặp chứ không phải thực tế, và lại càng không phải một công thức để noi theo. Đối mặt với sự bão hoà của những hình ảnh xoáy sâu vào bi kịch, ngành ảnh báo chí và tư liệu đang trải qua bước chuyển mình quan trọng. Ngày càng nảy sinh nhiều nghi vấn xoay quanh tính hiệu quả của việc khắc hoạ vấn nạn một cách trực diện. Làm sao để đưa tin mà không tước đi phẩm giá của nhân vật trở thành chủ đề nóng trong các đối thoại chuyên ngành gần đây. 

Khái niệm “empowerment” (nâng quyền/trao quyền) đang đồng thời trở nên phổ biến trong khối NGO lẫn ngành ảnh báo chí và tư liệu. Những bộ quy tắc thành văn đã ra đời và ngày càng được củng cố, chỉ rõ những hành vi cấm như chụp ảnh khi nhân vật chưa đồng thuận một cách tự nguyện và nắm rõ thông tin, hay xâm phạm đời tư, danh dự của cá nhân và tổ chức, đặc biệt khi họ ở tình thế dễ bị tổn thương.

Từ dự án Khoảnh khắc tự do (2015) bởi Hoàng Long

Tưởng như mọi sự đã giấy trắng mực đen, nhưng các hệ quy tắc đạo đức trong nhiếp ảnh – giữa các ngành báo, phim với NGO, thậm chí các tổ chức trong cùng một ngành – luôn chênh lệch nhau ít nhiều. Cộng thêm vào đó, điều gì là đúng hay sai trong quá trình ghi hình có thể thay đổi tuỳ theo bối cảnh quyền lực cũng như ý đồ của người chụp, thứ mà không phải lúc nào cũng hiển hiện trên ảnh. 

Quay lại câu chuyện của Hoàng Long, khi trao đổi về sự cố, anh thừa nhận mình đã không chấp hành kỉ luật của một nhân viên công tác xã hội, nhưng cũng đồng thời bày tỏ hối tiếc về việc chưa thể hoàn thành trách nhiệm phản ánh cuộc sống khắc nghiệt của trẻ đường phố mà anh tự đặt cho mình. Anh cho rằng mình đã để cảm xúc cá nhân lấn át, dẫn đến quyết định hấp tấp và sự nhập nhằng giữa mục đích đưa tin và giúp đỡ, giữa vai trò của người ghi hình và làm công tác xã hội. Hiện tại sau tám năm, Long vẫn giữ liên lạc với nhân vật và còn dự định tiếp tục dự án khi em sẵn sàng, nhưng không đặt nặng kết quả “vì cuộc sống của nhân vật quan trọng hơn một bộ phim được làm ra”.

Sau này Long cộng tác với các trang tin trực tuyến, sử dụng loại hình nhiếp ảnh và phim tài liệu để thực hiện đề tài về các nhóm bị lề hóa tại Việt Nam: từ cộng đồng queer ở Hà Nội, những người già bán vé số ở Sài Gòn, đến những người dân hứng chịu hậu quả sạt lở đất tại Bến Tre. Qua quá trình làm nghề và tự vấn, anh rút ra rằng sự tin cậy của nhân vật là tiền đề cho tác phẩm; nhưng thay vì chăm chăm săn đuổi, mối quan hệ nên có thời gian để nảy nở một cách tự nhiên.

Từ dự án Khoảnh khắc tự do (2015) bởi Hoàng Long

Sự thân cận hiện rõ trong dự án cá nhân Khoảnh khắc tự do (2015) về những drag queen là người chuyển giới nữ thuộc nhóm Ruby Model. Họ biểu diễn trong các quán bar tại Hà Nội, một trong số những địa điểm ít ỏi vào thời điểm ấy cho họ công khai thể hiện giới mà không bị kỳ thị. Hiện lên dưới ánh đèn màu, nhân vật khoác lên phục trang sặc sỡ và lớp trang điểm đậm – những thứ khó được chấp nhận ở bối cảnh nào khác, lại giúp họ trong thoáng chốc tuyên bố tính nữ luôn tồn tại trong mình.

Nếu sân khấu cho phép các drag queen bộc lộ con người thật, những tấm ảnh lại mở không gian để họ chia sẻ tâm tư từ đáy lòng mình. Khác với hướng tiếp cận “góc khuất sau ánh đèn sân khấu” ủy mị thường thấy trong các tác phẩm cùng chủ đề, Long mời nhân vật bộc bạch qua dòng ghi chú viết tay. Có tự hào, có mỏi mệt, có chạnh lòng, nhưng quan trọng hơn cả, họ được đặt vào vị thế mà tiếng nói của họ được cất lên và ghi nhận. Những bức ảnh thành phẩm trông như tấm postcard được ký tặng, trong đó họ trở thành những ngôi sao.

Giống như Hoàng Long, thực hành nghệ thuật của Thịnh Nguyễn cũng xuất phát từ mong muốn cá nhân, cộng hưởng với nhu cầu nói lên bức xúc từ chính những cộng đồng yếu thế. Từ chỗ không mấy bận tâm đến vấn đề thế sự, Thịnh đã thay đổi tư tưởng sau khi nhận ra tầm ảnh hưởng của quyền lực chính trị đến cuộc sống của mình và những người xung quanh. Từ năm 2016, anh bắt đầu theo sát hành trình của những người dân trong tranh chấp đất đai và chia sẻ về họ qua những bộ ảnh và thước phim trên trang Facebook Chuyện của Thịnh. Anh gọi sáng tác của mình là “công việc xã hội của một cậu nghệ sĩ không chuyên”.

Từ dự án Chúng tôi vẫn ở đây (2016-2017) bởi Thịnh Nguyễn
Từ dự án Chúng tôi vẫn ở đây (2016-2017) bởi Thịnh Nguyễn

Trong bộ ảnh đầu tay Chúng tôi vẫn ở đây (2016-2017), Thịnh sử dụng yếu tố sắp đặt để kể câu chuyện của những người dân quê bị bỏ lại trong cuộc đua đô thị hóa và cơn sốt đất tại ngoại thành Hà Nội. Trên mảnh đất được coi là nơi chôn rau cắt rốn, họ đứng bên những biểu tượng quen thuộc của làng quê Bắc Bộ: đôi ủng lội ruộng, cái cuốc, tấm chiếu cói, bức hoành phi câu đối… Từng là một phần không thể thiếu của cuộc sống thôn quê, chúng giờ lạc lõng giữa khung cảnh hoang hoải của một dự án phát triển hạ tầng bị bỏ dở. Người dân làng nhìn thẳng vào ống kính như đang chất vấn, đáp trả cái nhìn từ phía bên kia.

Ở những nỗ lực sau này, Thịnh chuyển từ nhiếp ảnh sang hình ảnh động và video phỏng vấn để nhân vật tự trải lòng. Đây là một cách hoá giải vị thế của bản thân mà anh gọi là “kèo trên”, tức đến ghi lại nỗi thống khổ của người khác mà anh không trực tiếp chịu đựng; tác phẩm vì thế mà mang tính hợp tác cao hơn. Hình ảnh động cho phép nhân vật không chỉ diễn đạt bằng lời nói mà còn bằng cử chỉ: ôm đầu, hét lớn, khua múa, trình diễn trang phục quái lạ trước ánh mắt hiếu kỳ của người đi đường, như bám lấy tia hy vọng đánh thức sự dửng dưng của xã hội trước bi kịch của họ.

Lột tả bất công qua hình ảnh là nhiệm vụ không hề đơn giản – nó đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ chĩa ống kính vào nạn nhân. Đầu bên kia của bất bình đẳng là gì? Cơ chế nào đang duy trì sự thua thiệt của nhân vật ngày này qua tháng khác? Người cầm máy liệu có nhận thức được điểm mù và thiên kiến của chính mình, hay đang gò ép sự kiện vào một kịch bản sáo mòn? Thịnh không có câu trả lời rốt ráo, những đó có lẽ cũng là lý do khiến anh liên tục thử nghiệm với các hình thức kể chuyện khác nhau.

Từ dự án Chúng tôi vẫn ở đây (2016-2017) bởi Thịnh Nguyễn

Thịnh và Long định vị bản thân là người sáng tác độc lập, một vị trí không mấy phổ biến và thuận lợi, đặc biệt khi họ chọn theo đuổi đề tài về người yếu thế tại Việt Nam. Đồng thời, sự chằng chéo của các ràng buộc đạo đức theo chuẩn quốc tế đã khiến việc ghi hình trở nên lắt léo như mê cung. Nhà nghiên cứu người Anh Colin Pantall đã súc tích tóm gọn tình thế tiến thoái lưỡng nan này như sau: “Nếu không để tâm tới lý thuyết và lịch sử, bạn có nguy cơ tạo ra những tác phẩm không đúng đắn về nhiều mặt. Nếu quá bận tâm về lý thuyết và lịch sử, khả năng là bạn sẽ rơi vào bế tắc; hoặc chỉ có thể làm ra tác phẩm thu hút được một đối tượng khán giả rất hẹp”. 

Với cả hai, cách tiếp cận lý thuyết hay thị giác cũng không quá quan trọng, nếu tư duy của người cầm máy vẫn chỉ dừng lại ở những biến cố trên bề mặt mà chưa đào sâu vào căn nguyên của vấn đề. “Rất dễ kêu gọi sự thương cảm đơn thuần từ người xem mà bỏ qua các vấn đề trong kinh doanh khai thác cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương”, Long đúc rút sau khi thực hiện phóng sự về nhóm người dân chống lại nạn khai thác cát trái phép ở Cồn Dơi, Bến Tre cho một giải thưởng nhân vật truyền cảm hứng. Hay với Thịnh, anh thường bộc lộ hoài nghi về khả năng tác động xã hội của tác phẩm dù đã làm bất chấp rủi ro. Điều duy nhất anh đảm bảo được là khiến họ hiện diện.

Từ dự án Chúng tôi vẫn ở đây (2016-2017) bởi Thịnh Nguyễn

Đạo đức ghi hình thường đặt nặng lên vai nhiếp ảnh gia, người được cho là nắm đằng chuôi cán cân quyền lực. Nhưng quyền lực không đơn giản chỉ là mũi tên một chiều: ở hai ví dụ trên, người cầm máy đang cố gắng lên tiếng về những vấn đề chưa nhận được sự quan tâm đúng mực dù thiếu nguồn lực hỗ trợ và thậm chí còn chấp nhận hứng chịu hậu quả cho bản thân.

Hình ảnh không phải là sản phẩm đơn lẻ mà thuộc về một quy trình và bối cảnh cụ thể. Chính vì thế, những đối thoại về đạo đức nói riêng và ngành ảnh nói chung cần diễn ra không chỉ ở vòng tròn của nhiếp ảnh gia, mà còn với những bên liên quan như biên tập viên, lãnh đạo bộ phận truyền thông và khán giả đại chúng. Đã đến lúc ta nhìn xa hơn những khuôn sáo như “một bức ảnh bằng vạn lời nói” để có thể đánh giá chúng một cách công bằng, thẳng thắn hơn.