Makét 02

Thiên Nhiên Trong Nhiếp Ảnh Xưa & Nay

MATCAxC4 JOURNAL: Đối thoại nhiếp ảnh giữa Việt Nam & Vương quốc Anh

Chuỗi bài viết thảo luận những khía cạnh đa dạng xoay quanh hình ảnh. Do Quỹ Digital Arts Showcasing của Hội đồng Anh tài trợ.

????✍️??


Chụp ảnh tổ chim bói cá. Trích đoạn cuốn sách With Nature and a Camera, tác giả Richard & Cherry Kearton, Cassell Press xuất bản năm 1899

Mọi sinh vật trong kho tàng ảnh của Richard và Cherry Keartons đều đã chết. Đồng loại của chúng còn tồn tại đến ngày nay thì đang bị đe doạ, một số đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Được mệnh danh là nhiếp ảnh gia thiên nhiên đầu tiên, tác phẩm của anh em Keartons mở ra cánh cửa tới một thời đại khác, ngày mà một số giống loài còn sinh sôi và phát triển. Tác phẩm có thể cho thấy lịch sử như một tấm gương chiếu vào hiện tại; không chỉ nhắc ta về những gì đã mất, đã mai một hay đang lụi tàn, mà còn gợi tới khả năng tạo ra thay đổi tích cực. Trong khi đa phần hình ảnh chỉ được đánh giá trên khía cạnh thẩm mỹ, đóng góp của nhà Keartons cho lịch sử còn tiến sang địa hạt khoa học, chính trị, nhiếp ảnh và hơn thế nữa.

Hai anh em Richard và Cherry (nguyên quán Yorkshire) sử dụng hình ảnh làng quê Anh quốc để khơi nguồn sự trân trọng thiên nhiên trong các nhà tự nhiên học tương lai. Có thể thấy rõ ý định này qua quy trình họ thực hiện từng tấm ảnh: không phải “đi săn” một khung hình tuyệt mỹ như nhiều cuộc thi ảnh tự nhiên khuyến khích, mà thiên về một sự ghi nhận đầy tôn trọng. Những nơi ẩn náu ngụy trang mà họ dày công dựng lên là minh chứng cho công sức bỏ ra để tiếp xúc với thế giới tự nhiên mà không gây tổn hại; trong khi họ hoàn toàn có thể bẫy giết nhiều sinh vật rồi tạo dáng chúng để chụp hình, tương tự như cách nhà sưu tập xếp xác bướm khô lên khung. Trong cuốn sách With Nature and a Camera xuất bản năm 1899, bộ đôi chia sẻ mức độ nỗ lực của họ trong công việc, cụ thể về cuộc tìm kiếm tổ chim trên vách đá:

Hai giác cảm kinh khủng nhất trong sáng tác này là khi bước lùi trên mép một mỏm đá dựng đứng xuống khoảng không sau lưng rồi xoay vòng chầm chậm như một miếng thịt trên xiên nướng, và ngắm nhìn biển xô vào bờ, bờ đuổi theo biển trong khi được che nắng nhờ vách đá ở phía trên nhô ra.

Richard & Cherry Keartons
Chụp ảnh tổ chim trên cây. Trích đoạn cuốn sách With Nature and a Camera, tác giả Richard & Cherry Kearton, Cassell Press xuất bản năm 1899

Trong các hoạt động thương mại của mình, anh em Kearton coi việc chụp và bán ảnh như một hình thức giáo dục phổ cập, cũng như để khán giả thêm trân trọng, yêu mến và tôn kính thế giới vượt ngoài khung hình và ngoài cuộc sống thường nhật của họ. Hai anh em chụp trực tiếp thiên nhiên nhằm phô bày thực tế như nó vốn là. 

Di sản của chúng ta, nơi nhiếp ảnh có dự phần không nhỏ, đã góp phần tạo ra tình trạng nguy cấp thời nay, đồng thời cũng phức tạp hóa cách ta nhìn nhận hiện thực đương thời. Bằng mọi giá, chúng ta tôn sùng phiên bản lý tưởng của vẻ đẹp thiên nhiên – cũng dễ hiểu thôi bởi việc phô diễn uy danh từ lâu đã là sở trường của người Anh. Có thể lấy sân vườn tiểu cảnh kiểu Anh thế kỉ 18 làm ví dụ – hiện tượng này đã phổ biến toàn cầu, trong đó nổi tiếng nhất là các mẫu mô phỏng địa hình tự nhiên được thiết kế bởi hoặc lấy cảm hứng từ kiến trúc sư cảnh quan Lancelot Brown. Ngày ấy, các gia chủ giàu có sẵn sàng chi trả để tạo nên những ngọn đồi, mô đá, thậm chỉ mướn cả những “ẩn sĩ”* sống trong đó để miễn sao tiểu cảnh hiện lên sống động nhất có thể. Những khu vườn này được xây dựng theo hình mẫu phong cảnh lý tưởng, trở thành minh họa cho thiên nhiên trong văn hóa đại chúng, cũng như trong tâm trí của những người sống trong một thế giới đang công nghiệp hóa với tốc độ chóng mặt.

Phương thức chụp tổ chim trên cành cao. Trích đoạn cuốn sách With Nature and a Camera, tác giả Richard & Cherry Kearton, Cassell Press xuất bản năm 1899

Từ đó, cách ta tiếp nhận hình ảnh đã góp phần tạo nên khoảng cách với thế giới tự nhiên vốn có. Nhiều người Anh, đặc biệt là dân sống ở nông thôn thường trang trí nhà cửa bằng những vật dụng tái hiện đời sống hoang dã hay các thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Thế nhưng, cũng chính nguồn tài nguyên thiêng liêng này đang bị hoạt động của con người làm cạn kiệt: những vuông cỏ được cắt tỉa gọn ghẽ quanh nhà cũng chỉ có công dụng làm cảnh, không nuôi dưỡng được gì nhiều ngoài con sâu cái kiến. Khi các tái hiện của tự nhiên thường không phản ánh đúng thực tiễn – ví dụ như gấu trắng Bắc Cực thường hiện lên to khoẻ trên màn ảnh nhưng lại gầy gò, ốm đói ngoài đời thật – những khung hình thiên nhiên yên ả ta vẫn nhìn vào không đơn thuần chỉ biểu trưng cho một cuộc sống thôn quê lý tưởng. Một cách nào đó, chúng thể hiện cả uy thế lẫn ước muốn thoát ly không chủ đích; chúng dường như mời gọi ta quay lưng khỏi thực tại bằng cách trấn an nhờ hình ảnh chụp những gì đang dần mất đi.

Dù cũng bị tác động từ biến đổi khí hậu, nhờ cách xa xích đạo và nhờ những bóc lột từ thời đế quốc vẫn còn đang sản sinh lợi nhuận cho đến ngày nay, nước Anh sẽ chỉ gặp thiệt hại bằng một nửa các nước khu vực châu Phi, vốn đã chịu gánh nặng môi trường từ quá trình đô hộ và công nghiệp hóa của các nước phát triển. Điều này càng khiến các tác phẩm về sau của Cherry Kearton tại Châu Phi trở nên quan trọng: những vấn đề nêu trên đều nằm gọn trong chuyện thám hiểm châu Phi của Kearton cùng tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt năm 1909. Tại đây, mối quan tâm tới tự nhiên học của Kearton hoàn toàn đối chọi với chiến dịch đi săn khát máu của Roosevelt – tổng cộng 11,000 cá thể đã bị giết, trong đó có 4,000 chim chóc cùng với một số tê giác và voi.


“Trong lúc ban ngày còn còn đủ ánh sáng, anh ấy theo dõi không ngừng nghỉ, thậm chí có lúc còn ăn uống tại chỗ vì sợ lỡ mất cơ hội. Sáu ngày dành trọn cho chờ đợi và quan sát đã đem lại một chuỗi nghiên cứu được trình bày ở trang đối diện”. Trích đoạn cuốn sách With Nature and a Camera, tác giả Richard & Cherry Kearton, Cassell Press xuất bản năm 1899

Cherry Kearton hẳn đã khinh thị vị tổng thống Mỹ cùng những khiếm khuyết, thói khoa trương và mối liên minh đáng ngờ của ông. Năm năm trước chuyến thám hiểm, Kearton từng viết trong cuốn Wild Nature’s Ways rằng: “Hãy nhớ rằng mọi hành vi tiếp tay cho sự tuyệt chủng của bất cứ điều gì đẹp đẽ và kỳ thú đều là một tội ác với hậu thế”. Ngay từ đầu sự nghiệp, Kearton đã mong muốn phổ cập loại hình “đi săn bằng máy ảnh” – thay cho công cụ phổ biến là súng săn – qua việc kinh doanh video và ảnh từ thời kỳ này. Dù vậy, khán giả đến xem bộ phim Roosevelt in Africa (1910) lại trông chờ những cảnh tượng giết chóc hùng tráng, chứ không phải bản dựng trầm tư mang hơi hướng tư liệu mà Kearton đã thực hiện. Đáng chú ý nhất là bộ phim không có cảnh quay săn sư tử – thứ đã từng xuất hiện trong một bản phim truyện về chuyến đi săn của Roosevelt được hãng phim Selig Polyscope Company công chiếu năm 1909 và ngay lập tức làm lu mờ dự án phim của Kearton. Dù phim của Selig, tính cả cảnh bắn sư tử, đều được dàn dựng và quay tại Chicago, khán giả xem phim thời đó cũng như thời nay vẫn ấn tượng với phiên bản hào nhoáng hơn.

Sự đối nghịch này được thể hiện rõ khi đặt những nỗ lực không mệt mỏi của anh em Kearton lên bàn cân với thú săn tiêu khiển của Roosevelt – khán giả vẫn ưu ái xác thú nhồi bông “bằng da bằng thịt” hơn hình ảnh thuần tuý và có tâm chụp sự sống ấy.

“Người ta đồn rằng từng có một khu vườn cho ẩn sĩ ở đoạn chân đồi phía dưới vườn cây ăn quả; ở đó vẫn còn đám cây dại nằm rải rác làm minh chứng. Nơi trú ngụ của những người ở ẩn là một công trình nhỏ hình vuông, được dựng lên ở chân vách đá nơi có một nhà nguyện cũ đã bị phá bỏ. Nhà có một phòng ở, với buồng ngủ nằm trên và căn bếp nhỏ nằm kề”, trích estmoreland, Cumberland, Durham, and Northumberland, illustrated : from original drawings by Thomas Allom, George Pickering, & c. ; with descriptions by T. Rose, 1835 
Vườn tiểu cảnh Prior Park tại Bath, Somerset, Anh Quốc. Thiết kế bởi nhà thơ Alexander Pope và kiến trúc sư cảnh quan Lancelot Brown. Ảnh © Spencer Means
Hunting Big Game in Africa quay tại phim trường của Selig Polyscopes ở Chicago, Mỹ, 1909. Trích từ Deems Taylor, Marcelene Peterson and Bryant Hale: A Pictorial History of the Movies, NXB Simon and Schuster, New York năm 1943
Mẫu vật từ chuyến đi săn tại châu Phi của Teddy Roosevelt được xử lý trong xưởng nhồi bông xác thú thuộc Bảo tàng Quốc gia Hoa Kì, 1911. Ảnh © Smithsonian Institution Archives

Sư tử vốn là biểu tượng của nước Anh từ cuối thời kì Trung Cổ khi chúng còn sinh sôi trong tự nhiên. Theo ước tính, nay chỉ còn 20,000 – 30,000 cá thể trên toàn cầu. Chúng ta đã phần nào bị đánh lạc hướng khỏi sự sụt giảm đáng lo ngại này nhờ cách tái hiện phổ biến về loài mãnh thú trên những bức ảnh thiên nhiên nguyên sơ, thật-hơn-cả-sự-thật, được chỉnh sửa kĩ càng, hay với trẻ em là những bộ phim vui tươi lãng mạn như Vua Sư Tử. Với khán giả thời nay, sự cực đoan của hệ sinh thái tiền hiện đại được coi là kỳ khôi, thậm chí là không tưởng bởi sự đối nghịch với tình hình hiện tại. Vậy mà hệ sinh thái ấy còn thực hơn nhiều so với những hình ảnh lãng mạn của thiên nhiên trù phú mà chúng ta vẫn thường thấy. John Mason, một thuyền trưởng từ Newfoundland (Canada) thế kỉ 16, được cho là đã viết những dòng này: “Cá tuyết bu kín đặc bờ biển đến mức chúng tôi không thể chèo thuyền qua […] Ba người đàn ông ra khơi, một số khác ở lại đất liền để làm sạch và phơi khô cá, có thể thu hoạch từ 25-30 nghìn cá thể trong 30 ngày.” Đến năm 2000, ngành đánh bắt cá ở đây đã suy tàn, và một số ít cá tuyết còn trở lại vùng này vẫn đang trong quá trình phục hồi quần thể.

Có rất nhiều nguyên do cho sự suy giảm động vật hoang dã tại châu Phi, tuy nhiên theo tôi, các sự kiện trên lại kể một câu chuyện ngụ ngôn về thời đại chúng ta. Trong cuộc đi săn của mình, Roosevelt tuyên bố tham vọng bành trướng ở châu Phi, chiến đấu vì “công lý” cho dân bản địa – những người “chưa và không bao giờ có thể quản trị nổi chính họ”, theo lời nhận định đầy nghịch lý của vị tổng thống. Quan điểm này, dù được coi là khá tân tiến ở thời điểm nói, nay lại bị xếp vào nhóm luận điểm chính trị cực đoan, biện minh quá khứ thực dân của phương Tây. Động chạm cùng lúc đến cả thể chế và thiên nhiên hoang dã, chuyến đi châu Phi cùng những bức ảnh thành quả của Cherry Kearton là một lời nhắc nhở đến bối cảnh chính trị hiện thời, vốn vẫn ưu tiên lợi ích ngắn hạn hơn hệ quả dài hạn. Trước những hệ quả này, các giá trị duy trì hiện trạng chính trị và kinh tế của thời nay, dù khác về bản chất, lại chẳng kém cực đoan hơn các hệ tư tưởng ta coi là “cực đoan” trong lịch sử là mấy.

Phù hiệu áo giáp thời Henry III với hình 3 con sử tử, in trên gạch lát sàn từ thế kỉ 13 tại nhà nguyện Wesminster Abbey.
Poster của bộ phim dàn dựng Hunting Big Game in Africa (1909), với tiêu đề gây nhầm lẫn
Bức ảnh The Lion do Cherry Kearton chụp trong khoảng năm 1909-12. Ảnh thuộc triển lãm With Nature and a Camera với các tác phẩm do hậu duệ của Cherry scan và giám tuyển.
Bức ảnh tĩnh được đưa vào phim Roosevelt in Africa (1910) của Cherry Kearton đã gây thất vọng cho nhiều khán giả. Sư tử là loài đi săn đêm, do đó một bức ảnh rọi flash là lựa chọn khả thi và gần với thực tế nhất. Nguồn: Original Photos by C Kearton in New Arusha lounge, trang 503, Ulyate Family Personal Communications, extract #4480, nTZ Archive

Tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng trong các tác phẩm của anh em Kearton. Không phải vì tôi trông đợi những bức ảnh kiểu này có thể đơn phương thay đổi tiến trình lịch sử, mà vì chúng, trong vai trò lịch sử, cung cấp bằng chứng về những điều ta có thể học hỏi được. Hơn thế nữa, như đã thấy trong các dự án địa phương của anh em Kearton, ảnh cũng có thể dạy ta về cách thấy – chẳng hạn như khả năng định hình các cuộc thảo luận về tương lai dựa trên các tham khảo từ quá khứ. Trước khi xuất hiện một thay đổi thực sự cho tình hình hiện thời, chúng ta, dù là dân thường hay quan chức chính quyền, cần nuôi dưỡng niềm đam mê cho mọi thứ quanh mình, cho con người hay những gì không-phải-con-người. Nỗ lực của anh em Kearton tại Anh cho ta cơ hội để phục hồi sự công nhận thiên nhiên một cách tập thể – ta có thể thay đổi mường tượng của mình, cách nhìn nhận những hình ảnh dối lừa trong thế giới ngày nay, cũng như những ưu tiên trong việc giữ một chỗ đứng cho bản thân trong thế giới ấy.

Nhân đây, tôi nhớ cây viết về thiên nhiên người Anh Robert Macfarlance từng phát biểu trong một bài giảng công cộng rằng: “Chúng ta cần tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu ta có đang làm tốt vai trò người tiền nhiệm [với các thế hệ sau]?” Đây là một lời cảnh báo, nhưng đồng thời cũng là cơ hội. 


*Ẩn sĩ trang trí (ornamental hermits) là những người ở ẩn được các gia chủ giàu có mời về sống trong các ẩn thất, hang động hoặc vườn đá dàn dựng. Họ được khuyến khích ăn mặc như các thầy tu và sống trong vườn, được gia chủ cho ăn, chăm sóc, hỏi xin lời khuyên hay để nhìn ngắm như thú tiêu khiển. Hiện tượng này chủ yếu phổ biến vào thế kỷ 18.