Chủ Nhật 19/11/2017 vừa qua, nhà nghiên cứu Zhuang Wubin tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Nhiếp Ảnh Đông Nam Á: Một Khảo Cứu, công trình đơn thân kéo dài 12 năm của anh nhằm tìm kiếm và lưu lại danh tính của thực hành nhiếp ảnh tại 10 quốc gia từ thời hậu thực dân cho đến đương đại. Trong chương “Việt Nam”, Zhuang Wubin cũng bắt đầu từ cụ Đặng Huy Trứ và Khánh Ký, tới những phóng viên ảnh thời chiến và nghệ sĩ nhiếp ảnh, tới những nghệ sĩ thị giác đương đại Việt Kiều lẫn bản địa và thực hành ảnh tư liệu sau thời kỳ Đổi Mới. Nhưng tính Việt Nam trong nhiếp ảnh là gì và liệu có tồn tại hay không? Zhuang Wubin trò chuyện về cách tiếp cận chủ đề đầy tham vọng này và nỗ lực ghi lại những phần lịch sử “không chính thức” của nhiếp ảnh khu vực.
[Hà Đào]Dự án này kéo dài 12 năm mà không có hỗ trợ tài chính hay tổ chức nào ngoài học bổng 1 năm của quỹ Prince Claus Fund. Hẳn là có lí do nào cụ thể để anh tiếp tục, bên cạnh sự tò mò cố hữu và tình cảm dành cho vùng Đông Nam Á chứ?
[Zhuang Wubin] Tôi không muốn tỏ ra quá chiều chuộng bản thân, dự án này không phải tôi làm cho sướng mình. Nhưng tôi có kĩ năng đọc, viết, phỏng vấn và chụp ảnh, và tôi muốn sử dụng những kĩ năng đó để làm việc có ích cho tương lai. Còn với tôi chuyện có động lực theo đuổi lâu dài không phải vấn đề, những dự án viết hay nhiếp ảnh của tôi đều là dài hạn cả. Có thể bởi tôi thuộc cung Ma Kết.
Tại sao anh lại chọn chia các chương của cuốn sách theo quốc gia và phương pháp đó có điểm mạnh, điểm yếu gì?
Tôi quyết định dành mỗi chương cho một quốc gia, nhưng tôi biết cách đó có nhiều vấn đề. Nhiếp ảnh được phát minh trước khi khái niệm về quốc gia hay khu vực Đông Nam Á hình thành. Bạn viết về nhiếp ảnh Việt Nam như thế nào nếu khái niệm về một Việt Nam độc lập mới chỉ tồn tại 40 năm trước? Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam (VAPA) luôn nói về bản chất tinh hoa của nhiếp ảnh Việt Nam. Nhưng thử nghĩ: nhiếp ảnh được phát minh tại Pháp. Bạn mang một công cụ từ châu Âu sang đây, thì nó có tính Việt Nam như thế nào? Mà tính Việt Nam là cái gì? Có thể bao gồm cả những studio thịnh hành một thời của những thợ ảnh gốc Hoa ở Chợ Lớn không, họ có phải một phần của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam không? Đấy là vấn đề khi định nghĩa Việt Nam như một quốc gia hay một chương của cuốn sách.
Đường biên giới có ảnh hưởng gì đến cách mọi người thực hành nhiếp ảnh trong nước không theo anh? Liệu có gì đậm chất Việt Nam trong nhiếp ảnh Việt Nam?
Viết về nhiếp ảnh thú vị ở chỗ là nó luôn bao gồm nhiều thứ khác. Khi nói về nhiếp ảnh Việt Nam, thực ra là ta đang bàn luận về văn hoá Việt Nam. Điều buồn cười là bất cứ khi nào tôi tới Việt Nam dạy học, kiểu gì sẽ có một người đề đạt “Tôi muốn chụp ảnh để giới thiệu bản chất Việt Nam”. Tôi hỏi, “Ok, bạn muốn chụp gì nào?”. “Đền chùa”. “Đền chùa có là bản chất Việt Nam không?”. “À không, thức ăn. Bánh mì”. “Bánh mì có phải bản chất Việt Nam?”.
Vấn đề với cuốn sách này là tôi khiến mọi người hình dung có điều gì đặc biệt ở mỗi quốc gia, ở văn hoá hay nhiếp ảnh Việt Nam. Đương nhiên, bạn có những sự kiện lịch sử mà đã cấu thành nên danh tính nhiếp ảnh ngày nay. Nhưng ta phải suy nghĩ về nhiếp ảnh như một công cụ quốc tế. Kể cả một thực hành như nhiếp ảnh salon (salon photography) cũng mang tính quốc tế.
“Nhiếp ảnh salon” mà anh nói tới ở Việt Nam gọi là “nhiếp ảnh nghệ thuật”, như một cách phân biệt với ảnh báo chí. Tại sao anh lại sử dụng khái niệm đó?
Khái niệm ban đầu là Pictorialism, một trường phái phổ biến ở phương Tây cuối thế kỷ 19, nhằm nâng cao nhiếp ảnh lên thành một hình thái nghệ thuật và phân biệt những người theo thể loại này khỏi những thợ ảnh thương mại mà chụp ảnh bưu thiếp, làm dịch vụ. Còn nhiếp ảnh salon là khái niệm từ Hong Kong – trung tâm hàng đầu cho thể loại này và sản xuất ra những người như Fan Ho. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi tại Đài Loan, Malaysia và Indonesia.
Vì sao nhiếp ảnh salon phổ biến ở Việt Nam cũng tương tự như ở Đông Nam Á. Salon là một nơi nghệ sĩ tụ tập, và những người theo đuổi nhiếp ảnh salon sẽ luôn sinh hoạt câu lạc bộ, như VAPA hay câu lạc bộ nhiếp ảnh nữ Hải Âu. Rồi sau đó họ tổ chức các cuộc thi. Nếu bạn nộp ảnh dự thi và thắng giải, bạn có thể đi làm dịch vụ, làm cho báo, cho chính phủ. Ở Việt Nam có rất nhiều nhiếp ảnh gia được đào tạo theo thể loại nhiếp ảnh salon, kể cả Võ An Ninh, cây đại thụ của ảnh báo chí Việt Nam hiện đại. Trong một bài phỏng vấn với nhà nghiên cứu Nina Hien, ông đã nói rằng thực hành chủ yếu của ông là ảnh phong cảnh, chụp đồi cát Mũi Né. Thời đó nếu muốn làm dịch vụ hay chụp ảnh gì đi nữa, bạn không có lựa chọn nào ngoài tham gia VAPA. Nhiếp ảnh salon có tầm ảnh hưởng như vậy.
Hiện nay nhiều người Việt học nhiếp ảnh trên mạng và nhìn vào tác phẩm của những nhiếp ảnh gia phương Tây. Khoảnh khắc quyết định, sự sắp xếp bóng tối với ánh sáng, lớp lang… đã phần nào trở thành quy chuẩn. Anh nghĩ gì?
Một mặt, việc nhiếp ảnh gia người Việt bắt chước theo những nhiếp ảnh gia phương Tây là không thể tránh khỏi. Tìm kiếm thông tin về những người như Salgado, Cartier-Bresson hay Robert Capa dễ hơn rất nhiều so với Daido Moriyama chẳng hạn. Bạn cần tiếng Trung để tìm nhiếp ảnh gia từ Trung Quốc, tiếng Bahasa để tìm nhiếp ảnh gia từ Indonesia. Tiếng Anh chỉ cho bạn một sự tiếp cận giới hạn. Đó cũng là vấn đề tôi gặp phải nhưng do được đào tạo nghiệp vụ báo chí, tôi đã cố gắng làm công tác điền dã nhiều nhất có thể.
Tôi không thể đổ lỗi cho những người cố gắng bắt chước nhiếp ảnh phương Tây. Thông tin về phương Tây dễ tìm kiếm hơn, nhưng cùng thời điểm đó, trong họ cũng có một khao khát thành công ở phương Tây, có ảnh được xuất bản ở New York Times, National Geographic, TIME Lightbox… Và bạn thành công ở phương Tây như thế nào? Đơn giản là bằng cách làm thoả mãn khán giả phương Tây.
Tôi quan tâm đến nhiếp ảnh trong nước, nhưng tôi chỉ biết khoảng một nửa trong số những người được giới thiệu trong chương Việt Nam. Và việc tìm được tác phẩm của những cá nhân tiêu biểu như Bùi Xuân Huy trên mạng rất khó. Tôi cảm giác rằng có một lỗ hổng trong kiến thức, và có một vài phần trong lịch sử nhiếp ảnh không được lưu lại tư liệu. Anh có thấy như vậy khi thực hiện cuốn sách này không?
Bạn cần phải nhận ra VAPA đã cố gắng viết lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam từ nhiều năm nay rồi, họ cũng đã xuất bản nhiều cuốn sách. Nhưng cùng thời điểm khi lịch sử chính thức của nhiếp ảnh được viết thì vẫn còn một phần lịch sử không chính thức còn bỏ ngỏ.
Tôi không cho rằng mình cố viết một cuốn Kinh thánh về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Trong khoảng thời gian và với thông tin hạn hẹp, tôi chỉ cố gắng cho khán giả thấy sự đa dạng đã tồn tại trong nền nhiếp ảnh. Tất nhiên sẽ có nhiều nhiếp ảnh gia khác mà tôi không biết. Nhưng điều quan trọng là độc giả phải xây dựng thêm từ cuốn sách, tự giới thiệu thêm những nhiếp ảnh gia khác vào câu chuyện. Lý tưởng thì tôi muốn người Việt làm việc này.
Anh đã phỏng vấn nhiều người nhưng chỉ có một số là được chọn giới thiệu trong sách. Lý do cho sự lựa chọn của anh là gì?
Cuốn sách là một dự án có giới hạn. Nó chỉ dày 524 trang. Tôi muốn bao gồm nhiếp ảnh gia từ miền Bắc, miền Nam và Huế, người Việt Kiều và bản địa, nhiếp ảnh gia chiến trường và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nếu bạn hỏi tôi, giờ tôi muốn bổ sung một nhóm các nữ nhiếp ảnh gia ở Sài Gòn.
Tôi đã tập hợp nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ thị giác sử dụng nhiếp ảnh, và nhiều người tôi chọn không hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Tôi không quan tâm liệu bạn có chuyên nghiệp hay nổi tiếng. Tôi chỉ muốn xem tác phẩm của bạn có thú vị và góp phần làm nên sự đa dạng hay không. Sự đa dạng quan trọng bởi nó thách thức cốt truyện một chiều của VAPA. Nếu bạn nghĩ về VAPA như một con đường lớn thì cuốn sách có thể hiểu như một bản ghi chép những nỗ lực đi ra khỏi con đường đó.
Zhuang Wubin là một cây viết về các thực hành nhiếp ảnh Đông Nam Á hiện làm việc tại Singapore. Anh được tài trợ vào năm 2010 của Quỹ Prince Claus Fund cho cuốn sách Nhiếp Ảnh Đông Nam Á: Một Khảo Cứu, công trình nghiên cứu độc lập kéo dài 12 năm. Zhuang Wubin cũng là thành viên ban biên tập của tạp chí học thuật về nhiếp ảnh châu Á Trans-Asia Photography Review.
Kết nối với Zhuang Wubin tại Facebook.