Chắc không cần giới thiệu nhiều về Maika Elan. Tuy đã đi nhiều nơi, thực hiện nhiều dự án trong và ngoài nước cùng không ít thành công khi tuổi đời còn rất trẻ, Maika vẫn tiếp tục tìm về để ghi chép lại những điều thân thuộc xung quanh cô, điển hình là Hà Nội nơi cô sinh ra và lớn lên hay chính người bố của mình. Matca hỏi chuyện Maika về những ngày nhiếp ảnh với cô còn mới mẻ, nghe cô kể về Hà Nội và tại sao việc chụp những điều gần gũi quanh ta là cách thực hành tốt nhất cho những bạn trẻ mới bắt đầu với nhiếp ảnh.
Chị từng chia sẻ rằng bộ ảnh “Inside Hanoi” rất quan trọng trong quá trình tiếp xúc với nhiếp ảnh của chị?
Hồi nhỏ, nhà mình tít dưới Minh Khai nên cũng chỉ chơi với đồng với bãi như ở quê, không có nhiều ý thức về phố thị Hà Nội. Khi lên đại học và bắt đầu đọc sách về Hà Nội như tản văn của Vũ Bằng, mình thấy họ mô tả một Hà Nội rất khác so với Hà Nội của riêng mình, vì mình không sống ở trung tâm mà. Tiếp xúc nhiều hơn với những người sống trong phố, họ luôn than phiền rằng bộ mặt Hà Nội giờ rất khác, thay đổi nhiều lắm, thêm bao nhiêu là trung tâm mua sắm, bao nhiêu khu đô thị mới. Họ cảm thấy không hài lòng với sự phát triển này với thái độ đầy tiếc nuối. Chính những sự than phiền ấy lại kích thích tính tò mò của mình và thôi thúc mình đi sâu vào trong, để xem thực sự sau bộ mặt mới ấy Hà Nội có thay đổi gì không?
Khi bắt đầu chụp Hà Nội, mình tìm đến các ngõ ngách trước tiên vì chúng thật sự đặc biệt. Từ ngoài vào thì rất hẹp, đến giữa thì cả cái ngõ như bung ra, có thể thành cái cầu thang, sân phơi hay bếp rất rộng, là nơi sinh hoạt chung của đến mấy chục hộ gia đình. Ngoài nhìn vào thì tối om nhưng bên trong thì lại có nhiều nguồn sáng. Mình cứ chụp những thứ như thế trong khoảng 4-5 năm đầu của sự nghiệp, cứ lúc nào rảnh là lại lên phố cổ chụp ngõ. Quá trình đấy cho mình thấy là Hà Nội cũng chẳng khác gì nhiều so với những hình dung của mình. Có những thứ thay đổi ở bên ngoài nhưng ở bên trong thì rất khó thay đổi, mà người ta cũng không có cơ hội để thay đổi. Cách người ta nấu nướng như ngày xưa, rồi sinh hoạt cộng đồng với nhau, cách trang trí nhà cửa, thói quen… Nếu ai cũng than phiền về chuyện nó mất đi mà mình vẫn thấy là nó diễn ra, thì cách tốt nhất là chụp lại nó. Trước hết là cho mình, sau đó ai xem được là một cái quý.
Tại sao việc chụp lại thành phố của chính mình lại là một cách thực hành tốt cho những bạn mới bắt đầu?
Trước hết, những điều diễn ra trong thành phố bạn đang sinh sống là những cái dễ gặp, dễ tiếp cận nhất và bạn đã có sẵn sự hiểu biết về nơi này qua tháng năm, tiết kiệm được cho bạn nhiều thời gian tiền bạc.
Ví dụ nhé, trước mình ở phố Kim Mã Thượng, có một cái chợ gần nhà mà mình chả bao giờ buồn chụp, toàn lên phố cổ thôi mặc dù bạn bè đến chơi ai cũng phải qua chụp cái chợ đấy vì họ thấy nó quá đẹp. Ngày ngày mình đi qua cái chợ ấy, quen quá rồi nên chẳng thấy đẹp nữa. Sau này khi đã đi và chụp nhiều, thẩm mỹ cá nhân cao hơn và biết để ý đến chi tiết để tìm ra những thứ hay ho từ những điều bình dị, mình mới thấy cái chợ này thực cũng đẹp đấy, hoàn toàn có thể chụp ở đây chứ chẳng phải đi đâu xa.
Mình bắt đầu chụp ảnh năm 2006, hồi ấy còn sinh viên, ngoài phố cổ Hà Nội còn lang thang chụp vu vơ nào là cánh đồng, nông dân, máy cày,… những khi rảnh rỗi. Cứ chụp như thế được 2 năm, đến một ngày mình tự đặt câu hỏi: “Chụp những thứ này để làm gì nhỉ?”. Cứ loay hoay chụp mấy bà nhăn nheo ngoài phố hay mấy bác nông dân khổ cực, những người mà mình còn chẳng hay biết, chẳng có một mối liên hệ nào. Về mẹ cũng bảo là “Nhà có bà già 80 tuổi sắp chết kia kìa, ảnh thờ thì không có, suốt ngày cứ chụp mấy bà già ở đâu ấy”. Thế nhưng mà mình vẫn không chụp đâu nhé, bà mình phải ra studio chụp.
Nói chung, phải có trải nghiệm thì mới nhận ra được. Càng chụp nhiều, mình càng trân trọng những điều bình dị xung quanh hơn. Nhiều khi không phải thích rồi làm đâu, mà do sau này tự bản thân có ý thức hơn, nhận ra rằng đó là việc phải làm.
Sau khi đi được nhiều, trải nghiệm nhiều và có sự thay đổi về thế giới quan, liệu đây có phải là hệ quy chiếu để chị tìm ra những điều thú vị xung quanh?
Khi còn đi học, mình luôn mong muốn sẽ được đi du học, đúng kiểu một đứa con gái mơ mộng. Lúc đấy thấy Hà Nội bẩn mà lại chẳng có gì thú vị, được sống ở một nơi khác thì chắc thú vị hơn nhiều, như châu Âu hoa lệ chẳng hạn. Sau này có cơ hội được đi châu Âu rồi thì mới thấy chắc chẳng ở quá được 2 tuần, cứ nghĩ đến việc hàng ngày leo lên cái tàu điện đi từ đây đến kia, hẹn ai cũng phải đi trước từ hai tiếng thì… (mỉm cười, nhún vai).
Sau mới nhận ra rằng Hà Nội với mình vẫn là nơi tuyệt vời nhất, không đâu nhiều năng lượng như Hà Nội. Châu Âu thì cuộc sống hoàn toàn là sau những cánh cửa, trên đường bạn chỉ thấy khách du lịch thôi, khó để thấy được đời sống thực sự của những thành phố ấy. Hà Nội thì hoàn toàn ngược lại, mọi thứ cứ bày hết ra trên đường phố. Một anh bạn mình tới Hà Nội đã vô cùng sốc khi đi bộ ngoài đường thôi mà thấy gia đình người ta ăn cơm ở trong nhà, cuộc sống riêng tư ở đây cũng được bày ra đường. Hà Nội có nguồn năng lượng rất tích cực, bốn mùa khác nhau, thậm chí từng khung giờ trong ngày tại thành phố này cũng khác. Càng đi nhiều thì mình càng yêu Hà Nội, nó đúng là thiên đường cho nhiếp ảnh.
Khi đã sống ở đây lâu và hiểu nơi này, chị có còn gặp bất ngờ, gặp những cái mới lạ khi đi chụp không?
Bất ngờ nhiều chứ. Kể cả một cái ngõ mình đã vào rất nhiều lần nhưng sau một năm hai năm nó sẽ thay đổi, người mới có thể chuyển đến hay là ai đó mất đi…
Cái rõ nhất khi mà mình chụp ảnh là mình sẽ nhìn mọi thứ chi tiết hơn. Nó vừa rộng hơn nhưng lại chi tiết hơn. Có những thứ mình sẽ không thấy nó đẹp nếu mình không phải là người chụp ảnh. Mình chỉ thấy nó cũ, nó bẩn thôi chẳng hạn. Càng đi nhiều, mình càng cảm thấy hụt hẫng nếu không có gì đó để giới thiệu với bạn bè về chính nơi mình sinh ra và lớn lên. Hay như khi làm triển lãm, mình luôn muốn giới thiệu những tác phẩm được thực hiện tại Hà Nội hay Việt Nam hơn là những dự án ở nơi khác.
Sau mỗi năm, cá nhân mình nhìn mọi thứ khác đi và bản thân những điều xung quanh tự nó cũng chuyển mình để khác đi. Và mình cũng hay quên nữa nên việc chụp ảnh mang ý nghĩa lưu trữ rất lớn với mình. Chỉ cần xem lại một tấm ảnh là mình lập tức nhớ như in và tự hình dung lại khung cảnh lúc đó, vào thời điểm nào, nói chuyện với ai, điều gì đang diễn ra,… Chỉ có nhiếp ảnh mới làm được điều đó.
Vậy khi chụp bố trong bộ ảnh “Như Là Bố Thôi”, chị có nhận ra điều gì về bố mà trước đó chưa nghĩ tới không?
Mình là đứa rất thân với bố. Bố mình là dân triết học, nên mỗi khi định thực hiện dự án gì mình đều chia sẻ với bố và ông luôn là người giúp đỡ về mặt lý thuyết. Khi thực hiện bộ ảnh này, mình chỉ thêm khâm phục bố nhiều hơn. Khi bạn bệnh tật và xấu xí, bạn sẽ không muốn ai nhìn thấy mình trong hoàn cảnh ấy, vậy nhưng ông hiểu và thông cảm cho công việc của mình. Ngày xưa bố mình cao to, đẹp trai lắm, nhiều cô mê, nhưng khi bị bệnh thì sụt cân và mất thần thái rất nhanh. Một mặt, ông cũng trân trọng việc ghi lại khoảnh khắc ấy, tuy không đẹp đẽ nhưng là cột mốc quan trọng của cuộc đời. Khi ấy mình biết là đã đến lúc phải chụp cho gia đình vì mình rất sợ không biết bố có vượt qua được hay không.
Liệu chụp người thân có dễ hơn chụp nhân vật mới?
Chụp người thân mới khó chứ! Với mình người mình đã quá hiểu, đây tự nhiên trở thành một rào cản gây áp lực cho cả mình và người được chụp.
Mình sẽ không bao giờ hài lòng được vì mình quá hiểu người thân và sẽ không bao giờ thể hiện hết được những gì mình muốn trong ảnh.
Vì sao chị lại chọn chụp những điều gần gũi? Chị có tiếp tục theo đuổi điều này cho những dự án tiếp theo?
Vì bản thân mình là người gần gũi thôi! Mình không làm khác đi được. Ví như mình không chụp được đám đông vì mình không có sự kết nối nào với những người trong đám đông ấy. Nếu không nói chuyện, tiếp xúc với nhân vật thì mình chịu không biết chụp thế nào. Mình làm nhiều assignment liên quan đến đám đông thì đều đổ bể cả, không cố được, không phải là mình.
Theo chị, làm thế nào để những chủ đề cá nhân có tính lan tỏa, đến được với nhiều người?
Quan trọng là mình phải thích cái đã. Lan tỏa hay không là chuyện sau này. Có nhiều người chụp hay nhưng không gặp thời điểm thì cũng không lan tỏa được. Cứ làm những điều mình thích, nếu có thẩm mỹ cao thì rồi người khác sẽ thích thôi. Thấy liên quan được thì liên quan, không ép ai phải thích. Mình sẽ chỉ là người kể chuyện và chuyện thì sẽ có người nghe, có người không.
Maika Elan là một nhiếp ảnh gia tư liệu tập trung vào các vấn đề xã hội hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Cô nhận được Giải Nhất hạng mục Vấn Đề Đương Đại tại World Press Photo 2013 cho bộ ảnh The Pink Choice về tình yêu và cuộc sống của những người đồng tính tại Việt Nam.
Kết nối với Maika Elan tại Facebook và Instagram.