Ảnh của Mắt Bét mơ hồ, có gì đó lẩn tránh bởi dù chụp chân dung mà chẳng mấy tấm thấy được mặt nhân vật. Chúng có phần bừa bãi, không theo quy tắc nào và có thể tạo sự khó chịu với những người đã quen mắt với hình ảnh được căn ke cẩn thận hoặc chứa nhiều thông tin. Nhưng nhìn lâu hơn, cảm giác tách biệt, bối rối, mâu thuẫn hay gọi tên chung hơn là nỗi buồn mông lung của tuổi trẻ càng hiển hiện. Dưới đây Mắt Bét trải lòng về chụp ảnh như một phương pháp trị liệu cho bản thân và cách để hình ảnh hoá những cảm xúc không mời mà tới.
Mắt Bét bắt đầu chụp ảnh như thế nào?
Mình đến với nhiếp ảnh từ hai năm trước khi bị thất tình. Lúc đó, mình tìm kiếm một thú vui để giải trí, không rõ lý do gì mà mình chọn mua máy ảnh. Lúc đầu mình có một chiếc Canon QL nhưng không ưng ý lắm, sau đó mua máy point and shoot Olympus Mju III và dùng tới bây giờ. Mình thích Mju đơn giản vì nó tự động lấy được khoảnh khắc nhanh, có flash chụp trong điều kiện thiếu sáng và màu của nó chân thật, không mơ mộng.
Mình cũng thích chụp ảnh từ lâu lắm rồi, nhưng sự kiện đó mới thúc đẩy mình chụp ảnh mạnh mẽ hơn. Bây giờ mình hình thành cái nhìn là dùng ảnh để bộc lộ cảm xúc.
Đó là những cảm xúc gì?
Mình chụp ảnh trong trạng thái muốn bày tỏ, bộc lộ một điều gì đó trong lòng, có thể là nỗi buồn hay sự cô đơn mà không thể diễn đạt bằng lời. Những người mình chụp đều là bạn bè, họ đồng cảm với mình hay bản thân họ cũng đang trải qua tâm trạng đó. Có thể là bọn mình sẽ cùng nhau đi chơi rồi nảy ra ý tưởng chụp, một số ảnh chụp tình cờ, một số sắp đặt.
Mình đã coi Instagram là nơi bày tỏ cảm xúc, mình từng viết rất nhiều và có một cô bạn thân đã trách mình về việc đó. Sau đó mình cảm thấy rất sợ và một thời gian dài sau mình thấy khá năng bộc lộ bằng lời của bản ngày càng mai một. Ảnh giúp mình làm chuyện đó.
Vậy nhiếp ảnh có thực sự giúp Mắt Bét cảm thấy tốt hơn?
Nếu xem việc chụp ảnh như cách để giải khuây thì mình coi như đã thành công. Có thể nói nhiếp ảnh là cách mình kết nối với mọi người cũng như hiểu bản thân mình hơn. Ví dụ như mình chấp nhận việc cảm xúc sẽ tới và hiểu rằng nên chấp nhận nó thay vì đấu tranh với nó. Cứ buồn một thời gian cho tới lúc chán nỗi buồn đó rồi sẽ trở lại trạng thái cân bằng. Đó là lí do vì sao dạo này mình ít ảnh vì mình đang vui.
Có những người bảo ảnh của Mắt Bét giống của người nọ người kia, bạn nghĩ sao?
Mình cảm thấy bình thường. Bởi họ có nói thì mình vẫn chụp như vậy, không khác được. Có nhiều người bảo ảnh mình giống Ren Hang, mình cũng không hiểu vì sao. Mình tự thấy có ảnh hưởng từ Yatender và Thy Trần vì mình theo dõi ảnh của hai chị từ những ngày đầu tiên chụp. Còn bảo tự mình có thấy giống không thì câu trả lời là không, vì ảnh cần được xem không chỉ về mặt thị giác mà còn về mặt tinh thần.
Mắt Bét có kế hoạch gì với ảnh trong tương lai không?
Lúc chụp mình không lên kế hoạch rằng người xem sẽ cảm thấy điều gì đó, nó là thứ ích kỷ, là những cái gây ấn tượng về mặt thị giác nên mình lưu lại chứ không nhằm truyền tải thông điệp.
Mình không khẳng định điều gì và cũng không ép bản thân, cái gì tới thì sẽ tới.
Mắt Bét 22 tuổi, hiện là sinh viên năm 3 ngành Tiếng Anh Thương Mại tại Đại học Mở tp.HCM. Cô chủ yếu chụp bạn bè xung quanh mình với chiếc Olympus Mju III như một cách để tự sự và để chính mình cảm thấy được đồng cảm. Mắt Bét đã tham gia The Reel Series 2 với bộ ảnh “Mắc Kẹt”. Kết nối với Mắt Bét tại Instagram.
Ones To Watch là một chuỗi bài giới thiệu những nhiếp ảnh gia tiềm năng tại Việt Nam thuộc tất cả các thể loại nhiếp ảnh qua một cuộc trò chuyện ngắn. Nếu bạn muốn đề cử bất kỳ ai hoặc chính bản thân mình cho Ones To Watch, đừng ngại nhắn cho Matca biết qua Facebook, hashtag #matcaotw hoặc hello@matca.vn.