Lê Xuân Phong đã theo học Đại học Ngoại thương đến năm 3 rồi mới bỏ ngang để thi lại vào khoa Nhiếp ảnh nghệ thuật, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nhưng con đường học hỏi của anh không dừng lại tại đó. Trở về từ Angkor Photo Workshop 2018, Phong chia sẻ với Matca trải nghiệm chụp ảnh tại một nơi xa lạ, sự thay đổi trong thực hành của cá nhân và việc đối mặt với những mất mát trong cuộc sống nhờ hình ảnh.
Quyết định theo học nhiếp ảnh chính quy đã đến với Phong như thế nào?
Vào trường Sân Khấu Điện Ảnh cũng là một quyết định rất ngây thơ. Hồi đó mình nghĩ kiếm tiền từ ảnh rất đơn giản, vào trường học để có môi trường rồi sau này con đường sẽ sáng ngời (cười). Mình may mắn vì ở trong lớp có nhiều cá nhân thích nhiếp ảnh, thầy chủ nhiệm và chuyên ngành chính đã truyền đạt nhiều bài học tâm đắc. Giáo trình đào tạo trong trường hướng mình đến thực hành ảnh đường phố và tư liệu truyền thống; mình cũng có được niềm vui từ việc tạo ra hình ảnh cũng như quan sát cuộc sống con người. Học nhiếp ảnh theo hướng cổ điển không xấu, nhưng nó không đủ cho những gì mình muốn làm. Vậy nên mình đã tham gia các khoá học ở ngoài để tiếp thu những xu hướng mới.
Phong đã chuyển dần từ việc chụp ảnh phóng sự đời thường tới ghi lại những chủ đề cá nhân, ví dụ như sự mất mát trong gia đình. Liệu có thời điểm cụ thể nào đánh dấu sự chuyển tiếp này?
Ảnh đơn giản là tư liệu của cuộc sống của mình. Năm nay mình dành nhiều thời gian cho gia đình hơn và nghiễm nhiên hình ảnh cũng xoay quanh cuộc sống riêng.
Mình không thoải mái với việc xem lại những tấm ảnh này một mình, chúng quá rõ nét và ám ảnh. Mình chỉ mới giới thiệu chúng tới vài người để có thể dần đối mặt và chấp nhận những gì đã xảy ra. Chụp ảnh lúc ấy là bản năng, một cách để phản ứng với những gì xung quanh. Sau này nghĩ lại, mình nhận ra những lúc ấy đang chụp như một cơ chế phòng vệ, để nhìn mọi thứ gián tiếp qua ống kính và khiến thời gian trôi nhanh đi. Mình không nghĩ đến việc làm dự án, nhưng mọi thứ cứ tiếp diễn và mình cảm thấy phải ghi lại những giây phút này, dù chúng có đau thương nhưng vẫn rất quan trọng với mình và người thân.
Phong có thể chia sẻ về khoá học Angkor Photo Workshop đã tham gia gần đây nhất?
Đầu tiên là mình phải sang một nơi xa lạ, không biết có gì ở đó. Thời điểm trước khi sang Angkor mình vừa trải qua mấy chuyện khá nặng nề, vậy nên mình không muốn làm gì yêu cầu cao về mặt tình cảm. Ban đầu mình đề xuất chụp một người phụ nữ chuyên cứu hộ mèo ở Siem Reap nhưng không thành công, vì nhân vật khó tiếp cận và mình không biết sẽ khai thác gì về mặt thị giác.
Ý tưởng đến bất chợt khi quyết định đi ăn tối một mình để suy nghĩ. Mình chợt nhận ra ở nhà rất hiếm khi ăn tối một mình mà sẽ ăn với gia đình hay bạn bè, nên lúc ấy thấy rất lạc lõng và cô đơn. Mình ra chợ đêm ở Đại lộ 60 nơi người dân địa phương thường tụ tập vui chơi cùng người thân và hỏi chuyện những nhân vật cũng đi ăn một mình. Bộ ảnh cuối cùng mang tính hư cấu nhưng dựa trên những trải nghiệm thật, và xem xét lại thì nó cũng phản ánh những gì mình đang trải qua.
Phong đã rút ra bài học gì từ lần đầu thực hiện dự án ảnh ở một nơi xa lạ?
Năm nay, gần như 100% ý tưởng ban đầu mà học viên đề xuất đều bị bác bỏ. Người hướng dẫn ở Angkor Photo Workshop luôn hỏi học viên những câu cá nhân như: bạn đến từ đâu, muốn làm gì, tại sao, có gì liên hệ đến bản thân? Vậy nên hãy chuẩn bị tâm thế trung thực và làm những gì xuất phát từ bên trong. Đừng xem trước những gì người khác đã từng thực hiện ở đây để làm theo, không có ích lắm vì thực tế chắc chắn sẽ khác.
Tuy vậy, sang một nơi xa lạ trong thời gian ngắn và mong muốn làm gì quá sâu sắc chưa chắc đã là ý tưởng phù hợp. Ví dụ như ý tưởng chụp mối quan hệ với bố mẹ – tại sao không làm ở nhà mà lại phải sang một đất nước khác?
Sau Angkor Photo Workshop là gì?
Sau khi tham gia các buổi toạ đàm và nghe tâm sự của người hướng dẫn thì mình vẫn thấy hơi mông lung về con đường tương lai. Vì ở Việt Nam, ngoài làm báo với làm thương mại ra thì chẳng biết còn lựa chọn nào khác.
Những người thầy trong ba khoá học ngắn mình đã tham gia có điểm chung là đều làm nghiên cứu hoặc chụp ảnh dài hạn. Dần dần, mình không còn sử dụng ảnh như một phương thức mô tả đơn thuần nữa mà hướng tới việc thể hiện một điều gì đó. Cách chụp bây giờ cũng đã thay đổi rất nhiều, mình muốn làm gì đó sâu sát với bản thân hơn, chậm rãi và dài hạn hơn. Trước giờ mình vốn chụp nhanh và bản năng, chủ yếu chờ đợi để bức ảnh tới, nhưng giờ mình nhận ra phải suy nghĩ chủ động hơn.
Mình sẽ tiếp tục làm dự án cá nhân, vẫn chụp gia đình nhưng theo một cách khác. Giờ vẫn đang là khoảng thời gian trong trường và mình không chịu quá nhiều áp lực về mặt tiền bạc.
Lê Xuân Phong hiện đang theo học ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Các dự án cá nhân hiện tại của Phong xoay quanh mối quan hệ của Phong với gia đình và thành phố nơi anh đang sinh sống. Kết nối với Phong qua Instagram.
Ones To Watch là một chuỗi bài giới thiệu những nhiếp ảnh gia tiềm năng tại Việt Nam thuộc tất cả các thể loại nhiếp ảnh qua một cuộc trò chuyện ngắn. Nếu bạn muốn đề cử bất kỳ ai hoặc chính bản thân mình cho Ones To Watch, đừng ngại nhắn cho Matca biết qua Facebook, hashtag #matcaotw hoặc hello@matca.vn.