Tại trung tâm thể nghiệm phim và hình ảnh Hanoi Doclab (2009 – 2019) do nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi sáng lập, nhà quay phim người Mỹ Jamie Maxtone-Graham đã đã thực hiện chuỗi khoá học nhiếp ảnh dài hạn tập trung vào những vấn đề thiết thực của sự nhìn. Với tự do sáng tạo và khuyến khích sáng tác về những chủ đề nằm sâu trong mỗi cá nhân, những tác phẩm từ khoá học có thể xem như những cuộc giải phẫu xã hội Việt Nam đương đại từ góc nhìn của những người thực hành trẻ. Năm 2022, ba năm sau khi Hanoi Doclab ngừng hoạt động, khóa học tiếp tục diễn ra tại Không gian Nhiếp ảnh Matca. Sự tái tục này cùng các thành quả từ học viên mới cho thấy những không gian nghệ thuật độc lập của Hà Nội vẫn tái sinh trong những diện mạo khác, như một dòng chảy ngầm luôn cựa quậy, bạo dạn và giàu năng lượng như chính cơ thể của thành phố này.
Nếu ví Hà Nội như một vùng đô thị tưởng tượng, bạn sẽ hình dung nó như thế nào? Là sự tiếp nối của những trưng bày tổng kết khoá học trước đó, Autopsy of Days (2013), Hội Chẩn (2018) và một buổi trình chiếu tại không gian cuối cùng của Doclab năm 2019, sự kiện Thuyên Giảm đưa ra những câu trả lời đề xuất. Vào cuối tháng 5/2023 tại Manzi Art Space, các tác phẩm được giới thiệu theo hình thức trình chiếu cùng live DJ, không kèm bài phát biểu hay chú thích, nhấn mạnh tính thoáng chốc, bên lề và tụ hợp cộng đồng. Tôi đọc chín bộ ảnh của chín tác giả trẻ như mở ra những lối vào đầy tính phản địa đàng của một vùng trung tâm địa chính trị đặc thù ở Đông Nam Á, với nhiều khoảng hở, theo nhiều trục không thời gian, dọc ngang và cả những bề mặt siêu hình hay miền tiềm thức tâm linh.
Lối Vào Thứ Nhất: Một Đô Thị Mới Cứ Thế Tràn Ra Theo Bề Ngang, Xâm Lấn Và Bị Xâm Lấn/Kháng Cự Vào Các Vùng Đồng Quê - Nguyễn Hoàng Kiên
Bộ ảnh mở ra bằng cánh cổng sắt nằm giữa những bụi cỏ dại và cây xanh. Hậu cảnh là một mô đất đang xây dựng, xa xa là toà chung cư cao tầng. Chúng ta (người xem) đứng trong chạng vạng/rạng sáng ở lối vào của vùng đất đô thị giáp ranh nông thôn. Đây cũng là nơi đất đô thị mới của Việt Nam mọc lên nhiều nhất trong những năm gần đây, khi các thành phố trong nước quy hoạch đô thị mở rộng về bề ngang thay vì hướng lên dọc lên cao. Đề tài này không phải là mới trong thực hành phim và ảnh của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á trong những năm gần đây, nhưng lại khá đặc thù với mô hình đô thị của nước ta.
Một điểm xuyên suốt trong bộ ảnh này là ranh giới mập mờ giữa đô thị và nông thôn. Golf thủ đứng bên đàn trâu ở cùng mặt phẳng tiền cảnh, trên nền các chung cư cao tầng mới mọc lên phía xa. Một số cư dân vẫn giữ nếp sinh hoạt từ thời nhà ngói ba gian, như hai bố con cùng tắm trên ang nước ngập sâu gợi về truyền thống tắm ao nơi làng quê, hay người đàn ông soi đèn như thể đang đi bắt ếch đêm sau cơn mưa đầu mùa.
Những vũng nước không thuộc về ai là hệ quả của quy hoạch đô thị cập rập, cũng là tương lai ngay dưới chân của những đứa trẻ hồn nhiên đang chơi đùa giữa những công trình xây dựng. Cô tiếp viên hàng không bận áo dài đỏ thắm, biểu tượng của thân thiện và hoà nhã, trớ trêu lại được nhân bản và bày la liệt ngay ngoài hàng rào dây thép quanh công trình dang dở giữa trời. Xin chào Thế Giới Mới Tươi Đẹp!
Lối Vào Thứ Hai: Yêu Là Vui Hay Yêu Là Đau - Bùi Đức Thảo
Bộ ảnh mở ra một không gian của trò chơi. Những quả bóng bay nhiều màu, một ly vang đổ tràn, một thanh kẹo mút bị ai đó bỏ lại nằm chơ vơ. Khuôn miệng mở to của một chàng trai đang ngậm một bông hoa lởm chởm như lông mũi của anh ta. Liệu có ẩn ý gì về dục tính của đàn ông, ở xã hội nhìn nhận con người chỉ bình thường khi có khả năng sinh sản? Một mâm bồng bằng bạc thay vì dâng cỗ oản lại trưng những quả mướp đắng sần sùi gợi đến dương vật. Hình tượng dương vật tiếp tục xuất hiện trong các ảnh tiếp theo, không trọn vẹn mà bị phân mảnh, oặt ẹo hay bị tăm găm đầy. Cơ thể mẫu nam trong đây cũng vậy, cúi khuất khỏi khuôn hình cạnh bông sen cong gập sang một bên. Xã hội chuyển mình kéo theo thay đổi về tự do tính dục, khiến người trẻ khám phá tình dục với tâm thế cởi mở hơn, bớt dằn vặt với những uẩn ức. Bộ ảnh mang đến hơi thở nghịch ngợm, trêu ngươi, dù trong đó cũng tiềm tàng nỗi đau.
Lối Vào Thứ Ba: Vùng Viễn Tưởng Pha Kinh Dị - Thạch Minh Hiếu
Ánh sáng trắng gắt từ flash trực diện đã chuyển hoá đời sống sinh hoạt thường nhật của Hà Nội thành một không gian viễn tưởng, rùng rợn xen lẫn hài hước. Tác giả đặt nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau vào trung tâm của khuôn hình. Một người đàn ông cởi trần tạo dáng như lực sĩ khoe hình xăm trên cánh tay, mang kính râm màu sâu róm ăn ý với chiếc dây chuyền vàng to bản; cả dòng chữ quảng cáo và người đàn ông đều đang ra sức “chào hàng” trước máy chụp hình. Một bức hình khác ý nhị phô bày tương quan quyền lực giữa nam và nữ. Một người phụ nữ trẻ điệu đàng tạo dáng trước ống kính, với góc chụp nhấn mạnh vị trí cao hơn so với người đàn ông đứng tuổi đang quỳ gối chụp hình cho cô, và người đàn ông ở hậu cảnh đang ưỡn ngực tập thể dục. Cũng có những khung hình chớp lấy những bố cục tuỳ tiện của thủ đô, nực cười mà cũng có phần âu yếm.
Vào Thứ Tư: Giải Trung Tâm, Giải Quyền Lực Của Người Queer Bằng Cơ Thể - Dan Ni
Bộ hình trưng diện cơ thể khoả thân của chính tác giả ở nhiều không-thời gian, trong các công trình đang xây dựng ngổn ngang lẫn trước các đền đài lăng tẩm đã sừng sững từ thiên niên kỷ trước. Cơ thể của một người phi nhị nguyên giới (nonbinary) đặt giữa cơ thể của các phong cảnh khác nhau như xoá nhoà ranh giới của trong/ngoài, riêng tư/công cộng, trên bờ/dưới nước, bên này/bên kia. Chàng hoàng tử/nàng công chúa từ đâu giáng hạ xuống nhân gian bằng tấm thảm bay làm từ tấm ga giường hay khăn tắm. Tác giả chiếm dụng không gian công cộng lẫn các điểm vàng trong bố cục ảnh, như một cách thức giải quyền lực đối với xã hội độc tôn dị tính mà những đền đài lăng tẩm là chỉ dụ của nghìn năm văn hiến. Dường như vùng đô thị tưởng tượng nãy giờ ta đi vào đã bị lay chuyển trung tâm cũng như các cơ cấu quyền lực.
Ở những chân dung kết hợp cùng nhân vật khác, không rõ là ngẫu nhiên hay chủ đích mà họ đều nhìn ra ngoài khung hình, không công nhận sự hiện diện của chủ thể lẫn máy ảnh. Chủ thể queer vốn luôn phải chịu đựng, trở thành tâm điểm của mọi cái nhìn lên/xuống/vào cơ thể, ở đây xuất hiện bình đẳng và bình thản. Tuy Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á nay được coi là khá cởi mở với cộng đồng LGBTQ+, nhưng khu vực này lại tồn tại thứ bạo lực mềm, mang danh nghĩa tôn giáo và truyền thống để từ từ siết cổ người queer hay bất cứ ai không theo hệ giá trị dị tính chuẩn mực (nhớ đến trình diễn “Bay lên” của Lại Thị Diệu Hà hơn 10 năm trước). Trong một bức khác, tác giả đặt mình vào giữa đám vật liệu xây dựng, bố cục tạo ra một lực kéo – đẩy vô hình người đang (tìm cách) đứng vững. Bức hình cũng như toàn bộ tác phẩm chất vấn cả quá khứ lẫn khao khát tương lai nay còn để ngỏ.
Lối Vào Thứ Năm: Vùng Sân Sau Lặng Lẽ Từ Một Cái Nhìn Không Kém Phần Quyết Liệt - Hoàng Thảo
Một cuộc đào thoát trong vở kịch đen trắng không lời. Bộ ảnh của Hoàng Thảo theo dõi diễn biến kịch tính nào đó giữa hai chàng trai cởi trần và một cô gái với nét mặt ủ dột như cô Mị, không rõ ở toạ độ nào, thế kỷ bao nhiêu. Họ như đang ở vùng sân sau của đô thị, nơi không còn cây cối gì mà chỉ còn những bãi đất cày xới bên cạnh những vũng nước đục ngầu. Họ úp mặt vào nước, lặng lẽ dựa tường trong căn nhà bỏ hoang hương khói nguội ngắt. Có phải những người thân khác, giới trẻ nông thôn đã lên thành thị kiếm sống, bỏ lại làng quê trống không hoang tàn? Hai bức cuối đáng ngẫm. Cô gái đứng giữa khối nhà chênh vênh như sắp đổ còn chàng trai thì như thể đang được tái sinh, thoát ra từ thùng nước rỗng.
Lối Vào Thứ Sáu: Đức Phật Sẽ Tái Sinh Ở Đâu Trong Kiếp Này? - Vũ Khôi Nguyên
Bộ ảnh bắt đầu và kết thúc bằng những viên thuốc. Cảm giác bệnh tật cũng hiển hiện rõ qua hình chùm bóng xịt sót lại sau bữa tiệc tàn, nom giống khối u hay tràng trứng gà non xuất hiện trên poster của Thuyên Giảm. Dường như đang trong cơn bạo bệnh giữa đêm buông, một chàng trai mắt nhắm nghiền như chờ đợi phán quyết cuối cùng, để rồi thấu thị được những đấng siêu nhiên hiển linh giữa các bề mặt, ranh giới, không gian ngưỡng.
Cảnh quan phố thị về đêm hiu quạnh, những luồng sáng nhân tạo từ đâu hiện ra. Chúng ta không thấy gì ngoài các lối lên xuống các tầng không-thời gian khác nhau. Bóng tối bao bọc và an ủi con người ở lằn ranh sống chết, còn thánh thần cũng lẩn khuất giữa đường biên siêu hình và thực hữu.
Việt Nam hiện đang xây dựng những ngôi chùa to nhất Đông Nam Á. Đức Phật sẽ tái sinh ở đâu nếu ngài hiển linh trên đất nước này, có phải giữa những sơn son thiếp vàng của quần thể triệu đô. Không, bộ ảnh đầy tính chiêm nghiệm và trực cảm hiện sinh dường như mách bảo ta rằng ngài sẽ hiển linh trên những chiếc xe ô tô mui trần hạng sang còn tử thần sẽ mang dáng dấp của một cán bộ xách cặp táp hút thuốc trên đường về nhà. Cả hai dường như mách bảo chàng nhân vật đang chống chọi với bệnh tật rằng “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” như lời sấm kinh điển của đức Jesus với các tông đồ.
Lối Vào Thứ Bảy: Của Ảnh Và Chó, Hồ Anh Vũ
Không phải nước Mỹ thời Đại khủng hoảng trong tiểu thuyết “Của người và chuột” bởi John Steinbeck, mà là Việt Nam thời hiện đại với “Của ảnh và chó” bởi Hồ Anh Vũ. Chuỗi ảnh được chụp đa phần từ những góc máy thấp, ngang tầm mắt chó. Chó sinh hoạt thản nhiên trong thế giới riêng của mình, là nhân vật chính, đôi khi đại diện thay cho người/chủ. Hồ Gươm giữa lòng Hà Nội hiện lên như thế giới đó đây như trong các thước phim tài liệu do Sir David Attenborough lồng tiếng. Những con chó đùa vui, làm tình, hít đít nhau và phóng uế giữa khuôn hình: Thế giới này là của chó. Cách bố cục cắt bỏ mặt người và góc máy ngang bằng động vật cho thấy sự ngây thơ và từ chối văn minh rất bản năng của loài vật. Tuy vậy, hai bức ảnh cuối kéo ta trở lại thực tại: chúng vẫn chỉ là loài ở chiếu dưới con người.
Lối Vào Thứ Tám: Chính Trị Căn Tính Của Người Trẻ Da Màu, Nguyễn Vân Nhi
Bộ ảnh thể hiện cá tính chụp ảnh chân dung tiềm năng, từ cách chọn tông màu tới phối cảnh và bố cục nhân vật trong khuôn hình. Những bức chân dung dường như đặt các nhân vật vào một vùng không trọng lượng giữa các đạo cụ cầu kỳ được làm từ chính các đồ vật thường ngày của con người bản địa. Việc tác giả gài cắm những tấm bản đồ ở phần hậu cảnh như mời người xem vào một hành trình khám phá. Một số bức ảnh khảo sát danh tính và bản dạng giới của người trẻ trong các không gian, thời gian và khuôn mẫu khái niệm thú vị – như bức ảnh chụp hai người nam ngồi trong tư thế Đức Mẹ cứu rỗi kiểu pieta.
Bộ ảnh hiện nhận được sự quan tâm của nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có Aperture Portfolio Prize 2023. Tuyên ngôn nghệ sĩ khẳng định rằng cô muốn phản bác những định kiến liên quan tới quá khứ thuộc địa và chiến tranh, thách thức cách người da màu, tức chúng ta, được nhìn nhận trong lịch sử nhiếp ảnh và trong nhận thức tập thể của Tây phương. Câu hỏi đặt ra là, liệu bộ ảnh có đang xoá bỏ tính tự chủ của nhân vật để thể hiện một cái nhìn từ bên ngoài? Liệu có mâu thuẫn nào giữa mục đích và tác động trong loạt ảnh này? Nghệ sĩ muốn đối chọi lại quá khứ chiến tranh nhưng lại bám vào chính quá khứ ấy để tác phẩm thêm sức nặng; muốn trao trả quyền lực cho người bản địa nhưng lại vô tình tạo ra một cái nhìn có phần áp đặt với chính người bản địa được chụp.
Nổi bật nhất trong bộ ảnh có lẽ là bức hình chụp nhân vật giấu mặt đang “vạch áo cho người xem lưng” trên vỉa hè. Cử chỉ quay lưng như chống lại chính cái nhìn của người chụp: vừa hợp tác vừa phản kháng, phơi bày nhưng đồng thời không tiết lộ.
Lối Vào Thứ Chín: Album Ảnh Gia Đình Kiểu Mới - Nguyên Hà
Có vẻ như tác giả chụp ông bà mình: những người mẫu sẵn có, vốn thừa sự bao dung và sẵn sàng chiều lòng những yêu cầu từ cậu cháu. Dấu vết của thời gian in trên gương mặt và cơ thể người già, nhăn nheo, chảy xệ, đôi khi bầm tím, xen lẫn những bức hình chụp thức ăn – những gì duy trì sự sống nhưng lại đang phân huỷ và mục ruỗng. Những snapshot có cảm giác tự nhiên, ít tính toán trở thành một dạng ảnh gia đình thời nay – được chụp nhanh bằng điện thoại, bớt mang tính nghi thức, nhân dịp đặc biệt như trước kia. Một ngày như mọi ngày.
Xem lại trình chiếu tác phẩm tại đây.
Bài viết do Việt Vũ thực hiện và Hà Đào bổ sung.
Phạm Việt Vũ là nhà làm phim hiện đang thực hiện nghiên cứu tiến sĩ. Các tác phẩm phim, ảnh và dự án trình diễn của anh tập trung vào các cộng đồng bên lề ở các khu vực chính trị xã hội khác nhau, bao gồm Việt Nam, Bồ Đào Nha, Hungary và Bỉ.