Makét 02

Nửa Thế Kỷ Gắn Bó Với Nghề Sửa Máy Film Tại Sài Gòn

Chiều Sài Gòn cuối tháng 10, hành trình tìm người thợ sửa máy ảnh film kì cựu nhất Sài Gòn cuối cùng cũng dừng lại ở tiệm máy ảnh Phi Bằng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Quận 1. Bởi địa chỉ tìm được trên mạng đã thay đổi, tôi cũng phải loay hoay ít lâu trước đấy mới tìm được đến đúng người thợ này.

© Huy Tuan Nguyen

Chú ngồi ở một góc nhỏ ở đó, sau một chiếc tủ kính ngăn nắp những đồ nghề có gắn tấm bảng đề “Sửa máy ảnh”. Tôi đến cùng lúc chú vừa sửa xong một chiếc máy. Trao đổi qua, biết tôi đến để xin phỏng vấn, chú cười, từ tốn xếp gọn đồ lại. Câu chuyện bắt đầu trên nền âm thanh khe khẽ của chiếc radio để bàn. Một không gian hoài niệm.

Chuyện là về một anh thanh niên quê gốc Hải Dương lớn lên trên đất Sài Gòn, tình cờ bén duyên với nghề sửa máy ảnh ở tuổi 20. Lúc ấy là năm 1972. Anh thanh niên hồi đó chính là ông Nguyễn Văn Tần, năm nay 65 tuổi, người được cộng đồng chụp film gọi với cái tên thân thương “chú Tần sửa máy film”.

Chú Tần bắt đầu học nghề từ năm 20 tuổi từ hai người thầy là ông Nguyễn Văn Của và ông Lộc Thành ở Sài Gòn, những người mà theo chú giờ chỉ còn được biết đến bởi dân nhiếp ảnh “cựu trào”. Sau 5 năm học nghề dưới sự giám sát của thầy, chú Tần mới bắt đầu hành nghề độc lập. Bắt đầu chặng đường từ năm 1977 cho đến nay đã được tròn 40 năm, chú gắn bó với nghề sửa máy ảnh film chưa một lần bỏ dở. Giờ, việc sửa máy film với chú Tần giờ đã không còn đơn thuần là công việc nữa mà đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống riêng. “Máy film hay lắm, phức tạp, nhiều loại ‘bệnh’, mà càng sửa càng thích, không sửa lại buồn.”

© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen
© Hoang Nguyen

Sau khi đã chắc tay với máy film, chú cũng từng sửa qua nhiều loại máy khác nhưng rồi quyết định quay lại với cỗ máy theo chú là hay ho nhất. Với chú, máy ảnh số khi hỏng thường các bộ phận sẽ được thay thế nên với chú đó không gọi là sửa được. Còn trên máy film, chú có thể thao tác nhiều như tháo, sửa, lắp, đánh bóng máy; rồi lại có nhiều chức năng có thể bị trục trặc như tốc độ, khẩu độ, thước đo sáng… Sau nhiều năm mày mò, giờ khi sửa xong xuôi chú chỉ cần xem qua một lần là biết máy đã ổn cả chưa, rồi chùi cho thật bóng, đẹp mới nhắn khách đến lấy. “Chú quý máy của khách như máy của mình, sửa thì xong rồi nhưng không kệ máy dơ được. Cầm máy chú sửa xong thích lắm”, chú Tần cười, nói.

Dành nhiều tình cảm cho những chiếc máy ảnh như thế, chú rất ít khi từ chối nhận máy của khách, chỉ trừ những chiếc đã được tháo sửa nhiều lần, bên trong đã “nát” và không thể sửa được nữa. Đã thành thạo kĩ thuật sửa qua nhiều năm, rành hết các “bệnh” của máy film, chú Tần chỉ còn lo mỗi chuyện có sửa gấp được cho khách hay không. Đôi khi có người cần gấp để lo công chuyện mà sửa không đủ nhanh, rồi mở máy ra mới phát hiện thêm cái để sửa, lỡ trễ mất và làm khách thất vọng. Áp lực nghề với chú chỉ có ở chỗ đó.

Với ai chú cũng vậy, từ những người mới gặp như tôi tới xin phỏng vấn đến những người khách lạ và quen, ai tìm đến với chú cũng được coi là bạn để niềm nở chuyện trò. “Người đến càng nhiều thì bạn càng nhiều. Có nhiều người đến một lần, đến hai lần, sau đó đến hoài”. Có cả những khách ở tỉnh khác muốn sửa máy đã gọi điện cho chú, rồi gửi máy cho người quen đem đến trực tiếp tiệm của chú Tần. Một trong số những khách quen từ xa của chú là nhiếp ảnh gia kĩ tính hàng đầu Long Thành ở Nha Trang, người thường an tâm gửi những công cụ làm việc quan trọng của mình tới để làm vệ sinh, sửa hỏng hóc.

© Huy Tuan Nguyen

Tôi tò mò hỏi về những thăng trầm trong thị trường máy film và sự ảnh hưởng của công nghệ ảnh số tới sự nghiệp sửa máy trải dài đã gần nửa thế kỷ của chú. Chú nhớ lại Sài Gòn những năm 1970, hồi ấy thợ sửa máy ảnh film còn đông và rải khắp thành phố. Nhưng về sau khi máy số chiếm hữu thị trường, dần những người chơi film lẫn thợ sửa máy film thưa đi rồi rơi rụng gần hết. Nghề vốn thu nhập đã thấp, lại gặp lúc thời thế thay đổi, nhiều thợ sửa đành chọn cách từ bỏ, chuyển sang buôn bán máy hoặc nghề khác. Cho đến thời điểm vài năm trở lại đây khi máy film được nhiều bạn trẻ tìm hiểu trở lại, số người còn làm nghề sửa máy ở thành phố này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Địa chỉ tiệm thường xuyên thay đổi của chú cũng có nguyên do. Một phần vì lợi nhuận thu được từ việc sửa máy film không đủ để trang trải chi phí mặt bằng, một phần để thuận lợi hơn cho công việc, từ lúc bắt đầu vào nghề đến nay chú Tần đều ngồi ghép với một tiệm bán máy ảnh, bán film hoặc tráng film. Hễ tiệm có chuyển điạ điểm thì chú phải đi theo hoặc tự tìm một chỗ khác, rồi khách quen lại kháo nhau địa chỉ mới. Chú gắn bó với khu Nguyễn Huệ – Đống Đa lâu nhất, ở Huỳnh Thúc Kháng này mới sang được hơn một năm nay, sắp tới lại dời sang Trần Hưng Đạo. Kể ra thật nhiều bất tiện, nhưng với người đã gắn bó với nghề lâu đến thế thì có lẽ những khó khăn này cũng chẳng thấm vào đâu.

Băn khoăn, tôi hỏi rồi sau này tương lai nghề sửa máy ảnh film sẽ thế nào và chú có định truyền nghề cho ai không. Chú Tần chia sẻ với đôi chút tiếc nuối: “Có vài người đến xin chú dạy nghề nhưng họ toàn vì cơm áo gạo tiền, không đam mê nhiều, muốn chú dạy nhưng còn muốn nhận lương lúc còn học, thấy thế chú lại thôi.” Nhưng chú không vì đó mà bi quan, vì tin rằng vẫn có những bạn trẻ đủ thích mày mò và yêu máy film sẽ đến với nghề một cách tự nhiên, vì mọi thứ khá đơn giản, chỉ cần đam mê và cái tâm để gắn bó, còn đâu mọi đồ nghề dễ kiếm cả.

© Huy Tuan Nguyen
© Huy Tuan Nguyen

Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi hỏi thăm sức khỏe chú, mừng là sau nhiều năm sống cùng nghề sửa máy film, đến nay chú vẫn khoẻ mạnh và giữ phong độ đều đều sửa một ngày hai máy. Chú đặc biệt không làm ráng, luôn canh sửa máy sao để có thể nghỉ ngơi, ăn uống được đúng giờ, rồi cứ chiều xong việc thì chú về nhà tập thể dục mỗi ngày. Ở cái tuổi gần thất thập cổ lai hy, đam mê với nghề của chú vẫn như nguyên vẹn. “Chỉ sợ sức khỏe mình không có, chú lớn tuổi rồi mà, chứ còn sức khỏe mà có thì chú muốn gắn bó hoài thôi.”

*Thời điểm bài viết này được đăng, chú Tần đã chuyển sang địa chỉ mới ở số 107 Trần Hưng Đạo, Quận 1 cùng cửa tiệm Phi Bằng.