Makét 02

Như Xuân Hứa Và Những Đối Thoại Về Căn Tính Việt

Như Xuân Hứa không phải một cái tên lạ trong ngành nhiếp ảnh thời trang khi đã cộng tác cùng các thương hiệu hàng đầu và chụp nhóm nhạc BTS cho bìa tạp chí TIME. Sinh ra tại Pháp và hiện đang làm việc tại London, nhiếp ảnh gia gốc Việt để lại dấu ấn với những tác phẩm lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực và chơi đùa với ranh giới của khung hình. Nhưng sự tìm tòi của cô không dừng lại tại đó. Qua cuộc gọi Skype, Như Xuân Hứa trải lòng về hành trình tiếp nối với gốc gác Việt qua dự án đang thực hiện, và sự ảnh hưởng của những khám phá về căn tính cá nhân lên thế giới quan và quá trình sáng tác của mình.

Như Xuân Hứa: Thiên hướng nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ chính cha tôi, một người họa sĩ. Hồi còn nhỏ, tôi và cha thường vẽ cùng nhau, nhưng ông không bao giờ khuyến khích con mình theo đuổi nghệ thuật bởi chính ông cũng chật vật với nghề. 

Đến cuối năm trung học, tôi nhận ra nhiếp ảnh là công cụ tốt nhất để kể chuyện. Tôi chỉ có một mục tiêu là phải thành công trong lĩnh vực mình lựa chọn, bất kể khi gia đình luôn lo lắng về quyết định này. Tôi được nuôi dạy theo lối Việt Nam truyền thống và rất hiếm gia đình gốc Á nào coi nghệ thuật là công việc kiếm sống. Tôi hiểu rằng nếu đã quyết định theo đuổi nghệ thuật thì tiền bạc không thể là động lực duy nhất. Hẳn nhiên sẽ có thời điểm tôi phải có thu nhập từ công việc, nhưng đó không thể là vạch xuất phát.  

Tôi đã rất quyết tâm và tham vọng. Trong quãng thời gian đi học, tôi thực tập tại một studio và làm trợ lý cho nhiều nhiếp ảnh gia. Một trong số đó đã trở thành người hướng dẫn của tôi, ông có kỹ thuật và cách đánh sáng rất chính xác và phảng phất chất điện ảnh. Sau một năm, tôi nung nấu ý định rời Paris và chính ông đã động viên tôi đi theo con tim mình. Vậy là tôi bắt đầu cuộc sống mới ở London, một đất nước xa lạ với một ngôn ngữ khác và không một người thân quen. 

Tôi không thực sự đồng tình với danh hiệu nhiếp ảnh gia thời trang. Tôi chỉ coi bản thân là người kể chuyện. Tôi đam mê quá trình biến trí tưởng tượng thành hiện thực và luôn đón nhận chuyên môn và năng lượng của từng cá nhân sáng tạo khi làm việc nhóm. Tuy nhiên, từng có thời điểm tôi suy sụp do tần suất làm việc quá lớn. Tôi tự hỏi ý nghĩa những hình ảnh mình chụp là gì và thấy rằng cần phải bước tiếp. 

Dù khó khăn, London chính là điều tuyệt vời nhất bởi đây là nơi tôi đã khám phá ra nhiều điều về bản thân. Ở thành phố này, mỗi người đều mang trong mình một câu chuyện từ vùng đất nơi họ lớn lên. Cuộc trò chuyện xoay quanh văn hóa và sự đa dạng diễn ra thường ngày giữa bạn bè và những người đồng nghiệp. Chính vì vậy mà tôi đã có động lực tìm hiểu gốc gác Việt của mình, bắt đầu với lịch sử gia đình mà trước đó tôi chẳng mấy hiểu biết. Quá trình này đã ảnh hưởng sâu sắc tới cách tôi nhìn nhận xã hội và làm tác phẩm.  

Năm 2016, tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh và cùng mẹ tìm mua băng đĩa nhạc gốc từ thời chiến, thời điểm bà còn ở Việt Nam. Nhưng hiển nhiên chúng tôi đã không thể tìm được gì. Tôi hiểu rằng mình cần tiếp tục đào sâu.

Nhu Xuan Hua

Ít lâu sau, khi nhận được lời mời thực hiện dự án với chủ đề “trình diễn sân khấu” cho tạp chí Numero China, tôi đã nhân cơ hội này tìm hiểu thêm về nền âm nhạc Việt Nam. Tôi cần một ca sĩ Việt và một người mẫu đại diện cho chính mình – một cá nhân đang trên hành trình tìm hiểu di sản văn hóa. Cuối cùng, tôi liên lạc được với danh ca Hương Thanh, con gái Hữu Phước, nghệ sĩ cải lương lừng danh một thời. “Con trai của cô cũng trạc tuổi con”, cô nói vậy khi chúng tôi gặp nhau tại Paris. Cô rất hài lòng khi biết được mục đích nghiên cứu của tôi và khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục mở rộng góc nhìn và những câu chuyện về Việt Nam. 

Tò mò, tôi dành thời gian trò chuyện về âm nhạc và thi ca với cô Hương Thanh. Có vẻ như sự hoài niệm luôn hiển hiện trong mỗi tác phẩm. Tôi còn muốn đưa vào ảnh những lời thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Với vốn tiếng Việt ít ỏi, tôi không thể hiểu các tầng ý nghĩa của từng dòng thơ. Vậy nên tôi đã chủ đích để một khoảng cách mơ hồ giữa ý nghĩa thực của câu thơ và cách diễn giải của mình. Đối với tôi, thi ca không chỉ đơn thuần là sự kết nối của ngôn từ mà còn là âm điệu, tính nhạc và trạng thái cảm xúc được gợi lên. 

Danh ca Hương Thanh cũng chia sẻ rằng trên sân khấu, mỗi chuyển động tay đều tượng trưng cho một từ, ví dụ như có những cử chỉ biểu tượng cho “anh”, “em”, “con cá” và “mặt trăng”. Tôi thấy chi tiết này rất thú vị và câu nói ấy đã trở thành tiêu đề dự án.

Chất thơ của hình thể luôn hiện diện trong tác phẩm của tôi, đặc biệt là đôi tay và ánh mắt. Nỗi ám ảnh với ngôn ngữ cơ thể khởi nguồn từ sự thất vọng khi tôi không thể trò chuyện thấu đáo với cha. Nhiều năm nay, chúng tôi đã giao tiếp bằng một cách vô cùng đặc biệt, bởi ông nói tiếng Việt còn tôi nói tiếng Pháp, ông bị điếc trong khi tôi không biết ngôn ngữ ký hiệu, dù hai cha con đã từng rất thân nhau khi tôi còn nhỏ và không cần tới từ ngữ để biểu đạt cảm xúc của mình. Một cách vô thức, vấn đề này đã ảnh hưởng tới tôi trong cuộc sống cá nhân lẫn công việc, tới cả cách tôi đạo diễn người mẫu trong buổi chụp hình. 

Khi bắt đầu dự án cá nhân Tropism, tôi đã chủ động bước tới và trò chuyện với cha mẹ, tìm cách rút ngắn khoảng cách ngày một lớn dần kể từ khi tôi sống xa nhà. Thuật ngữ tropism (hướng động) có nguồn gốc từ lĩnh vực sinh học để mô tả phản ứng ở thực vật trước kích thích ngoại cảnh. Sau đó tác giả người Pháp Nathalie Sarraute sử dụng thuật ngữ này trong văn học, hàm ý chỉ những biến chuyển trong tinh thần hay thể chất con người trước những sự kiện trong cuộc sống. 

Dự án được xây dựng dựa trên những tấm ảnh gia đình tôi thu thập qua nhiều năm. Tôi tìm cách khám phá những ký ức bị bứng rễ và diễn giải những sự kiện khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ dẫu cá nhân tôi chưa trực tiếp trải qua. Khác với những dự án trước đây mà luôn được chuẩn bị, nghiên cứu và lên kế hoạch tới từng chi tiết, với Tropism, tôi đã lựa chọn hình ảnh và làm mờ nhoè những kí ức trong đó một cách rất bản năng. 

Những bí mật chưa từng biết về lịch sử gia đình khiến tôi choáng ngợp. Từ đó, tôi đang dần nhặt nhạnh những mảnh còn khuyết trong danh tính của mình, để hiểu thêm không chỉ về bản thân mà cả cha mẹ, truyền thống giáo dục và mối quan hệ trong gia đình, niềm tự hào và điều cha mẹ tôi mong để lại cho thế hệ sau. Tôi chỉ có thể biết ơn tất cả những gì họ dành cho tôi khi đã chịu cảnh ly hương để bắt đầu cuộc sống ở một nơi xa lạ.

Con người ai cũng có nhu cầu biết mình thuộc về đâu. Khi tiếp tục hành trình trên đường đời, tôi đã ngộ ra rằng có nhiều hơn một nơi chốn hình thành nên tôi hôm nay: một phần của tôi ở Pháp, một phần ở Anh, một phần ở Việt Nam. Mối liên kết giữa tôi với Việt Nam càng ngày càng bền chắc hơn mỗi khi tôi trở lại đây. Khi đã có nền tảng chắc chắn, tôi nhận thức rõ hơn những gì mình đang tìm kiếm, những gì cho mình động lực trong cuộc sống và công việc.

Tác phẩm của Như Xuân Hứa mang tính kể chuyện và ý niệm, đôi khi kết hợp hình ảnh với hình thức đa phương tiện. Cách cô định hình từng thành phần của bức ảnh cũng giống như cách một nhà điêu khắc nặn tượng từ đất sét. Cô sử dụng thiết bị của mình để biến trí tưởng tượng thành hiện thực, thách thức giới hạn của không gian và tính hai chiều của khung hình. 

Những câu chuyện hình ảnh của cô là kết quả của nhiều đối thoại liên tiếp giữa quá khứ và hiện tại. Từ 2017 tới 2019, cô đào sâu tìm hiểu những trạng thái khác nhau của ký ức với dự án TROPISM: Consequences of a Displaced Memory.

Kết nối với Như Xuân Hứa qua Instagram.