Makét 02

Nhìn Lại Tháng Lưu Trú Và Sáng Tác Objectifs x Matca

Trong khuôn khổ Chương trình Trao đổi nghệ sĩ lưu trú cùng Objectifs x Matca 2019, hai nghệ sĩ Lạc Hoàng (Việt Nam) và Kian Wee (Singapore) đã có dịp sinh sống và sáng tác tại nước bạn trong vòng một tháng. Lạc Hoàng quan tâm tới nhóm nữ lao động nhập cư làm nghề giúp việc và mối quan hệ của họ với không gian công cộng tại Singapore; còn Kian Wee lại đặc biệt tò mò về truyền thuyết cụ Rùa Hồ Gươm như một ví dụ cụ thể của cơ chế hình thành giai thoại trong xã hội hiện thời. Kết thúc chương trình, Matca đã có dịp trò chuyện với cả hai về trải nghiệm lưu trú nghệ thuật và quá trình hoàn thiện tác phẩm trong khoảng thời gian có hạn.

Đầu tiên, hai bạn hãy chia sẻ lý do tham gia chương trình lưu trú này.
Lạc Hoàng (L): Tôi thấy lời kêu gọi trên Matca và nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để dành ra một tháng làm tác phẩm. Tuy không hẳn là một khoảng thời gian dài, việc có thể thoát ra khỏi công việc thường nhật và có không gian để tập trung sáng tác vẫn là điều đáng kể. Chương trình lưu trú cũng cho tôi cơ hội sống ở một quốc gia mới, gặp gỡ những người khác nhau và xem nghệ sĩ trong khu vực đang làm gì.

Kian Wee (K): Trước đó tôi đã tham gia chương trình lưu trú kéo dài một năm tại The Substation, một trong những không gian nghệ thuật lâu đời nhất tại Singapore. Vậy nên cũng là điều tự nhiên khi tôi muốn bước ra ngoài vùng an toàn, cũng như thử nghiệm một phương tiện và kỹ thuật khác.

Cách hiểu của bạn về chủ đề đã chọn dựa trên những nghiên cứu online ban đầu có đổi khác sau khi trực tiếp tới địa phương hay không?
L: Tôi đề đạt dự án về nhóm nữ lao động nhập cư làm nghề giúp việc tại Singapore. Khi tìm kiếm những từ khoá trên mạng về họ, kết quả thường tập trung vào khía cạnh yếu thế và dễ bị xâm hại, lợi dụng.

Khi liên lạc được với vài tổ chức và cá nhân người lao động trong tuần đầu tại Singapore, tôi nhận ra đây chỉ là một góc rất nhỏ của vấn đề. Thay vì sử dụng dự án này như một phần của công việc nhân quyền, tôi chỉ đang sáng tác từ góc độ của một người ngoài cuộc đang cố gắng tìm hiểu thực trạng tại đây. Tôi không thể thay đổi điều gì, vậy nên có lẽ nên làm gì đó mang tính cá nhân và có sự kết nối trực tiếp với con người.

K: Không có nhiều thông tin bằng tiếng Anh trên mạng về Rùa Hồ Gươm. Tôi chỉ lờ mờ đoán rằng đây là một huyền thoại linh thiêng được người dân quý trọng. Và tôi đã gặp một số người cảm thấy như vậy ở Hà Nội. Mặt khác, dự án của tôi chạm tới chủ đề sự hình thành và lưu truyền của những niềm tin khi một đất nước đang trên đà phát triển nhanh chóng, và sự xa cách của giới trẻ tới những giai thoại như vậy. Tôi đã ngờ ngợ và những cuộc phỏng vấn người trẻ ở đây đã khẳng định suy nghĩ này. Giống như Lạc Hoàng, tôi chọn một cách tiếp cận cá nhân, vì tôi chỉ là một người nước ngoài và Cụ Rùa vẫn là một biểu tượng, bất kể niềm tin của mỗi người.

© Kian Wee
© Kian Wee

Dù đều có kinh nghiệm với nhiếp ảnh, hai bạn đã coi chương trình lưu trú này như một cơ hội để thử nghiệm với những phương tiện khác. Tại sao?
K: Thông qua góc nhìn tưởng tượng của Cụ Rùa Hồ Gươm, dự án này nhằm thể hiện quan điểm của tôi về mối quan hệ giữa người Hà Nội và Cụ Rùa nay đã qua đời. Khi mới bắt đầu, tôi tự hỏi: Làm sao để nói về một chủ thể đã không tồn tại? Làm sao để thể hiện sự thiếu vắng của một chủ thể mà vẫn tồn tại dưới dạng thức khác? Những câu hỏi này đã thôi thúc tôi thử nghiệm với công cụ hình ảnh động và hoạt hình. Thực ra quy trình làm việc cũng không quá khác so với nhiếp ảnh, tôi vẫn phải suy nghĩ về câu chuyện và cách kể thông qua hình ảnh, dù là ảnh tĩnh hay ảnh động.

L: Trước ngày khởi hành, tôi đã cân nhắc lại lựa chọn sử dụng nhiếp ảnh, vì chủ đề khá nhạy cảm và tôi không chắc rằng việc chụp ảnh là một cách tiếp cận bình đẳng. Cuối cùng tôi đã chuyển hướng sang làm video quay lại những cảnh quan vắng vẻ với lời kể của nhân vật làm nền.

Tôi đã sử dụng bản vẽ những khung cảnh sinh hoạt của nhóm nữ lao động nhập cư để làm nổi bật sự tương phản giữa sự hiện diện và vắng mặt của họ tại địa điểm công cộng. Bản vẽ thực ra là một ý tưởng bổ sung sau khi tôi nhìn lại những tấm ảnh chụp khảo sát địa điểm ban đầu, có thể thấy họ liên tục gọi điện cho gia đình kể cả khi đang “picnic” cùng nhau. Ý tưởng này gợi nhớ tới bưu thiếp – một phương thức liên lạc truyền thống giữa hai người đang xa nhau. Tôi nghĩ về những hình ảnh bưu thiếp rập khuôn được sử dụng để quảng bá du lịch. Hay giờ ta làm một loại bưu thiếp để thu hút người lao động nhập cư?

Vào khoá học vừa rồi với người hướng dẫn Jamie Maxtone-Graham tại Hanoi Doclab, học viên được giao bài tập chụp một bức hình trong tâm trí. Ý tưởng xuyên suốt của dự án này cũng là về bức hình trong tâm trí ấy, về việc hình dung một khung cảnh in dấu trong ký ức. Tôi tò mò về những gì máy ảnh không lưu lại được, và về việc liệu có thể chụp một bức hình mà không dùng máy ảnh.

© Lac Hoang
© Lac Hoang

Bạn gặp khó khăn gì khi sáng tác và đã tìm cách vượt qua như thế nào?
L: Đa số người giúp việc chỉ được nghỉ một ngày vào Chủ Nhật, đồng nghĩa với việc tôi chỉ có ba ngày làm việc tại hiện trường. Thử thách của tôi là tìm ra cách tối ưu hoá thời gian, và tìm việc để làm vào những ngày trong tuần.

Tôi biết được những hoạt động họ thường tham gia qua một nhóm Facebook, thường là đi chơi trong siêu thị, mua sắm đồ tiêu dùng, đi picnic hay chơi thể thao. Trong Chủ Nhật đầu tiên, tôi tham gia một buổi yoga miễn phí trong công viên, bắt chuyện với mọi người rồi được rủ đi picnic dưới cầu vào Chủ Nhật tới. Tôi tiếp tục tới một trung tâm thương mại có club cho người lao động nhập cư, trò chuyện với hai phụ nữ đang ngà ngà say, rồi đi club với họ vào tuần tới. Tóm lại, tôi vừa lên kế hoạch vừa ngẫu hứng, sẵn sàng đưa bản thân mình vào những tình huống khác nhau. Trong tuần, tôi tập trung vẽ, đi thư viện, nghiên cứu, phỏng vấn, quay film và biên tập.

K: Tham gia một chương trình lưu trú ở nước ngoài đã khiến tôi phải tìm cách ứng phó với nhiều tình huống. Rào cản ngôn ngữ hiển nhiên là một thử thách, nhất là khi tôi đang tìm hiểu về một chủ đề lịch sử. Nhưng trong cái dở lại có cái hay vì điều này đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề của tôi.

Bốn tuần là một khoảng thời gian rất ngắn để có được một bức tranh toàn cảnh. Tôi biết ơn rằng mình không phải hoàn thiện tác phẩm trong chương trình, vậy nên chúng tôi có thể dành thời gian thu thập những thông tin và tư liệu cần thiết. Tôi tới Hồ Hoàn Kiếm nhiều lần cảm nhận nơi chốn, tới thăm các bảo tàng và thư viện, sắp xếp phỏng vấn với người phiên dịch. Tôi xác định những người cụ thể mình muốn gặp, ví dụ như “nhà rùa học” Hà Đình Đức hay Phó giám đốc Bảo tàng Thiên Nhiên Phan Kế Long. Tôi cũng bắt chuyện và phỏng vấn người dân quanh hồ, cố gắng nắm bắt suy nghĩ của mọi người về rùa Hồ Gươm hay giai thoại Cụ Rùa.

Tôi thực sự ước mình biết tiếng Việt (cười). Khi đi ngoài đường, có quá nhiều cơ hội phỏng vấn đã bị bỏ lỡ chỉ vì bất đồng ngôn ngữ. Tôi đã có thể tìm hiểu sâu thêm về chủ đề nếu biết nói tiếng Việt.

© Lac Hoang
© Lac Hoang

Bạn đã thay đổi như thế nào sau khi kết thúc chương trình lưu trú, và có điều gì bạn mong muốn đã có thể thực hiện khi ở đây?
L: Dù một tháng không dài, nhưng tôi đã có được hình dung về phương thức làm dự án dài hạn cũng như công việc làm nghệ sĩ toàn thời gian.
Tôi chỉ ước rằng mình có sức khoẻ tốt hơn để tận dụng tối đa thời gian tại hiện trường mà không cần nghỉ giữa giờ. Và có thêm thời gian trò chuyện với những nhân vật đã gặp, dù không cần khai thác gì từ họ, tôi cũng cảm thấy rất vui.

K: Dự án trước đây của tôi kéo dài khá lâu, nên chương trình này đã thay đổi cách làm việc của tôi. Nghệ sĩ cần làm việc với tinh thần kỷ luật và sự cam kết. Tôi đang suy tính việc kế hoạch và giải quyết công việc với một lịch trình dày đặc trong tương lai.

Kian Wee (1989) sử dụng nghệ thuật như một phương pháp khảo sát thế giới xung quanh. Bị thu hút bởi nhu cầu kể chuyện của con người, thực hành nghệ thuật của anh khám phá mối quan hệ giữa xã hội, cơ chế hình thành giai thoại và những cốt truyện huyền bí được dựng lên từ đó. Anh xem xét sự hiệu quả của hình ảnh trong việc thêu dệt huyền thoại, làm việc chủ yếu với nhiếp ảnh và đôi khi kết hợp cùng các phương tiện khác. Tác phẩm của anh đã được giới thiệu tại không gian Jendela, Esplanade và The Substation, Singapore.

Lạc Hoàng (1995) đang theo học ngành Nghệ thuật tại Columbus College of Art & Design (2020). Tác phẩm của cô bao gồm nhiếp ảnh, video và tranh vẽ, thường bắt nguồn từ found footage, thể hiện bản tính khó nắm bắt của ký ức và hình ảnh. Cô bị thu hút bởi không gian trong nhà và ý nghĩa của nó trong xã hội hiện đại, khi ranh giới giữa riêng tư và công cộng ngày càng bị xoá nhoà.

Thảo chụp ảnh thời trang và làm chỉ đạo nghệ thuật tự do dưới cái tên Lạc Hoàng. Những dự án thương mại của cô lồng ghép chủ đề giới tính, cuộc sống đô thị và hội chứng ái kỷ trong thời đại số.