Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Matca đã kết hợp tổ chức chuỗi sự kiện chuyên sâu về nhiếp ảnh, bao gồm tour triển lãm, khoá học, tọa đàm, portfolio review, trình chiếu và trò chuyện nghệ sĩ, trong khuôn khổ Triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới: Những bức ảnh xuất sắc 2018 – 2020 diễn ra từ ngày 20 – 29/11/2020 tại Hà Nội. Tương tự như định hướng tôn vinh sự đa dạng mà Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới đang theo đuổi, chuỗi sự kiện đưa tới nhiều góc nhìn và thảo luận đa chiều về những thực hành khác nhau trong nhiếp ảnh.
Khóa học Kể chuyện qua ảnh chân dung diễn ra trong ba ngày với sự tham gia của 13 học viên được tuyển chọn dựa trên portfolio. Dưới sự hướng dẫn của hai nhiếp ảnh gia Bình Đặng và Linh Phạm, họ tham khảo lý thuyết về các phương thức tiếp cận ảnh chân dung, thực hành chụp và biên tập ảnh. Sau khi đề xuất ý tưởng, mỗi học viên bắt tay vào thực hiện dự án và tiếp tục trao đổi với giảng viên trong các buổi biên tập tiếp theo. Với hạn chế về thời gian, khoá học đề cao quá trình thử nghiệm và học hỏi của mỗi cá nhân thay vì sản phẩm cuối. Tuy vậy, mỗi học viên đã rất nỗ lực hoàn thiện một bộ ảnh nhỏ thể hiện câu chuyện, cảm xúc và góc nhìn riêng của người cầm máy.
Người hướng dẫn khuyến khích học viên tiếp cận đề tài theo cách khác với thói quen. Nguyễn Hoàng Việt, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền chụp ông ngoại mắc bệnh trầm cảm sau một biến cố lớn trong gia đình. Thay vì những tấm ảnh toàn cảnh lập tức cung cấp thông tin cho người xem, Việt đã chụp cận cảnh những tĩnh vật trong nhà để gợi mở dần bức chân dung về ông. Với những học viên trước đây vốn chụp ảnh để ghi chép cuộc sống thường nhật, họ đã thử thách bản thân với việc thực hiện một bộ ảnh trong thời gian ngắn. Cao Ngọc Hà tìm cách thể hiện cảm xúc hỗn độn của người em gái khi cô phải đưa ra một quyết định đau lòng. Không thể ghi hình trực tiếp, Hà lựa chọn chụp nhân vật đóng thế và những hình ảnh ẩn dụ cho trạng thái tâm lý bất ổn. Tại buổi gặp mặt tổng kết, học viên đã theo dõi dự án của cả lớp để rút ra kinh nghiệm thực hiện và biên tập ảnh bộ.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu, tọa đàm Vai trò của công cụ trực tuyến trong nhiếp ảnh nêu rõ tầm quan trọng của kỹ năng làm việc từ xa nói riêng và khả năng ứng biến linh hoạt nói chung. Qua ứng dụng Zoom, hai diễn giả nắm giữ vị trí đặc thù tại Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới và trang báo mạng VnExpress chia sẻ kinh nghiệm làm việc trong khoảng thời gian nhiều biến động vừa qua. Theo Sanne Schim van der Loeff – Trưởng ban giám tuyển, họ buộc phải di dời nhiều hoạt động chủ chốt sang nền tảng trực tuyến: từ lễ trao giải cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới 2020, lớp học Joop Swart Masterclass, cho tới quy trình chấm giải cuộc thi 2021 của hội đồng giám khảo quốc tế. Tuy không gian mạng là một biện pháp thay thế kịp thời và đã mang tới những hiệu quả bất ngờ, Sanne cũng lưu ý tới những tác động lâu dài của quy định hạn chế di chuyển. Cô dự đoán rằng nhiều nhiếp ảnh gia sẽ kể câu chuyện tại chính nơi họ sinh sống, thay vì chạy theo những điểm nóng ở địa danh xa xôi. Cuộc thi 2020 chỉ có năm đơn đăng ký từ Việt Nam, nên Sanne hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn ở cuộc thi 2021 hiện đã mở đơn.
Từ Berlin, Đức, Phương Hoàng chia sẻ về công việc biên tập và tư vấn hình ảnh từ xa cho VnExpress. Mặc dù trang báo điện tử đã tồn tại 20 năm, chỉ đến năm 2019 mới hình thành vị trí biên tập ảnh. Là phụ nữ trong môi trường nam giới chiếm ưu thế, Phương nhìn nhận những khó khăn nhất định khi cần thuyết phục đội ngũ thay đổi thói quen trong công việc, nhất là khi chỉ có thể trao đổi từ xa. Theo cô, quá trình trao đổi hai chiều giữa phóng viên ảnh và biên tập ảnh đã đem lại nhiều đổi thay tích cực. Đơn cử, phóng viên đã theo đuổi cách tiếp cận hình ảnh phù hợp với từng đề tài thay vì chỉ dựa vào lối dẫn chuyện theo tuyến tính truyền thống; hay toà soạn đã cẩn trọng hơn về bảo mật danh tính khi đưa tin về nhân vật thuộc nhóm yếu thế.
Vào Chủ Nhật, 29/11, hoạt động portfolio review diễn ra với sự tham gia của hơn 20 nhiếp ảnh gia trẻ. Sáu người hướng dẫn là những nhiếp ảnh gia, giảng viên và nghệ sĩ có chuyên môn đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Nguyễn Vân Nhi, hiện đang theo học chuyên ngành Nhiếp ảnh tại Đại học OCAD, Canada đem tới một số thử nghiệm trong nhiếp ảnh thời trang, đường phố và chân dung. Trong dự án đang thực hiện, cô mời những người lạ với ngoại hình thu hút về nhà, rồi đạo diễn để họ có thể thân mật với nhau trước ống kính. Qua trao đổi với nghệ sĩ thị giác Mai Nguyên Anh, Nhi nhận ra lợi thế của mình là sự tò mò về con người, từ đó rút ra định hướng chụp chân dung song song với ghi chép câu chuyện từ những cuộc gặp gỡ tình cờ.
Hoạt động cuối cùng thu hút đông đảo khán giả là buổi Trình chiếu Những tài năng mới và Trò chuyện nghệ sĩ cùng Miên Thụy, giới thiệu 12 tác phẩm từ chương trình 6×6 Tài năng Toàn cầu và khóa học Joop Swart Masterclass 2020 thuộc Tổ chức Ảnh Báo chí Thế giới. COVID-19 là chủ đề nổi cộm được khai thác dưới các góc độ khác nhau trong ba bộ ảnh Grandma của Yufan Lu (Trung Quốc), Donning and Doffing của Rosem Morton (Mỹ/Philippines) và Torn của Salma Abedin Prithi (Bangladesh). Sử dụng máy ảnh đo thân nhiệt – vật dụng đã trở nên quen thuộc tại nơi công cộng, Yufan Lu đối diện với mất mát cá nhân, cố gắng níu giữ những dấu vết còn sót lại của người bà vừa mới qua đời. Trong khi Rosem Morton ghi lại thực tế hàng ngày khi hành nghề y tá tại Mỹ giữa cao điểm dịch, thì Salma Abedin Prithi dàn dựng các tình huống siêu thực trong không gian trắng toát như bối cảnh phim viễn tưởng, dựa trên trải nghiệm điều trị COVID-19 trong bệnh viện của chính cô. Bên cạnh đó, một số bộ ảnh lên tiếng về làn sóng di cư đang diễn ra trên toàn cầu, ví dụ như Away From The Dreamland của Seif Kousmate (Morocco) nói về hành trình trắc trở tới châu Âu của thanh niên châu Phi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, hay To Set Fire To The Sea của Sinead Kennedy (Úc) lên án chính sách giam giữ bắt buộc vô thời hạn đối với người xin tị nạn ở Úc.
Tiếp nối chương trình, Miên Thụy, học viên trẻ nhất được chọn tham gia Joop Swart Masterclass 2020 chia sẻ về quá trình thực hiện dự án River of Ten Thousand Springs trong khoá học. Cô trình bày phương thức hình dung khái niệm danh tính dân tộc, sử dụng hình tượng thiêng liêng là dòng sông cùng những ẩn dụ thị giác cho các từ khoá “mơ hồ – hoài nghi – bị phản bội – tha hương”. Mối quan tâm đến chủ đề này bắt nguồn từ việc Thuỵ cảm thấy lạc lõng, không thuộc về đâu trên quê hương. Với Thuỵ, hành trình nhiếp ảnh của cô đi từ mối quan hệ với bản thân, với gia đình, và với đất nước. Thuỵ chia sẻ nhiếp ảnh là sự lắng nghe và đi sâu vào chính mình, quan điểm đó tiếp tục được lan toả tại khoá học Beyond Photography nơi cô đang giảng dạy.