“Chụp ảnh kiếm tiền” ngày nay không phải một nghề xa lạ. Các dịch vụ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như ảnh cưới, ảnh sản phẩm, ảnh quảng cáo, v.v. Nếu nguồn thu từ những dịch vụ kể trên phụ thuộc vào từng hợp đồng cụ thể, thì việc kinh doanh nhiếp ảnh như một tác phẩm nghệ thuật cho tới thời điểm này vẫn mơ hồ hơn cả. Bán/mua một tấm ảnh bao nhiêu, thế nào, tới/từ ai,… là những câu hỏi lớn không lời đáp khiến cả người bán lẫn người mua hoang mang.
Tuy sự phát triển của công nghệ đã giúp việc chụp và chia sẻ hình ảnh trở nên bình đẳng hơn bao giờ hết, cuộc chơi của đại đa số nhiếp ảnh gia (NAG) địa phương vẫn chỉ bó hẹp trong mục đích “cúng thần phây”. Liệu có hay không một thị trường nhiếp ảnh tại Việt Nam? Nói cách khác, con đường nào đưa những NAG tài tử trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp? Để giúp độc giả có những tiếp cận ban đầu tới việc thương mại hoá tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật trong môi trường địa phương, Mua Bán Nhiếp Ảnh #1 đã tổng hợp ý kiến từ nhiếp ảnh gia Đỗ Anh Tuấn, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn và giám tuyển Arlette Quỳnh Anh Trần.
Những bước cụ thể của việc thương mại hoá tác phẩm nhiếp ảnh sẽ được thảo luận trong phần 2. Người viết xin chân thành cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của nhân vật về một chủ đề vốn được coi là nhạy cảm, nhưng lại mang tính sống còn với người làm nghề.
*Ảnh: Long Thành gallery ở Nha Trang.
Chắc hẳn người dân Hà Nội ai cũng đã một lần đi qua gallery ảnh đen trắng của NAG Đỗ Anh Tuấn tại số nhà 39 phố Tràng Tiền. Đi vào hoạt động từ năm 2002, gallery cá nhân này không phải là gallery ảnh đầu tiên, nhưng là gallery tồn tại lâu nhất trong lòng thủ đô. Không gian hiếm hoi dành riêng cho nhiếp ảnh đầu những năm 2000 được đặt tên “Life Gallery”, giới thiệu tác phẩm của 7 NAG; sau đó đổi thành “Đỗ Anh Tuấn’s Gallery” vào năm 2010, chỉ trưng bày tác phẩm của NAG Đỗ Anh Tuấn.
NAG Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, sự dừng lại đột ngột của gallery nhiếp ảnh “Wide Focus” tại nhà hoạ sĩ Lê Thiết Cương trước đó đã để lại nhiều tiếc nuối, đồng thời tạo động lực cho ông quyết tâm mở gallery cho riêng mình. Không gian này vừa là nơi ông chia sẻ tác phẩm tới công chúng, vừa tạo ra thu nhập từ nhiếp ảnh. Trước thời điểm suy thoái toàn cầu 2009, gallery của Đỗ Anh Tuấn bán ảnh liên tục với giá từ vài trăm tới hàng ngàn USD một bức. Khách hàng thời điểm này chủ yếu là người nước ngoài, mua để trang trí tư gia hay như một món quà lưu niệm cho chuyến du lịch Việt Nam. Việc thiếu hụt gần như hoàn toàn khách hàng nội địa được ông cho rằng do bản thân người Việt chưa có văn hoá thưởng thức và sưu tập nhiếp ảnh, thứ văn hoá này có nhen nhóm nhưng vẫn ở mức độ sơ khai: “Rất ít người mua ảnh để treo trong nhà, tranh vẽ vẫn có nhưng ảnh thì hiếm hoi vô cùng.” Tới năm 2017, Đỗ Anh Tuấn’s Gallery đóng cửa sau 15 năm hoạt động vì khó khăn tài chính.
Học nghề ảnh, làm tác phẩm, mở gallery riêng: Đây là con đường của một số cá nhân trưởng thành từ truyền thống ảnh đen trắng thủ công những năm 80-90 với ý thức thực hiện tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình thay vì duy trì một studio dịch vụ, tiêu biểu như NAG Đỗ Anh Tuấn ở Hà Nội hay Long Thành ở Nha Trang. Xu hướng sáng tác chủ đạo của các NAG thế hệ này là tái hiện vẻ đẹp phong cảnh và cuộc sống đời thường, chủ yếu ở các vùng nông thôn đậm tính bản địa.
Ở những gallery này, bên cạnh việc sáng tác, các NAG này còn tự học và làm hầu hết các công việc liên quan đến quá trình sản xuất và vận hành, bao gồm bảo trì không gian, tuyển chọn và định giá tác phẩm, xây dựng thương hiệu. Họ cũng chủ động tìm kiếm và tiếp thị trực tiếp tác phẩm tới khách hàng thay vì thông qua hệ thống bảo tàng nghệ thuật hay người môi giới (dealer) – những mắt xích vẫn còn thiếu trong thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật. Có thể nói mô hình này có nhiều điểm tương đồng với việc vận hành một studio ảnh dịch vụ quy mô nhỏ, trong đó nhiếp ảnh gia vừa cung cấp dịch vụ, vừa quản lý. Những gallery tư nhân đã có thời điểm rất thành công về mặt doanh thu và trở thành đầu ra chính đáng cho tác phẩm trong một môi trường nhiếp ảnh thiếu cơ sở hạ tầng tổng thể. Tuy vậy, luồng giao dịch tại những tụ điểm đơn lẻ không đồng nghĩa với việc tồn tại một thị trường nhiếp ảnh đúng nghĩa.
Những gallery tư nhân đã có thời điểm rất thành công về mặt doanh thu và trở thành đầu ra chính đáng cho tác phẩm trong một môi trường nhiếp ảnh thiếu cơ sở hạ tầng tổng thể. Tuy vậy, luồng giao dịch tại những tụ điểm đơn lẻ không đồng nghĩa với việc tồn tại một thị trường nhiếp ảnh đúng nghĩa.
Dù nghệ thuật đương đại Việt Nam đã nhen nhóm từ những năm 80, phải tới đầu những năm 2000, nhiếp ảnh mới trở thành một loại hình được một nhóm nhỏ nghệ sĩ thử nghiệm. Trong cách tiếp cận nhiếp ảnh đương đại, “khoảnh khắc quyết định” được tác giả định hình trước khi bấm máy. Hình ảnh ở đây không lột tả cuộc sống một cách chân phương mà nhằm khơi gợi lên những suy tư, liên tưởng nhiều chiều. Với cách tiếp cận phi truyền thống và thực hành nghệ thuật sẵn có, tác phẩm của họ nghiễm nhiên tồn tại trong một hệ sinh thái khác và được giao dịch trong một hệ thống khác.
Nguyễn Thế Sơn, nghệ sĩ thị giác, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thường xuyên sử dụng nhiếp ảnh trong sáng tác và có đầu ra ổn định cho các tác phẩm của mình trong hơn 10 năm qua. Anh tập trung vào sự đổi thay của cuộc sống đô thị với chuỗi ảnh phù điêu (photo relief). Được đào tạo từ Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh CAFA, Thế Sơn làm việc theo quy chuẩn của một nghệ sĩ thị giác chuyên nghiệp. Anh tích cực tìm đường đi phù hợp cho các tác phẩm, đồng thời xây dựng tên tuổi cá nhân bằng cách phối hợp tổ chức triển lãm trong và ngoài nước, tham gia các chương trình giảng dạy, trao đổi nghệ sĩ, lưu trú sáng tác,…
Ngoài các tác phẩm chủ yếu được giao dịch qua Art Vietnam Gallery và Manzi Art Space, nghệ sĩ Thế Sơn còn mở phòng trưng bày cá nhân tại nhà riêng để phục vụ các khách hàng trực tiếp. Dù thực hành và kênh phân phối có phần khác biệt, tập khách hàng của nghệ sĩ Thế Sơn khá tương đồng NAG Đỗ Anh Tuấn: Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn là khách hàng Việt Nam duy nhất, còn lại đa phần người nước ngoài mua tác phẩm của anh với mục đích trang trí tư gia hoặc bổ sung vào bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân.
Bên cạnh Hoàng Dương Cầm hay Phan Quang, Nguyễn Thế Sơn thuộc số ít những nghệ sĩ Việt sử dụng nhiếp ảnh thuộc thế hệ 6x – 7x đã xâm nhập được vào hệ thống chung của thị trường nghệ thuật quốc tế. Theo anh, bản thân các gallery nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước mà chấp nhận nhiếp ảnh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể tới Art Vietnam Gallery, Galerie Quỳnh, Eight Gallery hay gần đây là The Factory Contemporary Arts Centre. Tuy vậy, không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực từ các tổ chức nghệ thuật đương đại, qua việc công nhận và mong muốn bao hàm chất liệu nhiếp ảnh trong triển lãm hay bộ sưu tập.
*Ảnh: Tác phẩm ảnh phù điêu của Nguyễn Thế Sơn.
Postvidai (hay còn gọi là Post Vĩ Đại) là bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất Việt Nam, tập trung vào những tác phẩm có ý tưởng độc đáo và thể hiện sự chuyển giao trong xã hội Việt Nam hiện đại. Theo Arlette Quỳnh Anh Trần, giám đốc nghệ thuật và giám tuyển của Postvidai, hiện có khoảng gần 50 tác phẩm nhiếp ảnh thuộc về 12 tác giả trong hơn 500 tác phẩm thuộc bộ sưu tập này. Nhiếp ảnh vẫn là chất liệu “sinh sau đẻ muộn” trong nghệ thuật đương đại, chất lượng in ấn thời kỳ đầu chưa đạt tiêu chuẩn lưu trữ và hệ thống chứng thực còn lỏng lẻo là một vài lý do khiến nhiếp ảnh vẫn chưa phải là chất liệu yêu thích của các nhà sưu tập.
Khác với những bộ sưu tập thuộc bảo tàng, Postvidai thu thập tác phẩm dựa trên gu thẩm mỹ cá nhân. Tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên được Postvidai mua lại là series Fat-free Museum của nghệ sĩ Hoàng Dương Cầm – một người tiên phong khai phá nhiếp ảnh ý niệm tại Việt Nam với triển lãm tại Galerie Quỳnh năm 2006. Gần đây, Postvidai đã bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình bằng các tác phẩm đến từ những nữ nghệ sĩ thị giác thuộc thế hệ 8x như Nguyễn Phương Linh, Thy Trần, Ngọc Nâu… Có số ít tác phẩm nhiếp ảnh thuộc một phần tác phẩm sắp đặt lớn hơn như của nữ nghệ sĩ người Đức gốc Việt Sung Tiêu. Xuất thân là những doanh nhân Việt và ngoại quốc thành đạt, những nhà sưu tập không coi Postvidai là một cuộc đầu tư có thể mang lại lợi nhuận về sau. Họ mua nhiều tác phẩm từ những nghệ sĩ chưa có tên tuổi, với nhu cầu thu thập giá trị văn hoá và ủng hộ nghệ thuật địa phương.
Một thị trường lành mạnh không chỉ dừng lại ở các giao dịch theo dạng “tiền trao cháo múc” mà những người tham gia cần có trách nhiệm nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình dựa trên quy định pháp luật của nước sở tại, tuân thủ các quy tắc của thị trường chung và có đạo đức về sáng tạo.
Những nỗ lực nhỏ lẻ từ chính người làm nghề
Việc buôn bán các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam không hề mới, nhưng hiện nay chỉ có rất ít các NAG, gallery hay triển lãm đang thực sự thúc đẩy việc này một cách chuyên nghiệp.
Hiện ở Hà Nội vẫn còn một vài gallery ảnh ở khu phố cổ; bán ảnh lẫn với mặt hàng lưu niệm cho du khách. Nhìn vào bề nổi, có thể thấy đa phần các tác phẩm nhiếp ảnh hiện đang được được mua bán dưới dạng hàng hoá lưu niệm. Cách làm này giúp đơn giản hoá quy trình giao dịch và tạo nguồn thu tức thời cho tác giả; nhưng về lâu dài sẽ làm giảm giá trị của tác phẩm nói riêng và cách công chúng nhìn nhận nhiếp ảnh như một bộ môn nghệ thuật nói chung.
Năm 2015, Hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam – Vietnam Photo Fair được tổ chức lần đầu nhằm khẳng định giá trị của nhiếp ảnh như một bộ môn nghệ thuật độc lập và nâng cao nhận thức về tác quyền hình ảnh, “một nỗ lực tuy có phần tuyệt vọng nhưng cũng không hề thiếu lòng can đảm” – theo lời ban tổ chức. Tuy vậy, mong muốn tổ chức hội chợ thường niên của nhóm nghệ sĩ có nhiều duyên nợ với nhiếp ảnh này cũng chưa thành sự thật. Hội chợ nghệ thuật thường niên Art For You (đã bước sang tuổi thứ 5) là cơ hội mở để nhiều nghệ sĩ thị giác độc lập bán tác phẩm trực tiếp tới khách hàng, nhưng tỉ lệ tác phẩm nhiếp ảnh góp mặt là vô cùng nhỏ.
*Ảnh: Khán giả tại Hội chợ Art For You lần thứ 11 tại Hà Nội.
Một thị trường lành mạnh không chỉ dừng lại ở các giao dịch theo dạng “tiền trao cháo múc” mà những người tham gia cần có trách nhiệm nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình dựa trên quy định pháp luật của nước sở tại, tuân thủ các quy tắc của thị trường chung và có đạo đức về sáng tạo. Có thể thẳng thắn khẳng định một thị trường nhiếp ảnh như vậy chưa tồn tại ở Việt Nam, và cũng không thể một ngày tự nhiên sinh ra.
Theo nghệ sĩ Thế Sơn, nhiếp ảnh cần được công nhận là một chất liệu ngang hàng trong nghệ thuật và phổ biến trước nhất trong môi trường học thuật. Khi có sinh viên theo học và một đội ngũ thực hành chuyên nghiệp thì mới có công chúng và nhà sưu tầm. Những thay đổi tổng thể đó không thể chờ đợi nghệ sĩ thực hiện. Tuy vậy, với những người thực hành nhiếp ảnh, đây là thời điểm nhìn nhận thách thức – nhưng cũng chính là cơ hội – để tạo ra những tác phẩm hoàn thiện và tìm đầu ra xứng đáng. Chi tiết xin đón đọc phần 2.
Bài viết được Hà Đào thực hiện và Mai Nguyên Anh bổ sung.