Makét 02

“Một Sài Gòn Mới” Qua Phóng Sự Ảnh của Karen Kasmauski

Tôi lật giở chồng tạp chí National Geographic trong một sạp báo cũ bên đường trong một ngày rảnh rang tại Kolkata, Ấn Độ, lần này bắt gặp một cuốn với tấm ảnh bìa vừa quen vừa lạ. Không phải phong cảnh hùng vỹ hay một loài động vật ly kì, mà lại là chân dung một cô dâu Việt mặc váy cưới trắng đang ngắm mình cười rạng rỡ qua tấm gương nhỏ được gia cố bằng những vỏ bia Tiger đã ép phẳng. Cuốn tạp chí số tháng Tư năm 1995 đề tên phóng sự The New Saigon, tạm dịch Một Sài Gòn Mới.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Nhật Karen Kasmauski là người thực hiện hình ảnh trong phóng sự dài 28 trang đánh dấu 20 năm sau kết thúc chiến tranh Việt Nam, chỉ vài tháng sau khi Mỹ bãi bỏ cấm vận và gần 10 năm sau Đổi mới. Qua e-mail, tác giả trao đổi câu chuyện đằng sau quá trình ghi lại thời điểm chuyển dịch quan trọng này và những suy nghĩ chân thật về vai trò của phóng viên ảnh sau ba thập kỷ làm nghề.

Tôi đề đạt làm phóng sự về Sài Gòn vì tôi muốn tận mắt được thấy thành phố nơi bố tôi đã làm việc gần hai năm […] Quãng thời gian này là một phần lớn trong cuộc sống và tâm tư của chúng tôi. Không Internet, không cách nào để liên lạc với bố và chúng tôi đã chứng kiến cuộc chiến kéo dài mãi trên bản tin hàng tối tại Mỹ.

Bà có thể chia sẻ phóng sự này đã hình thành như thế nào được không?
Vào đầu những năm 90 Tạp chí National Geographic bắt đầu lên ý tưởng thực hiện một series các câu chuyện đánh dấu mốc 20 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trước đây tôi đã làm một dự án A Day in The Life và biết về đất nước này một chút. Trong dự án này, tất cả các nhiếp ảnh gia và các thành viên tham gia đã gặp gỡ ở Sài Gòn. Tôi đề đạt làm phóng sự về Sài Gòn vì tôi muốn tận mắt được thấy thành phố nơi bố tôi đã làm việc gần hai năm. Ông tới đây vào năm 1954, thuộc đội Hải quân Hoa Kỳ giúp người dân di cư từ Bắc vào Nam, rồi trở lại vào những năm 70 khi cuộc chiến dần hạ nhiệt. Quãng thời gian này là một phần lớn trong cuộc sống và tâm tư của chúng tôi. Không Internet, không cách nào để liên lạc với bố và chúng tôi đã chứng kiến cuộc chiến kéo dài mãi trên bản tin hàng tối tại Mỹ. Gia đình tôi đã liên tục suy nhược vì lo lắng cho tới khi ông về nhà an toàn.

Tại Hội trường Thống nhất, các nhà lãnh đạo nồng nhiệt chào đón Ngân hàng Mitsubishi Nhật Bản - một “người chơi” trong thị trường tự do của thành phố trước đây mang tên Sài Gòn. Từ văn phòng đến góc đường, thành phố từng bị chiến tranh tàn phá này một lần nữa đã mở cửa để kinh doanh.

Vào năm 1995 khi Việt Nam mới mở cửa với thế giới chưa lâu, bà đã thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị cho phóng sự như thế nào? Bà muốn ghi lại khía cạnh nào của thành phố này?
Tôi có đôi chút hiểu biết khi thực hiện dự án Day in the Life này nhưng tôi muốn dành thêm thời gian ở đây. Tôi chỉ làm nghiên cứu như một nhà báo thông thường trước khi tới địa điểm, bao gồm việc tìm đọc các bài viết, báo chí về chủ đề cũng như nói chuyện với nhiều người đã đến đó trong chiến tranh. Ngày nay, ta có thể xem cả video và phim để lấy thông tin và hình dung trước về địa điểm. Đa phần nghiên cứu được thực hiện online, nhưng tốt nhất là trò chuyện trực tiếp với ai đó hiểu chủ đề. Cái chính là tìm kiếm định hướng, cách hiểu của riêng bạn sau khi đã đọc và xem tác phẩm của người khác.

Tôi không có ý tưởng định sẵn nào về Sài Gòn. Khi tới nơi, mọi thứ xung quanh đều mê hoặc tôi. Tôi tận hưởng việc tới đây vào thời điểm mà thành phố còn nguyên sơ và chưa trông gần giống như các đô thị lớn khác ở châu Á.

Số lượng xích lô và xe máy áp đảo ô tô trên đại lộ Phan Đình Phùng, nhưng việc này có lẽ không kéo dài lâu nữa, khi nhà nước nới lỏng kiểm soát, Mỹ gỡ bỏ cấm vận và các doanh nhân mạnh tay đầu tư vào trung tâm đô thị lớn nhất Việt Nam.
Ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh trở thành một điểm thu hút du lịch. Những cô gái trẻ mặc áo dài truyền thống đón chào đoàn 750 khách du lịch Tây.
Một dãy phà di chuyển trên sông Sài Gòn. Thành phố lớn lên bên bờ sông, từ điểm giao thương thế kỷ 17 tới đô thị tấp nập ngày nay.
Thực hiện ước nguyện của cha, Quang Thuận Lê (trái), người đã di cư đến Canada năm 1979 trở lại đây để tìm một cô dâu Việt. Một cô dâu khác, Trần Kim Quy (phải) mặc váy cưới kiểu Âu trong đám cưới theo phong tục truyền thống.

Để sản xuất phóng sự dài 28 trang này, tôi tự hỏi không biết bà đã chụp bao nhiêu cuộn film? Và bà hợp tác với người viết như thế nào, vì bộ ảnh là một tác phẩm độc lập và không nhằm mục đích minh hoạ cho bài viết.
Phóng sự đã mất vài tháng để thực hiện. Tôi thực sự không nhớ mình đã chụp bao nhiêu ảnh. Đấy cũng không phải vấn đề chính, cái chính là liệu khả năng tái sử dụng thẻ nhớ và loại bỏ hình ảnh quá dễ dàng như hiện giờ đã biến chúng ta thành những tay máy vụng về. Chính tôi giờ đây cũng chụp nhiều ảnh hơn cần thiết hay chụp mà không suy tính về khung hình vì biết rằng cũng chẳng mất gì. Khi chụp film, tôi nhận thức rõ mỗi cuộn tốn bao nhiêu. Kể cả khi làm việc với National Geographic, họ cũng tính cả chi phí film vào ngân sách cho mỗi phóng sự.

Tôi không bao giờ đi chụp cùng người viết. Tương tự như các phóng sự khác tôi thực hiện cùng thời, người biên tập ảnh cùng tôi sẽ có vài buổi họp với phóng viên viết và biên tập viên của họ để đảm bảo rằng chúng tôi đang đi cùng đường. Sau đó tất cả sẽ họp với biên tập của tạp chí để chắc rằng ông đồng ý với cách tiếp cận đó.

Tìm kiếm sự cứu giúp, những đứa trẻ lang thang ngoài phố đã tập trung tại Mái ấm Thảo Đàn. Cơ sở tư nhân ở đây cho hàng chục trẻ em đường phố bữa ăn chốn ngủ. Những đứa “bụi đời” đa phần là trẻ mồ côi hoặc bỏ nhà ra đi, chúng thường tản ra đường bán báo, vé số, đánh giày và ăn xin.

Bìa tạp chí là một người phụ nữ trẻ mặc váy cô dâu trắng đang cười rạng rỡ, cầm tấm gương có lát vỏ bia lon Tiger đằng sau. Với tôi đây là một tấm ảnh quan trọng, bởi nó gợi về thời điểm mà người Việt vừa thoát nghèo và chủ nghĩa tiêu dùng đang dần nhen nhóm. Bà có thể chia sẻ thêm về câu chuyện đằng sau bức ảnh? Tại sao người biên tập lại chọn khuôn hình này làm bìa tạp chí?
Tôi đã làm việc cùng với một hướng dẫn viên tuyệt vời. May mắn thay, tôi là phụ nữ nên chính phủ Việt Nam đã để một nữ hướng dẫn viên đi cùng tôi. Cô là người hướng dẫn tài năng nhất, cô biết tôi cần những gì và luôn chủ động tìm kiếm, cô luôn đúng giờ và giữ liên lạc với tôi. Khi tới một khu chợ chính ở Sài Gòn, chúng tôi đã gặp cô gái trong ảnh bìa và biết rằng cô chuẩn bị làm đám cưới với một tiểu thương khác. Họ đồng ý để tôi chụp ảnh công tác chuẩn bị và đám cưới của họ. Tôi nghĩ rằng dù không khá giả, họ vẫn muốn tổ chức sự kiện trọng đại này một cách truyền thống nhưng với hơi hướng Tây phương (như trong chiếc váy cô dâu trắng) để thể hiện rằng mình là những tiểu thương thành đạt. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời chụp ảnh hai người trẻ này và gia đình, họ hàng nhà họ.

Tôi nghĩ ảnh được chọn làm bìa tạp chí vì sức ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam tới thế hệ Baby Boomers chúng tôi và cả bố mẹ chúng tôi. Câu chuyện này đánh dấu 20 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam và biên tập viên coi câu chuyện này đủ quan trọng để đưa lên trang bìa. Tình cờ là đây cũng là số đầu tiên của tạp chí National Geographic bản tiếng Nhật. Nhưng họ không cho cô dâu lên bìa mà chọn cái gì đó mang tính National Geographic ‘truyền thống’ hơn, hình như là ảnh động vật.

U.S. Air Force veteran Vern Pall revisits Nam for some friendly fire, testing an AK-47 at the Cu Chi Tunnels, a former hideout of Viet Cong guerrillas. A soldier accepts an American dollar for each shot. “Every vet should try to return”, says Pall, who flew troops into Vietnam. “It was so grim before. They should see it on this better day.”
Quay lưng lại với cuộc đời thế tục, Trần Thị Thu, 19 tuổi bắt đầu cuộc sống của một ni cô tại chùa Phổ Đa. Đầu ngày hôm đó, trước khi cô cạo đi mái tóc và chôn nó dưới gốc cây, Thu nhận lời chúc phúc của một người bác gái. Ngày nay, đời sống xuất gia nhận được sự quan tâm đặc biệt từ những người nghèo.

Những tạp chí như National Geographic đã là cánh cửa mở ra thế giới với rất nhiều khán giả vào thời điểm thông tin chưa được tức thời. Ngày nay, sự ra đời của công nghệ và Internet đã làm thay đổi cách hình ảnh được thực hiện và lan truyền. Trong một thời đại hình ảnh tràn ngập như ngày nay, liệu vai trò của phóng viên ảnh có thay đổi?
Vai trò cơ bản là kể một câu chuyện thị giác vẫn không thay đổi. Nhưng cách hình ảnh đến với khán giả đã thay đổi, và thật đáng tiếc là vì số lượng các nhiếp ảnh gia ngày càng tăng mà giờ kiếm sống bằng nhiếp ảnh còn khó khăn hơn thời điểm tôi mới bắt đầu 30 năm về trước. Tôi nghĩ đây là một chủ đề tốt mà các nhiếp ảnh gia trẻ đặc biệt nên thảo luận. Ngày càng khó hơn để khiến khán giả dừng lại và làm họ lay động trước hình ảnh. Hình ảnh vụt qua với tốc độ nhanh đến nỗi tôi thường tự hỏi liệu ta có cảm thấy gì ngoài cảm giác thích thú ban đầu.

Chỉ cần một góc vỉa hè là đủ để mở một cửa hàng ở Chợ Lớn, khu vực đông người Hoa ở Sài Gòn. Một góc nhỏ này là nơi buôn bán của thợ làm móng, người bán thuốc lá và sửa xe đạp.
Một hàng tạp hoá nhập khẩu sản phẩm phục vụ tầng lớp thương gia chịu chi. Cựu binh Nguyễn Mạnh Tuấn (ảnh dưới) mở một nhà máy sản xuất kéo bằng thép lấy từ những phương tiện sót lại của quân đội Hoa Kỳ.
Những chàng cao bồi đêm Chủ Nhật xuống phố bằng xe máy quanh bùng binh gã tư đại lộ Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Nghi thức đi lượn cuối tuần nhằm ăn mừng phong cách "sống tự do" của các bạn trẻ.
Vẻ hào nhoáng kéo khách hàng vào trong “miệng” của một nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn. Vào mỗi buổi tối trên bàn ăn leng keng những tiếng cụng ly chào mừng Việt Kiều về nước.

Sau vài thập kỷ làm phóng viên ảnh và trải qua những thay đổi đó, điều gì khiến bà tiếp tục? Bà có cho rằng ảnh báo chí vẫn có chỗ đứng riêng và liệu phóng viên ảnh có thể làm gì để tương tác nhiều hơn với đối tượng khán giả dễ xao nhãng?
Tôi thực sự không có câu trả lời. Tôi cũng vừa trò chuyện với một người bạn về việc đó. Không chỉ là chuyện khán giả xao nhãng, mà có quá nhiều hình ảnh ngoài kia, phần nhiều là những tấm đẹp nhưng vô nghĩa. Với các phần mềm chỉnh sửa, hình ảnh trông không còn thực nữa. Đôi khi chúng trông giống tranh vẽ hơn ảnh chụp… Ranh giới đang bị xoá nhoà. Tôi cảm giác đây là lí do tại sao người ta coi ảnh đơn giản như hình minh hoạ. Hình ảnh đã trở thành tạp âm nền mà đa phần không ai để ý nhiều hơn một giây phút thoáng qua.

Tôi cảm giác rằng các nhiếp ảnh gia giữa chúng ta đang tự khen mình, khen ngợi hình ảnh ta chụp chân thật và ‘ngầu’ ra sao. Công chúng có thực sự quan tâm hay không?

Tôi vẫn phải kiếm sống nên tôi cần tiếp tục chụp ảnh. Tôi không có tài sản được uỷ thác cho mình hay một người hướng dẫn giàu có. Tôi làm việc để tồn tại và có lẽ đây là động lực tốt. Tuy nhiên, càng ngày càng khó tìm kiếm hỗ trợ cho những dự án dài hạn mà tôi muốn làm.

Thời gian không còn nhiều nhưng sức lao động luôn dồi dào. Một đội ngũ nữ công nhân chuẩn bị cho việc khai trương Câu lạc bộ Golf Quốc tế Việt Nam vào tháng 1 năm 1995. Câu lạc bộ liên doanh của các nhà đầu tư Đài Loan và Việt Nam này là một trong ba công ty được cấp giấy phép của địa phương; và đã tận dụng kiếm tiền từ niềm đam mê đánh gôn của doanh nhân châu Á.

Sau hai thập kỷ làm việc tại National Geographic, nhiếp ảnh gia Karen Kasmauski đã sản xuất 25 phóng sự lớn cho tạp chí về các chủ đề bao gồm di cư, vi-rút, tuổi già và gen. Cuốn sách “IMPACT: From the Front Lines of Global Health” của Karen đào sâu về nguyên nhân gây ra các dịch bệnh lây lan trên thế giới và phim tài liệu về cô dâu Nhật trong Thế chiến thứ hai “Fall Seven Times, Get Up Eight—The Japanese War Brides” mà bà đạo diễn đã phát sóng toàn cầu trên kênh BBC. Với tư cách nhà giáo, Karen dẫn tour nhiếp ảnh cho National Geographic và các khách hàng khác tại các địa điểm từ Bắc cực, New Guinea cho tới Galapagos. Bà cũng giảng dạy về ảnh báo chí, viết báo và kể chuyện bằng video.
Xem thêm các dự án ảnh của Karren Kasmauski trên website.