Triển lãm ảnh nhóm Máy Móc Là Tự Nhiên đang diễn ra từ ngày 22/02 đến ngày 27/04/2019 tại The Factory – một trong những trung tâm nghệ thuật đương đại hiện đang hoạt động tích cực nhất tại Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít những triển lãm ảnh quy mô lớn trong nước với sự tham gia của bốn giám tuyển, một nhà thiết kế bối cảnh và 14 tác giả đến từ những vùng miền, thế hệ và thực hành khác nhau.
Bài luận giám tuyển viết rằng: “Triển lãm chia sẻ loạt tác phẩm nhiểp ảnh và hình ảnh động, nhằm thể hiện tâm thế ngưỡng mộ, sửng sốt, đồng thời lo ngại, cấp bách của nghệ sĩ trước những khuôn mẫu, sự lợi dụng tài nguyên, mối tương quan tâm lý, cũng như những hư cấu lịch sử hằng tồn tại trong mặc định của con người về Tự nhiên và Máy móc”. Có thể thấy rằng Máy Móc Là Tự Nhiên tiếp nối chủ đề mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đã được thể hiện ở nhiều triển lãm trước đó tại The Factory, như Rừng Hoang của Tuấn Andrew Nguyễn, Trong từng hơi thở – Không gì đứng yên của Tuấn Mami hay Nắng Bằng Phẳng của Lêna Bùi. Theo giám tuyển Bill Nguyễn của The Factory, điều này phản ánh mối quan tâm chung của người tham gia và ban tổ chức, với tư cách người làm nghệ thuật và tư cách công dân. Quang Lâm, giám đốc của Inlen Photo Gallery, là giám tuyển trực tiếp làm việc với các nhiếp ảnh gia và giám sát quy trình sản xuất triển lãm này.
Tác phẩm của 14 nghệ sĩ được chia thành bốn khu vực theo chủ đề: Vật Chất, Thao Túng, Cơ Khí Cảnh, và Suy Tư. Lần lượt, những chủ đề này đem tới những lát cắt phóng đại những gì ta biết – hoặc cho rằng mình biết, rồi lùi lại để có được cái nhìn tổng quan về bối cảnh ta đang sống.
Triển lãm đem đến sự đa dạng trong thực hành nhiếp ảnh như ý niệm, tư liệu, hay thử nghiệm vật chất với bản in. Tác phẩm Tuyệt Tình Cốc của tác giả Nguyễn Phương sử dụng bản in bị bào mòn do ngâm trong nguồn nước ô nhiễm của địa điểm nổi tiếng này ở Hải Phòng. Những tấm ảnh chụp màu xanh ngắt hữu tình của hồ bị phá huỷ dưới tác động của chính hoá chất đã tạo nên vẻ đẹp ấy trong quá trình khai thác đá. Hai nhiếp ảnh gia kỳ cựu Nguyễn Xuân Khánh và Nhiệm Hoàng giới thiệu dự án tư liệu đen trắng cổ điển: những đường vân lượn sóng trong ảnh Nguyễn Xuân Khánh chính là những dải cát ô nhiễm lan toả theo dòng nước, còn bộ ảnh trang trại gió của Nhiệm Hoàng nói lên sự trớ trêu rằng kể cả trong nỗ lực để trở nên thân thiện với môi trường, khung cảnh thiên nhiên cũng phải nhường chỗ cho công tác khai thác năng lượng tái tạo.
Tổng kết khu vực cuối cùng là bộ ảnh Food Lab của tác giả Nelly Nguyễn đã sử dụng studio chụp ảnh sản phẩm để hiện thực hoá câu hỏi về quá trình sản xuất thức ăn. Trên nền đỏ rực, những bầu vú bò tiết ra sữa chảy ngược lên trên một cách bất thường. Bản thân con bò bị thu gọn thành một khối hộp, được nuôi bằng các ống bơm khổng lồ, như thể đang được treo lơ lửng tại một nhà máy sữa công nghiệp.
Tuy vậy, không phải tác phẩm nào cũng có sự cân nhắc thuyết phục. Bộ ảnh Vòng tròn Sắc màu của tác giả Voshida Trường rời rạc trong tổng thể, khi nội dung về bối cảnh sống thành thị bị đứt quãng bởi những hình tượng lạc lõng như hoa hướng dương chồng trên nhà thờ Đức Bà, hay bóng cô gái trên nền nước xanh…
Việc phân loại / phân chia các khu vực trong không gian sẵn có của The Factory đã dẫn dắt khán giả xem tác phẩm một cách mượt mà và có hệ thống, và lựa chọn sử dụng đèn tuýp lớn xuyên suốt là hợp lý để tạo ra không khí lạnh lẽo, vô cảm như trong nhà máy hay phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc trình bày làm ảnh hưởng đến trải nghiệm xem.
Dễ nhận thấy mô-típ vạch kẻ ô vuông lặp lại trong triển lãm. Theo giám tuyển Bill Nguyễn, vạch kẻ ô vuông đại diện cho đơn vị đo lường cứng nhắc trong công việc, công nghiệp hiện đại ưu tiên năng suất ngày nay. Còn với giám tuyển Quang Lâm, chúng có tác dụng dẫn hướng: những ô vuông đa dạng kích cỡ trong các khu vực thể hiện sự phóng to, thu nhỏ của góc nhìn. Tuy vậy, hiệu ứng này đã đạt được nhờ sự phân chia không gian hợp lý với tường giả, nên vạch kẻ ô vuông có phần thừa thãi và rối mắt khi người xem khó có thể kết nối chúng với nội dung tác phẩm.
Có thể cân nhắc vài ví dụ cụ thể về việc trình bày tác phẩm chưa thoả đáng. Chẳng hạn, những dải cát titan trùng điệp trong khuôn hình mẫu mực của tác giả Nguyễn Xuân Khánh hoàn toàn có thể thêm nổi bật với nếu được in với kích cỡ lớn hơn hoặc treo với khung đen. Hay tấm ảnh tua-bin gió của tác giả Nhiệm Hoàng được tạo ra bằng cách kết nối ba bản in lớn, dẫn đến các đường chắp nối rõ ràng, ảnh hưởng đến hiệu quả thẩm mĩ của tác phẩm khi đặt chúng cạnh nhau.
Giám tuyển Bill Nguyễn và Quang Lâm chia sẻ thẳng thắn về những thách thức trong quá trình sản xuất một triển lãm quy mô như Máy Móc Là Tự Nhiên. Với The Factory, triển lãm nhóm 14 nghệ sĩ thực sự là một bài toán khó về mặt ngân sách, khi chi phí sản xuất chỉ tương đương với một triển lãm cá nhân. Trong trường hợp này, các nhiếp ảnh gia không có nhiều quyền tự chủ trong việc trình bày tác phẩm của mình, vì quy trình sản xuất bị giới hạn bởi nhiều lý do ngoại cảnh. Theo giám tuyển Quang Lâm, đây là một dự án nhóm có ngân sách và hạn chót cụ thể, nên cần có sự phân chia công việc rõ ràng: nhiếp ảnh gia cung cấp tác phẩm, giám tuyển và người thiết kế quyết định cách trình bày. Tuy vậy, cách trình bày hiển nhiên có ảnh hưởng rõ ràng đến nhận thức của người xem tới tác phẩm; và vì vậy có lẽ nghệ sĩ nên có quyền cũng như trách nhiệm hợp tác với ban tổ chức để quyết định đầu ra cho sản phẩm của chính họ.
Cần ghi nhận rằng Máy Móc Là Tự Nhiên là một cơ hội hiếm, nếu không nói là chưa từng có, để nhiếp ảnh gia địa phương làm việc với một tổ chức nghệ thuật đương đại quy mô như The Factory. Triển lãm là kết quả của nhiều tháng làm việc nghiêm túc của nghệ sĩ, đội ngũ giám tuyển và nhà thiết kế bối cảnh. Đây cũng là một dịp đặc biệt để tập hợp những tác giả đến từ những vùng miền, thế hệ và thực hành khác nhau. Danh sách nghệ sĩ tham gia bao gồm từ nhiếp ảnh gia trẻ mới bắt đầu xây dựng sự nghiệp cho tới người có tên tuổi đã triển lãm trong và ngoài nước, từ nghệ sĩ tiếp cận nhiếp ảnh theo lối đương đại tới nghệ sĩ nhiếp ảnh cổ điển và những nhiếp ảnh gia thương mại.
Nhiệm Hoàng, người được mệnh danh là “vua ảnh phong cảnh” suy ngẫm về quá trình làm việc trong triển lãm nhóm: “Bản thân chú nghĩ mình học hỏi rất nhiều […] Khi tiếp xúc với tác phẩm các nghệ sĩ còn lại, mình thấy họ hướng đến chủ đề này với một khía cạnh khác, sâu hơn, rộng hơn. Mình cũng tự đánh giá là tác phẩm của mình hơi chân phương, nhưng thực sự đôi lúc mình cần có cái nhìn rộng hơn nữa để mở rộng hướng sáng tác, nếu không sẽ bị bế tắc”. Sự đa dạng cách tiếp cận trong Máy Móc Là Tự Nhiên đưa tới một câu trả lời đa diện cho một chủ đề vốn phức tạp. Điều này có giá trị đối với không chỉ khán giả mà còn với chính các nhiếp ảnh gia khi có cơ hội xem xét tác phẩm của họ như một phần của bức tranh lớn.
Máy Móc Là Tự Nhiên gợi tới một tương lai mà nhiếp ảnh sẽ tồn tại trong bối cảnh nghệ thuật, chứ không chỉ đơn thuần trong ngành công nghiệp báo chí hay thương mại. Giám tuyển Bill Nguyễn đặt câu hỏi với công cụ nhiếp ảnh mà vốn được cho là có khả năng nói lên sự thật: “ Thế nhưng sự thật ở đây là gì? Bao nhiêu phần trăm là sự thật? Sự thật kiểm soát bởi ai, mang ích lợi cho ai? Cái gì bị giấu đi, cái gì làm lộ ra?” Anh chia sẻ với niềm hy vọng rằng mình rất vui khi những nghệ sĩ trẻ tham gia triển lãm cũng có những chất vấn tương tự, và họ không chỉ cầm máy lên chụp mà còn đặt câu hỏi cho hành động ấy của mình. Triển lãm Máy Móc Là Tự Nhiên nên được nhìn nhận là một thử nghiệm của The Factory, trong đó chất lượng đầu ra có thể còn những hạn chế nhất định, nhưng là một không gian vô cùng cần thiết để những nghệ sĩ trẻ làm việc với nhiếp ảnh tích luỹ kinh nghiệm thực tế.
*Ảnh bởi Quang Lâm / The Factory Contemporary Arts Centre và Liên Phạm.