Long Thành là cái tên được nể trọng trong giới nhiếp ảnh không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Ông sinh năm 1951 và luôn gắn bó với thành phố biển xinh đẹp Nha Trang từ thuở lọt lòng. Sống qua những năm tháng nhiều biến động cũng như chứng kiến sự thay da đổi thịt của đất nước, ông lại không chọn ảnh báo chí làm sự nghiệp như nhiều đồng nghiệp cùng thời. Với Long Thành, cái đẹp vẫn nằm ở những điều bình dị nơi song xưa phố cũ, và hiển nhiên, trong hai sắc màu trắng và đen.
Chúng tôi, mấy thanh niên xộc xệch chủ động ghé thăm gallery của Long Thành vào một ngày mưa tầm tã dù chẳng quen biết trước. Cái phòng tranh nhỏ xinh im ắng nằm lọt thỏm trên phố Hoàng Văn Thụ luôn là điểm đến hấp dẫn được nhắc tới trong các cẩm nang du lịch Nha Trang. Bao ồn ã dừng ngoài thềm cửa. Trong phòng là mấy chiếc Vespa cũ, một bài jazz nhẹ chơi từ chiếc đài con và hàng trăm bản in gelatin silver đen trắng treo ngay ngắn lập tức đưa chúng tôi về một thời xa xôi. Tôi lặng ngắm những bức hình in trên giấy fiber với lớp bạc lấp lánh dưới ánh đèn triển lãm. Mặc dù đã được tiếp xúc với tác phẩm của Long Thành đâu đó qua internet, phải đến khi chứng kiến tận mắt tôi mới cảm nhận được đủ đầy hơn cái đẹp của chất liệu, của sự chỉnh chu trong trình bày.
Long Thành từ nhà trong bước ra với dáng vẻ cao lớn, gương mặt nghiêm nghị và tính khí bộc trực không câu nệ đậm nét người miền Trung. Qua vài câu gợi chuyện về yếu tố kỹ thuật trong rọi ảnh thủ công của tôi, sắc mặt Long Thành thay đổi hẳn khi gặp được cạ. Ông vào nhà mở chai pinot noir, đặt lên tấm bàn lớn giữa gallery, rồi cứ thế những chuyện đời, chuyện nghề của ông liên tục hiện ra đầy sinh động và bản năng trước mắt mấy đứa trẻ mới quen vài phút trước tới tận khuya.
Câu chuyện đưa chúng tôi về Nha Trang những năm 60, thời hoàng kim của những tiệm ảnh dịch vụ. Cậu bé 13 tuổi Long Thành khi ấy được ba mẹ cử đi phụ giúp tiệm ảnh của một người họ hàng. Những năm đầu, ông chỉ được giao “những việc lặt vặt như dọn dẹp, cắt film trước khi chính thức được bước vào phòng tối”. Sự tò mò dẫn cậu thiếu niên này vào phòng tối hàng đêm, lén lút theo dõi cách người chú tráng film thủ công, tính nhẩm bằng miệng để sớm mai trả ảnh cho khách. Nhiếp ảnh cứ thế ngấm dần vào ông bắt đầu từ cái phòng tối chứ không phải chiếc máy ảnh như nhiều người. Vậy nên sau này khi đã thành danh, Long Thành vẫn không tin tưởng đưa film của mình cho người khác tráng rửa bao giờ. 50 năm qua vẫn vậy, ông cứ ngày đi chụp, tối lại về lọ mọ pha hoá chất và ngắm những tác phẩm của mình dần hiện hình qua hai sắc trắng đen. Tình yêu với ảnh đen trắng của ông không chỉ nằm ở yếu tố thẩm mỹ, mà còn ở việc làm chủ quá trình tạo nên tác phẩm từ tấm film cho tới một bản in tay chất lượng. Người chụp ảnh đen trắng theo đuổi chủ đề cuộc sống nông thôn không hiếm, nhưng ít có ai làm chủ được quy trình làm ảnh để cho ra những bản in thủ công mang đậm dấu ấn cá nhân như Long Thành.
Chiến tranh kết thúc, Long Thành chụp đủ thứ từ ảnh minh hoạ báo, ảnh cưới hay những thể loại thương mại khác, cứ “cái gì ra tiền là chụp thôi”. Tuy gắng nặng tài chính đè nặng trên vai, ông vẫn quyết bám theo cái nghiệp ảnh để rồi tự xây phòng tối trong căn nhà vừa đầy 18m2 nơi cả gia đình chung sống để thoả mãn thú chơi ảnh đen trắng. Sau thời kỳ đổi mới với nhiều cơ hội làm ăn hơn và một lượng khách quốc tế tò mò tới Việt Nam như một điểm du lịch mới, Long Thành nhìn thấy cơ hội để ông có thể phát triển cái nghề, cái nghiệp ảnh thủ công mà ông vẫn theo đuổi. Ông gõ cửa những nhà hàng, quán bar đang ăn nên làm ra tại Nha Trang thời điểm này như Sailing Club hay Le Petit Bistro, gợi ý tặng ảnh treo trang trí miễn phí. Để rồi Long Thành có cớ tới đây hàng ngày trò chuyện cùng khách nước ngoài, giới thiệu ảnh của ông và không quên “đưa cả cạc vi dít”; cứ thế, người truyền người, cái nghệ thuật của Long Thành từ chỗ len lỏi, nay dần được biết đến nhiều hơn, kéo theo rất nhiều khách tới mua ảnh của ông về làm kỷ niệm. Long Thành ăn nên làm ra và bắt đầu được biết đến rộng rãi cả trong nước lẫn quốc tế từ thời gian này.
Tới nay, căn nhà 18m2 vẫn ở đó nhưng đã được mở rộng thành một phòng trưng bày khang trang lưu giữ hàng trăm bản in đen trắng, hàng trăm kí thiết bị với nhiều máy ảnh, ống kính hiếm có ở tình trạng tốt nhất và trên hết là khoảng 80.000 âm bản được chụp trong suốt sự nghiệp của ông. Tất cả ảnh đều được in trên giấy fiber và đóng khung gỗ đen sang trọng. Do thiếu thốn vật liệu, hoá chất và phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ không đảm bảo, những tiệm ảnh địa phương đã tự ứng biến kĩ thuật tráng rọi riêng và hoàn thiện quy trình này qua nhiều năm; Long Thành cũng không ngoại lệ. Không dựa theo trường lớp sách vở nào, ông tự pha hoá chất theo công thức riêng và sáng tạo quy trình phù hợp để rọi được tấm ảnh tốt nhất với sự tỉ mỉ đáng ngạc nhiên. “Ngày xưa các ông dùng môi đếm [thời gian], mà rất chuẩn, không cần self-timer (đồng hồ) làm gì cả”, Long Thành vừa nói vừa bập môi minh hoạ. Chắc cũng chẳng còn ai trên thế gian này sử dụng điêu luyện đôi đũa cả thay cho cái gắp film như Long Thành. Ông hết mực cầu kỳ trong phòng tối để mỗi bức ảnh trước hết phải hoàn hảo về mặt kỹ thuật, có sự chuyển tiếp nhẹ nhàng và giữ được chi tiết trong các sắc độ đen, xám và trắng.
“Đây là tấm bán chạy nhất của chú”, Long Thành chỉ về phía tấm ảnh chụp hai cô gái che ô đi dưới mưa khi trời vừa hửng nắng. Đón ánh sáng mặt trời, chiếc ô lấp loáng nước sáng bừng lên. Nhưng điều ấn tượng không chỉ nằm ở khoảnh khắc đẹp. Nếu tấm rọi thử phẳng lì không có tương phản giữa vùng sáng tối, thì tác phẩm hoàn chỉnh lại giàu chi tiết, những chi tiết xung quanh được dìm đi để nhân vật chính nổi bật hẳn lên. Với phương pháp hậu kỳ thủ công, Long Thành chủ động điều chỉnh sắc độ và tương phản, dìm hoặc làm cháy sáng ảnh tuỳ theo ý đồ nghệ thuật của mình. Cá nhân tôi tuy đã có cơ hội làm việc cùng và ngắm nghía nhiều bản in thực hiện bởi những chuyên gia in ấn đầu nghành từ Magnum, tôi vẫn không khỏi bất ngờ với chất lượng và bản sắc của ảnh Long Thành, đặc biệt trong môi trường vật chất không đủ đầy. Ông nhắc đi nhắc lại câu nói tâm đắc từ người thày Nguyễn Bá Mậu: “Phải nắm vững kỹ thuật để chinh phục nghệ thuật”.
Long Thành chưa bao giờ coi ảnh mình mang tính phản biện xã hội, ông quan niệm ảnh không nhất thiết phải có tính xã hội thì mới có giá trị. Sử dụng bố cục sạch sẽ chuẩn mực, những gì ông ghi lại đơn giản là những điều đến tự nhiên của cuộc sống đời thường, vẻ đẹp của sự bình dị, bao dung. Cái thứ ảnh chất phát đó cộng với quy trình tráng rửa “miền nhiệt đới” đã tạo nên thương hiệu Long Thành, xứng đáng là người thừa hưởng và phát triển thành công di sản nhiếp ảnh Việt Nam mà thế hệ trước đó để lại. Cuộc sống của ông giờ cũng nhẹ như những bức ảnh ông chụp, vẫn chụp và tráng rửa ảnh. “Giờ chú chỉ mong làm được cuốn sách trước khi chết như là lời cảm ơn gửi tới những người đã yêu mến ảnh mình”, Long Thành nói, mắt hướng ra hiên cửa vẫn lất phất mưa.
Tới cuối ngày sau khi 4 chai vang đã cạn, tôi mới dám gặng hỏi tại sao ông không thử chụp ảnh màu hay ảnh số. Long Thành thẳng thừng: “Nhiều người làm cái đấy hơn mình rồi. Nhất là bọn trẻ ngày nay, chụp ảnh hay lắm! Chú thích phòng tối, với cả chơi ảnh màu sao sướng bằng chơi ảnh đen trắng”. Có người cho rằng ảnh đen trắng mang lại cảm giác hoài niệm, phi thời gian, hay thậm chí là “nghệ thuật” hơn. Nhưng bỏ qua những nhận định cá nhân đó, những gì còn lại sau buổi gặp gỡ này là sự tôn trọng của chúng tôi dành cho một người nghệ sĩ/nghệ nhân với tình yêu lớn và sự chuyên tâm trọn vẹn với nhiếp ảnh. Đêm đã xuống, Long Thành tiễn đám trẻ say ngất ngư về và không quên cái hẹn sớm mai ra săn ảnh chợ cá gần nhà lúc bình minh.
Mai Nguyên Anh là một nhiếp ảnh gia tập trung vào các vấn đề đương đại bằng hơi hướng nghệ thuật hiện đang làm việc tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp International Center of Photography tại New York năm 2016.
Kết nối với Nguyên Anh tại Facebook và Instagram.