Chúng tôi đứng trước một ngôi nhà Đức (Deutsches Haus), cách Tổng lãnh sự Đức chỉ vài bước chân và ngắm nhìn một trong những di sản mà người Đức để lại cho phần còn lại của thế giới qua lớp kính của gian trưng bày. Có lẽ chỉ còn thiếu vài vại bia bia đen Schwarzbier nữa là có thể mang đến cho bữa tiệc một tinh thần Đức trọn vẹn. Vài hạt mưa lác đác trước giờ khai mạc, nhưng dường như không ai muốn di chuyển để tìm chỗ trú ẩn. Điểm chung dễ thấy giữa những khách mời thuộc nhiều độ tuổi, quốc tịch là chiếc máy ảnh gắn chấm đỏ đeo trên cổ và vẻ mặt háo hức mong chờ.
Sau 104 năm tồn tại, hãng máy Leica chính thức đặt chân tới Việt Nam với boutique đầu tiên ở Hà Nội vào tháng 12/2017, và giờ đây là ở Sài Gòn. Như lời của 1 vị khách Đức tham dự, thì đó là một phần của “lịch sử”. Và “lịch sử” thì luôn có những điều thú vị.
Ba ngày trước, khi nhận được thông cáo báo chí từ Leica Việt Nam về buổi khai trương boutique đầu tiên ở Saigon và triển lãm The Stranger của nhiếp ảnh gia Tuấn.fr, tôi đã tự hỏi mình nhiều câu hỏi, đại loại:
– Tại sao lại là Tuấn.fr?
– Tại sao lại chọn 1 nhiếp ảnh gia thời trang / conceptual để làm đại sứ thương hiệu, thay cho những ký giả, phóng viên ảnh như thường lệ?
– Tại sao ngay buổi triển lãm ra mắt lại không thuộc thể loại ảnh báo chí, tư liệu hay đường phố?
Và quả thực không dễ để tự tìm ra câu trả lời. Vốn dĩ từ trước đến nay, chiếc máy Leica gần như gắn với những cái tên lớn trong thể loại ảnh báo chí hay đời thường. Đó là những huyền thoại Henri-Cartier Bresson, Robert Capa, Sebastião Salgado, và gần đây là Nick Út, Fulvio Bugani, Vineet Vohra hay Nguyễn Việt Thanh.
Thế nhưng, khi đọc đoạn tự sự của nhiếp ảnh gia Tuấn.Fr tôi chợt lờ mờ nhận ra vài sự tương đồng kỳ lạ giữa anh và triết lý của Leica (mà đã có lần, tôi từng được nghe qua lời ông Sunil Kaul – Giám đốc điều hành Leica khu vực Châu Á Thái Bình Dương). Tuấn.Fr đã viết:
“Suốt nhiều năm, dưới áp lực công việc, trong những bộn bề của cơm áo gạo tiền và bị ràng buộc bởi các quy chuẩn mỹ học giáo điều, việc sáng – tạo – hình – ảnh, từ chỗ tạo nên giá trị con người đã dần trở thành công cụ lao động thuần túy, xa lạ với chính chủ thể tạo ra nó.
[…]
Trong những bộ ảnh sau này, việc thoát khỏi bối cảnh quen thuộc của studio và thiết bị, việc từ chối các quy ước mỹ học thông thường của xã hội, để lạc lối trong tự nhiên, nhìn ngắm và cảm nhận, ngạc nhiên trước những gì tưởng như quá đỗi quen thuộc đã phơi bày hoàn cảnh phi nhân trên phương diện văn hoá mà ta vẫn tưởng là hoàn cảnh tự nhiên, chứa đựng những tầng ý nghĩa đích thực của đời mình.
Với tôi, sự trở về với chính mình không phải là trở về một thời điểm nào đó đã trôi qua mà là sự khách thể hoá cần thiết để tiến tới chỗ hoàn thiện. Để thấy mình là mình, để thấy rằng việc lang thang kiếm tìm những cảnh trạng lý tưởng chỉ hoàn toàn là ảo mộng, để trở về với cái nhìn thuần khiết nguyên sơ và để học cách hiểu vẻ đẹp của một cơn mưa đầu hạ.”
Triển lãm cá nhân đầu tay như một hành trình tự thân của Tuấn.Fr, khi từ bỏ các lớp vỏ bọc bên ngoài để tìm về thứ giá trị bản nguyên nhất của nhiếp ảnh. Đó cũng là những gì mà Leica đang tìm kiếm và cố gắng gìn trước những biến đổi vô chừng trong thời đại công nghiệp. Nói cách khác, Leica đang trên đường tái định nghĩa về mình trong lòng công chúng. Nguyễn Gia Phong, Giám đốc điều hành Leica Việt Nam chia sẻ:
“Giờ đây, Leica không còn là một công ty cung cấp máy ảnh, thiết bị ngành ảnh đơn thuần nữa, mà đã trở thành 1 công ty nhiếp ảnh. Hãy nhớ rằng, thiết bị chỉ là công cụ giúp người nghệ sĩ làm nên tác phẩm, chứ không phải có nó thì bạn sẽ sáng tạo được. Nói cách khác, nó chỉ có tác dụng bổ trợ chứ không phải điều tiên quyết.
Chúng tôi muốn hướng đến cộng đồng những người yêu nhiếp ảnh đúng nghĩa. Leica Việt Nam đang ấp ủ rất nhiều những dự án dành cho mọi người trong thời gian tới. Ví dụ như Leica Akademie, ví dụ như những workshop với người chia sẻ kinh nghiệm là những nhiếp ảnh gia hàng đầu Việt Nam cũng như thế giới. Để khi đến với Leica, chúng ta chỉ nói về nhiếp ảnh, và chỉ nhiếp ảnh mà thôi!”
Tôi một lần nữa xem lại những bức ảnh trong The Stranger (*) và tiếp tục nghĩ về thứ triết lý ấy. Một quan điểm thú vị nếu xét trên bình diện của một công ty làm thương mại khi không quá đặt nặng yếu tố kinh doanh, và cũng không hiếm lần chính nó khiến Leica điêu đứng trước những cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2000. Nhưng có lẽ cũng bởi tư duy như vậy mà Leica đã nâng mình lên thành huyền thoại, thành niềm tự hào của người Đức hay bất cứ ai sở hữu cỗ máy tinh xảo này. Hoặc hơn nữa, nó đã trở thành một chuẩn mực về phong cách sống. Để rồi đối với tất cả những ai yêu nhiếp ảnh, cho dù có đang sử dụng bất kỳ một hệ máy nào khác, thì cũng luôn ao ước muốn có 1 chiếc máy Made in Germany trong bộ sưu tập của mình.
(*) Lấy cảm hứng từ nhân vật Mersault trong 1 tác phẩm của văn hào Albert Camus.
Triển lãm The Stranger
Địa điểm: Deutches Haus, 33 Lê Duẩn, Quận 1, TP. HCM.
Thời gian: 10:00 – 20:00, 25/05 đến 01/06 năm 2018.
Miễn phí vào cửa.
Nhiếp ảnh gia Lê Tuấn Anh “Tuan.Fr” sinh năm 1983, anh tốt nghiệp Thủ Khoa chuyên ngành Nhiếp Ảnh năm 2008 tại Học Viện Nhiếp Ảnh Paris – Ecole Photo et Formation à la Photographie EFET Paris, Pháp. Sau khi trở về Việt Nam để hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp, từ năm 2010 đến năm 2015, Lê Tuấn Anh là giám đốc sáng tạo tại Le Media, thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2015 đến nay, Lê Tuấn Anh là nhiếp ảnh gia tự do, tổ chức những khoá học nhiếp ảnh chuyên nghiệp và là giám đốc sáng tạo điều hành Tuan.fr Studio do anh thành lập.
Kết nối với Tuấn.Fr tại Facebook và Instagram.
Sơn Lê là một người yêu nhiếp ảnh và kiến trúc sư bán thời gian đang sống tại Sài Gòn.
Kết nối với Sơn tại Facebook.