Chương trình lưu trú (Art residency) là mô hình mời các nghệ sĩ, học giả hay giám tuyển tới sống và làm việc tại một địa điểm trong một khoảng thời gian cố định. Một số chương trình lưu trú do bảo tàng, trường đại học không gian triển lãm lập nên với mục đích giúp những người thực hành và nghiên cứu nghệ thuật thực hiện dự án. Một số khác hoạt động để hỗ trợ các chương trình trao đổi văn hoá.
Dù đa dạng, các chương trình lưu trú đều có đặc điểm chung là đưa tới cơ hội sống và làm việc bên ngoài môi trường quen thuộc cho nghệ sĩ, cho họ thời gian và có thể là một khoản hỗ trợ nhỏ để tập trung suy ngẫm, nghiên cứu hoặc sản xuất tác phẩm.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc nghệ thuật tại Không gian nghệ thuật đương đại Heritage Space tại Hà Nội đã có nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các chương trình lưu trú dành cho nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, có thể kể đến Month of Arts Practice và Mường AIR. Anh chia sẻ: Nghệ sỹ thường gặp khó khăn về kinh tế, và để phát triển sự nghiệp bắt buộc phải đi lại, trao đổi, học tập ở nhiều môi trường khác nhau. Ngoài ra, có những yếu tố đặc thù như nguyên liệu, kỹ thuật hay nhân công có thể rất đắt đỏ ở địa phương nhưng lại có giá cả phải chăng ở nơi khác. Chương trình lưu trú giúp nghệ sĩ gỡ bỏ gánh nặng tài chính để có thể hiện thực hoá tác phẩm của mình.
Để một nhiếp ảnh gia hay nghệ sỹ trẻ đến từ đất nước đang phát triển như trong khu vực Đông Nam Á có được sự công nhận quốc tế là điều không dễ. Vì vậy, chương trình lưu trú đóng vai trò làm bệ đỡ nâng tầm nghệ sỹ cả về mặt chuyên môn, quan hệ và danh tiếng. Khán giả địa phương cũng được hưởng lợi nhiều từ chương trình lưu trú bởi được trao đổi, giao lưu với nghệ sỹ đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Giống như một loại học bổng du học, chương trình lưu trú ưu tiên nhắm đến các nghệ sĩ trẻ, với mong muốn tạo được tác động lâu dài đến cuộc sống và công việc của họ sau này.
Theo anh Tuấn, mỗi ban tổ chức của chương trình lưu trú đều có một giá trị cốt lõi riêng. Quá trình lựa chọn nghệ sỹ đều dựa vào giá trị đó để làm bật lên tinh thần mà ban tổ chức theo đuổi. Do vậy, khi đăng ký, nghệ sĩ cần tham khảo kỹ thông tin để có thể tìm được chương trình phù hợp với bản thân, để tránh làm phí thời gian của cả hai bên.
Có chương trình được thiết kế trong khu vực biệt lập cách xa khu dân cư, số khác lại nằm trong trung tâm thành phố sôi động. Độ dài cũng rất đa dạng, từ hai tuần đến sáu tháng hoặc đôi khi một năm. Ngoài ra còn có rất nhiều sự khác biệt về nguồn tài chính, thủ tục ứng tuyển, tuyển chọn và điều kiện làm việc.
Nhiều chương trình đặt ra các điều khoản bắt buộc về đầu ra, chẳng hạn như một triển lãm vào cuối giai đoạn lưu trú hoặc một dự án được hợp tác với nghệ sĩ địa phương. Cũng có nhiều trung tâm cung cấp không gian miễn phí để nghệ sĩ sử dụng cho mục đích riêng và không yêu cầu bất kỳ sự cam kết nào. Nhưng ngay cả trong những trường hợp đó, sự hiếu khách vô điều kiện không tồn tại. Các nghệ sĩ nên hiểu điều này và tận dụng cơ hội lưu trú mình có một cách hiệu quả để mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tương tự như khoản hỗ trợ tài chính, để được lựa chọn tham gia chương trình lưu trú không hề dễ dàng. Thủ tục nộp đơn thường mất thời gian và đòi hỏi sự kiên trì. Thông thường các ứng viên sẽ được yêu cầu gửi sơ yếu lý lịch, portfolio tác phẩm đã thực hiện, một lá thư bày tỏ mong muốn tham gia chương trình, và nếu cần thiết là một đề xuất dự án.
Matca đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhiếp ảnh gia (NAG) Maika Elan và Lê Nguyễn Duy Phương về trải nghiệm của họ khi tham gia lưu trú sáng tác tại nước ngoài.
NAG Duy Phương từng lưu trú tại trường École nationale supérieure de la photographie, Arles, Pháp và Đại học Oberlin, Ohio, Mỹ. Anh chia sẻ, trước khi tham gia, anh đều suy nghĩ kỹ về những gì mình có thể làm trong thời gian lưu trú. Nhưng anh sớm nhận ra rằng nếu chỉ đi 1-2 tháng thì rất khó có thể hoàn thiện một dự án mới. Và nếu đi lâu, những kế hoạch đã đề ra thường thay đổi.
Hai chương trình lưu trú có những yêu cầu và mục tiêu khác nhau cho nghệ sĩ. Trong lần lưu trú một tháng tại trường Oberlin, Duy Phương được mời làm triển lãm cá nhân và toạ đàm về những dự án nhiếp ảnh đã thực hiện tại Việt Nam, từ đó mở rộng những cuộc đối thoại về văn hoá Việt Nam tới khán giả địa phương. Dù không được yêu cầu làm dự án mới trong khuôn khổ chương trình, Duy Phương đã tận dụng cơ hội này để tự túc gia hạn thời gian làm việc tại Mỹ.
Chương trình lưu trú tại Arles lại yêu cầu nghệ sĩ đề xuất và thực hiện một dự án nhiếp ảnh mới có liên quan tới nước sở tại trong vòng ba tháng. Anh chia sẻ rằng khi tới môi trường mới, nghệ sĩ phải tìm cách thích nghi và nhanh chóng tương tác, nắm bắt những gì có thể thực hiện được vì thời gian rất có hạn. Duy Phương đã có không ít áp lực khi phải tự tìm nhân vật và di chuyển tới nhiều thành phố ở Pháp để chụp hình. Dự án đã được hoàn thành và triển lãm tại Bảo tàng Quai Branly năm sau đó.
Đối với NAG Maika, giá trị lớn của việc tham gia chương trình lưu trú là có động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó còn là áp lực phải làm thật tốt vì bản thân nghệ sĩ sẽ đại diện giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Khi đăng ký chương trình lưu trú 6 tháng tại Tokyo, Nhật Bản, Maika lựa chọn “sở trường” của mình là ảnh tư liệu và mối quan tâm tới con người. Chị ban đầu đề xuất chụp vật nuôi, chủ đề đã thực hiện tại Thái Lan và có ảnh ví dụ – bằng chứng có sức thuyết phục và trực diện nhất trong bộ hồ sơ ứng tuyển. Tuy vậy, thực tế nước Nhật rất khác so với những gì Maika tham khảo trên Internet trước đó. Thời gian nửa năm đủ dài để chị có thể bắt đầu lại với một chủ đề mới, trong trường hợp này là về những thanh niên hikikomori – một câu chuyện mà chỉ có ở nước Nhật. Bên cạnh những hỗ trợ về nơi ở và sinh hoạt phí, Maika chia sẻ việc tham gia lưu trú giúp chị tập luyện thực hành chụp ảnh ở một môi trường lạ, nơi thúc đẩy mình làm việc sáng tạo hơn.
Kinh nghiệm mà hai NAG đều đúc kết được là hãy cởi mở đón nhận những góp ý và chủ động làm việc thật nhiều ngay từ khi bước chân đến. Dù đặc thù mỗi chương trình lưu trú khác nhau, chúng đều đã góp phần không nhỏ trong hành trình nhiếp ảnh của Duy Phương và Maika, cho họ cơ hội trao đổi văn hoá và thực hành nhiếp ảnh, cũng như thử thách và làm mới chính mình.
Hãy đăng ký tới buổi Xem Ảnh Buôn Chuyện #8 vào ngày 26/01 này để nghe giới thiệu kỹ hơn về Chương Trình Trao Đổi Nghệ Sĩ Lưu Trú Cùng Objectifs và cùng biên tập portfolio đăng ký của bạn.
Trong khuôn khổ chương trình, một nghệ sĩ từ Việt Nam sẽ lưu trú tại trung tâm Objectifs (Singapore) và một nghệ sĩ Singapore sẽ lưu trú tại Matca (Việt Nam) trong vòng một tháng để thực hiện tác phẩm của mình. Chương trình sẽ tài trợ cho nghệ sĩ vé máy bay khứ hồi (tối đa S$300), nơi ở và không gian làm việc cơ bản cùng một khoản trợ cấp thực hiện dự án trị giá S$500.