Makét 02

Kết Quả Khoá Học ‘Câu Chuyện Hình Ảnh’ Tháng 5/2017

© Trung Del

Khoá học “Xây dựng câu chuyện hình ảnh với nhiếp ảnh gia Hải Thanh” với sự hỗ trợ của BOW 101, vừa kết thúc ngày thứ 5 bằng triển lãm tại B Coffee Lounge ngày 22/05/2017 vừa rồi. Khác với khoá học đầu với sự tham gia của những bạn trẻ đã làm những công việc liên quan đến nhiếp ảnh, khoá lần này thu hút nhiều học viên từ những ngành nghề khác nhau, nhưng có cùng một niềm đam mê chụp ảnh cũng như mong muốn được tìm hiểu về các bước thực hiện một bộ ảnh tư liệu. Dưới đây là phẩn tổng kết, giới thiệu về học viên và phản hồi sau khoá học vừa qua.

Phạm Anh Duy – Lễ Hội Ramưwan
Phạm Anh Duy mang đến khoá học bộ ảnh chụp lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Hồi. Ngay từ những ngày đầu cầm máy chụp ảnh, Duy đã rất mê thể loại ảnh tư liệu, và đăng ký workshop của “thần tượng” lâu năm Hải Thanh nhằm mục đích tìm hiểu kỹ hơn về cách thực hành thể loại này. Khoá học đã cung cấp kiến thức về trình tự thực hiện một bộ ảnh tư liệu, điều mà anh thấy “không dễ chút nào”. Duy chia sẻ rằng điều không hài lòng nhất trong khoá học chỉ xuất phát từ những hạn chế của bản thân, và chính việc tham gia khoá học đã giúp anh nhận ra những thiếu sót cũng như chỉ ra cách khắc phục đó. Sau khoá học, Duy vẫn đang tìm hiểu về con người và văn hoá Chăm để tiếp tục bộ ảnh.

© Pham Anh Duy
© Pham Anh Duy
© Pham Anh Duy
© Pham Anh Duy

Phạm Tấn Phan Luân – Gửi Con Gái!
Anh cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương tham gia khoá học để biết được kỹ năng làm việc của các NAG trong việc chọn lựa hình ảnh và cách xây dựng câu chuyện hình ảnh. Anh mang đến chuỗi ảnh tình cảm chụp cô con gái 3 tuổi để lưu giữ những khoảnh khắc mà con trải qua từ khi còn bé đến lúc trưởng thành.

Luân chia sẻ đã học được nhiều thứ từ khoá học này, điển hình là cách lên kế hoạch cho dự án, tìm hiểu đối tượng và biên tập ảnh. Các bạn tham gia trong lớp rất nhiệt tình, dù do tính chất công việc từng người nên thời gian lên lớp còn trễ và có lúc không đúng kế hoạch. Dự định sắp tới của Luân là nghiên cứu sách ảnh của Magnum cùng ba đề tài: tôn giáo và con người Việt Nam, hình ảnh Quang Trung từ Nam chí Bắc, và đền thờ, lễ hội liên quan đến vua Lê Long Đĩnh.

© Pham Tan Phan Luan
© Pham Tan Phan Luan
© Pham Tan Phan Luan
© Pham Tan Phan Luan

Trần Bá Hoà – Hớt Tóc Đường Phố
Cũng như học viên Phan Luân, Trần Bá Hoà cũng rất ấn tượng với các NAG Magnum giới thiệu trong khoá học. Việc được tiếp xúc với các NAG kì cựu đã giúp anh nhìn lại những tác phẩm của mình với con mắt khác, nhận ra được những thiếu sót của bản thân. Anh chia sẻ rằng đã hiểu được giá trị của bức ảnh trước hết nằm ở nội dung, có thể “chạm đến nội tâm của nhân vật trong hình”, còn hình thức dù có bị mờ, rung… cũng không phải điều quá quan trọng.

Hoà theo đuổi chủ đề về các thợ hớt tóc đường phố ở Sài Gòn và lần đầu thực hiện biên tập ảnh theo một quá trình bài bản dưới sự hướng dẫn của NAG Hải Thanh. Anh mong muốn trong khoá học sẽ có những người làm nghề đến chia sẻ kinh nghiệm thực tế để học viên có nhiều cơ hội tranh luận và học hỏi hơn. Sau khi khoá học kết thúc, anh có dự định tiếp tục thực hiện bộ ảnh về thợ cắt tóc và tìm hiểu thêm các NAG của các hãng ảnh lớn như Magnum, Noor…

© Tran Ba Hoa
© Tran Ba Hoa

Trung Del – Mỏ Than Mông Dương
Là một fixer / trợ lý nhiếp ảnh chuyên nghiệp với nhiều năm trong nghề ảnh, nhưng đây là khoá học nhiếp ảnh đầu tiên Trung Del từng tham gia vì anh “chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành một NAG”. Trung mang tới khoá học chùm ảnh đã thực hiện trước đó về các công nhân ở mỏ than Mông Dương, Quảng Ninh. Anh đặc biệt ấn tượng hình ảnh phòng tắm tập thể gồm 300-600 công nhân đen nhẻm sau ca khai thác than đứng dưới vòi nước nóng và xà bông trắng xoá, nên muốn giới thiệu với mọi người cảnh tượng này.

Về khoá học, anh chia sẻ NAG Hải Thanh đã giúp sửa một số thói quen xấu của những người mới cầm máy ảnh, cách chọn ảnh, biên tập và cả khâu in ấn để kể một câu chuyện hấp dẫn người xem hơn. Các bạn học viên trước đó đều chưa biết nhau nên ngày đầu tiên còn rụt rè, thiếu tự tin với những dự án ảnh của mình, nhưng sau đó được “thầy giáo” cùng các trở giảng Tín Phùng, Hoàng Nguyễn và Hải Lagi giúp đỡ, mọi người đã cởi mở hơn, tranh luận gay gắt hơn và giúp nhau tiến bộ.

Anh đã nhận được những lời khuyên hữu ích sau khi trình bày ý tưởng về một dự án ảnh mới với thầy Hải Thanh, hiện đang rất nóng lòng để thực hiện dự án đó.

© Trung Del
© Trung Del
© Trung Del
© Trung Del

Nguyễn Ngọc Huân – Người Sài Gòn Ngủ Trên Phố
Anh sinh viên năm nhất đại học Bách Khoa và cũng là nhân vật trẻ nhất trong khoá học đã tham gia với bộ ảnh khắc hoạ những người Sài Gòn thoải mái ngủ trên phố. Huân tự thấy bản thân chưa có sự chuẩn bị kĩ càng cho bộ ảnh vì vướng chuyện học hành, nhưng đã biết rõ hơn quá trình xây dựng nên một câu chuyện bằng hình ảnh, cách chọn lựa những bức ảnh đã chụp, việc đi chụp cũng được định hướng rõ hơn trước, qua hướng dẫn của NAG Hải Thanh cũng như từ những học viên nhiều kinh nghiệm khác.

© Nguyen Ngoc Huan
© Nguyen Ngoc Huan
© Nguyen Ngoc Huan
© Nguyen Ngoc Huan

Phan Lương Trường Hải – Hẻm Sài Gòn
Chủ đề về cuộc sống con người ở thành phố này cũng được học viên Phan Lương Trường Hải lựa chọn, cụ thể là dự án về hẻm Sài Gòn. Tò mò sau khi vô tình nhìn thấy slide trình chiếu ảnh của học viên khoá trước, anh quyết định tham gia để theo đuổi nhiếp ảnh một cách nghiêm túc hơn bên ngoài công việc chính làm IT của mình. Hải chia sẻ đã học được rất nhiều từ những trao đổi thẳng thắn, trực tiếp vào vấn đề của bạn học với những suy nghĩ và hình thức thể hiện khác nhau, từ đó nhận ra được những hạn chế mà bản thân trước đó không ý thức được. Với kiến thức có được từ khoá học, Hải sẽ tiếp tục đầu tư thời gian để thực hiện dự án ảnh này.

© Pham Luong Truong Hai
© Pham Luong Truong Hai
© Pham Luong Truong Hai
© Pham Luong Truong Hai

Jacky Trần – Chung Cư Ngô Gia Tự
Cũng như những học viên khác, Jacky Trần đã có kinh nghiệm chụp ảnh đơn nhưng muốn có một bộ ảnh kể chuyện cho riêng mình. Với anh, nhiếp ảnh là công cụ để anh thể hiện cách nhìn cuộc sống của mình và lưu giữ kỉ niệm.

Là một cư dân Sài Gòn, anh đặc biệt yêu quý những thứ cũ kỹ của thành phố này, dự án về chung cư Ngô Gia Tự sắp bị giải toả đến từ mối quan tâm cá nhân đó. Anh ghi lại các hoạt động của khu chợ hình thành ngay giữa lòng trung tâm, cách người dân sinh hoạt cũng như những góc khuất khiến chung cư sắp bị giải tỏa. Vì thời gian chuẩn bị cho khoá học khá gấp, anh thấy khó có thể hoàn thiện được bộ ảnh, dù lịch học đã chia ra 2 tuần để học viên có thể khắc phục, bổ sung ảnh.

Jacky Trần chia sẻ đã học được rất nhiều từ người hướng dẫn Hải Thanh cũng như từ chính các anh em học viên trong lớp. Anh vẫn sẽ tiếp tục chụp các chung cư cũ ở Sài Gòn như một hình thức lưu trữ trước khi chúng bị thay thế bởi những toà cao ốc hiện đại. Ngoài ra, anh còn có ý định thực hiện dự án về thứ thân thuộc quanh mình như gia đình, người thân.

© Jacky Tran
© Jacky Tran
© Jacky Tran
© Jacky Tran