Makét 02

Kết Quả Khoá Học ‘Câu Chuyện Hình Ảnh’ Lần 1

Khoá học “Xây dựng câu chuyện hình ảnh với nhiếp ảnh gia Hải Thanh” vừa diễn ra vào ngày 9 – 13 / 1 / 2017 vừa qua tại B Coffee Lounge, tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của 9 nhiếp ảnh gia (NAG) hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Tuy phong cách, quan điểm hình ảnh và mục tiêu của từng học viên rất khác nhau, họ đều có điểm chung là mong muốn phát triển kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh qua việc xây dựng và hoàn thiện các dự án ảnh cá nhân. Dưới đây là phẩn tổng kết, giới thiệu về học viên và phản hồi sau khoá học vừa qua.

Phong Nguyễn – Dear Emma,
Matca đã từng giới thiệu về Phong Nguyễn qua bài viết về ‘tủ sách ảnh’ của anh. Lần này Phong mang đến khoá học bộ ảnh rất tình cảm về Emma – vợ anh, và cái trạm cứu hộ chó mèo nơi đã se duyên họ.

Ảnh: Tấn Ngọc.
Ảnh: Tín Phùng.

Nguyễn Minh Hoàng – Người Đi Qua Người
Minh Hoàng vừa trở về Việt Nam sau khi du học tại Mỹ, hiện Minh Hoàng dành thời gian đi vòng quanh đất nước để tự tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘mình thuộc về nơi đâu’. Bộ ảnh thay cho lời cảm ơn của Hoàng tới “những con người đã đến và chia sẻ với mình một phần cuộc đời họ”.

Điều quan trọng nhất qua khoá học với Hoàng là có thêm những người bạn mới. Tuy vậy, Hoàng mong muốn có thêm thời gian để biên tập và nhận được lời giải thích cặn kẽ hơn từ phía người hướng dẫn vì đây là phần việc mang tính chủ quan cao. Hoàng cũng nhấn mạnh sự chuẩn bị của cá nhân trước và kế hoạch cụ thể trong thời gian thực hiện khoá học là đặc biệt quan trọng. Đáng lẽ, khoá học này là cơ hội hiếm có để các thành viên tham gia trao đổi kiến thức, phê bình lẫn nhau nhưng lại chưa thực hiện được vì mỗi người chưa có mục tiêu rõ ràng và chưa thực sự sẵn sàng.

Ảnh: Tấn Ngọc.
Ảnh: Tín Phùng.

Anh Minh – Sài Gòn Trong Một Đôi Mắt Hà Nội
Anh Minh là một NAG trẻ từ Hà Nội hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, rất năng động với dự án cộng đồng “Humans of Sài Gòn”.

Khoá học là cơ hội giúp Anh Minh nhìn lại quá trình thực hành nhiếp ảnh của bản thân từ đó tìm ra hướng đi thích hợp trong thời gian tới. Cậu cũng khuyên những bạn muốn tham gia khoá học tiếp theo nên chuẩn bị thật kỹ lưỡng dự án ảnh đang làm cũng như tự đặt và trả lời câu hỏi: Mục đích ra đời của bộ ảnh? Bộ ảnh có ý nghĩa như thế nào với bản thân bạn?

Ảnh: Tín Phùng.

Nguyễn Ngọc Hải – Lagi
Là một NAG tự do, Hải mang đến dự án về quê hương Lagi nơi cậu sinh ra và lớn lên, mặc nhiên là chốn cho cậu có thể tìm lại được sự cân bằng, soi rọi, đối chiếu lại con người hiện tại – một người nhập cư ở Sài Gòn.

Một nhiếp ảnh gia trẻ với tinh thần “dù có nợ cũng phải mượn tiền đi học”, Hải đã mong chờ được tham gia khóa học từ lâu vì mong muốn được học hỏi thêm về ảnh tư liệu. Theo Hải, quá trình biên tập và sản xuất đẻ hoàn thiện ảnh bộ thực rất quan trọng, cũng như nguyên liệu ngon nhưng không biết cách chế biến, cách bài trí thì cũng chẳng ai muốn thử.

Ảnh: Tấn Ngọc.
Ảnh: Hải Thanh.

Tín Phùng – Saigon! Saigon!
Là một nhiếp ảnh gia thương mại sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Tín mang đến một bộ ảnh đường phố về thành phố này với các mảng sáng / tối đối lập “để ghi lại hết, để giữ cho mình những điều chẳng bao giờ lặp lại”.

Với Tín đây thực sự là một trả nghiệm hoàn toàn mới khi lần đầu tiên cậu được tham gia một quy trình khép kín từ thực hiện bộ ảnh, biên tập cho tới sản xuất, in ấn và xây dựng triển lãm. Sau khoá học, Tín hiểu không chỉ có vẻ đẹp hiển hiện mà các ‘góc khuất’ của cuộc sống cũng rất cần được khai thác. Tín cũng góp ý về tinh thần làm việc chung của cá nhóm, để đạt được thành công chung cần nhiều hơn sự đóng góp và ‘hy sinh’ của mỗi cá nhân. Người hướng dẫn nên có sự phân công rõ ràng cho mỗi thành viên ở các khoá học sau.

Ảnh: Tấn Ngọc.
Ảnh: Tín Phùng.

Tấn Ngọc – Chuyến Tàu Mang Tên Thống Nhất
NAG trẻ quen thuộc Tấn Ngọc một lần nữa mang tới dự án ảnh dài hơi về đoàn tàu Thống Nhất. Ngọc sử dụng khoá học lần này như một dịp để biên tập lại bộ ảnh phục vụ cho việc triển lãm sau này.

Ảnh: Tín Phùng.

Bảo Zoãn – Trạm Xe Buýt
Bảo Zoãn đến từ Biên Hoà – Đồng Nai, “hiện tại cuộc sống và công việc đều ngắn liền với việc chụp ảnh”. Cậu mang tới khoá học một bộ ảnh double-exposure (chồng phim) để thể hiện sự hối hả cũng như các cung bậc cảm xúc tại các trạm xe buýt.

Học hỏi từ chính mặt tốt và điểm hạn chế từ các học viên khác là điều Bảo thấy có giá trị nhất. Khoá học hay vì hạn chế số lượng học viên nhưng lại dở vì các học viên chưa thực sự cố gắng hoàn thiện bước chuẩn bị đã được đề ra trước đó.

Ảnh: Tấn Ngọc.
Ảnh: Tín Phùng.

Hoàng Việt – Lạc.
Hoàng Việt là cái tên khá nổi trong cộng đồng báo mạng những năm vừa qua vì những bộ ảnh ‘mua nước mắt’ người xem. Dự án của Việt kể về những mất mát cá nhân, “những khoảng trống mà cả thời gian cũng không thể khoả lấp”.

Khoá học giúp Việt thêm trung thực với chính ảnh của mình và có định hướng rõ ràng hơn với đề tài đã chọn. Tuy nhiên do trình độ và phong cách đa dạng của học viên nên kiến thức đưa tới còn dàn trải, chưa được sâu sát theo nhu cầu của từng cá nhân.

Ảnh: Tấn Ngọc.
Ảnh: Tín Phùng.

Định Nguyễn – Linh Ta Linh Tinh
Thêm một cái tên không mấy xa lạ với Matca, “Linh Ta Linh Tinh” của Định Nguyễn “là những ghi chép nhỏ rải rác lẫn lộn không biết kể vào đâu của những ngày hẹn hò với cái máy ảnh”.

Với anh, khoá học giúp xác định rõ hơn việc đặt cùng một bộ ảnh trong ‘triển lãm’ chung và ‘triển lãm’ cá nhân (nếu có) thực tế là rất khác nhau. Anh cũng đưa ý kiến về việc cân bằng thời gian cho các công việc, khoá học lần này còn cập rập dẫn đến triển lãm cuối khoá chưa thực sự đúng với tiêu chuẩn cá nhân đề ra.

Ảnh: Tín Phùng.