Ngày giáp Tết, chúng tôi tìm gặp Nguyễn Hữu Bảo ở nhà riêng trên phố Hàng Đào. Hữu Bảo là một nhà nhiếp ảnh tuổi lục tuần gắn bó với phố cổ Hà Nội mà báo chí vốn ca tụng, nhưng một thanh niên 9x như tôi lại ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm và tác giả. Trước khi gặp gỡ với một nhân vật như vậy, thật khó để không mang ít nhiều định kiến rằng đây sẽ lại là những hình ảnh lãng mạn “đóng đinh” của song xưa phố cũ, chụp bởi một tâm hồn hướng đến những điều đã không còn trong thời thủ đô thay hình đổi mặt. Rồi lại có những ngại ngần về khoảng cách trong thế hệ và có thể là ý thức hệ. Thế nhưng một lần nữa, nhiếp ảnh lại chứng minh được khả năng kết nối con người kỳ diệu của nó. Từ dăm câu chuyện phiếm, Hữu Bảo mở lòng tản mạn về mình, về những mảnh tình Hà Nội ông muốn ghi lại trong hai cuốn sách ảnh Ký Ức Làng và Hà Nội Dấu Yêu, trong khi vẫn khăng khăng phủ nhận mình là nhiếp ảnh gia.
[Hữu Bảo] Tôi chụp cho mình chứ chẳng chụp cho ai, chẳng để đi thi hay lấy giải. Không có mục đích gì cả.
Nói ra thì rất buồn cười, nhưng tự dưng ảnh mình lại trùng hợp với sự vận động của xã hội, khi hệ thống lại thì mới thành câu chuyện một cách tự nhiên. Nhà sách Phương Nam nghe nói ông Bảo có kho ảnh về Hà Nội nên tới đặt vấn đề, chứ tôi không chủ động làm sách. Lúc đó tôi mới hệ thống lại khối lượng ảnh khổng lồ từ mấy chục năm (từ 1978 đến 2015). Lổn nhổn từ thời chưa có máy số, chưa có phim màu, chất lượng lại không đồng đều. Tôi chọn đi chọn lại, cuối cùng ra đâu 200 cái, coi như là tuyển tập Hà Nội Dấu Yêu 1 đi.
Tôi chụp ngày hôm nay nhưng trong đó mang hơi thở của Hà Nội. Tôi không bao giờ giơ ống kính trước cái gì sang trọng, những tà áo thướt tha hay nhà cao cửa rộng… Tôi tìm những mảnh tình trong đời sống của giới cần lao, trong cái chất kẻ chợ. Con người vẫn là cái trọng tâm chứ không phải không gian Hà Nội.
Tôi chụp chính cái hồn vía của mình. Đây chỉ là những hiện tượng mà tôi chắt lọc để làm nên chân dung của chính mình.
Tôi không phải người hoài niệm. Người ta cứ nói ảnh ông Bảo nhìn ra Hà Nội xưa, thực ra không phải thế. Giả dụ nếu chỉ chụp một cánh cổng của ngôi nhà cổ đơn thuần thì là hoài niệm, nhưng nếu ngoài cổng đó có một cô gái mặc mini juyp hiện đại thì lại thành chuyện. Nó phản ánh chuyển động của dĩ vãng còn đó, trong con người, trong bối cảnh.
Tôi chụp toàn “vồ” thôi, không bao giờ dàn dựng. Nhưng thực ra tôi chụp chính tôi chứ ai! Tôi chụp chính cái hồn vía của mình. Đây chỉ là những hiện tượng mà tôi chắt lọc để làm nên chân dung của chính mình.
100 bài viết về tôi thì 99 bài là không đúng. Có bài kêu tôi thao thức đêm hôm đi chụp ảnh. Thực ra là tôi không ngủ được nên lang thang ngoài phố đi chụp ảnh đêm, về buồn ngủ lại ngủ tiếp. Chứ có phải là… tử vì đạo đâu? Chẳng việc gì tôi phải tử vì đạo. Chẳng việc gì phải thần thánh hoá lên.
Nhiếp ảnh với tôi mang tính hưởng thụ nhiều hơn là trách nhiệm. Đơn giản là niềm say mê, mà đã là say mê thì mọi vất vả đều là hưởng thụ. Đừng nhầm lẫn. Ai khiến ông vất vả đâu mà ông kêu? Đừng có lôi vất vả ra doạ người khác. Tôi chỉ biết bức ảnh này đẹp, tốt, hay, chứ đâu biết ông vất vả thế nào. Nhiều người cứ than thở rằng tiếc quá, hôm đó trời xấu hay lúc rút máy ra thì bước chân của con trâu đã qua rồi… Đừng giải thích, ông không thể thanh minh khi ảnh đã treo lên.
Rồi nhiều người tự nhận, hay nhà báo cứ dùng từ “nhiếp ảnh gia” nhẹ như không. Đừng gọi tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh vì tôi không phải nghệ sĩ, đừng gọi là nhiếp ảnh gia vì chưa tới. Cứ gọi là người chụp ảnh hoặc cùng lắm là nhà nhiếp ảnh thôi. Không phải là tôi khó tính, mà nên sòng phẳng. Cũng nên khắt khe với chính mình, đừng ngộ nhận khi nhận được quá nhiều lời khen tặng.
Cái thượng tầng của ảnh là chạm đến được những ái, ố, hỷ, nộ, bi, hài của người xem. Để chụp ảnh đẹp theo kiểu duy mỹ thì cũng khó, nhưng không khó lắm. Những cái ngưỡng của tỉ lệ vàng, ánh sáng, bố cục,… chỉ là hình thức, và nên là phương tiện chứ không được phép trở thành mục đích. Nếu không, ảnh sẽ chỉ mang tính bưu thiếp. Ngày xưa tôi bị bệnh mỹ thuật hoá nhiếp ảnh, nhưng giờ may đã đẩy được cái đó ra khỏi đầu. Tôi có ông bạn hoạ sĩ nhận xét về cái mạnh mà cũng chính là cái yếu trong ảnh tôi, đó là nó chính xác đến từng xăng ti mét, độ chính xác mà chỉ có vẽ mới làm được. Nhưng cái gì đúng quá cũng dở. Người nói gì mà cũng là chân lý cả thì thành độc thoại, nên tránh xa ra.
Tôi muốn ảnh phải có câu chuyện. Ví dụ như tôi đặt hai tấm ảnh cạnh nhau. Mấy bà này thích đi dâng hương lắm, vì thời trẻ không được son phấn, họ rất cần lao, giờ lại được quấn khăn vàng, mặc áo vàng, tô son dặm phấn. Có chi tiết cái gương đặc trưng là gương hàng xén. Bên cạnh là tấm ảnh hai cô gái trẻ, cô đang thấm son, cô tranh thủ sửa lại tóc qua cửa kính ô tô.
Tấm này tôi muốn tập trung vào ánh mắt buồn của ni cô. Cô ôm đứa trẻ không phải của mình, biết đâu cô theo Phật nhưng trong lòng vẫn còn nhiều vương vấn. Nhiều người đọc được ý đồ này của tôi. Tôi đánh giá rất cao những người biết đọc ảnh. Có những người có nghề, biết “phẫu thuật” ảnh, biết nó đẹp vì điều này điều kia. Có người rất bản năng, chỉ biết thích. Đừng coi thường những người thật bình dị, chân thành, vì họ có những cảm xúc hồn nhiên mà khi nói ra ta mới giật mình vì đúng.
Chụp ảnh phải có nghề trước, có nghệ sau. Có nghệ mà không có nghề thì không thành nhiếp ảnh được. Nhưng cá nhân tôi không coi nó là loại hình nghệ thuật. Không có nhiếp ảnh nghệ thuật, chỉ có nghệ thuật nhiếp ảnh. Tôi thiên về ý rằng nhiếp ảnh là thể loại báo chí hình có tính nghệ thuật. “Nghệ thuật” chỉ được đứng làm tính từ, không làm danh từ. Đó là suy nghĩ riêng của tôi, mổ xẻ ra thì rất mệt nhưng thôi, bỏ qua đi.
Nhiếp ảnh là báo chí, hiện thực cộng với nhân sinh quan của người chụp. Câu hỏi là người chụp có cái nhân văn trong mình hay không? Cùng chụp một người ăn mày, tại sao có ảnh ta thấy được sự chia sẻ với nỗi đau, có ảnh lại thấy sự thương hại của bậc bề trên? Những cái đó không thể giải thích bằng chữ nghĩa được. Ảnh có ngôn ngữ riêng của nó. Tôi muốn đi theo cái mạch đó, chẳng biết đúng hay sai nhưng đó là lòng mình. Từng tuổi này rồi mà không bừng tỉnh ra thì…
Nhiếp ảnh là học quan sát. Tôi đi xe máy chậm, đi xe đạp chậm, đi bộ lại càng chậm, bệnh nghề nghiệp mà. Tôi ra ngoài đường luôn cầm máy ảnh – không đi chụp ảnh mà là đi chơi mang theo máy ảnh. Mình buông hết. Ngày xưa trước khi đi thì chuẩn bị tính toán trong đầu, nhưng giờ quên đi, cái gì trong giờ phút nào cũng là cuộc đời cả. Cứ ôm cái mong muốn ấy, không được thì đau khổ, thoái chí, tan nát lòng. Nhưng mất mát là đương nhiên. Mà tập quen với cái đó không đơn giản đâu.