Makét 02

Học, Làm & Chơi Ảnh Đen Trắng Với Noirfoto

Toạ lạc trên tầng hai của quán cà phê Ga Mười Chín tại số 19 Xa Lộ Hà Nội, Noirfoto là một studio đặc biệt chuyên dành cho những ai yêu thích nhiếp ảnh đen trắng thủ công. Phạm Tuấn Ngọc, ông bố toàn thời gian kiêm nhiếp ảnh gia tự do du học từ Paris về đã dành thời gian để xây dựng một studio riêng cho đam mê của mình, bắt đầu từ con số 0 với những khó khăn về tài chính.

© Ha Dao

“Nếu làm phòng tối mà chỉ để chơi, nghĩa là chỉ làm để thoả mãn bản thân mình thôi, thì rất dễ rơi vào tình trạng sao cũng được, nửa vời. Trong khi, thiết bị không chuẩn thì khó mà làm ra những bức ảnh tốt. Chất lượng một bức ảnh rọi tay phụ thuộc vào thiết bị và quy trình, nên tôi muốn đầu tư ở mức chuyên nghiệp nhất có thể” – anh chia sẻ khi vẫn đang đều tay lắc tank tráng cuộn film vừa chụp.

9 tháng vừa qua, bên cạnh công việc chụp ảnh thương mại, Ngọc loay hoay xây dựng một không gian nghệ thuật để mang đến một nơi chuyên nghiệp cung cấp từ A – Z cho những người thích chụp phim đen trắng – một cộng đồng còn khá nhỏ ở Sài Gòn. “Một phần cũng là để phục vụ cho đam mê của mình bởi chờ đợi mãi mà chẳng thấy ai làm, trong khi mình có thể làm được thì mình làm thôi”.

© Ha Dao
© Ha Dao
© Maai Faam
© Ha Dao

Tuy nhiên, để làm dịch vụ, việc xây dựng phòng tối trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi phải đầu tư chăm chút nhiều hơn so với việc chỉ thoả mãn nhu cầu của cá nhân mình. Do đó, Ngọc đã rất trăn trở và loay hoay để tính toán và thiết kế sao cho phù hợp nhất, tiện lợi nhất dành cho khách. Và tất nhiên, điều này khiến anh phải đầu tư một khoản tiền lớn hơn nhiều. “Mình muốn khách cảm thấy tiện dụng nhất, tiêu tốn ít thời gian nhất cho công cuộc chuẩn bị và căn chuẩn đến từng phút một. Thời gian là tiền bạc, nên mọi thứ trong phòng tối đều sẵn sàng để một người bước chân vào phòng tối của tôi cho đến lúc sẵn sàng để rọi ảnh chỉ mất 10 phút thôi” – Ngọc chia sẻ.

Và để phục vụ cho sự tiện lợi đó, phòng tối của anh luôn sẵn sàng những điều kiện cơ bản: 3 loại hoá chất, các loại giấy rọi ảnh của hãng Ilford được nhập tại store B&H ở Mỹ, một đồng hồ đếm giờ chuẩn mực, khu vực rửa ảnh có vòi nóng/lạnh để ngay lập tức pha được nước chuẩn 20 độ C và máy rọi ảnh cỡ đại cũng được ship từ Mỹ về. Tất nhiên, không thể thiếu các kích cỡ phim đen trắng của các hãng sản xuất khác nhau để cung cấp cho khách trong bất kỳ thời gian nào.

© Ha Dao

Là một người cầu toàn, Tuấn Ngọc cho rằng việc chụp ảnh và tự tráng rọi là một điều đương nhiên đối với người thích chụp ảnh phim đen trắng. Bởi một bức ảnh không chỉ dừng ở việc bấm nút chụp, mà nó còn nằm ở việc bạn sẽ xử lý những dải màu trắng đen đó như thế nào trong phòng tối. Với suy nghĩ đó, anh đã mở lớp dạy kỹ thuật phòng tối bao gồm tráng và rọi ảnh để truyền niềm cảm hứng đó đến với mọi người. Và sau những tháng ngày các khách hàng chỉ đưa phim cho anh tự làm, nay đã có thêm những học viên lọ mọ học tráng rọi ảnh. Đấy là cả một quá trình với nhiều rủi ro bởi chỉ một sai sót nhỏ thôi, coi như sẽ phải làm lại từ đầu. Vì thế, anh thấy vui khi rất nhiều người đã tìm đến lớp học và đến nay, họ đã có thể tự tráng rọi ảnh của chính mình.

Chia sẻ về việc rọi ảnh bằng tay, bỏ qua những con số và kỹ thuật phức tạp có thể làm chùn lòng lính mới, Ngọc chỉ nói đơn giản rằng việc thấy ảnh từ từ hiện lên dưới tay mình là một cảm giác màu nhiệm, mà kể cả có làm cả trăm lần rồi thì vẫn cứ thấy sướng.Anh cũng tự nhận, thực ra cái thú này rất phù phiếm, vì cũng chẳng ai quan tâm mình bỏ bao nhiêu tiền đầu tư thiết bị hay bao nhiêu thời gian mài giũa kĩ năng, rốt cuộc ảnh đẹp hay không thì lại quay về con mắt của người xem và quá dễ dàng để buông một lời nhận xét. Có lẽ, điều này khó để thuyết phục bằng câu trả lời gãy gọn, mà phải qua sự tự trải nghiệm, chứng thực…

© Ha Dao
© Maai Faam

Với Ngọc, anh không xây dựng Noirfoto chỉ để phục vụ cho mỗi việc chụp, tráng, rọi ảnh trắng đen như một cái xưởng mọi người đến làm rồi về. Mà anh muốn có một nơi thực sự để chia sẻ về nhiếp ảnh analog, về điều kỳ diệu tạo nên những câu chuyện kể sống động bằng ảnh chỉ với ba công cụ căn bản của nhiếp ảnh: máy ảnh analog, film và bản in. Đây là khởi thuỷ của nền nhiếp ảnh và cũng là đỉnh cao mà những người mê analog hướng đến. Vì thế, Noirfoto đã bắt tay hợp tác với hàng loạt khách mời là các nhiếp ảnh gia đến từ khắp nơi trên thế giới để tổ chức các workshop về các loại nhiếp ảnh analog như tintype, collodion…

Ngọc tin rằng, ảnh analog nói chung và ảnh phim trắng đen nói riêng sẽ luôn có chỗ đứng của nó dù thời thế có thay đổi. Có thêm lựa chọn kể câu chuyện mình muốn kể bao giờ cũng tốt hơn là bị giới hạn về phương tiện, nhất là khi những lựa chọn ấy đã tồn tại qua những thăng trầm của thời gian. Nhưng đương nhiên, không có máy ảnh nào tốt hơn hay hay hơn máy ảnh nào, mọi giá trị cốt lõi đều quay về việc bản thân tác giả có tận hưởng công việc sáng tác hay không chứ không nằm ở công cụ. Và điều quan trọng nhất của một nhiếp ảnh gia là tác phẩm kể được câu chuyện muốn kể, tạo nên sự đồng điệu và chạm được tới người xem để khiến người rung động.

Hà Đào là một cây viết và nhiếp ảnh gia hiện đang làm việc tại Hà Nội. Hiện tại cô đang theo đuổi dự án ảnh cá nhân về các nhóm thiểu số và lịch sử gia đình.
Kết nối với Hà tại FacebookInstagram.