Foundry Photo Workshop (Foundry) là khoá học ảnh bảo chí thường niên được tổ chức mỗi năm tại một địa điểm khác nhau trên thế giới. Foundry tập hợp được những cái tên hàng đầu trong làng ảnh báo chí đứng lớp với sự tham dự của hơn 100 học viên mỗi năm. Tham dự khoá học có thu phí này, học viên sẽ được lựa chọn một phóng viên ảnh làm người hướng dẫn trong việc hoàn thiện một bộ ảnh ngắn với thời gian một tuần. Khoá học lần thứ 10 được tổ chức tại thành phố Kolkata, Ấn Độ vừa qua đón chào các học viên từ khắp mọi miền, bao gồm cả những nhiếp ảnh gia người Việt hoặc những người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Lala Phan, nhiếp ảnh gia tự do hiện đang sinh sống tại Myanmar – Nhóm Sebastian Liste
Nhiếp ảnh báo chí là mảng mình rất quan tâm và muốn học hỏi nhằm phát triển thêm. Mình lựa chọn tham gia Foundry trước nhất vì đây là cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ nhiều nhiếp ảnh gia có tên tuổi trong ngành. Học viên không chỉ nhận được sự dẫn dắt từ một người hướng dẫn mà họ lựa chọn, mà còn còn được lắng nghe những chia sẻ về công việc và được truyền cảm hứng từ nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác cùng gần 100 học viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Foundry năm nay được tổ chức tại Kolkata, một thành phố rất giàu bản sắc, màu sắc, chất liệu nên cũng là một điểm đến thú vị với bản thân mình.
Là người yêu động vật và quan tâm đến quyền lợi của chúng, mình quyết định chụp lại một phần đời của những con gà để tìm cách nâng cao nhận thức về sự tàn nhẫn trong nhiều công đoạn đối với động vật nuôi lấy thịt. Mình tìm đến các khu chợ bán buôn bán lẻ gà trong thành phố, trang trại gà ở ngoại thành và dành phần lớn thời gian quanh đó quan sát, chụp hình, làm quen với các chủ tiệm, lái xe và công nhân ở đây. Người lao động ở đây hầu như không nói được tiếng Anh nên mình tận dụng nhiều ngôn ngữ cử chỉ và những phiên dịch “bất đắc dĩ” mình bắt gặp trên phố để làm cầu nối. Một trong những cái khó là phải tìm cách được chấp nhận ở đó để chụp ảnh, khi mà hành vi của họ đã từng bị báo chí lên án nhiều lần.
Mình may mắn được học cùng Sebastian Liste, nhiếp ảnh gia còn khá trẻ nhưng tên tuổi gắn liền với nhiều giải thưởng nhiếp ảnh lớn. Ngoài những hướng dẫn của anh về thị giác và nội dung, điều mình cảm thấy quý giá hơn cả là cảm nhận được mối quan tâm của anh đến những vấn đề xã hội mà anh theo đuổi. Nghệ thuật hay báo chí thực sự có giá trị nếu chúng mang theo những giá trị nhân đạo, nhân văn. Ngoài ra, những chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận chủ thể, vấn đề, cách biên tập ảnh, cách tiếp cận các nhà xuất bản và các giải thưởng,… cũng vô cùng thú vị.
Nếu bạn quan tâm đến nhiếp ảnh báo chí và muốn học hỏi để phát triển sâu hơn trong lĩnh vực này, Foundry sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Khóa học không mang tính cạnh tranh mà đề cao phát triển bản thân và góc nhìn cá nhân, nên dù bạn ở level nào cũng sẽ học được. Một lời khuyên nữa là thay vì chọn người hướng dẫn vì tên tuổi, nên chọn người có phong cách thị giác mà bạn yêu thích hay đã từng làm việc về những chủ đề mà bạn quan tâm.
Tim Gerard Baker, nhiếp ảnh gia thương mại ở Sài Gòn – nhóm Maggie Steber
Tôi trở lại với Foundry sau lần đầu tiên tham gia khoá học 2015 tại Bali. Tôi rất thích khoá học này, và đồng thời cũng đã khá lâu rồi tôi chưa thử thách bản thân với việc thực hiện một câu chuyện hoàn chỉnh. Khi Foundry được tổ chức tại châu Á, tôi đã đăng ký rất sớm vì biết rằng mình sẽ được phân vào nhóm của người hướng dẫn mình mong muốn.
Câu chuyện của tôi xoay quanh Mahavir Seva Sadan – một tổ chức sản xuất và cung cấp chân tay giả miễn phí cho những người có nhu cầu. Kế hoạch ban đầu là đến phòng khám của họ ở Kolkata và trò chuyện với bệnh nhân, với hy vọng rằng có thể thực hiện bộ ảnh xoay quanh cuộc sống đời thường của một người tàn tật ở Kolkata. Nhưng sự thật là phần lớn bệnh nhân tôi gặp sống rất xa Kolkata và phải đi một đoạn đường dài để đến được phòng khám, nên tôi lo rằng khó có thể làm dự án như vậy trong vòng 1 tuần. Vì thế, tôi đã tập trung vào những nhân viên của tổ chức – những người chính học cũng cụt chân tay.
Maggie Steber là một người hướng dẫn tuyệt vời. Bà lắng nghe ý tưởng của tôi, rồi thảo luận về việc không chỉ chụp những tác phẩm có sức nặng, mà còn chụp những tác phẩm tốt có thể xuất bản được. Bà khuyến khích tôi tiếp tục chụp chân dung và cuối cùng tôi đã giới thiệu 10 tấm chân dung trong buổi trình chiếu. Cuối khoá học, bà cùng tôi xem hết những ảnh khác tôi đã chụp và gợi ý về cách thuyết trình tác phẩm tới nhà xuất bản. Maggie cũng gợi ý tôi nên hạn chế công khai bộ ảnh cho tới khi tìm được một nhà xuất bản, nên tôi chỉ công bố một bức ảnh tại đây.
Lời khuyên của tôi cho những người muốn tham gia khoá học là hãy đăng ký càng sớm càng tốt. Tôi đã đăng ký cho khoá học 2018 vào ngày mà khoá học bắt đầu mở đơn năm ngoái. Khi danh sách giảng viên được công bố, tôi đã dành thời gian suy nghĩ, liên hệ với một số học viên của Maggie Steber vào năm 2015 và của một số những giảng viên khác mà tôi thích. Cuối cùng, tất cả học viên của Maggie đều có phản hồi rất tích cực; tôi nghe theo lời khuyên của họ và đã không thất vọng.
Để tận dụng được tối đa khoá học, bạn tốt nhất nên dành thời gian vào những tuần trước khi khoá học diễn ra để biết chắc rằng mình muốn làm gì. Tôi đọc các bài báo về Kolkata và tìm kiếm các tổ chức xem có gì đáng quan tâm. Tôi cũng nghĩ rằng cố gắng đến nơi sớm để có thể hình dung ý tưởng của mình cũng rất quan trọng. Tôi đến Kolkata 5 ngày trước khi bắt đầu khoá học để ổn định, gặp tổ chức đó, tìm một người phiên dịch và dành ra 1 ngày để chụp ảnh.
Hà Đào, cây viết & nhiếp ảnh gia tại Hà Nội – Nhóm Kirsten Luce & Ashima Narain
Mình lựa chọn đi Foundry cũng rất hú hoạ vì bản thân không định hướng theo ảnh báo chí, mà trước khi đi cũng chẳng chuẩn bị gì. Thế nhưng Foundry đã là một trải nghiệm rất bổ ích và đáng nhớ, không chỉ từ việc đi chụp, mà còn từ những buổi toạ đàm chia sẻ hàng tối, quan sát giáo viên biên tập ảnh, hay đơn giản là ở bên những người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau nhưng có quyết tâm chung là học chụp ảnh. Trong lớp mình có nào sinh viên, biên kịch, bác sĩ tâm lý, người đạp xe vòng quanh thế giới, tất cả đều hừng hực khí thế thực hiện một câu chuyện ảnh ở đây. Góp phần không nhỏ để tạo nên nguồn năng lượng tích cực này đương nhiên là sự khuyến khích, thúc giục và hướng dẫn từ nữ phóng viên ảnh Kirsten Luce – cộng tác viên thường xuyên với New York Times và Ashima Narain – cựu biên tập ảnh của National Geographic Traveller.
Mình chọn chụp những học viên nam theo bộ môn đấu vật truyền thống tại một địa điểm lâu đời của Kolkata. Vì tính truyền thống độc đáo và những pha hành động dễ ăn ảnh mà đề tài này đã thu hút không ít tạp chí tới đưa tin và nhiếp ảnh gia đã tới sáng tác, bao gồm cả Steve McCurry. Vì nhân vật đã quen tạo dáng trước máy ảnh, nên mình cố gắng tới đó mỗi ngày để họ thoải mái, thả lỏng hơn và để mình có thể tìm ra một góc nhìn khác. Mình tập trung khắc hoạ sự thân mật giữa những chàng trai trẻ này dù là trên đấu trường hay khi vô tư choàng vai bá cổ lúc nghỉ ngơi. Thay vì hung hăng và cạnh tranh, mình quan sát thấy đấu vật có tính vui đùa, như một điệu nhảy hơn là một bộ môn tranh đấu.
Vào ngày đầu tiên, mình đã chụp ảnh theo cả phong cách ảnh báo chí thông thường (góc rộng, ảnh mang tính thông tin, nhiều pha hành động) và theo như cách mình vẫn chụp (cận cảnh, tập trung vào ngôn ngữ cơ thể, đôi khi trừu tượng hoá). Và cả hai người hướng dẫn gợi ý ngay rằng hãy làm câu chuyện này theo đúng phong cách của mình. Dù đây là một khoá học ảnh báo chí, mình rất trân trọng sự tự do cho phép trong cách thể hiện câu chuyện hình ảnh, bởi chính các tờ báo lớn cũng đang dần cởi mở hơn với những thử nghiệm đa dạng trong ảnh báo chí.
Bên cạnh đó, những sự kiện toạ đàm vào buổi tối cũng cực kì nhiều thông tin thiết thực và hữu ích. Ở đây những phóng viên ảnh hàng đầu đã chia sẻ về công việc và thảo luận nhiều khía cạnh trong nghề, như đưa tin từ chiến trường, theo đuổi dự án tư liệu cá nhân dài hạn, xây dựng thương hiệu cá nhân hay cách làm việc hiệu quả với biên tập ảnh. Đừng bỏ lỡ chúng nếu bạn có dự định tham gia Foundry. Hàng năm đều có chương trình học bổng tài trợ học phí toàn phần mà mình may mắn được nhận năm nay, đừng ngại liên lạc với Matca nếu bạn cần hỗ trợ biên tập portfolio nhé!