“Lab bên mình khó tìm lắm, bạn đến thì gọi điện mình xuống đón nhé!” – đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Hảo, cô nhân viên của XiXomXiBet, hay chính là X-lab bây giờ. Tóc tém, da ngăm, dáng loắt choắt, Hảo như đang bơi trong chiếc áo phông quá khổ. Trẻ măng so với độ tuổi 24 khi đó, Hảo khiến tôi không biết phải xưng hô thế nào cho “phải phép.” Do vậy, dù hơn tôi tới tận 4 tuổi nhưng đến bây giờ Hảo và tôi vẫn xưng hô bằng vai phải lứa.
Trước khi cộng đồng film trở nên nhộn nhịp như ngày hôm nay, có thời điểm, những hàng ảnh truyền thống đã phải đóng cửa hoặc từ bỏ dịch vụ tráng rửa film và chuyển hướng sang những công nghệ kỹ thuật số hiện đại để sinh tồn. Bản thân vẫn trung thành với loại hình này bởi sự phù hợp với phong cách chụp chây ì của bản thân, nhưng đã có lúc, tôi phải dừng lại bởi không tìm nổi một nơi nào đủ tin cậy để gửi những cuộn film âm bản quý giá. Không quá khi nói rằng gặp Hảo là một trong những lí do chính khiến tôi tiếp tục chụp film. Không chỉ là một người tôi “chọn mặt gửi vàng” để tráng 60 cuộn film của mình, Hảo còn là một người bạn tốt.
Hảo sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Sau khi học xong cấp 3, vì một vài lý do cá nhân mà bạn đi làm luôn thay vì thi Đại học. Tình cờ, Hảo được nhận vào hiệu ảnh Hoà Bình trên phố Đinh Tiên Hoàng và học về cách xử lý âm bản. Năm 2007, vì nhiều thợ ảnh Bờ Hồ vẫn sử dụng máy film nên Hảo có cơ hội xử lý hàng tá film mỗi ngày và nâng cao kỹ thuật của bản thân.
Tới năm 2011, Hảo về làm việc ở XiXomXiBet, một trong những nơi tiên phong giúp hồi sinh lại phong trào chụp film ở cộng đồng địa phương. Dù nổi tiếng với dịch vụ tráng và scan siêu tốc trong một giờ, nhưng ai ai đến lab cũng nán lại lâu hơn. Tôi chẳng phải ngoại lệ.
Trên ban công rào rạc gió mùa hè, tiếng xe cộ văng vẳng từ khu phố nhộn nhịp bên dưới và những câu chuyện xoay quanh chiếc máy ảnh cũ kĩ, những khách hàng xa lạ dần trở thành những người bạn thân. Hảo luôn ở trung tâm gắn kết mọi người, liên tay scan film và liên miệng tham gia những câu chuyện nhắng nhít tầm phào. Một vài năm sau, mặc cho nhiều lab film khác mọc lên, tôi vẫn lái xe 10 km mỗi tuần để đưa film mình cho Hảo. Bạn chắc chắn không phải người tráng giỏi nhất hay nhiều kinh nghiệm nhất, nhưng là người tôi tin tưởng nhất.
Tại nơi làm việc của Hảo, dân chơi film tụ tập và coi đó là nhà. Người bạn chung Ami Hà của chúng tôi gặp Hảo năm 2010 ở X-lab Hàng Bè. Hồi đó, ngày nào cô cũng đi chụp rồi mang film đến tráng. Từ lần đầu bắt chuyện trong lúc chờ đợi, “tần suất ngồi bia mực của hai đứa ngày một nhiều,” tình bạn giữa hai người nảy nở từ đó.
“Lên lab ngồi nhiều nên mình cũng gặp được nhiều người chụp film khác, có thể coi là nhờ Hảo mà có thêm bạn vì mình là người ít ngoại giao, nên ít bạn bè trong cộng đồng ảnh,” Ami chia sẻ. Hảo tráng film của Ami, rồi Ami lại chỉ Hảo chụp ảnh. Có đợt, mỗi tuần Hảo dành ra một ngày bắt đầu giờ làm muộn hơn để đi chụp ảnh cùng nhóm bạn.
Hảo chịu khó và đã quen với chuyện làm việc ngày đêm. Nhiều khách gửi ảnh muộn hơn 9 giờ tối, thì đến 11 giờ đã nhận được ảnh scan. Từ sáng tới đêm, trong cả ngày nghỉ lễ và thậm chí là dịp Tết, Hảo ngồi trong căn phòng nhỏ nồng mùi hoá chất cùng tiếng vù vù của máy scan và quạt hút, cần cù làm việc và ngâm nga hát. Mặc cho cuộc sống xô bồ và khó khăn, Hảo luôn giữ thái độ lạc quan và chẳng bao giờ lười biếng. Từ việc cắt film, để ý phong cách chụp của khách hàng và chỉnh màu khi scan, Hảo cố hết sức có thể để mỗi tấm film ra được ưng ý nhất.
Do bộn bề việc học và làm, mãi tới tháng 8 năm ngoái, tôi mới gặp lại Hảo khi bạn vừa chuyển về AEG lab. Hảo vẫn vậy – tâm hồn vẫn trẻ trung, vô tư và chăm chỉ. Thế nhưng, giọng Hảo bắt đầu khàn đi; làn da bạn sạm dần và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu dị ứng. Sau gần 10 năm tiếp xúc liên tục với hoá chất C41, trong môi trường làm việc không đủ an toàn, sức khoẻ của Hảo đã bị ảnh hưởng. Bạn kể với tôi về quyết định nghỉ việc. Tôi biết Hảo phải phân vân rất nhiều, bởi đây là nghề Hảo nằm lòng và đã mang lại biết bao cơ duyên bạn bè cùng những kỷ niệm đáng nhớ.
Rốt cuộc, Hảo cũng rời AEG lab và cả sự nghiệp tráng film trong một thập kỷ qua. Mặc dù buồn, tôi vui cho Hảo nhiều hơn. Từ giờ, sẽ chẳng còn ai ưu tiên film của tôi, hiểu được tôi đã chụp cái quái gì và thành thật nói nếu tôi chụp xấu. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng Hảo sẽ có một công việc ổn định trong một môi trường tốt hơn. Là khách và sau đó là bạn của Hảo, đây là điều tôi hằng mong muốn.
* Bài viết nằm trong chuỗi câu chuyện về những con người thầm lặng tuy không cầm máy sáng tác nhưng lại là những mắt xích quan trọng trong quy trình sản xuất nhiếp ảnh hoàn thiện – biên tập viên, chuyên gia in ấn, trợ lý nhiếp ảnh,… – những người thường không được nhắc tên hoặc nhớ tới, mặc những đóng góp rất đỗi quan trọng của họ trong sự nghiệp của bất kỳ nhiếp ảnh gia nào.